Nguyễn Hải
1. Một thời làm liên lạc đặc
biệt miền Nam.
Tôi nhập ngũ tháng 7 năm
1947, cũng vừa mới 17 tuổi, cái tuổi "bẻ gẫy sừng trâu", làm không biết
mệt, không ngại gian khổ hy sinh. Tôi được anh Đỗ Khắc Quảng tức bác Văn nhận từ
Ban giao thông công đoàn Hà Nam về tổ chức thành trạm liên lạc. Lúc đó trạm có
bốn người, anh Văn là trạm trưởng, anh Thụ "rụt" vì cổ anh hơi rụt,
anh Sâm và tôi, có nhiệm vụ vừa tìm đường vừa chuyển công văn, tài liệu đến Khu
3. Còn anh Sâm "lé" vì chưa biết đi xe đạp nên làm quản lý và chạy
công văn nội bộ. Anh em chúng tôi sống với nhau thân ái. Ngoài công tác thì làm
báo. Trạm chúng tôi có tờ "Gió biển". Tôi chữ đẹp lại kẻ chữ và vẽ
cũng được nên đảm nhiệm "ấn loát". Cơm nước không phải nấu đã có chủ
nhà giúp, hàng tháng ăn bữa nào thì trả tiền bữa ấy. Tôi và anh Thụ thay nhau
chuyển công văn, tài liệu sang Khu 3. Lúc đầu đường sá chưa biết nên từ Cống
Khê qua chợ Đại, Đồng Văn qua đò Hòa Mạc sang Hưng Yên qua Tiên Lữ đến Bến Hiệp
rồi về huyện Quỳnh Côi đến Khu bộ Khu 3, chúng tôi vừa đi vừa hỏi đường. Những
lần đi công tác có hôm phải chịu đói, khát, phải dắt xe đạp dưới trời nắng do
săm xe vá nhiều, trời nắng cứ bị xì hơi, đi 5-7 cây số mới gặp một chỗ vá săm hoặc
một quán bán nước kèm vài tấm bánh. Những ngày nắng đã khổ, những ngày mưa còn
khổ cực hơn. Thời kỳ đó tôi cũng mới lớn, tuy sức khỏe cũng khá nhưng với cái
xe đạp đờ-mi-công-pho khá nặng cùng đôi lốp to bè và săm thì vá chằng vá đụp lại
đèo bị tài liệu 5-10 kg cứ lái lượn qua các hố hoa mai của đường chống xe cơ giới
địch trơn vì đất bùn, không lái giỏi thì ngã xuống hố không vỡ đầu cũng mẻ
trán. Không những vậy còn phải vác xe qua các ụ đất to như cái nhà có cắm các cọc
sắt án ngữ trên đường vừa trơn vừa khó, vác xe cũng toát hết mồ hôi, bủn rủn cả
người. Khó khăn, cực khổ như vậy nào đã thấm tháp gì mỗi lần địch chuyển quân
qua Hưng Yên, chúng bắn pháo bừa bãi, càn quét, tôi vừa phải bảo vệ công văn
tài liệu, vừa phải đi tìm dân quân tự vệ giúp đỡ, nghe ngóng tình hình địch để
khi có cơ hội là đi được ngay. Chúng tôi không chỉ bảo đảm đưa công văn, tài liệu
theo đúng quy định mà thường xuyên vượt thời gian từ nửa ngày đến một ngày, với
công văn hỏa tốc hẹn giờ cũng vậy. Cứ liên tục như thế, có tháng chúng tôi đi
trên đường 25-27 ngày, người cứ đen như củ tam thất. Thời kỳ đầu của kháng chiến
chúng tôi sống vô tư, không hề kể công, chỉ nghĩ một điều đơn giản là trên giao
nhiệm vụ phải cố gắng hoàn thành để kháng chiến chóng thành công.
2. Bảo đảm công văn tài liệu
khi địch nhảy dù.
Tôi làm liên lạc một thời
gian thì được cấp trên điều về làm văn thư của đại đội. Đại đội đóng ở Mỹ Đức –
Hà Đông, bên cạnh sông đối diện là thị trấn Vân Đình. Các cán bộ đại đội đều đi
họp xa, ở nhà chỉ còn tôi và một liên lạc. Đúng lúc đó, vào buổi sáng sớm, Pháp
nhảy dù xuống Vân Đình định chụp bắt cán bộ cao cấp của ta. Trên trời máy bay
chiến đấu địch quần đảo bắn phá, bảo vệ cho các máy bay vận tải thả dù. Ở dưới
đất bộ đội ta thấy địch bất ngờ nhảy dù liền vừa hành tiến vừa đặt 12 ly 7 bắn
liên hồi. Tiếng súng, tiếng máy bay địch ầm vang, nhân dân trong vùng bỏ chạy
tán loạn. Đồng chí liên lạc đang tắm ở sông, thấy địch bắn phá, nhảy dù cũng bỏ
chạy không về. Tài liệu, quân trang, quân dụng thì nhiều, trong hoàn cảnh đó,
tôi cùng chủ nhà cất giấu rồi vội thu tài liệu cho vào bị gánh chạy đi tìm đơn
vị và xin người giúp trở về chuyển hết các thứ về nơi an toàn.
3. "Đá thử vàng, gian
nan thử sức".
Thời gian tôi làm cộng tác
viên, được giao nhiệm vụ đi tìm đường bí mật để phòng khi bị địch phong tỏa đường
liên lạc thì có đường dự bị không để gián đoạn liên lạc. Phương tiện chỉ có bản
đồ và cứ theo đó tìm ra đường, tính toán quãng đường để định thời gian đi và bố
trí nơi nghỉ, quan hệ với địa phương giúp đỡ dẫn đường, cho ăn uống bảo vệ khi
cần thiết. Có lần đi, tôi bị lạc trong rừng, bụng đói, trời lại tối, tiến thoái
lưỡng nan. Tôi tìm được bụi nứa, sẵn dao và bật lửa liền làm hai bó to, đốt một
bó còn một bó kéo lê dưới đất để phòng có hổ thì nó sợ chạy đi. Càng đi càng
sâu vào rừng trong đêm hoang vắng, một mình cô độc, thỉnh thoảng lại có tiếng sột
soạt của thú rừng chạy làm cho tóc gáy lại dựng lên. Tuy sợ nhưng tôi lại tự động
viên mình "Đá thử vàng, gian nan thử sức", cứ đi may ra có thấy
nhà dân thì vào xin nghỉ, xin ăn và hỏi đường rồi mai đi tiếp. Quả nhiên tôi
không phải ngồi ngủ trên cây mà nhìn từ xa thấy đốm lửa nhà sàn. Tôi cứ chiếu
đó đi vào cũng khá vất vả. Sau khi được ăn và được biết là đã đi lạc khá xa nên
khi ngủ tuy rất mệt vẫn cứ giật mình thon thót vì chưa tan hết nỗi sợ bị lạc
trong rừng.
Sáng hôm sau tôi phải nhờ
người dân dẫn đường mới ra khỏi rừng và tiếp tục công việc của mình là tìm đường
liên lạc dự bị.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét