3/11/24

Thân gái tìm cha

Nguyễn Văn Tạo - nguyên Trưởng ban Liên lạc đặc biệt/Cục Thông tin liên lạc

Một buổi sáng chủ nhật đầu năm 1997, đang ngồi tiếp khách trong nhà, bỗng tôi thấy một chiếc xe máy đỗ xịch trước cửa: một cô gái ăn mặc đúng kiểu Hà Nội theo sau một bà tóc bạc, quần áo giản dị bước vào.

Tưởng là phụ huynh học sinh tới gặp cô giáo chủ nhiệm, tôi mời vào phía trong, rồi gọi bà Khánh nhà tôi ra.

- Thưa bác, bác là phụ huynh cháu nào đấy ạ?

- Thưa bác, tôi xin được gặp bác Tạo ạ!

Té ra là khách của mình! Tôi bèn mời ra để tiếp, còn ông khách của tôi cũng tế nhị đứng dậy cáo từ.

"Thưa bác, tôi là Trần Thị Tiếp Thủy, con của liệt sĩ Trần Xuân Sơn, đến xin bác cho biết tin tức về bố cháu. Bố cháu còn có tên là Trần Đức Lâm trước đã công tác ở các đơn vị hậu cần, công binh, trinh sát, liên lạc...

"... Cháu còn nhớ mãi khi mới 4-5 tuổi rất thích thú khi được bố cháu cho cưỡi con ngựa hồng đi mấy vòng quanh sân; rồi một buổi khác, bố cháu lại qua nhà, đeo thanh kiếm ngắn để đi công tác và bố cháu đi, đi mãi chẳng thấy trở về... Bà nội cháu mong ngóng, buồn phiền rồi héo hắt qua đời, còn mẹ cháu, sau bao nhiêu năm chờ đợi, cũng phải cho cháu một bố dượng, rồi các em...".

Lớn lên, Tiếp Thủy được ăn học, tham gia công tác và cũng đã có gia đình riêng với con cháu đề huề, nhưng hạnh phúc của cháu chưa trọn vẹn: Thiếu tình phụ tử ruột thịt, cháu vẫn thấy trống vắng, tình thương bố Sơn không bao giờ nguôi lắng...

Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước đã thống nhất. Bao gia đình được hạnh phúc trong đoàn tụ: cha gặp con, vợ gặp chồng... Tiếp Thủy càng nhớ tới bố, chỉ ước sao bố Sơn lại trở về như đã có trường hợp xảy ra, hoặc chí ít cũng được biết tin từ đồng đội của cha đưa tới, nhưng chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy...

Tình nhớ thương cha khắc khoải trong lòng, không thể chờ được nữa, Tiếp Thủy quyết chí đi tìm cha.

Cha ơi! Cha ở đâu?

Qua ngót mười năm trời, đôi chân bé nhỏ của cháu đã vượt bao núi rừng, băng qua bao đồng ruộng khắp 7 tỉnh miền Bắc, những nơi trong kháng chiến chống Pháp đã diễn ra các chiến dịch lớn, vào cả một số nghĩa trang liệt sĩ, nhưng nào có thấy? Cháu đã gặp cả bà Hà Thị Quế - cán bộ trước kia đã công tác ở Hà Bắc, cũng như Trung tướng Hồng Sơn - người đã tham gia nhiều trận đánh lớn, nhưng cũng chưa có tin tức gì.

Năm 1995 về thăm quê Hương Vỹ, cháu được biết: chú Phạm Dưỡng Hiền ở Bộ Tư lệnh Thông tin mấy năm trước có biên thư nhắn gia đình lên nhận những kỷ vật của anh Lâm gửi lại, nhưng khi cháu tìm được đến nơi thì chú Hiền đã qua đời từ giữa năm, còn cô Phấn - vợ chú thì không được biết gì.

Thời gian trôi qua, đang thất vọng thì cháu được các cụ lão thành ở địa phương thương tình hướng dẫn: đi tìm ông Huyện đội trưởng huyện Yên Thế trước kia, may ra có biết được điều gì chăng?

Trời chẳng phụ lòng người con chí hiếu: cháu gặp đồng chí Giáp Văn Cộng - nguyên là Huyện đội trưởng huyện Yên Thế - chính là người đã được đồng chí Trần Đức Lâm tuyển vào quân đội đầu năm 1948. Thế là cháu đã được biết đích xác đơn vị cùng với cả Ban chỉ huy Tiểu đoàn mà bác Cộng đã cung cấp cho: Ban liên lạc đặc biệt Bộ Tổng chỉ huy (Tiểu đoàn 36).

Với giấy của anh Cộng, qua nhiều nấc hỏi thăm, cháu đã tìm được đến nhà tôi.

Cuối năm 1948, khi mới về Ban liên lạc đặc biệt, tôi có biết việc anh Lâm hy sinh, nhưng thời đó, công tác thương binh liệt sĩ chưa có nền nếp, thêm nữa vì một vài lý do khác đã dẫn đến chưa làm hết trách nhiệm với đồng đội, nên ngoài việc báo tử, đơn vị cũng không nắm được ngôi mộ ở đâu, thuộc địa phương nào.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, sự việc được nêu trở lại, thực sự tôi rất lo, nên chỉ có thể hứa với cháu là sẽ cố gắng tìm kiếm, có gì sẽ cho cháu biết sau.

Lục lại trí nhớ, rất may là tôi còn biết một người đã cùng đi chuyến công tác đó với anh Lâm: đồng chí Lê Hoàng ở Văn phòng Bộ Tổng! Thế là tôi phải tìm gặp đồng chí đó ngay, kẻo với cái tuổi trên "thất thập cổ lai hy" cả rồi, nếu đồng chí ấy "có làm sao" thì sự việc sẽ hoàn toàn bế tắc.

Đồng chí Hoàng còn nhớ khá rõ: đồng chí Lâm bị hy sinh tại bến đò làng Lành khi đang vượt sông để vào nội thành, còn mộ ở đâu thì đồng chí Hoàng không biết vì khi xảy ra sự việc, đoàn phải rút ra ngay, đề phòng bị địch quây bắt; việc cứu vớt, chôn cất phải nhờ đồng bào địa phương giúp đỡ.

Được như vậy là quý rồi, từ nay cháu Tiếp Thủy không còn phải bôn ba đây đó để tìm mộ cha nữa...

Đây bến đò làng Lành - nay thuộc xã Dương Hà huyện Gia Lâm - xưa kia nhộn nhịp người vào ra, nay chỉ còn một con đò nhỏ dập dềnh dưới một gốc cây ven sông... Vào hỏi mấy nhà quanh bến tôi không thu được tin tức gì vì toàn là những người ít tuổi, đối với họ, cứ như là câu "chuyện cổ tích". Đến giữa làng gặp mấy cụ cao tuổi thì các cụ cho hay: "Có biết chuyện anh bộ đội bị hy sinh khi vượt sông năm đó, nhưng mộ ở đâu thì các cụ cũng chịu vì ông cụ Tẹo làm nghề sông nước ở cuối bãi đã vớt lên và chôn ở ven sông. Nay cụ Teo đã ngoài 80 và đã vào Lâm Đồng làm ăn từ hơn hai chục năm rồi, phải gặp cụ mới biết rõ". Có một cụ bà vừa sụt sịt vừa nói: "Tôi người làng này, ngay mộ tổ nhà tôi đặt ven sông mà còn bị mất huống chi mộ đã gần năm mươi năm, sao mà còn!".

Tôi đã nản, nhưng chẳng lẽ lại về không, trả lời với cháu như thế nào đây?

Đạp xe ven sông, tôi quan sát, mong là có một mô đất nào nhô lên để hy vọng. Ra khỏi làng cũng chỉ thấy một dải đất phẳng trải dài, xa xa có mấy lò gạch đã ngừng nhả khói...

Đạp xe tới một lán nhỏ có một ông cụ đang đập nứa dưới nắng trưa hè, tôi hỏi thì được biết: "Bãi đất này đã được dùng để sản xuất gạch, các ngôi mộ vô thừa nhận đã được ủi cả. Ngôi nào có tiểu thì được quy tập vào phía trong còn thì chẳng biết đâu là mộ" rồi ông cụ lại cho biết thêm: "Ở dẻo đất kia, khi xe ủi vào định lấy đất thì bị đứt xích. Cho đó là điềm chẳng lành nên xe không dám ủi tiếp, vì vậy còn lại mỏm đất ấy".

Theo hướng ông cụ chỉ, tôi vác xe vượt các rãnh nước và leo lên: cũng chỉ là đám cỏ mọc rậm trên một khoảng đất hẹp, không có vẻ gì là một nấm mộ.

Vào nghỉ trưa trong một gia đình ở cuối xóm, một nguồn tin làm tôi chú ý: trên mỏm đất ấy có mộ của 3 người: 1 ngôi có ván, 1 ngôi không ván và 1 ngôi của 1 cô gái trẻ bị chết đuối cách đây 15 năm, trên các ngôi mộ có cây dâu đánh dấu. Trở lại, quan sát kỹ, tôi thấy đúng là có gốc dâu cằn cỗi bị đám cỏ rậm rạp che khuất mà lúc nãy tôi không phát hiện ra. Thế là có hy vọng! Nhưng ngôi nào đúng là mộ anh Lâm? Chỉ có cụ Tẹo mới trả lời được, mà cụ Tẹo lại ở mãi Lâm Đồng xa tít, không có địa chỉ cụ thể.

Cũng phải tìm hết cách: Tôi biên thư gửi cụ, nhờ các cơ quan công an, chính quyền huyện Lâm Hà tìm và chuyển hộ. Thật là mò kim đáy bế, chẳng rõ cụ Tẹo  còn ở trên cõi đời hay đã về cõi vĩnh hằng? Cầu mong cụ sống khôn thác thiêng, phù hộ cho đứa con hiếu thảo tìm được mộ cha, ngôi mộ mà cụ đã giàu lòng nhân đức vun đắp từ nửa thế kỷ qua.

Biên thư cho anh Cộng biết kết quả bước đầu, tôi dặn anh đừng vội cho cháu biết, vì còn phải chờ kết quả xác minh. Nhưng chỉ mấy ngày sau, khi đi chơi về, tôi đã thấy bà Khánh nhà tôi cùng Tiếp Thủy và con gái anh Cộng là cháu Trọng đang chuyện trò ở ngoài hiên, thế là tôi lại đưa cháu sang bên kia sông Đuống.

Trong khói hương nghi ngút tại gốc cây bến đò làng Lành, cháu tần ngần nhìn theo dòng nước, dòng nước vô tận đã đưa cha cháu ra đi, ra đi mãi mãi...

Và đây, cạnh gốc dâu đã sạch cỏ, lan tỏa khói hương, cháu trầm lắng cầu khấn hồn thiêng của cha cháu, thấu cảm nỗi khát khao tình phụ tử, chứng giám lòng thành, phù hộ cho cháu được thỏa nỗi ước mong...

Chọn được ngày lành tháng tốt, cháu quyết định xin chuyển mộ cha cháu vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Lâm và tôi lại đại diện cho Ban liên lạc đặc biệt đã cùng cháu sang gặp đồng chí Cường - Chủ tịch xã Dương Hà báo cáo và đề nghị địa phương giúp đỡ.

Tuy còn trẻ tuổi, nhưng rất thông cảm với tấm lòng chí hiếu của Tiếp Thủy, đồng chí hứa sẽ huy động lực lượng Mặt trận Tổ quốc và cựu chiến binh của địa phương thực hiện nhiệm vụ. Còn đồng chí quản trang - vốn là thương binh xuất ngũ - đã hướng dẫn thủ tục rất cẩn thận, nhưng không quên yêu cầu là phải có giấy của Thương binh xã hội huyện.

Chiều 31 tháng 10 năm 1999, việc khai quật được thực hiện. Lúc đầu chỉ định đào một phần đất, còn lại để sáng hôm sau đào cho nhanh, nhưng nghe dự báo thời tiết "ngày mai có gió lạnh tràn về" và chiều hôm đó trời mây u ám, không sợ ánh nắng làm ảnh hưởng tới hài cốt, nên cháu quyết định hoàn thành việc bốc mộ, ngay trong buổi chiều. Đào đã sâu vẫn chưa thấy cốt, mọi người đã nản, nhưng cháu khẳng định tư thế nằm của cha cháu, ngoài ra còn có cả chiếc giày thủng đế. Tiếp tục đào, và kết quả đã làm mọi người mừng rỡ: hài cốt của anh Lâm còn nguyên vẹn.

Ngay tối hôm đó, di hài của anh Lâm đã được quàn tại điếm canh đê cạnh bến đò làng Lành, nơi mà nửa thế kỷ trước, anh đã xuống thuyền ra đi.

Sáng ngày 1 tháng 11 năm 1999, lễ đưa anh Lâm về nghĩa trang liệt sĩ được thực hiện trong không khí trang nghiêm giản dị. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Dương Hà đọc lời điếu, anh Côn đại diện cho anh chị em Ban liên lạc đặc biệt đọc lời vĩnh biệt, rồi con cháu, bạn bè vào lễ, viếng.

Ngoài trời, mưa vẫn nặng hạt, gió vẫn thổi mạnh. Trong điếm, lung linh ánh nến, đậm ngát khói hương, ấm tình đồng chí, đồng đội, nghĩa gia đình chắc giờ đây vong hồn anh Lâm cũng ấm áp với những gì mà bao năm nay anh hằng chờ đợi.

Chiếc xe của Trung đoàn 130 đưa anh đi đã lăn bánh, theo sau là đoàn xe máy, xe đạp tiễn anh về nghĩa trang. Tại đây, bao bạn bè từ Bắc Giang, Bắc Ninh xuống, từ Hà Nội sang đã túc trực hai bên lễ đài.

Giữa những vòng hoa tươi thắm, phủ dưới lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, liệt sĩ Trần Xuân Sơn, tức Trần Đức Lâm được an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Lâm – quê hương gốc Phù Đồng của anh.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét