Mạnh Dung - nguyên học viên
lớp Lục quân Thông tin khóa 7
Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn
ở trên một vùng đất thuộc huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có nhiều đồi
núi rất thuận lợi cho việc luyện tập ở thao trường.
Tháng huấn luyện tân binh
trôi qua, chúng tôi được lệnh tập trung để biên chế chính thức vào đơn vị mới, chuẩn
bị cho một cuộc hành quân dài...
Đoàn chúng tôi chia thành 3
khối: khối Không quân, khối Hải quân, khối Lục quân. Tôi được biên chế vào khối
Lục quân. Bọn học trò chúng tôi xa nhau từ đấy. Khối Lục quân lập thành 1 tiểu
đoàn, được giao nhiệm vụ hành quân sang đất bạn để học tập.
Chuẩn bị cho cuộc hành quân
xa cũng chẳng có gì. Ba lô thì mỗi người một kiểu: cái bằng da bò, cái bằng vải
may theo hình chữ nhật buộc bằng dải vải, cái đan bằng mây. Quần áo mỗi người một
bộ mặc trên người, một bộ bỏ trong ba lô, nhiều người không có chăn màn. Chúng
tôi không mang theo vũ khí, chỉ mang theo lương thực để ăn. Chúng tôi lên đường
hướng ra phía tây lên Hồi Xuân – La Hán sang đất Hòa Bình. Rừng tiếp rừng bạt
ngàn. Mấy ngày đầu, được đi trên đất lạ, chưa bao giờ được nhìn thấy núi rừng
trùng điệp, tôi cảm thấy háo hức, thỏa tính mạo hiểm của mình. Cứ thế, ngày đi,
đêm nghỉ, chúng tôi xuyên từ rừng này qua rừng khác. Đôi chân chưa bao giờ phải
đi xa, phồng lên, dập nước, đau rát. Có người không chịu nổi, bỏ cả dép lốp đi
đất. Suốt ngày đi trong rừng nhiều hôm trời mưa, quần áo ướt đẫm rồi lại khô.
Lương thực mang theo cạn dần. Có hôm hành quân đến nơi nghỉ chúng tôi chia nhau
từng hạt ngô rang, uống mỗi người mấy bát nước chè "lá ổi" rồi lại tiếp
tục lên đường.
Cái đói, cái khát giày vò
chúng tôi. Khi dừng chân nghỉ ở một bản Mường, tiểu đội tôi ngồi trên nhà sàn
thấy trong nương của gia đình nọ có mấy cây mít, có quả chín rơi xuống đất vỡ
ra từng múi, múi mít đã nát, mùi thơm quyến rũ nhưng không ăn được nữa. Anh em
bảo tôi xuống lấy hạt đem rang ăn. Khi cả tiểu đội đang quây quần ăn hạt mít
ngon lành thì anh K... đến. Anh cất tiếng hỏi:
- Ai là người lấy hạt mít
rang ở đây?
Mọi người nhìn nhau lo sợ.
Tôi vội đứng dậy:
- Báo cáo thủ trưởng, tôi ạ!
- Đồng chí cho tất cả hạt
mít vào nồi mang xuống sân, tay bê nồi đứng nghiêm. Không được nghỉ khi chưa có
lệnh của tôi...
Ngoài trời mưa mỗi lúc một
to. Tôi đứng nghiêm, nước mưa và nước mắt hòa trộn với nhau. Từ đó, tôi mới thấy
thấm thía kỷ luật quân đội: "Không lấy cái kim sợi chỉ của dân".
Chúng tôi đến Đoan Hùng -
Phú Thọ rồi vượt sông Lô sang đất Tuyên Quang. Núi rừng trùng điệp, u minh. Chúng
tôi len lỏi đi giữa rừng cây rậm rạp. Như ngửi thấy hơi người, từng đám vắt đứng
thẳng dậy, cong mình lao thẳng vào chúng tôi... Muỗi rừng bay như đàn ong, ở
đây có rất nhiều suối... Qua bao ngày hành quân gian khổ, sức khỏe chúng tôi giảm
sút. Anh em Lục quân chúng tôi đã có người bị bệnh sốt rét quật ngã. Có một lần
anh Minh lên cơn sốt, không đi được, không có cáng, chúng tôi đặt anh nằm ngửa,
rồi lấy bao gạo lồng qua người anh, chặt một đoạn cây bương làm đòn, xỏ qua bao
gạo trên bụng anh, thay nhau khiêng anh qua đèo, qua suối. Vì sức đã kiệt, không
có thuốc điều trị, anh đã nằm lại vĩnh viễn trong khu rừng này. Giờ đây không
biết người thanh niên thành phố Vinh ấy đã được đưa về cùng đồng đội, nằm nghỉ ở
nghĩa trang quê nhà chưa?
Gần một tháng hành quân
trong rừng xanh, chúng tôi được dừng chân nghỉ tại vùng đất thuộc tỉnh Thái
Nguyên. Nơi đây cả ngày được thấy bầu trời trong xanh, không khí mát lành. Từng
đồi chè bậc thang, lá xanh biêng biếc nối tiếp nhau như những làn sóng biển quê
tôi, trông rất đẹp mắt.
Cơ thể tôi yếu dần. Máu ở
hai lỗ mũi thường xuyên chảy ra nhất là vào buổi sáng. Tôi bị mất máu khá nhiều,
người xanh xao. Tôi lo quá, không biết mắc bệnh gì đây? Không biết còn đi tiếp
được nữa không? Gần đấy, có trạm quân y, tôi được đơn vị gửi vào điều trị. Một
đêm khuya, ngoài trời sấm sét nổi lên ầm ầm, rồi cơn giông tố ập đến, tôi đang
nằm nghiêng trên giường thì cảm thấy cái gì vướng ở lỗ mũi, tôi sờ tay vào thấy
một con vật gì lành lạnh thụt vào. Tôi quay người nằm nghiêng sang bên khác, một
lúc lại thấy nó thò ra. Tôi hốt hoảng, vội dậy gọi cô y tá trực, đốt đèn lên
xem. Cô gắp ra một con vắt to bằng con đỉa trâu nằm lăn ra trên nền nhà. Thì ra
con vắt này ẩn mình trong mũi tôi, hút máu tôi suốt dọc đường hành quân. Sau
hai ngày nằm ở trạm sức khỏe tôi hồi phục.
Chúng tôi lại tiếp tục hành
quân. Lần này chúng tôi qua đất Hà Giang, nơi đây nhân dân ở rất thưa thớt. Một
vài bản làng mọc vắt vẻo lưng chừng núi. Tiếng chày giã gạo "rít
boop" cứ văng vẳng bên tai tôi một âm thanh lạ và buồn. Ngày cuối cùng
trên đất Hà Giang, chúng tôi vượt cầu treo sang đất Trung Quốc, bỏ lá ngụy
trang, đứng trên đỉnh núi Cổng Trời nhìn về Tổ quốc, thấy nhớ quê hương, nhớ
người thân da diết.
Hành quân trên đất bạn không
có tiếng máy bay trên bầu trời, không có rừng rậm, suối sâu, chỉ có đồi núi, tầm
mắt được phóng ra xa, tuy còn vất vả, gian khổ nhưng lòng thấy nhẹ nhàng, thanh
thản hơn. Đêm đầu tiên, chúng tôi dừng chân ở Giao Chỉ thành - một làng nhỏ gần
biên giới. Dân làng mặc quần áo toàn một màu chàm. Đàn bà, con gái đều bó chân
đi lại rất khó khăn. Từ đó ngày đi, đêm nghỉ, chúng tôi vượt qua đèo đến
Ma-li-phố, Xin Kai, Tây Thọ. Đến Điền Sơn chúng tôi được nghỉ dài ngày - nghe
nói đây là nơi kết thúc cuộc hành quân cuối cùng của chúng tôi. Tại đây, chúng
tôi được đơn vị bạn đón tiếp niềm nở. Chúng tôi được phát đầy đủ ba lô (kiểu giải
phóng quân Trung Quốc) quần áo, chăn màn.
Đặc biệt là chiếc mũ Kêpi.
Qua cuộc hành quân dài ngày, người nào người nấy gầy xanh. Cái đầu thì bé, cái mũ
lại to, khi đội vào cứ quay tròn trên đầu, trông đến nực cười. Chúng tôi được bồi
dưỡng sức khỏe, được ăn uống rất đầy đủ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được xem bộ
phim "Bạch mao nữ". Hình ảnh "Bạch mao tiên cô" sống dưới chế
độ phong kiến Trung Quốc làm tôi vô cùng xúc động.
Qua gần một tháng được nghỉ
ngơi, chúng tôi trở nên khỏe mạnh, sẵn sàng chuẩn bị đến trường học tập thì bỗng
có lệnh mới: Toàn đơn vị, mang vũ khí trở về Tổ quốc. Đất nước Trung Quốc mới
được giải phóng (10-1949). Biên giới Việt - Trung được khai thông. Cuộc chiến
tranh chống thực dân Pháp từ giai đoạn cầm cự đang chuyển dần sang giai đoạn tổng
phản công. Lực lượng vũ trang của ta phát triển nhanh, nhiều cuộc chiến đấu với
quy mô lớn đang diễn ra ác liệt. Quân đội đang cần vũ khí, đạn dược để chiến đấu
và chiến thắng. Chúng tôi vinh dự được góp một phần nhỏ cho cuộc kháng chiến
đó.
Chúng tôi lại hăm hở mang vũ
khí lên đường trở về Tổ quốc. Những gian nan vất vả lại đè nặng lên đôi vai
chúng tôi. Nhưng lần này đã có thêm sức mạnh đó là niềm tự hào trực tiếp tham
gia kháng chiến.
Ngày lại ngày, chúng tôi lại
leo đèo vượt dốc; khi dừng chân nghỉ, chúng tôi cất cao tiếng hát - bài hát của
nhạc sĩ Đỗ Nhuận, người cùng đi với đoàn khi ấy mới sáng tác: "Đường
không xa, dốc không cao. Anh em ta còn nhớ hôm nào... Sáng nay nhắn gì? Người
ra đi nhớ chăng? Hứa góp gì cho nước nhà?".
Hàng tấn vũ khí, đạn dược do
hai vai chúng tôi lần lượt chuyển về nước. Chúng tôi như đàn kiến khổng lồ tha
lâu cũng đầy tổ. Bên kia biên giới, một đơn vị khác đang chờ chúng tôi.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ,
chúng tôi trở lại Điền Sơn, chuẩn bị hành quân đến trường. Lần này thì thật là sung
sướng, không phải đi bộ mà đi bằng tàu hỏa. Đoàn tàu đưa chúng tôi đến một miền
quê vùng Hoa Nam Trung Quốc. Hồi đó theo lệnh trên phải tuyệt đối giữ bí mật
quân sự. Chúng tôi không được phép tiếp xúc với nhân dân. Đến ga Nghi Lương, Việt
kiều ra đón rất đông. Hai bên nhìn nhau, ánh mắt, nụ cười xúc động. Hình như họ
cũng tự hiểu rằng toàn bộ hành khách trên chuyến tàu này là "hành khách đặc
biệt".
Từ ga về trường không còn xa
nữa. Chúng tôi vừa đi vừa ngắm phong cảnh đất nước bạn bao la hùng vĩ, để lại trong
lòng chúng tôi mối tình hữu nghị Việt - Trung luôn luôn bền vững.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét