Ngô Văn Giang
Trong quãng đời quân ngũ, kỷ
niệm sâu sắc nhất của tôi là những ngày phụ trách đài vô tuyến điện đi cùng các
đơn vị trinh sát luồn sâu trong lòng địch làm nhiệm vụ trinh sát tình hình địch,
chuẩn bị cho các chiến dịch trong thời kỳ chống Pháp.
Đặc điểm của đơn vị trinh
sát luồn sâu trong lòng địch là phải rất gọn nhẹ. Thường một đài lưu động chính
quy biên chế một đài trưởng, 2 báo vụ, 6 quay máy, song đài trinh sát thường chỉ
có 1 đài trưởng, 1 báo vụ, 4 quay máy. Cơ yếu đi theo đài có 2 đồng chí. Trường
hợp đặc biệt có khi chỉ có một trưởng đài (kiêm cơ yếu). Quay máy lấy du kích địa
phương như trong trường hợp tôi đi với Tiểu đoàn Thiên Đức trong chiến dịch
Trung Du, sau chiến dịch Biên Giới.
Về máy móc, trước chiến dịch
Điện Biên Phủ, chiến lợi phẩm còn rất ít, ưu tiên cho các đài Trung ương còn
đài lưu động thường dùng máy do ta tự lắp lấy máy phát SST, máy thu Schnell,
làm việc thì khó vì dễ nhiễu sóng, được cái đơn giản, dễ sửa chữa. Máy phát SST
phải thay quartz (thạch anh) luôn để tránh nhiễu. Máy thu Schnell rất dễ bị ảnh
hưởng ngoại cảnh. Đang làm việc trong hầm mà có người ra vào là tín hiệu thay đổi
rất khó nhận. Còn khi tình hình khẩn trương, nhiều việc cấp bách thường là trưởng
đài làm. Trong thời kỳ chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đã phải làm
việc liên tục suốt ngày đêm gần 3 tháng liền. Mỗi ngày thu phát hơn 200 bức điện,
2 đồng chí cơ yếu mã dịch cật lực mới xuể. Tôi chỉ được tranh thủ ăn ngủ xen kẽ
giữa 2 đợt điện, nhiều khi vừa gõ maníp vừa ngủ gật. Làm xong là nằm lăn ra ngủ.
Lúc có điện anh em lại đánh thức dậy.
Khó nhất là khi đi phối hợp
với các đơn vị chủ lực, phải bám sát các đơn vị chiến đấu. Trong chiến dịch Hòa
Bình năm 1952 đài tôi được phối hợp với Đại đoàn 312. Tôi nhớ mãi trong trận
đánh xóm Mít, các cao điểm 400, 600, đài của tôi phải bám sát Thủ trưởng Sư
đoàn đi thị sát mặt trận. Đài phải làm việc gần như dưới làn đạn đại bác của địch.
Khi tiếng súng nổ gay gắt, phải tháo đài di chuyển địa điểm. Khi ngớt tiếng
súng lại tranh thủ làm việc; tôi còn nhớ trong trận đó, có lúc Bộ chỉ huy chiến
dịch mất liên lạc với Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 vì đài bị hỏng chưa kịp chữa.
Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải qua đài của Cục Quân báo liên lạc với đồng
chí Lê Trọng Tấn - Đại đoàn trưởng 312 qua đài của tôi để nắm tình hình chiến đấu.
Hai đồng chí đàm thoại với nhau trên đài trong vòng nửa giờ, tôi còn nhớ đồng
chí Nhạ cơ yếu đứng đằng sau tôi, khi tôi nhận được mấy nhóm thì đồng chí ấy cũng
bắt đầu dịch luôn và khi tôi nhận xong bức điện hỏi, thì chỉ vài phút sau đã dịch
xong và điện trả lời cũng chỉ mấy phút đã mã xong để chuyển. Nhờ nắm chắc được
tình hình chiến đấu, chỉ đạo chặt chẽ nên đã góp phần đảm bảo thắng lợi của chiến
dịch.
Một khó khăn nữa cho các đài
trinh sát luồn sâu là bảo đảm kỹ thuật. Nếu đã luồn sâu mà máy hỏng không tự sửa
chữa được phải đưa về hậu cứ thì rất trở ngại, có khi nhỡ mất thời cơ... vì đường
về hậu cứ có khi phải mất cả ngày hành quân đi và về. Mặc dù cố sức giữ gìn bảo
đảm cho máy tốt, song trong hoàn cảnh ăn ở trong rừng trong điều kiện dã chiến
lại phải làm việc gần như liên tục nên mỗi chiến dịch ít ra cũng hỏng máy vài
ba lần. Dù trình độ kỹ thuật sửa chữa của tôi còn nhiều hạn chế song cũng cố gắng
mày mò tự sửa chữa, bất đắc dĩ lắm mới phải đưa về. Như trong chiến dịch Điện
Biên Phủ, làm việc quay nhiều quá, Ragonô bị rão xích phải 2 lần về hậu cứ đổi
Ragonô khác.
Đến nay tuy đã 45 năm trôi
qua, sau này làm các nhiệm vụ khác nặng nề hơn, song những ngày làm nhiệm vụ phụ
trách đài trinh sát luồn sâu đã cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét