Nguyễn Đình Thi - nguyên cán bộ Ban liên lạc đặc biệt
Vào một buổi tối sinh hoạt
cơm nước xong, anh em trung đội hỏa tốc của Ban liên lạc đặc biệt có một tiểu đội
ở tại 3 nhà sàn của bà con dân tộc Tày - đường từ Phú Minh rẽ vào - tôi nhớ là
Cây Soan.
Tổ tâm giao của tôi có 3 người
là đồng chí Dũng, Thi, Ngọc "béo", ở cùng một nhà với tổ chữa xe đạp
"Phúc vêlô" và Ninh "Tây lai". Mấy anh em đang lùi sắn và
nói chuyện phiếm với nhau thì có anh Trần Sơn xuống vì nhà sàn Ban chỉ huy cũng
gần đấy. Để anh Sơn bước lên khỏi cầu thang nhà sàn, chúng tôi cứ ngồi tại chỗ chào
anh. Anh Sơn ngồi ngay xuống, hòa mình với chúng tôi và hỏi đội hỏa tốc còn có
những cậu nào ở nhà? Tôi trả lời chỉ còn có tổ tôi và 2 cậu chữa xe đạp. Tôi chắc
là lại có hỏa tốc quan trọng anh Sơn mới xuống tận nơi hỏi người để giao công
văn chạy. Vì mọi khi công văn thì gọi lên XB để nhận đi các khu. Anh Sơn chậm
rãi nói nhỏ tầm quan trọng: "Có công văn hỏa tốc rất cần mà thận trọng (mật)
cần 2 cậu chạy đi Khu 3", Tôi và Dũng nhận xung phong ngay vì cũng chẳng
còn ai, để Ngọc "béo" giữ gôn ở nhà.
Anh Sơn đưa cho 1 giấy giới
thiệu, lúc đến chỗ chúng tôi, anh mới ghi họ tên 2 chúng tôi là đặc phái viên về
Liên khu 3 và một công văn hỏa tốc có dấu hỏa tốc của XB và dấu tròn đỏ:
"Văn phòng Chủ tịch".
Anh Sơn dặn ngoài:
"Công văn này các cậu phải cẩn thận, bất cứ giá nào phải đưa tận tay cho 3
ông: Nguyễn Khánh Toàn, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xiển, các cậu về Ủy ban Hành
chính - Kháng chiến Khuyến Công sẽ gặp các ông ấy", và bảo 2 đồng chí
Phúc, Ninh "Tây lai" chuẩn bị cho chúng tôi 2 xe đạp thật tốt và lên
quản trị tạm ứng mỗi cậu một nửa tháng tiền ăn, công tác phí.
Trao nhiệm vụ cho chúng tôi
xong, anh còn bảo đồng chí chữa xe đạp cho 2 chúng tôi 1 săm dự trữ Michelin rồi
ra về.
Vì đã lâu chưa được chạy xuống
Khu 3 nên hai chúng tôi hồi hộp và bàn với nhau việc đi, mong cho trời chóng sáng.
Thời kỳ này đồng hồ thiếu lắm, chừng 2-3 giờ sáng chúng tôi dậy xuống gầm sàn dắt
xe đạp tạm rời Việt Bắc ra đi về Khu 3.
Hỏa tốc, anh em chúng tôi
thường chạy vượt trạm. Tới Hữu Văn, Cống Khê có trạm, chúng tôi không vào. Vượt
sông Đáy sang Khả Phong, Khuyến Công vào buổi trưa. Đến Ủy ban Hành chính -
Kháng chiến hỏi, họ cho biết ba ông đã đi cách 2-3 hôm rồi, cần gặp thì sang
công an Hồng Phúc, Phủ Lý hỏi sẽ biết. Chúng tôi vội vã sang bến đò Quế Quyển,
tìm đến đồn công an Hồng Phúc hỏi thì đồng chí đồn trưởng cho biết là ba ông về
Nam Định, đến Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Cầu Dầm hay chợ Dầm hỏi sẽ thấy.
Thật là đi tìm chim! Không tin tưởng là thấy, hai chúng tôi lần theo hướng đi về
Cầu Dầm vào nhà ông chủ tịch ủy ban hỏi thì gặp một ông hơi lùn, mặc bộ quần áo
bà ba may bằng vải đũi; đưa giấy giới thiệu ông ấy xem và chúng tôi trình bày
là công an Hồng Phúc cho biết ba ông Toàn, Khoa, Xiển về đây. Thấy ông ta ngập
ngừng, chúng tôi cũng chưa tin là có ba ông ở đây. Ông ta hỏi "Các anh ở trên
Việt Bắc về à?".
Chúng tôi trả lời:
"Vâng, chúng tôi đi hôm nay là 4 ngày rồi". Đang thất vọng thì ông ấy
bảo: "Các chú đưa giấy giới thiệu đây và sang nhà bên ngồi chờ".
Chúng tôi mừng thầm và nói
nhỏ với nhau: "Chắc ba ông ở đây rồi".
Khoảng 30 phút sau, ông ấy cầm
giấy giới thiệu trả chúng tôi và bảo sang bên cạnh cách 5-6 nhà vào ngõ đến một
ngôi nhà khá to, trông trang trọng lắm. Chúng tôi chờ ở ngoài hè độ 10 phút thì
ở nhà bên cạnh có hai ông đi sang: một mặc quần Tây áo sơmi, một mặc áo dài trắng
quần ta và sau cùng là ông mặc quần áo đũi mà chúng tôi đã gặp lúc nãy. Tuy
chưa gặp mặt bao giờ nhưng chúng tôi cũng đoán là ba ông đây rồi. Các ông bắt
tay hai chúng tôi xong vẫn đứng tại chỗ, hỏi các chú đi từ bao giờ, chúng tôi trả
lời và lấy công văn đưa cho ba ông. Khi biết chúng tôi chưa ăn cơm, ông mặc bộ
quần áo đũi đưa sang nhà bên nghỉ và ăn cơm, dặn sáng mai lên gặp các ông trước
khi về.
5 giờ sáng hôm sau chúng tôi
đến gặp, các ông đang uống nước; đưa cho chúng tôi mỗi người một chén nước, các
ông dặn: "Về phải đi cẩn thận, nhất là qua các sông đò, máy bay nó hay bắn,
chúng tôi sẽ về sau". Các ông hỏi sức khỏe các vị có tên trong Bộ, tôi trả
lời: "Chúng cháu là hỏa tốc viên ở ngoài khu An toàn khu nên không
rõ". Hai chúng tôi ra về, các cụ lại bắt tay chào...
Thật là chiếc công văn hỏa tốc
chỉ nặng có không đầy một lạng, khi còn để ở trong người chưa trao được cho người
nhận tưởng nặng hàng ngàn cân. Hoàn thành nhiệm vụ thở phào nhẹ nhõm, lòng phấn
khởi trở về đơn vị, hai chúng tôi đến anh Trần Sơn báo cáo hoàn thành nhiệm vụ và
đưa trả XB phiếu biên nhận công văn.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn
“Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét