Thiếu tướng Nguyễn Diệp
Tháng 11 năm 1945, tôi là
chiến sĩ quân báo chuyên theo dõi hoạt động của quân Tầu Tưởng đóng trong thành
Hà Nội. Một hôm, sau khi nghe tôi báo cáo tình hình, bác Hoàng Đạo Thúy nói:
"Bộ sắp mở lớp thông tin vô tuyến điện, em là Hướng đạo sinh đã biết
moóc-sơ nên tôi quyết định em sang học lớp đó để sau này làm công tác thông tin"1.
Với tinh thần sẵn sàng nhận
mọi nhiệm vụ và sẽ được học vô tuyến điện, một ngành khoa học kỹ thuật, nên tôi
vui vẻ chấp hành.
Bác Thúy cho biết sẽ tổ chức
lớp học ở trường Tiểu học Hàm Long (nay là trường Trung học Ngô Sĩ Liên) ở phố Hàm
Long - Hà Nội. Trong thời gian học viên do các đoàn thể cử đến chưa đủ, tôi được
phân công cùng một số học viên đến trước chuẩn bị cơ sở vật chất cho lớp. Số
anh em đến trước hầu hết là học sinh trung học phổ thông ở nội ngoại thành tuổi
từ 18 đến 20, riêng tôi mới 16 tuổi nhưng cao 1m66, nặng 60 kg. Vì là "cựu
binh", đã làm chiến sĩ quân báo và là Hướng đạo sinh cứu quốc, quen
các sinh hoạt tập thể nên tôi được chỉ định làm tiểu đội trưởng kiêm quản lý của
lớp, lo lĩnh quân trang, quân dụng và tổ chức nuôi quân...
Quân trang lúc đó ở trại Bảo
an binh là của "lính khố xanh" gồm áo sơ mi cộc tay, quần soóc
lửng, chân quấn xà cạp, đầu đội mũ ca-lô bằng vải chăn chiên. Chăn đắp 2 người
một chiếc là loại dệt bằng bông gạo sơ chế (gọi là Ka-pốc), buổi sáng ngủ dậy
ngoáy lỗ mũi cũng có bông gạo, anh em mặc áo màu sẫm sẽ có một lớp bông gạo trắng
phủ lên khó mà gỡ sạch. Việc vận chuyển bàn ghế, doanh cụ từ kho đến lớp học
cũng khá gay go, vất vả vì toàn là "lính cậu" đẩy xe bò trên
đường phố nhỡ gặp người nhà hoặc bạn gái thì ngượng chết. Tôi phải động viên
anh em và xung phong "làm bò" nên rồi anh em cũng quen và sau
hai ngày đã chuyển hết dụng cụ, bàn ghế đến trường Hàm Long.
Trong những ngày chờ khai giảng,
tôi phổ biến bảng tín hiệu Moóc-sơ và dùng còi thổi để anh em làm quen.
Ngày 7 tháng 12 năm 1945, lớp
học được khai giảng cũng là ngày chúng tôi chính thức nhập ngũ. Lớp học có 23 học
viên và một chị làm nhiệm vụ nuôi quân. Tuy mục tiêu chính là đào tạo hiệu
thính viên (nay gọi là báo vụ viên) nhưng nội dung học tập khá toàn diện và được
gọi là lớp chuyên môn thông tin. Để kỷ niệm lớp hiệu thính viên đầu tiên của
quân đội mở tại Thủ đô, khóa học lấy tên là khóa Hoàng Diệu2. Mỗi học
viên được cấp phù hiệu thêu bốn chữ CMTT và biểu tượng là cột ăngten phát sóng3,
nghĩ lại cũng có thể hiểu CMTT là Cách mạng tháng Tám.
Lớp có hai giáo viên chính
là đồng chí Lê Dung và Vũ Hán Thăng dạy kỹ thuật và nghiệp vụ. Bác Hoàng Đạo Thúy
và các đồng chí Quang Đạm, Vũ Quang dạy chính trị và một võ sư dạy võ thuật. Về
quân sự, anh em chỉ tập đội ngũ và sử dụng súng trường, súng ngắn do học viên
đã học khi tham gia Tự vệ chiến đấu ở khu phố hướng dẫn lại, ngoài ra nghe anh
Nguyễn Duy Thịnh, một học viên đã tham gia chiến đấu ở Thị Nghè kể lại một số
trận đánh khi Pháp gây chiến ngày 23 tháng 9 năm 1945 ở Nam Bộ.
Dụng cụ học tập rất nghèo
nàn, thô sơ, maníp để phát báo bằng gỗ, dùng cao su săm xe đạp để làm lò xo,
tai nghe quàng đầu một bên là gỗ, một bên là thật. Riêng giáo viên có một maníp
tốt có lò xo điều chỉnh được và một bộ máy phát báo tự động để luyện cho học
viên thu tín hiệu từ chậm đến nhanh, với nhịp điệu và giãn cách đúng tiêu chuẩn.
Các môn học khác như điện kỹ
thuật, nguyên lý vô tuyến điện, quy tắc liên lạc và chính trị đều "nghe
giảng", riêng môn võ thuật giáo viên hướng dẫn tập đối kháng ở sân trường,
tôi và anh Mai Đình An là hai học viên được võ sư mến nhất4.
Ngoài việc học tập, lớp còn
phân công thay nhau "gác cổng trường 24/24". Vì Hội Phụ nữ Cứu
quốc cũng sử dụng trường Hàm Long làm trụ sở, do đó nhân dân trong khu phố đều
tưởng chúng tôi là đội cảnh vệ của Hội Phụ nữ, chúng tôi cũng nhận "phiên
hiệu" đó để giữ bí mật, tránh sự nhòm ngó của bọn Quốc dân Đảng lúc
này vẫn hoạt động phá hoại ở Hà Nội.
Về sinh hoạt, chúng tôi được
cấp mỗi người 18 kg gạo/tháng và 180 đồng tiền thức ăn, ngoài ra còn được 5 đồng
để tiêu vặt (cắt tóc, mua xà phòng). Với giá thị trường lúc đó, tiền thức ăn vẫn
tạm đủ để bữa ăn có hai món như rau muống luộc, đậu rán, thịt kho... nhưng khổ nhất
là món cơm, rất khó nuốt vì gạo được cấp phát đều lấy ở các kho dự trữ của phát
xít Nhật nên có loại gạo hẩm, mốc đã lên men, khi vo, gạo tan ra nước đến 20%, cơm
có vị chua; có loại gạo có rất nhiều sạn vì khi bị Nhật thu thuế, nhân dân ta
đã trộn cát, sỏi vào thóc cho đủ cân nên khi xay xát thành gạo ít ra cũng có
10% là sạn. Khi vo loại gạo này tuy đã "đãi" nhiều lần (mỗi rá
gạo đãi hàng bát cát và sỏi vụn) nhưng khi nấu thành cơm, miếng cơm nào cũng có
sạn và chúng tôi phải "đãi sạn lại" bằng cách chan thật nhiều
nước rau muống luộc vào bát cơm rồi quấy lên cho sạn lắng xuống, khi ăn dành lại
miếng cơm cuối cùng để "nuôi lợn". Để khắc phục tình trạng
"khó nuốt" trên, tôi đã có sáng kiến đề nghị anh em bán gạo xấu
đi, lấy một phần tiền thức ăn bù để mua gạo tốt hơn, do đó những bữa ăn sau tuy
chỉ có một món rau muống luộc chấm nước mắm chưng có hạt tiêu nhưng anh em ăn
ngon miệng, không còn tình trạng thừa cơm nhưng bụng vẫn đói.
Tuy sinh hoạt vật chất thiếu
thốn, đối với anh em mới xa gia đình, mới rời ghế nhà trường, có thể nói là
gian khổ, nhưng sinh hoạt tinh thần rất phong phú vì hầu hết các học viên đều
trẻ, có nhiều khả năng văn hóa, văn nghệ nên hàng tuần chúng tôi đều tổ chức một
tối liên hoan văn nghệ ca hát, đọc thơ, diễn kịch...
Hoạt động văn hóa, văn nghệ
của chúng tôi đã lôi cuốn cả chị em ở Hội Phụ nữ Cứu quốc, nên nhiều tuần chúng
tôi tổ chức liên hoan cùng các "cô láng giềng". Do vậy, không
khí càng thêm vui và nếu lớp học kéo dài thêm vài tháng, chắc nhiều anh em sẽ
tìm được “ý trung nhân".
Sau ba tháng học tập, chúng
tôi đã có trình độ cơ bản để có thể đi thực tập ở các điện đài nên sau khi
Chính phủ ta và Pháp ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, Phòng Thông
tin đã điều động một số đi công tác và toàn bộ khóa học được bế giảng ngày 26
tháng 3 năm 1946. Sau khóa học, 2/3 học viên được điều về các đơn vị, số còn lại
được bổ sung thực tập ở Trung tâm thu (BCR) trực thuộc Phòng Thông tin, tôi
cũng ở trong số này.
Đến tháng 8 năm 1946, sau
khi quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng và nhảy dù ở Lạng Sơn, tôi và anh Đỗ Minh5
được điều đi phụ trách đài ở Đại đoàn Bắc Bắc đóng quân ở Lục Nam. Sau khi Đại
đoàn này giải thể, tôi được chuyển về Khu 1 phụ trách đài di theo đồng chí Bằng
Giang – Khu trưởng làm nhiệm vụ tiễu phỉ diệt bọn Quốc dân Đảng ở tỉnh Yên Bái
và Lào Cai.
Sau 40 năm liên tục công tác
trong Binh chủng Thông tin, được Đảng và tập thể giáo dục, giúp đỡ, rèn luyện,
từ một chiến sĩ báo vụ, tôi đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh chủng cuối năm
1987 và được nghỉ chế độ từ năm 1992 nhưng những kỷ niệm về lớp chuyên môn
thông tin đầu tiên (12-1945 đến 3-1946) vẫn in sâu đậm trong tâm trí tôi...
Hà Nội, tháng 9-1996
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn
“Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
----------------------------
1 Lúc này bác
Hoàng Đạo Thúy phụ trách 3 ngành Quân báo, Thông tin, Mật mã của Bộ Tổng Tham
mưu.
2 Xem Lịch sử Bộ đội
Thông tin, xuất bản 7/1996, tr. 33.
3 Phù hiệu còn lưu
giữ ở Bảo tàng Thông tin.
4 Anh Mai Đình An
sau kháng chiến chống Pháp đã học và tốt nghiệp Phó Tiến sĩ vô tuyến điện tử ở
Liên Xô.
5 Anh Đỗ Minh đã hy sinh ngày 6 tháng 5 năm 1954 ở Điện Biên Phủ khi làm Phó ban Thông tin ở Đại đoàn 312.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét