2/11/24

"Cái khó ló ra cái khôn"

Thiếu tướng Nguyễn Diệp

Đội 101 được thành lập ngày 15 tháng 8 năm 1950 là đội vô tuyến điện trực thuộc Cục Thông tin liên lạc chuyên trách đảm nhiệm các mạng liên lạc vô tuyến điện trong các chiến dịch do Bộ trực tiếp tổ chức và chỉ huy. Các chiến dịch này thường do Đại tướng - Tổng tư lệnh trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch, nên lực lượng thông tin chiến dịch vừa phải bảo đảm chỉ huy các lực lượng tham gia chiến dịch, vừa đảm bảo chỉ đạo chiến trường hoạt động phối hợp để phân tán sự đối phó của địch.

Vì vậy, Đội vô tuyến điện 101, tuy biên chế trang bị gọn nhẹ nhưng trong các chiến dịch đều phải liên lạc với nhiều đối tượng, chuyển nhận khối lượng công điện lớn, độ khẩn cao. Ngoài ra, còn phải tham gia các hoạt động nghi binh và thu tin địch, đồng thời có lực lượng cơ động sẵn sàng tăng cường cho các đơn vị khi cần.

Đặc điểm nhiệm vụ nêu trên đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Đội 101 phải khắc phục khó khăn về nhiều mặt để đảm bảo liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn. Thông thường thì "cái khó bó cái khôn" nhưng khi có quyết tâm cao thì "cái khó lại ló ra cái khôn", lại là tiền đề nảy ra nhiều sáng kiến.

Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ nêu một số sáng kiến về mặt tổ chức và phương thức liên lạc vô tuyến điện trong thời gian từ năm 1950 đến năm 1954 của cán bộ, chiến sĩ Đội 101.

Về tổ chức:

Trong hai chiến dịch đầu (Cao - Bắc - Lạng và Trần Hưng Đạo), Sở chỉ huy chiến dịch ít di chuyển, đội gồm các đài trực thuộc, mỗi đài phụ trách một mạng liên lạc gồm 4 đến 6 đối tượng, khi mạng nào nhiều việc (do các đối tượng đang chiến đấu) thì đội dùng thêm đài dự bị để hỗ trợ, đảm bảo kịp thời chuyển nhận các điện báo. Từ chiến dịch Hoàng Hoa Thám (Đường số 18) đến chiến dịch Điện Biên Phủ do phải hành quân dài ngày hơn, lại phải đảm bảo liên lạc liên tục khi Sở chỉ huy của Bộ và các đơn vị cùng di chuyển hoặc thời gian hành quân không thống nhất, anh em đã "sáng tạo" ra tổ chức "liên đài". Mỗi liên đài gồm 2 điện đài, đài 1 liên lạc với các đối tượng vào đầu giờ, đài 2 liên lạc với các đối tượng khác vào giữa giờ, như vậy trong mỗi phiên liên lạc 60 phút có thể chuyển và nhận 6 đến 8 điện báo. Tổ chức liên đài giúp cho việc phối hợp giữa 2 đài có thể hỗ trợ nhau khi một đài bận việc, một đài ít việc được thuận tiện hơn, đặc biệt là khi Sở chỉ huy chiến dịch di chuyển, mỗi liên đài cử một đài hành quân trước, một đài ở lại làm việc, đài này sẽ đảm nhiệm cả hai mạng liên lạc (một mạng có phiên vào đầu giờ, một mạng có phiên vào giữa giờ), không cần phải thông báo cho các đối tượng biết là đang hành quân. Khi các đài đi trước đã đến vị trí quy định sẽ đảm nhiệm cả hai mạng liên lạc để đài ở lại sau tiếp tục hành quân. Như vậy dù đường hành quân dài, gồm nhiều chặng, các liên đài cứ chia đôi hành quân theo kiểu sâu đo như vậy nên vẫn bảo đảm liên lạc liên tục với các đối tượng.

Về quy ước và phương thức liên lạc:

Từ chiến dịch Cao - Bắc - Lạng đến chiến dịch Điện Biên Phủ, sau mỗi chiến dịch chúng tôi đều rút kinh nghiệm để cải tiến quy ước và phương thức liên lạc để tạo ra yếu tố bất ngờ khiến địch khó theo dõi và nâng cao được hiệu suất chuyển nhận điện. Trong chiến dịch Cao - Bắc - Lạng (1950), chúng tôi đã dùng quy ước PAGT để địch khó theo dõi các mạng liên lạc chiến dịch. Đến chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chúng tôi sử dụng bản mật ngữ mới, phần mật dùng các chữ viết tắt của luật Q, luật Z quốc tế nhưng phần nghĩa rõ do chúng tôi đặt và thay đổi sau mỗi chiến dịch. Ngoài bản mật ngữ dựa theo luật Q, luật Z, chúng tôi còn đặt thêm một số chữ tắt dễ nhớ để trao đổi nghiệp vụ, không phải dùng tiếng Anh, vừa dài vừa lộ.

Ví dụ: LEDO là lên độ, XUDO là xuống độ dùng khi sóng của đài bạn bị nhiễu...

Để nâng cao hiệu suất thu phát điện, đã cải tiến mẫu điện thu phát từ chỗ không có ô, đã in mỗi trang điện có 100 ô chia ra 20 dòng, mỗi dòng 5 ô, như vậy yêu cầu đài bạn nhắc lại nhóm điện nào nhanh chóng và chính xác hơn. Mặt khác về phương thức liên lạc, các điện đài nào dùng máy SCR-694 và GRC-9 đều dùng phương thức liên lạc đơn công xen ngắt (BK) nên trong một ngày đêm, một đài có thể chuyển nhận hàng trăm điện báo, mỗi phiên liên lạc có 60 phút có thể chuyển nhận 8 đến 10 điện. Trong trường hợp đài của đơn vị bạn hoặc của chúng tôi dùng loại máy không thể vừa thu, vừa phát, anh em đã sáng tạo ra phương thức liên lạc đơn công bán xen ngắt (gọi là bán BK) nghĩa là bên có điện cứ phát một lúc vài bức điện, sau đó khi lấy báo nhận (QSL), nếu đài bạn yêu cầu nhắc lại một nhóm mới dùng thủ tục BK. Nhờ phương thức bán BK nên các đài dùng máy kiểu 15PM, 282 vẫn đạt năng suất xấp xỉ các đài dùng máy 694, GRC-9.

Ngày nay, trong điều kiện trang bị thông tin gồm nhiều loại phương tiện, trong thời bình lượng điện chuyển qua máy vô tuyến điện thường rất ít nên anh chị em báo vụ ít gặp khó khăn, ít phải xử lý tình huống. Vì vậy trong công tác huấn luyện chiến sĩ vô tuyến điện, nhất là ở các đơn vị cơ động, cần nghiên cứu tạo ra các tình huống phức tạp để rèn luyện các trưởng đài, các báo vụ giúp anh chị em khỏi bỡ ngỡ, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện trang bị thiếu thốn, công việc nhiều, bị địch gây nhiễu mạnh...

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét