7/11/24

Lớp học trong rừng (1949-1950)

Văn Mạc - nguyên báo vụ viên

Vào đầu mùa đông năm 1947, tôi được chấp nhận nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi. Sau đó tôi được cử lên An toàn khu học lớp báo vụ (vô tuyến điện).

Địa điểm lớp học được mở ra tại vùng Thượng Đình thuộc tỉnh Thái Nguyên. Số lượng học viên gần bốn mươi người thuộc miền Bắc; từ Thanh Hóa, Nghệ An đến vùng tạm chiếm Khu 3 và thuộc Chiến khu Việt Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn. Anh em là dân tộc Kinh, Tày, Nùng... Có anh đã 3-4 tuổi quân và khá đông là lính mới tò te. Một số ít học sinh cấp 2, còn đại đa số là học sinh cấp 1. Học tập rất khó khăn và vất vả. Nhưng với tinh thần quyết tâm cùng toàn dân, toàn quân khẩn trương lao vào chuẩn bị cho cuộc Tổng phản công năm 1949 đưa cuộc kháng chiến đến gần những ngày thắng lợi cuối cùng nên không khí học tập của anh em càng hăng say; tất cả đều thi đua đạt mức thu 100 chữ/phút để đạt chỉ tiêu được ra trường sớm.

Phụ trách lớp lúc này là cụ Nguyễn Phi Hồng, giáo viên là cụ Đàn, bác Đức, ông Vòng đều là những vô tuyến điện viên giỏi, là công chức của Sở Vô tuyến điện Bạch Mai (thời Pháp), nay đi lên rừng Việt Bắc theo kháng chiến. Quy chế của lớp học là tự quản. Đến giờ học các giáo viên lên dạy học thu, phát; học cách trao đổi, đối thoại và phát điện trên máy bằng chữ đúc, cốt Q, cốt Z và một số tiếng Anh trên sóng.

Ngoài giờ học 8 tiếng, các giờ thể dục, thể thao, giờ ăn, giờ sinh hoạt đều do học viên tự quản. Lớp học được đặt dưới sự theo dõi trực tiếp của Cục Thông tin liên lạc quân sự, thuộc Bộ Tổng Tham mưu và điều hành trực tiếp của cụ Hồng phụ trách lớp.

Tôi được các giáo viên cho quản lý đơn vị về mọi mặt trừ các giờ học trong lớp. Do ý thức tự giác mọi mặt của học viên, chiến sĩ nên tôi mới 17 tuổi vẫn hoàn thành được nhiệm vụ trên giao là quản lý sinh hoạt, quản lý kỷ luật quân đội, quản lý đời sống một cách hiệu quả nhất theo hoàn cảnh lúc đó.

Vào những tháng cuối năm 1949 và đầu năm 1950, cuộc kháng chiến có nhiều biến chuyển. Giặc Pháp ra sức càn quét vùng tạm chiếm, dùng không quân đánh phá vùng tự do, ra sức bao vây, ngăn chặn sự tiếp tế của đồng bào cho chiến khu, cho kháng chiến. Lúc đó sinh hoạt phí của anh em được cấp bằng tiền Sông Lô (tiền Cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp). Hàng ngày tiếp phẩm ra chợ mua gạo và thực phẩm chứ chưa có chế độ mậu dịch cấp phát, giá cả tăng vọt. Anh em trước còn ăn cơm độn sắn, khoai, rau luộc, sau tiền không còn đủ anh em phải chấp nhận ăn cháo với muối trắng (không có thức ăn).

Đến bữa nuôi quân bưng nồi cháo lên chia đều cho anh em vào ống tre (thay bát) và một ít muối để vào ô lá chuối cho anh em tự lấy theo mặn nhạt mà dùng. Có thể nói là đói quay quắt, sau giờ ăn bữa chiều anh em còn ra soi (mương) hái rau khoai luộc chấm muối ăn thêm cho đỡ đói hoặc có một số anh em đi đào khoai mậm ăn sống thay cơm.

Tuy là đói, song việc học hành của anh em vẫn rất chăm chỉ. Tối nào không sinh hoạt, anh em đều tranh thủ học thêm ngoài giờ.

Học hành lúc đó thật vô cùng thiếu thốn, máy móc vô cùng thô sơ. Cả lớp học gần 40 anh em mà chỉ có một cái Ê-tê-rô-din (máy âm hưởng) chạy 2 pin kêu lí nhí. Lúc đang thu mà có đàn chim kêu ríu rít trên cây thì cứ là cả lớp chịu không thu được. Cho nên những hôm kiểm tra thu phát là phải cử người đứng ngoài cầm sào đuổi chim.

Do lòng yêu nước và ý chí quyết tâm của người chiến sĩ thông tin thời chống Pháp mà 40% anh em sau 3 tháng học tập đã được ra trường đi học lớp bổ túc tại Phòng Thông tin Đông Bắc do anh Môn phụ trách. Số còn lại 60% anh em sau 5 tháng cũng tiếp tục ra trường đi thực tập ở các nơi do Cục Thông tin liên lạc phân phối.

Từ năm 1962 trở đi, tôi phụ trách lớp học báo vụ của Quân chủng Không quân. Tôi thấy các phương tiện máy móc đã đầy đủ gấp nhiều lần thời gian kháng chiến. Tôi càng tự hào là người chiến sĩ thông tin đã góp phần nhỏ bé của mình vào chiến công chung của dân tộc, của Quân đội và Binh chủng anh hùng.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét