Ngô Thế Thăng - Cựu chiến
binh Đội Vô tuyến điện 101
Trong chiến dịch Tây Bắc
(1952), Mặt trận M13 do Thiếu tướng Bằng Giang chỉ huy đã giải phóng được phần
lớn tỉnh Sơn La và Lai Châu, cô lập địch ở Điện Biên Phủ.
Địch liền tung nhiều nhóm phỉ
vào vùng mới giải phóng để gây rối và đánh tỉa quân ta. Bọn phỉ do quan tư Cẩm Đức
người Mèo cầm đầu gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn vì chúng thông thạo địa
hình, luồn rừng rất giỏi. Ta vây quét chúng nhiều lần nhưng vẫn chưa diệt được,
có lần chúng lợi dụng đêm tối tập kích gây tổn thất lớn cho đoàn văn công Khu
Tây Bắc.
Đầu năm 1954, chuẩn bị chiến
dịch giải phóng thị xã Lai Châu và cô lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Trung
đoàn 159 Khu Tây Bắc được lệnh phải tiêu diệt bằng được bọn phỉ này. Tôi được cử
phụ trách đài vô tuyến điện theo Trung đoàn trong thời gian truy quét địch. Sau
hơn một tháng, vào một ngày mưa lũ, quân ta đã dồn được tàn quân phỉ đến sát một
con suối rộng, nước lũ chảy xiết, địch không rút qua được.
Ta dùng hỏa lực khống chế,
ném lựu đạn khói rồi xung phong bắt sống toàn bộ bọn phỉ trong đó có tên cầm đầu
là Cẩm Đức đã bị thương mù cả hai mắt. Ta thu toàn bộ vũ khí, trang bị gồm cả
máy vô tuyến điện báo, vô tuyến điện thoại.
Vì biết tiếng Pháp, tôi được
giao nhiệm vụ nghiên cứu các tài liệu thu được. Sau khi dò được mật mã và quy ước
liên lạc của chúng với bọn Pháp ở Hà Nội, tôi nảy ra ý định lợi dụng điện đài của
địch, buộc chúng bắt liên lạc với Hà Nội, xin tiếp tế lương thực và vũ khí. Sau
khi báo cáo và được sự đồng ý của người chỉ huy, tôi dùng mật mã của địch thảo
một bức điện báo cáo tình hình khó khăn, yêu cầu được chi viện khẩn cấp... Sau
đó tôi bắt tên lính thông tin của bọn phỉ gọi bắt liên lạc với Hà Nội. Sau 3
ngày mất liên lạc, có lẽ bọn ở Hà Nội mừng quá nên bắt liên lạc và nhận điện
ngay. Sau vài phiên liên lạc, bọn địch ở Hà Nội trả lời đồng ý tiếp tế cho Cẩm
Đức, quy định ám hiệu chỉ điểm cho máy bay thả dù là đốt ba đống lửa xếp theo
hình tam giác đều tại một bãi trống ở tọa độ X.
Theo ngày giờ quy định, quân
ta bố trí mai phục và đốt lửa. Gần đến giờ hẹn, chúng tôi nghe rõ tiếng động cơ
máy bay và thấy hai chiếc Đa-cô-ta lượn vòng quanh khu vực đốt lửa ở độ cao khoảng
3.000 m.
Chúng tôi dìu tên quan tư Cẩm
Đức ra cách bãi trống 500 m. Sau khi điều chỉnh máy, thu được tín hiệu từ máy bay,
tôi đưa ống nói (micro) và lệnh cho Cẩm Đức trả lời bằng tiếng Pháp "Alô,
đây quan tư Cẩm Đức, nghe thấy tôi gọi không? Trả lời".
Không thấy tiếng đáp lại,
tôi bắt Cẩm Đức gọi lại ba lần nhưng hai chiếc Đa-cô-ta vẫn lượn vòng và sau đột
nhiên chúng chuyển hướng bay về Hà Nội.
Lúc đó tôi mới nhận ra là
ngoài quy ước bắt liên lạc, chúng còn quy định mật khẩu nhận nhau nên bọn Pháp trên
máy bay biết là chúng ta giăng bẫy, nên không thả dù. Sau đó đến phiên liên lạc
chúng cũng không bắt liên lạc với đài của bọn phỉ nữa.
Tuy việc lừa địch không
thành công, nhưng chúng tôi cũng rút được kinh nghiệm để sau này vận dụng trong
nghệ thuật nghi binh lừa địch bằng vô tuyến điện.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét