31.12.24

Binh chủng Thông tin liên lạc - Dấu ấn trên hành trình tiến lên hiện đại - Bài 1: Hiện đại hóa thông tin liên lạc quân sự là tất yếu

QĐND - Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) là lực lượng được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, X và XI. Hơn 10 năm qua, bằng tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đảng ủy Binh chủng TTLL đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn Binh chủng hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm TTLL với nhiều dấu ấn trên hành trình tiến lên hiện đại.

Thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Binh chủng TTLL đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tập trung phát triển, quy hoạch, chuyển đổi công nghệ, xây dựng hệ thống TTLL đồng bộ, linh hoạt theo hướng hiện đại, đa dịch vụ, bảo đảm TTLL kịp thời, thông suốt, vững chắc phục vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát triển thông tin liên lạc quân sự hiện đại - đòi hỏi từ thực tiễn khách quan

Những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực, Biển Đông có nhiều diễn biến mới, nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Thế giới xuất hiện nhiều loại hình tác chiến mới, môi trường tác chiến mở rộng cả trên bộ, trên không, trên biển, trên không gian mạng, trên vũ trụ; quy mô, phương thức, tổ chức lực lượng tác chiến cũng có nhiều thay đổi. Vừa qua, các cuộc xung đột quân sự ở một số nước cũng đặt ra nhiều vấn đề trong tổ chức, bảo đảm TTLL. Mặt khác, yêu cầu, nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số đòi hỏi cần có đường truyền tốc độ cao và TTLL chính là nền tảng của hạ tầng số.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra bảo đảm thông tin liên lạc, truyền hình phục vụ Diễn tập HN-24 (tháng 10-2024). Ảnh: Nam Anh.

Trong chiến tranh công nghệ cao, với hệ thống vũ khí hiện đại, phương thức tác chiến mới, đối phương sử dụng hệ thống điều khiển tự động, từ xa, thông qua hệ thống TTLL. Nói cách khác, TTLL không chỉ là "tai mắt" của chỉ huy mà còn là hạ tầng không thể thiếu, là điều kiện cần để vận hành, khai thác vũ khí, trang bị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử trong Quân đội. Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng hệ thống TTLL quân sự hiện đại, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, vừa bảo đảm TTLL “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”, vừa bảo đảm yêu cầu tác chiến của Quân đội. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, mang tính cấp thiết, đòi hỏi phải được nghiên cứu, chuẩn bị ngay trong thời bình, bảo đảm cho Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Binh chủng TTLL nói riêng luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Bảo đảm thông tin liên lạc ở tất cả các cấp, các loại hình dịch vụ

Mục tiêu chung được xác định trong Chiến lược là: Xây dựng lực lượng TTLL quân sự có chất lượng tổng hợp, sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, bảo đảm TTLL kịp thời, thông suốt, vững chắc, thích ứng trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng hệ thống TTLL quân sự hiện đại, ổn định vững chắc, linh hoạt, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTLL tự động hóa chỉ huy, điều khiển vũ khí, trang bị kỹ thuật trong chiến tranh công nghệ cao. Ưu tiên phát triển TTLL cho các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, như: Hải quân, Phòng không-Không quân, Cảnh sát biển, quân báo-trinh sát, tác chiến mạng, pháo binh, tên lửa..., các đơn vị lục quân, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, A2, chống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn và làm nhiệm vụ quốc tế.

Theo Thiếu tướng Vũ Viết Hoàng, Tư lệnh Binh chủng TTLL, trên cơ sở kết quả thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2011-2020; triển khai Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, những năm qua, hệ thống TTLL quân sự đã có sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc cả về quy mô và phương thức với công nghệ hiện đại, đa dạng loại hình dịch vụ.

Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin liên lạc bảo đảm thông tin liên lạc, truyền hình phục vụ Lễ đón đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thăm chính thức Việt Nam (tháng 9-2024). Ảnh: Nam Anh.

Hiện nay, hệ thống TTLL quân sự được tổ chức ở 3 cấp, chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; mỗi cấp gồm thông tin cố định và thông tin cơ động được phát triển theo hướng đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới; gắn với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTLL quân sự “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, vững chắc” trong mọi tình huống; tự động hóa chỉ huy, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị Quân đội.

Đối với mạng truyền dẫn quang, Binh chủng TTLL đã phát huy mọi nguồn lực, quy hoạch, phát triển mạng truyền dẫn công nghệ chuyển mạch kênh quang; với nhiều trục truyền dẫn quang Bắc-Nam, hàng nghìn tuyến cáp nhánh trên tổng số gần 20.000km cáp quang cùng hàng trăm thiết bị truyền dẫn. Nhờ đó, mạng truyền dẫn quang quân sự bảo đảm đến 100% đầu mối cấp chiến lược, chiến dịch (từ 2 đến 5 hướng kết nối; tốc độ từ 2,5 đến 10Gb/s); sư đoàn đủ quân, bộ CHQS, bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố, một số đơn vị cấp trung (lữ) đoàn, ban CHQS huyện từ 2 đến 5 hướng cáp, tốc độ từ 155Mb/s đến 10Gb/s; đồng thời bảo đảm đường truyền tốc độ cao cho toàn bộ hệ thống truyền hình trực tuyến của Bộ Quốc phòng; hệ thống tự động hóa chỉ huy của Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Tác chiến điện tử...

Mạng truyền số liệu có bước phát triển mạnh mẽ cả về công nghệ, quy mô và chất lượng dịch vụ; quy hoạch địa chỉ IP, mở rộng các nút biên, nút truy nhập; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật cho mạng truyền số liệu. Từ năm 2019 đến nay, Binh chủng TTLL đã phát triển, mở rộng mạng truyền số liệu quân sự tới hơn 2.000 đầu mối đơn vị, bảo đảm 100% đầu mối cấp chiến dịch, chiến lược, học viện, nhà trường Quân đội, sư đoàn, bộ CHQS, bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố và các đơn vị cấp trung đoàn, ban CHQS cấp huyện và tương đương, trên 76% các đồn biên phòng, tiểu đoàn hỏa lực, trạm ra-đa, làm cơ sở cho phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tự động hóa chỉ huy gắn với cải cách hành chính và chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng.

Mạng thông tin vệ tinh được quy hoạch, phát triển, mở rộng, khai thác sử dụng hiệu quả cho các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, cứu hộ, cứu nạn. Đến nay, ngoài hệ thống trạm HUB còn có hơn 700 trạm VSAT (thông tin vệ tinh) đầu cuối với đầy đủ các loại hình cố định, mang vác, cơ động trên xe và trên tàu biển, bảo đảm dịch vụ thoại, truyền số liệu và truyền hình.

Nhiều đột phá trong triển khai, duy trì hệ thống vững chắc

Dẫn chứng về kết quả trong khai thác, sử dụng mạng thông tin vệ tinh, Trung tá Vũ Văn Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Lữ đoàn 205 (Binh chủng TTLL) nhấn mạnh: Với chức năng là tổng trạm thông tin Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn 205 là trung tâm kết nối các hệ thống TTLL quân sự toàn quân; trực tiếp bảo đảm TTLL phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, các điểm đảo, các tàu Hải quân, Cảnh sát biển, tổ đội dân quân biển, đồn biên phòng ngoài thông tin thoại, truyền số liệu đều được trang bị hệ thống truyền hình trực tuyến, sẵn sàng kết nối về trung tâm chỉ huy Bộ Quốc phòng. Khi có yêu cầu, Lữ đoàn 205 có thể nhanh chóng thiết lập, duy trì liên lạc với chất lượng cao.

Đối với mạng truyền hình hội nghị, Binh chủng TTLL đã hoàn thành đầu tư bổ sung trang thiết bị; quy hoạch tổ chức thành 3 trung tâm truyền hình, 22 trung tâm vận hành, gần 800 điểm cầu truyền hình, đồng bộ trên đường truyền dẫn quân sự, bảo mật cao. Hoàn thiện xây dựng phương án báo cáo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai mạng truyền hình ứng dụng cấp chiến thuật trong toàn quân với 3 trung tâm và gần 2.000 điểm cầu cho các đơn vị. Ngoài ra, Binh chủng phối hợp với Tổng cục Hậu cần triển khai và duy trì mạng Telemedicine phục vụ truyền hình trực tuyến, hỗ trợ hiệu quả quá trình khám, tư vấn, hội chẩn, chỉ đạo từ xa giữa 25 điểm cầu truyền hình các bệnh viện trong đất liền với bệnh xá trên các đảo, tàu.

Mạng Radio Trunking đã phủ sóng ở các thành phố lớn, khu vực trọng điểm A2, phát huy hiệu quả trong bảo đảm TTLL thường xuyên, cơ động, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập và các nhiệm vụ khác. Mạng thông tin vô tuyến điện được duy trì ổn định, vững chắc ở cả 3 cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đến nay, Binh chủng TTLL đã hoàn thành đầu tư trang bị máy phát công suất lớn cho các trung tâm vô tuyến điện cấp chiến lược; thay thế các máy vô tuyến điện thế hệ cũ bằng các máy vô tuyến điện sản xuất trong nước có bảo mật, nhảy tần, đa dịch vụ, làm chủ trong sản xuất và bảo đảm kỹ thuật...

Hệ thống TTLL cơ động được xây dựng theo hướng hiện đại, đa dịch vụ, gọn nhẹ, cơ động, khả năng sống còn cao, kết hợp với duy trì bảo đảm các trang bị thông tin truyền thống. Binh chủng chủ động củng cố, thay thế trang bị trên những xe cơ động cũ; hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị toàn quân trong mua sắm, triển khai những dự án bảo đảm TTLL cơ động cho các nhiệm vụ với quy mô hàng trăm xe tổng trạm thông tin cơ động cấp chiến lược, chiến dịch; các bộ VSAT mang vác và máy điện thoại vệ tinh tại các đơn vị trực thuộc và toàn quân. Đến nay, hệ thống thông tin cơ động đã bảo đảm tốt TTLL trong các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và những nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.

Thiếu tướng Vũ Viết Hoàng khẳng định, với định hướng đúng, sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời, nỗ lực quyết tâm cao của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, đến nay, Binh chủng TTLL đã chủ động tiếp cận những thành tựu khoa học-công nghệ, hệ thống thông tin quân sự có bước phát triển mới, đột phá về chất ở cả 3 cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, cả hệ thống thông tin cố định cũng như thông tin cơ động, tạo thế vu hồi vững chắc và nâng cao tính độc lập của hệ thống TTLL quân sự, ngang tầm với trình độ công nghệ trong khu vực và thế giới.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn báo QĐND) 

25.12.24

Thông tin liên lạc Phòng Tình báo Bộ Tham mưu Miền (B2) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Đại tá Đinh Văn Huệ - nguyên Trưởng phòng KHQS Quân khu 7

Thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo, chỉ huy Phòng Tình báo Bộ Tham mưu Miền trong kháng chiến chống Mỹ có hai lực lượng: lực lượng công khai gồm các đơn vị thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, thông tin vận động; lực lượng mật gồm các nhân viên giao thông liên lạc, các hộp thư tạo được "bình phong sống" công khai hợp pháp trong vùng kiểm soát của địch.

1. Tổ chức và hoạt động của lực lượng thông tin liên lạc công khai.

- Về tổ chức, quán triệt tư tưởng chỉ đạo mạng lưới tình báo phát triển đến đâu thông tin liên lạc tổ chức phục vụ đến đó; bảo đảm thông suốt, kịp thời, chính xác, bí mật an toàn trong mọi tình huống địch đánh phá ác liệt.

- Từ năm 1961 đến năm 1975 thông tin liên lạc tình báo có 3 giai đoạn tổ chức theo sự phát triển về tổ chức cơ quan nắm địch.

- Từ năm 1961 đến năm 1963, cơ quan nắm địch gọi là Ban Quân báo thuộc Ban quân sự Miền. Thông tin liên lạc phục vụ nắm địch có một đài vô tuyến điện 15W và 1 tổ liên lạc 4 người.

- Từ năm 1964 đến năm 1968, sau khi thành lập Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền (10-1963) cơ quan nắm địch phát triển từ Ban lên Phòng Quân báo với các ban trực thuộc: Ban Trinh sát, Ban điệp báo và Ban nghiên cứu. Thông tin liên lạc phục vụ nắm địch gồm 2 đội vô tuyến điện: Đội 1, mật danh B50, bảo đảm thông tin liên lạc với Trung ương và Cụm Điệp báo; Đội 2, mật danh B40, bảo đảm thông tin liên lạc với các cụm, Đội trinh sát và Quân báo địa phương, một tiểu đội thông tin vận động và một trung đội hữu tuyến điện.

- Từ năm 1968 đến năm 1975, sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cơ quan nắm địch tách ra, tổ chức thành 2 phòng: Phòng Quân báo và Phòng Tình báo.

- Thông tin liên lạc tách ra, bộ phận phục vụ Phòng Tình báo gồm 1 đội vô tuyến điện (B50) và 8 cán bộ nòng cốt. Tổng quân số là 53 đồng chí.

- Từ tháng 5 năm 1968 đến năm 1972, lực lượng thông tin liên lạc Phòng Tình báo nhanh chóng phát triển về tổ chức, hình thành Ban Thông tin liên lạc Phòng Tình báo (mật danh "A99-j22"), gồm có các bộ phận: 3 đội vô tuyến điện (2 đội công tác, 1 đội dự bị); 2 đội thông tin vận động (thường gọi đường dây vũ trang: Đội 4, Đội 5); 1 đội đào tạo báo vụ (Đội 6).

- Cơ quan chỉ huy thông tin gồm có: Ban chỉ huy 2 đồng chí và 4 trợ lý; Đội thông tin liên lạc nội cần gồm: đội môtô hoả tốc, tiểu đội hữu tuyến điện, tổ liên lạc; tổ nhận phát công điện giữa Trung tâm chỉ huy thông tin với các đơn vị thông tin trực thuộc và Ban cơ yếu Phòng Tình báo; Tổ lắp ráp, sửa chữa máy thông tin; bộ phận hậu cần bảo đảm an toàn cho Ban Thông tin; một đài vô tuyến điện 15W dự bị để ứng phó với tình huống đặc biệt, đột xuất.

Quân số toàn Ban, gồm cả số báo vụ, cơ công tăng cường cho các cụm điệp báo và Lữ đoàn 367 là 927 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 427 đảng viên, 400 đoàn viên thanh niên.

Từ năm 1972 đến năm 1975, thông tin vận động phát triển thêm hai đội (Đội 7 năm 1972; Đội 8 năm 1973).

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy mạng lưới thông tin liên lạc đã phát triển lớn mạnh, Phòng Tình báo quyết định điều chỉnh tổ chức. Các đội thông tin vận động (đường dây vũ trang) và Đội thông tin liên lạc nội cần sáp nhập thành Tiểu đoàn thông tin liên lạc 89. Các đội thông tin vô tuyến điện, Đội đào tạo báo vụ và Tổ sửa chữa máy thông tin thành Tiểu đoàn 99. Giúp cho Thủ trưởng Phòng Tình báo chỉ đạo hoạt động của hai tiểu đoàn là hai cán bộ thông tin, sinh hoạt tại Phòng Tình báo.

2. Về công tác và chiến đấu của lực lượng thông tin liên lạc tình báo.

Liên lạc vô tuyến điện sóng ngắn: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mật độ phi pháo, biệt kích, càn quét của địch vào các vùng sâu, cả vùng căn cứ là dày đặc, khốc liệt. Để có thể phục vụ liên tục và an toàn trong mọi tình huống đòi hỏi toàn đơn vị phải dũng cảm, sáng tạo, linh hoạt, ý thức bí mật và kỹ thuật cao trong xây dựng căn cứ, bố trí đội hình, trong việc cơ động tránh phi pháo, biệt kích địch. Các đài vô tuyến điện phải ở xa cơ quan chỉ huy từ trên 15km vì địch liên tục ngày đêm trinh sát sóng vô tuyến điện để dùng B-52 hủy diệt. Ngoài việc chạy sóng thay giờ liên lạc thường xuyên, các đài trung tâm phải cơ động luân phiên để đánh lạc hướng địch. Nhưng biện pháp cơ bản và quan trọng là xây dựng tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, xây dựng công sự kiên cố, tổ chức lực lượng dự bị sẵn sàng thay thế để đảm bảo liên lạc thông tin trong mọi tình huống. Thực tế là trung tâm vô tuyến điện đã vượt qua các cuộc càn quét và đánh phá lớn của địch như cuộc tập kích hơn 400 lượt chiếc phi cơ dội hơn 1.800 tấn bom xuống căn cứ Trảng Chiên năm 1965. (Trung tâm vô tuyến điện kẹt lại trong vùng đánh bom liên tục 14 tiếng đồng hồ sau đó đơn vị thoát ra an toàn).

Năm 1967, Mỹ - ngụy tiến hành chiến dịch Gian-xơn Xi-ty, Trung tâm vô tuyến điện tổ chức đánh địch từ xa để bảo vệ Trung tâm, cơ động các đài vừa tránh phi pháo, bộ binh địch vừa làm việc vừa di chuyển theo hình thức sâu đo, có lúc chỉ cách địch 500m, có lúc vừa di chuyển 15 phút thì B-52 đến san bằng vùng đất vừa dừng chân đóng quân.

Năm 1970, trong cuộc càn "Đông Dương", địch đánh dài ngày và diện khá rộng. Đơn vị thông tin đều nằm trong vùng càn quét của địch, phần lớn lực lượng bị địch bao vây, bị B-52 và pháo địch đánh trúng vào đội hình trú quân nhiều lần nhưng cuối cùng đơn vị cũng vượt được vòng vây an toàn. Trong hơn một tháng bị địch càn quét, đánh phá ác liệt, cả đơn vị thiếu gạo, mỗi người chỉ được cấp 100g/ngày; nhiều đồng chí sốt rét nặng nhưng vẫn giữ vững liên lạc với Trung ương và các địa phương.

Nhược điểm của đơn vị là khối lượng công việc nhiều, sóng phát khó ngụy trang, địch dễ phát hiện nên trong 6 năm (1965-1970) đơn vị đã 63 lần bị B-52 địch đánh trúng vào căn cứ, gần 20 đồng chí hy sinh nhưng liên lạc vẫn giữ vững, liên tục thông suốt.

Trong điều kiện vô cùng ác liệt, gian khổ, hy sinh nhưng trong suốt 15 năm, thông tin vô tuyến điện không mất liên lạc ngày nào, đặc biệt với Trung ương.

Tính trung bình hàng ngày, các đài vô tuyến điện đã nhận và phát đi 250 bức điện. Chỉ tính thời gian thành lập Đội vô tuyến điện B50 năm 1964 trở đi, ước tính đơn vị đã nhận và phát hơn 1 triệu bức điện. Trong đó có sự kiện điển hình là: Đầu năm 1965, chấp hành lệnh của thủ trưởng phòng, đơn vị tổ chức 1 đài 15W với 1 đài trưởng và 3 báo vụ cùng 8 quay viên (quay máy phát điện liên tục suốt 9 ngày đêm với đài Trung ương để chuyển kịp thời 1 tài liệu đặc biệt quan trọng do cơ sở tình báo cung cấp). Một hình ảnh cảm động là do điều kiện làm việc liên tục ngày đêm, anh em sợ cháy máy phát điện nên số quay viên phải thay nhau quạt tay làm mát cho máy.

Năm 1968, theo yêu cầu của trên, đơn vị tổ chức và phái vào nội thành Sài Gòn hai đài vô tuyến điện (máy được nghiên cứu lắp ráp tại căn cứ, dùng pin, người phụ trách là hai cô gái 16, 18 tuổi được đào tạo cả báo vụ, cơ yếu và cơ công). Hai đài này đã phục vụ xuất sắc, nhất là sau đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân, địch phong toả vùng ven, giao thông đường bộ từ nội đô về căn cứ bị gián đoạn nhưng những tin tức quan trọng từ trong cơ quan đầu não của địch vẫn nhanh chóng được thu thập và chuyển về đến Phòng Tình báo Bộ Tham mưu B2 từ hai điện đài này.

Tóm lại, thông tin vô tuyến điện đã đi từ nhỏ đến lớn theo sự phát triển của Phòng Tình báo Miền đã phục vụ kịp thời tin tức, sự lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần đáng kể vào thắng lợi của Phòng Tình báo Miền trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Các đồng chí làm công tác vô tuyến điện đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, gian khổ, ác liệt không lùi bước, quên mình vì sự nghiệp chung. Địch đánh phá liên miên vào Trung tâm vô tuyến điện bằng mọi phương tiện chiến tranh hiện đại, nhiều đồng chí đã hy sinh, nhưng làn sóng điện không bao giờ tắt. Cũng như ở Trung tâm, các đài lẻ phục vụ các cụm, trạm Tình báo thường xuyên phải đối phó với sự đánh phá của địch, bằng những cuộc càn quét, phi pháo, biệt kích; ngoài việc duy trì liên lạc với trên các đồng chí phải bảo vệ khí tài an toàn, tham gia công tác và đánh địch, bảo vệ căn cứ; có đồng chí hy sinh, bị thương, bị bắt nhưng thông tin vô tuyến điện luôn giữ vững liên lạc, phục vụ hiệu quả tin tức của Cụm, Trạm Tình báo.

Đường dây vũ trang

Nguyên tắc tổ chức của phương thức này là Cụm, Trạm Tình báo đến đâu đường dây tổ chức đến đó để đảm bảo thông suốt từ Phòng Tình báo đến các Cụm, Trạm Tình báo. Nhiều tài liệu, phương tiện và đặc biệt cán bộ từ nội đô, từ Cụm, Trạm Tình báo về Đoàn và ngược lại đều do lực lượng này đảm trách. Trong kháng chiến, Tình báo Miền có 2 địa bàn triển khai hoạt động tình báo là miền Nam Việt Nam và Cam-pu-chia. Lực lượng thông tin vận động cũng theo 2 hướng trên mà tổ chức. Trên thực tế, quá trình vừa phục vụ vừa xây dựng lực lượng, mỗi hướng là một đội rải dài từ Phòng Tình báo (căn cứ Bộ Tham mưu Miền) về ven sông Sài Gòn và dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia với gần 300 đồng chí. Trong suốt chiều dài hành lang hoạt động không lúc nào là không có hoạt động đánh phá của địch mà đơn vị phải chiến đấu bảo vệ lực lượng, bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ, tài liệu và phương tiện. Có đến vài trăm lần đơn vị chạm địch hoặc mìn, biệt kích, phi pháo trên đường công tác; hàng chục cán bộ đại đội, hơn 100 đồng chí là cán bộ trung đội, tiểu đội và chiến sĩ đã hy sinh, nhưng đến hết chiến tranh mà cán bộ, tài liệu, tiền bạc... qua đường dây đều an toàn tuyệt đối. Có đồng chí bị địch bắt nhưng bí mật được bảo vệ. Trên đường dây từng chuyển khối lượng tiền lớn, nhiều tài liệu nguyên bản tuyệt mật được bảo vệ chu đáo, nhiều đồng chí lãnh đạo Quân khu khi bị kẹt trong vòng vây của địch cũng qua đường dây Tình báo để được thoát ra an toàn. Nhiều gương hy sinh dũng cảm để cứu cán bộ, anh em thà hy sinh chứ không để cán bộ bị thương vong. Điển hình như tháng 7 năm 1968, đồng chí Minh đưa đoàn gồm 23 đồng chí cán bộ đến đoạn giao thông hào Dầu Tiếng, thì bị trực thăng địch truy lùng. Khi đoàn người gần bị lộ, đồng chí Minh thoát ra vừa chạy vừa bắn trực thăng địch để thu hút địch tập trung về hướng đồng chí. Đồng chí Minh đã bắn rơi 1 trực thăng và hy sinh, 23 cán bộ được cứu thoát.

Có những trường hợp buộc phải chiến đấu để bảo vệ người, phương tiện như: tháng 10 năm 1969, đồng chí Cảnh - đội trưởng Đội 4 cùng 5 chiến sĩ trong đội trên đường chuyển 6 triệu đồng cho Cụm Tình báo phía trước, bị lọt vào trận địa phục kích của một đại đội Mỹ. Đồng chí Cảnh ra lệnh 3 đồng chí ở lại cùng đồng chí chiến đấu chặn địch để 2 đồng chí mang tiền rời khỏi trận địa. Đồng chí Cảnh cùng 3 đồng chí đó đã chiến đấu ngoan cường, diệt nhiều tên địch. Cả 4 đồng chí đã anh dũng hy sinh để bảo vệ được khối tiền lớn của cách mạng.

Một trường hợp khác, vào cuối năm 1970, 1 tiểu đoàn bộ binh địch có xe cơ giới yểm trợ, càn quét vào Xóm Trúc biên giới tỉnh Đồng Tháp và Prây-veng (Cam-pu-chia), nơi đứng chân của Trạm đường dây (H11 - Đội 5) do đồng chí Nguyễn Văn Mây chỉ huy cùng 4 chiến sĩ. Các đồng chí đã chiến dấu ngoan cường, bắn cháy 12 xe bọc thép, diệt 60 tên địch. Hết đạn, cả tổ đã anh dũng hy sinh.

Để cơ động nhanh chóng trong điều kiện cho phép, Ban Thông tin liên lạc tổ chức Đội xe gắn máy để phục vụ trên những tuyến đường đi lại an toàn. Trong 6 năm (1969 - 1975) đội xe gắn máy phục vụ khối lượng công việc khá lớn, đưa đón cán bộ, tin tức nhanh và an toàn. Do được tín nhiệm, đội còn làm nhiệm vụ đưa đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục, Quân ủy Miền, các đồng chí lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ giải phóng. Đặc biệt, có lần đón Bí thư Khu ủy Khu Đông - Cam-pu-chia đến làm việc với Quân ủy - Bộ chỉ huy Miền và trong lần di chuyển chỉ huy sở của Bộ chỉ huy Miền anh em phục vụ tốt. Việc di chuyển của các đồng chí lãnh đạo nhanh chóng, an toàn, được các đồng chí biểu dương, khen ngợi.

Tóm lại, các đơn vị thông tin vận động, đường dây vũ trang từ ngày thành lập có 4 đồng chí cho đến kết thúc chiến tranh đã phát triển tới quy mô tiểu đoàn. Các đơn vị đã phục vụ vô điều kiện mọi yêu cầu của lãnh đạo, Phòng và các Cụm, Trạm Tình báo. Đơn vị đã đưa đón hàng ngàn lượt cán bộ; phương tiện, tài liệu quan trọng đều được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Anh em hy sinh nhiều, nhưng đơn vị đảm bảo mạch máu của ngành tình báo được thông suốt.

Công tác đào tạo

Do điều kiện chi viện của Cơ quan Tình báo Trung ương khó khăn vì xa cách và  chiến tranh ác liệt, Ban Thông tin liên lạc Phòng Tình báo chủ động đề nghị cấp trên cho phép tự tổ chức đào tạo báo vụ và cơ công để phục vụ tại đơn vị và cung cấp người cho các cụm tình báo.

Trong suốt thời gian từ 1968 đến 1975, đội huấn luyện đã đào tạo được gần 200 người. Tuy điều kiện đào tạo không chính quy nhưng khi thực hành trong thực tế hầu hết anh em đều hoàn thành tốt công việc.

Trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, lực lượng thông tin liên lạc Phòng Tình báo Miền đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, liên tục phát triển nhanh chóng. Từ 1 điện đài 15W và 1 tổ liên lạc ban đầu (năm 1961), 8 năm sau (1969) đã hình thành một Ban thông tin liên lạc hoàn chỉnh với quân số trên 900 người. Suốt 15 năm công tác, chiến đấu và xây dựng (1961-1975) đã có 164 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh và 300 đồng chí bị thương để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc liên tục thông suốt, góp phần đáng kể vào thành tích vẻ vang của Phòng Tình báo Miền - Đoàn 22 anh hùng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), ngoài số chuyển ngành, phục viên, tích cực tham gia xây dựng đất nước, vẫn còn hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Ban Thông tin liên lạc Phòng Tình báo Miền tiếp tục công tác trong ngành nắm địch (Đoàn 1752 rồi Cục 12, Đoàn 22B rồi Phòng Quân báo Quân khu 7, Phòng Quân báo Mặt trận 479 và 779, các ban quân báo tỉnh, thành phố). Hầu hết số đồng chí này đã tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia. Đến khi nghỉ hưu có trên 40 đồng chí được phong quân hàm từ Thiếu tá đến Đại tá.

Từ năm 1995 đến nay, số cán bộ, chiến sĩ thông tin liên lạc Phòng Tình báo Miền năm xưa tập họp sinh hoạt trong tổ chức "Ban liên lạc Tình nghĩa A99 - Đoàn 22". Hàng năm tổ chức họp mặt để thăm hỏi, động viên nhau làm những việc tình nghĩa như:

1. Đã vận động ủng hộ nhà tình nghĩa cho 12 cán bộ, chiến sĩ của A99 năm xưa, nay chưa có nhà hoặc nhà rách nát với tổng số tiền 216 triệu đồng (chưa kể số nhà tình nghĩa do Ban liên lạc A99 vận động cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị khác trong Phòng Tình báo).

2. Tổ chức thăm viếng đồng đội khi qua đời hoặc ốm đau nặng (với những đồng chí ở Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương lân cận).

3. Quan hệ với cơ quan chính sách địa phương giải quyết quyền lợi cho anh chị em. Đã giải quyết kết quả trên 10 trường hợp: xác nhận thương binh, gia đình liệt sĩ, nhập hộ khẩu.

4. Đặc biệt, tự tổ chức tìm hài cốt đồng đội ở chiến trường nước bạn Cam-pu-chia được 8 đồng chí, đưa về tổ chức trọng thể, cải táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (có hai đồng chí gia đình đưa hài cốt về mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long).

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

Những ngày đầu của Ban Thông tin quân sự Quân khu 9 (T3)

Nguyễn Văn Quý

Đầu năm 1960, anh Mười Ân (Đỗ Thiên Tư) - Trưởng ban Thông tin Khu ủy Tây Nam Bộ (T3) gọi bốn anh em chúng tôi lại cho biết: "Hiện nay Đảng lãnh đạo theo Nghị quyết 15, nhân dân ta đứng lên vũ trang cướp chính quyền. Do yêu cầu đó, Khu ủy thành lập Ban quân sự T3 do đồng chí Tám Tùng làm chỉ huy trưởng. Lực lượng có ba tiểu đoàn, xóa tên hai tiểu đoàn giáo phái là Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng và Tiểu đoàn Ngô Văn Sở, đổi tên Phú Lợi 1, Phú Lợi 2, Phú Lợi 3".

Xuất phát từ yêu cầu đó, Ban quân sự Khu xin ba bộ đài. Ban Thông tin Khu ủy cấp 3 bộ đài cho Ban quân sự Khu, bốn đồng chí nhận nhiệm vụ sang Ban quân sự Khu phục vụ gồm:

1. Anh Tám Đoàn trước đây làm báo vụ phục vụ Trung ương Cục, anh ở lại miền Nam. Anh là "bậc thầy" của ba anh em chúng tôi.

2. Anh Tư Nhơn là người bảo vệ Trung ương Cục trong kháng chiến chống Pháp, anh không đi tập kết mà ở lại miền Nam học báo vụ.

3. Anh Út Thọ là cán bộ học tại chức của Thông tin Khu ủy.

4. Tôi: Út Quý học tại chức tại Cà Mau do anh Út Yên dạy (trong kháng chiến chống Pháp anh Yên làm báo vụ của Trung ương Cục, anh không tập kết mà ở lại Tỉnh ủy Cà Mau). Anh dạy tôi và đồng chí Xía học từ năm 1955-1957.

Vào khoảng giữa năm 1960, bốn anh em chúng tôi nhận quyết định đến Ban quân sự Khu 9.

Khi đi, chúng tôi mang theo ba bộ đài do anh Hai Nam ở thông tin Khu tự lắp ráp nên đặt tên cho nó là bộ đài Độc Lập . Máy thu kiểu "Sinen", máy phát kiểu "Hắclây".

Khi đến, chúng tôi gặp đồng chí chỉ huy Khu - anh Tám Tùng. Anh Tám mặc bộ đồ bà ba đen, nói năng hòa nhã và cởi mở, vui vẻ, bắt tay với bốn anh em chúng tôi và phát biểu: "Theo sự phân công của Thông tin Khu ủy: đồng chí Tám Đoàn và đồng chí Út Thọ ở đài thông tin của chỉ huy, đồng chí Tư Nhơn đi phục vụ Tiểu đoàn Phú Lợi 2 hoạt động trên chiến trường Sóc Trăng, Cần Thơ. Còn Tiểu đoàn Phú Lợi 3 phải vượt sông Cửu Long hoạt động ở hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh nên tôi xin một báo vụ và một thợ sửa máy vì chiến trường này rất khó khăn và ác liệt, nhưng tại sao chỉ có một báo vụ?".

Lúc đó, tôi phân trần với anh Tám Tùng: "Ban thông tin Khu ủy phân công như vậy cũng đúng vì em là một báo vụ cũng là một thợ sửa chữa nên mới phân công đi Tiểu đoàn Phú Lợi 3". Anh Tám Tùng cười xòa rồi nói: "Như vậy thì an tâm lắm".

Sáng hôm sau, chúng tôi ai nấy về đơn vị của mình được phân công. Tôi về Tiểu đoàn Phú Lợi 3, lúc bấy giờ anh Tư Nam đang làm chính trị viên, anh Năm Rẫy làm tiểu đoàn trưởng (gọi là tiểu đoàn nhưng thực tế chỉ có ba trung đội). Những ngày hoạt động trên chiến trường Vĩnh Long và Trà Vinh gặp rất nhiều khó khăn. Máy phát kiểu Hắclây, sợi dây trời chữ T dài 25m, ở đồng bằng chỗ căng phải giữ bí mật, tự xưng là thợ điện nhưng Ban Thông tin chỉ cho một cái mỏ hàn và một số linh kiện sửa chữa, không có đồng hồ đo điện, nếu máy hỏng, nghi cái nào thì thay cái đó; không phải, gắn lại thay cái khác. Nhưng anh Tám Đoàn là đài trưởng ở cơ quan chỉ huy Khu luôn luôn giúp đỡ và chỉ bảo trên máy, nhờ đó mà thông tin thông suốt trong thời gian ở Vĩnh Long - Trà Vinh.

Đến cuối năm 1960, Mặt trận giải phóng miền Nam khu Tây Nam Bộ thành lập tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, rút ba tiểu đoàn Phú Lợi 1, Phú Lợi 2, Phú Lợi 3 về đây. Ngày thành lập, anh Tám Tùng là đại diện Quân giải phóng Quân khu 9 về dự.

Sau đó, Ban quân sự Khu 9 giải thể ba tiểu đoàn Phú Lợi mà tập trung hai tiểu đoàn Phú Lợi 1, Phú Lợi 2 thành lập Tiểu đoàn 306. Tiểu đoàn Phú Lợi 3 và đơn vị các tỉnh rút lên thành lập Tiểu đoàn 96.

Anh Tám Đoàn và anh Út Thọ vẫn ở đài của chỉ huy Quân khu, anh Tư Nhơn giữ đài Tiểu đoàn 306, tôi ở đài Tiểu đoàn 96, tiếp tục liên lạc thông suốt đến khi có sự chi viện của trên.

Cuối năm 1962, trên điều máy GRC-9 về thay thế chỗ anh Tám Đoàn và Út Thọ. Anh Năm Quới mang bộ đài Sinen về thay thế tôi ở Tiểu đoàn 96.

Bốn anh em chúng tôi lại mang ba bộ đài Độc Lập  về Ban thông tin Khu ủy Tây Nam Bộ.

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm - một thời gian quá dài. Anh Tám Đoàn, anh Tư Nhơn, anh Út Thọ, người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, người từ trần do tuổi già sức yếu. May chỉ còn tôi là đứa em nhỏ nhất còn sống, nên tôi thay các anh ghi lại đôi dòng về những ngày mới hình thành thông tin Quân khu 9. Chắc chắn sẽ có rất nhiều thiếu sót. Nhưng tôi luôn tin rằng, các anh mất đi nhưng tên tuổi các anh sẽ sống mãi trong những trang sử vàng và ký ức của Thông tin Quân khu 9, trong lịch sử và ký ức Thông tin Quân giải phóng miền Nam nói riêng, lịch sử và ký ức Bộ đội Thông tin liên lạc anh hùng nói chung.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

24.12.24

Ký ức về thông tin quân sự R

Đại tá Nguyễn Xuân Đào - nguyên Phó Chủ nhiệm Thông tin R

Cuối năm 1961 đầu năm 1962, lần lượt cán bộ, chiến sĩ "Thông tin mùa thu" đã vào miền Nam gần hết rồi mà chỉ ráp được một khung và hệ thống thông tin từ Bộ Tham mưu Miền xuống đến các Quân khu là nền móng ban đầu.

Một công việc quá nặng nề phức tạp, trách nhiệm đặt lên vai của những cán bộ, chiến sĩ khởi đầu xây dựng ngành thông tin Quân giải phóng anh hùng để đánh Mỹ.

Tại thời điểm này, ngồi ở Chiến khu Mã Đà, một tấc dây điện, một cục pin, một cây đinh sắt cũng không tìm ra. Làm một cái nhà, một lán trại mà trong tay chỉ có con dao găm dài 2 tấc để chặt một khúc gỗ bằng cườm chân... nhưng chẳng lẽ ngồi nhìn, ngồi chờ trên trời rơi xuống? Anh em bàn luận, phải xuống tận nơi nghiên cứu thực tế để tìm lối đi.

Tôi được cử xuống Quân khu 7 (T1), đi bộ một ngày đường. Trước khi đi, tôi lên Phòng Tham mưu Ban quân sự R xin giấy giới thiệu của R với T1. Đồng chí Nhựt Quang - Chánh Văn phòng phải viết đi viết lại 3 lần, đồng chí Bảy Tiến (Trung tướng Trần Văn Quang) mới chịu ký tên với câu "Giới thiệu đồng chí Xuân Đào thông tin xin xuống thông tin Quân khu 7 để học tập vì mới về chưa có kinh nghiệm".

Tôi kể lại việc này để nhớ lúc bấy giờ không chỉ có khó khăn trở ngại về vật chất mà còn phải thận trọng tránh những sự hiểu lầm mặc cảm. Chuyện đâu xa không bàn đến, chỉ nói cái dễ thấy, là sau năm 1954 các anh em đi tập kết, còn một số đồng chí khác phải bí mật ở lại chiến trường sáu, bảy năm trời đầu rơi, máu chảy, chịu bao gian lao, cực nhọc, song vẫn dũng cảm, bền chí để trụ vững, xây dựng lực lượng, quyết tâm đấu tranh, lãnh đạo quân chúng chống lại sự tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng tôi mang súng đạn, máy móc về để cùng anh em trong này bước vào cuộc chiến đấu mới.

Kẻ đi người ở rồi lại gặp nhau tay bắt mặt mừng, xúc động rơi nước mắt, cùng một ý chí, cùng một quyết tâm nhưng sao lại quá thận trọng ngại ngùng từng câu, từng chữ, tôi thắc mắc để bụng chưa có lời giải đáp. Đến Quân khu 7 (T1) tôi may mắn gặp lại đồng chí Việt Hồng (Huệ) với chức vụ là Chính ủy Quân khu. Anh Việt Hồng và tôi là tình thân bạn bè, cùng đi ra Bắc năm 1946 học quân chính rồi trở về Nam năm 1947 cùng góp sức xây dựng Trung đoàn 300 ở Rừng Sác. Sau khi tôi đi tập kết, đồng chí Việt Hồng được bí mật bố trí ở lại miền Nam. Mỗi người một ngả, gặp lại nhau thật bất ngờ. Sau khi hàn huyên tâm sự, chính anh Việt Hồng đã giải đáp thắc mắc của tôi bằng ba câu chữ đơn giản "Đừng làm thầy!".

Ba chữ nhẹ nhàng, thân mật, giản đơn nhưng tôi nghĩ rất sâu xa, có nghĩa là anh ở miền Bắc mới về tuy có học hành, xây dựng quân đội chính quy,... nhưng không nên vì thế mà có thái độ làm thầy đối với anh em trong này. Cần phải biết trân trọng ý chí và việc làm của những người đang trụ lại trong những ngày đen tối...

Sau đó, tôi bắt đầu thâm nhập vào thông tin của Quân khu, gặp đồng chí Năm Nhơn vừa là Trưởng ban Thông tin, vừa là thợ lắp ráp điện đài, máy móc, vừa là thầy dạy giỏi về báo vụ (morse)... Tôi tìm hiểu được nhiều thứ, cái gì anh em thiếu thì hứa sẽ giúp, cái gì họ thừa thì xin (xin cả máy móc họ không dùng đến, xin sơ đồ lắp ráp máy thu phát giản đơn...). Qua đó tôi đã mở rộng được tầm mắt và mở ra cho mình một lối đi.

Tôi xin xuống đơn vị bộ đội chủ lực của Quân khu, trình giấy giới thiệu là cán bộ thông tin R, đồng chí chính trị viên đơn vị ra tiếp. Cuộc tiếp xúc thân mật, toạ đàm gần cả tiếng đồng hồ. Kết quả là anh em hiểu nhầm tôi là người đi lấy tin tức tình hình đơn vị để đưa báo chí... tôi tìm cách hỏi khéo thì ra đơn vị chỉ có 3 đồng chí vừa trinh sát vừa làm liên lạc, ngoài ra không có máy móc, dây nhợ gì cả, té ra anh em chưa có khái niệm về thông tin liên lạc...

Xong việc, tôi lên báo cáo với Tư lệnh Quân khu xin về, Tư lệnh là đồng chí Tám Kiến Quốc (Nguyễn Hữu Xuyến) hỏi:

- Thế nào? Anh em thông tin của tôi có tốt không?

- Tôi khâm phục các anh ấy vì tinh thần tự lực trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.

- Cậu ở Trung ương về có giúp cho T1 được cái gì không?

- Chúng tôi về, trước tiên rất cần người để đào tạo và nguồn cung cấp pin.

- Ồ! Người thì hô một tiếng là có cả ngàn, nhưng liệu các cậu có nuôi nổi hay không? Còn pin thì thiếu gì, có tiền ra chợ mua bao nhiêu cũng có.

À! Mà nè, mỗi máy cần bao nhiêu pin?

- Dạ! Mỗi máy tuỳ theo loại, nhưng trung bình phải có 100 cục.

- Làm gì nhiều thế? Ở đây máy móc của tôi xài có một cục pin thôi mà vẫn liên lạc được với Trung ương.

Anh Việt Hồng - Chính ủy ngồi kế bên biết ý nên gợi qua chuyện khác...

Lúc ra về, anh Việt Hồng chỉ đạo Năm Nhơn ở thông tin T1 tìm ra một chiếc xe bò kéo chở tôi, cùng một số máy móc mà T1 không dùng đến cho tôi.

Về đến đơn vị báo cáo tình hình chuyến đi cho anh Tám Xai - Trưởng ban và các cán bộ trong cơ quan nghe. Anh em đều nhận thấy làm sao cho các nơi thấy tầm quan trọng và sự bức xúc cần thiết của thông tin để phục vụ cho chỉ huy, chỉ đạo.

Cơ quan thông tin vừa dời về khu B (1962) thì anh Tám Xai gọi tôi lên đưa công văn của bên Trung ương Cục nội dung: "Sáp nhập thông tin Đảng (TWC) và thông tin Quân đội làm một".

Ý kiến của Trung ương Cục khó bác bỏ, nhưng may mà có thông báo là hai bên trao đổi và báo cáo lên trên quyết định. Chắc ai cũng rõ là ý kiến của ngành thông tin bên Đảng đã trình lên.

Tôi và anh Tám Xai trao đổi và thống nhất ý kiến đề đạt lên Ban quân sự Miền là không sáp nhập được, việc này anh Tám Xai lo, còn tôi sẽ tiếp phái đoàn của thông tin bên Đảng, chủ đề là tranh luận và bác bỏ việc hai bên sáp nhập là một.

Anh Sáu Đại - Trưởng ban thông tin bên Đảng (sau này là Giám đốc Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh) sang gặp tôi. Anh trình bày ý kiến của mình, nhưng lồng vào ý kiến của Trung ương Cục và đưa ra nhiều lý do:

- Quân đội (Quân giải phóng) các anh chưa đủ sức, mới vào, thực lực chưa có, phải dựa vào chúng tôi đang sẵn có thì mới đảm đương nổi nhiệm vụ.

- Nếu hai bên tổ chức riêng rẽ thì tốn người, tốn phương tiện, là điều không hợp lý...

- Hiện chúng tôi có xưởng sửa chữa, lắp ráp máy thông tin, có trường thông tin, có cơ sở và đường dây tiếp tế mua sắm nguyên vật liệu từ Sài Gòn, Chợ Lớn và bên Cam-pu-chia (K).

- Chúng tôi đã có sẵn mạng lưới thông tin vô tuyến điện báo và hệ thống giao bưu từ R xuống địa phương.

- Xuất phát từ đó việc sáp nhập thông tin hai bên là hợp lý...

Lần thứ nhất họp, tôi chỉ hứa sẽ nghiên cứu ý kiến đề xuất của Ban thông tin bên Đảng và với ngụ ý là khó thực hiện.

Lần thứ hai, anh Sáu Đại dẫn theo hai cán bộ, lần này họp có biên bản. Tôi nói những ý chính như sau:

- Thông tin quân sự có mấy loại: vô tuyến điện báo, vô tuyến điện thoại, vô tuyến tiếp sức, sử dụng nhiều loại máy từ 2W đến hàng trăm oát, sử dụng các loại này tùy theo quy mô tổ chức biên chế đơn vị, tùy theo các loại hình chiến dịch, chiến thuật và chiến đấu... cho nên không thể đơn thuần là vô tuyến điện báo (morse).

- Thứ hai là bộ môn hữu tuyến điện: nào dây dã chiến, nào dây trần, nào tổng đài, tổng trạm... cực nhất là điện thoại viên phải mang dây mang máy theo sát người chỉ huy, nào rải dây, thu dây trong chiến đấu vận động là bộ môn... khá phức tạp.

- Thứ ba là thông tin vận động, thông tin tín hiệu (cờ, đèn, kèn, pháo...), nó có phần giống thông tin giao lưu của các anh, nhưng bên tôi gọi là Quân bưu, ngoài các công văn thư từ thường có đội hỏa tốc, đi thẳng, trực tiếp đến đúng thời gian... có lúc phải vượt qua tuyến lửa ngăn chặn của kẻ địch, mang thư đến nơi cho đơn vị. Cái khó khăn là bộ đội luôn di chuyển, cơ động, thông tin luôn sẵn sàng làm theo yêu cầu luôn đi, luôn chạy...

- Về xưởng thông tin, tuy bây giờ chưa có, nhưng phải có và khối lượng chỉ sửa chữa thôi cũng khá bề bộn, nhiều loại máy vô tuyến, hữu tuyến với những nhãn hiệu khác nhau của Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô và của ta...

Còn vấn đề lớn là nhà trường ngoài việc đào tạo báo vụ đài trưởng là một bộ môn riêng biệt, tốn thời gian, chúng tôi còn phải đào tạo và bổ túc cho cán bộ trung đội, đại đội, phải huấn luyện cho họ biết tính năng và sử dụng các loại máy, đặc biệt là họ phải học các nguyên tắc trong chiến dịch, chiến thuật, chiến đấu của các binh chủng (bộ binh, pháo binh, công binh...); sau đó là nguyên tắc bố trí sử dụng thông tin áp dụng vào các binh chủng và các hình thức chiến thuật như tập kích, phục kích, công đồn đánh công kiên, đánh dã ngoại, đánh vận động, hiệp đồng binh chủng, đào tạo cán bộ ra trường phải đảm đương được chức vụ chủ nhiệm thông tin, người chỉ huy bộ đội thông tin và các trợ lý (tham mưu) thông tin các cấp...

Ngoài ra, việc bố trí thông tin phải phối hợp từng loại: thông tin chiến lược, thông tin chiến dịch, chiến thuật, chiến đấu, mạng lưới công binh, pháo binh, cao xạ, đặc công, mỗi loại có khác hoặc như mạng lưới trinh sát, quân báo, tình báo hay mạng lưới rộng lớn của ngành Hậu cần. Thông tin Quân đội có nhiều nhiệm vụ mang tính đặc thù, không thể hai bên sáp nhập làm một được, chưa nói đến việc bố trí sử dụng cán bộ cũng là chuyện không dễ, còn có hệ thống quản lý thông tin ngành dọc từ Bộ Tổng tham mưu, Cục Thông tin; còn có hệ thống Đảng và cộng tác đảng, công tác chính trị trong Binh chủng Thông tin.

Cho nên quan hệ thông tin bên Đảng và thông tin Quân đội là quan hệ hiệp đồng chứ không thể thống nhất là một.

Do quan điểm không dứt khoát, sau đó Quân khu 8 phải sáp nhập làm một, chỉ khổ cho anh Hoài Sơn (Huỳnh Trừ) - Chủ nhiệm Thông tin Quân khu 8 phải làm hai báo cáo và đi họp ở hai nơi...

Riêng Ban thông tin R thì anh Tám Xai đến báo cáo sau này được đồng chí Trần Văn Quang1 khen "Ý kiến các anh đúng".

Về sau không nghe ai nhắc đến việc xin sáp nhập nữa, và chúng tôi vẫn hoạt động độc lập.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)

------------------------------------

1 Đồng chí Trần Văn Quang sau này là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Đảng ủy Binh chủng Thông tin: Lãnh đạo bảo đảm tốt thông tin liên lạc trong mọi tình huống

Ngày 24-12, Đảng ủy Binh chủng Thông tin tổ chức Hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025. Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dự và chỉ đạo hội nghị.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trị, Bí thư Đảng ủy Binh chủng Thông tin, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) chủ trì hội nghị. Thiếu tướng Vũ Viết Hoàng, Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng TTLL dự hội nghị.

Theo đó, trong năm 2024, Đảng ủy Binh chủng Thông tin đã quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các nghị quyết, chỉ thị, nhiệm vụ cấp trên giao; lãnh đạo Binh chủng hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trị, Bí thư Đảng ủy Binh chủng Thông tin, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc chủ trì hội nghị.

Nổi bật là, Đảng ủy Binh chủng Thông tin lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển hệ thống và chức năng quản lý nhà nước về TTLL quân sự; triển khai có hiệu quả các dự án, công trình thông tin; bảo đảm tốt TTLL thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu và đột xuất, nhất là TTLL cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, các cuộc diễn tập, hoạt động đối ngoại quốc phòng và các sự kiện chính trị quan trọng.

Bên cạnh đó, Đảng ủy Binh chủng Thông tin thường xuyên coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng làm cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn Binh chủng nhận thức rõ tình hình nhiệm vụ; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng được giữ vững và tăng cường. Năm 2024, Đảng bộ Binh chủng Thông tin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Binh chủng Thông tin liên lạc được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua.

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Phạm Trường Sơn ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích, kết quả của Đảng bộ Binh chủng Thông tin đạt được trong năm qua. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2025, Trung tướng Phạm Trường Sơn đề nghị Đảng ủy Binh chủng Thông tin tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng; tăng cường công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, thống nhất cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Vũ Viết Hoàng, Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc phát biểu tại hội nghị.

Trung tướng Phạm Trường Sơn cũng đề nghị Đảng ủy Binh chủng Thông tin tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo và chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với QUTƯ, Bộ Quốc phòng về quy hoạch, phát triển hệ thống TTLL “mạch máu quốc gia” và thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về TTLL quân sự; đẩy mạnh thực hiện “Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Các đại biểu dự hội nghị.

Cùng với đó, Đảng ủy Binh chủng đẩy mạnh thực hiện ba đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và mục tiêu “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh”; chỉ đạo đại hội Đảng ở từng cấp và tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh chủng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025-2030 bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc; lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục - đào tạo sát nhiệm vụ, trang bị, thực tế chiến đấu; lãnh đạo bảo đảm toàn diện, đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các mặt công tác, kỹ thuật, hậu cần, tài chính cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội…

Tin, ảnh: Trần Anh Minh

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn báo QĐND) 

13.12.24

Tổng đài chiến dịch

Quang Chuyền

Em thức mấy đêm rồi

Mà đôi mắt thâm quầng thiếu ngủ?

Da em xanh hơn và gầy hơn độ nọ

Chỉ có miệng cười là nguyên vẹn riêng em!

 

Hôm nay là thứ mấy em quên

Chiếc lược chải đầu để đâu chả nhớ

Thư viết về nhà gấp trong cuốn sổ

Đã mấy hôm rồi sao quên gửi quân bưu?

 

Ai bảo hay quên là để nhớ nhiều

Tôi hỏi chuyện em và tin điều ấy

Như tin miệng cười và lời em nói

Những ngày chiến dịch - những ngày vui

 

Sáng sớm đêm khuya lên xuống hầm đài

Cửa báo dập dồn em thưa, em gọi

Thánh thót tiếng em đêm sâu vời vợi

Con chim bạn bè nghiêng cánh lắng nghe

 

Nơi nào điều thêm xe?

Trận địa nào chỉnh pháo?

Cánh rừng nào sắp bùng lửa bão?

Dõi các binh đoàn em lắng tin vui...

 

Chiến dịch đi qua mấy ngày rồi

Giờ nổ súng em nhớ từng giây phút

Trăm số mật danh không nhầm tay cắm phích

Thuộc cả tính người qua giọng nói quen.

 

Số máy kia là số máy ưu tiên

Đường dây ấy vẫn chưa liên lạc được

(Dẫu em để quên lá thư, chiếc lược)

Còn mọi điều này em không quên đâu!

 

Ta đánh Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đầu Mầu

Chuông điện đổ dồn nhịp trong tiếng pháo

Trời còn lạnh mà mồ hôi ướt áo

Xong phiên việc rồi, em hát, em ca...

 

Chiến dịch mỗi ngày lan xa, lan xa

Công việc bộn bề bao điều đáng nhớ

Em biết quên cái riêng tư bé nhỏ

Nên những ngày vất vả hóa ngày vui...

Bãi Hà, Vĩnh Linh 4-4-1972

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

Tất cả cho toàn thắng (6-1974 - 4-1975)

Đại tá Trần Hữu Đạo - nguyên Chánh văn phòng Binh đoàn 12

Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Trường Sơn sau gần một năm ở Thạch Bàn, cuối tháng 5 năm 1974 Bộ tư lệnh quyết định di chuyển vào Bến Tắt - bờ nam sông Bến Hải. Khu vực này cách đây 3 năm còn nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ ngụy.

"Tại đây Bộ tư lệnh Trường Sơn, tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức lực lượng, đẩy mạnh xây dựng cơ bản cầu đường, nhanh chóng dứt điểm kế hoạch vận chuyển chi viện mùa khô 1974, chuẩn bị kế hoạch năm 1975".

Bộ đội thông tin ở thời điểm này, lực lượng, phương tiện, kinh nghiệm tổ chức điều hành có thể nói là đủ cho sự cần thiết để có thể tổ chức mạng thông tin thích hợp phục vụ cho Bộ tư lệnh chỉ huy, chỉ đạo các sư đoàn, trung đoàn trực thuộc, liên lạc với trên và các đơn vị bạn. Tuy vậy, để đảm bảo việc di chuyển không gián đoạn liên lạc đến vị trí mới nhanh chóng ổn định và phát huy được mọi phương tiện có sẵn đòi hỏi thông tin phải có sự nỗ lực vượt bậc. Cũng như mọi lần di chuyển, thông tin phải đi trước một bước. Tham mưu phó Nguyễn Tụng dẫn đầu đoàn Bộ Tham mưu vào trước để lo xác định vị trí ở của các phòng ban, đơn vị và triển khai mạng thông tin.

Khu vực đóng quân dọc sông Bến Hải mênh mông, bao la, trải dài hết tầm mắt. Sau bao năm chiến tranh tàn phá nơi đây chỉ còn là vùng cỏ cây hoang dại, đất cằn xen lẫn mảnh bom đạn và biết bao những trái bom mìn còn sót chưa nổ nằm dưới đất. Sau khoảng nửa tháng chuyển đến, nhà cửa bằng tranh tre nứa đã mọc lên san sát.

Cuộc họp của các cán bộ thông tin chủ chốt nhằm thúc đẩy triển khai nhanh mạng thông tin liên lạc do Bộ Tham mưu triệu tập được tiến hành dưới mái nhà bạt dã chiến. Đến dự có đông đủ các đơn vị:

- Thiếu tá Nguyễn Đình Chùy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 596.

- Thiếu tá Nguyễn Minh Hiền, quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 49

- Đại úy Nguyễn Quốc Tiến, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16.

- Cơ quan phòng thông tin có đồng chí Hoàng Đình Quý trưởng phòng và các trưởng ban.

 Tham mưu phó Bộ Tham mưu Nguyễn Tụng chủ trì mở đầu nói:

Mỗi khi Bộ tư lệnh quyết định di chuyển Sở chỉ huy đến chỗ mới, đồng chí Tư lệnh đều tham khảo ý kiến thông tin.

Lần này đồng chí hỏi tôi:

- Vào Bến Tắt thông tin có khó khăn nhiều không?

Tôi trả lời Tư lệnh:

- Khó khăn nhất so với mọi lần di chuyển từ trước đến nay vì vị trí này ở lệch hẳn về phía đông, trong vùng dân ta mới giải phóng, thời gian chuẩn bị rất ngắn. Nhưng Binh chủng Thông tin trên tuyến đã trưởng thành, có thể khắc phục khó khăn để tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ Bộ tư lệnh.

Đồng chí Tụng tham gia cách mạng từ năm 1945, trưởng thành từ báo vụ viên Quân khu 5 thời chống Pháp. Trước khi vào tuyến có một thời gian dài anh làm tiểu đoàn trưởng khung của Khoa Thông tin Trường Sĩ quan Lục quân, nên hầu hết cán bộ thông tin tuyến được đào tạo ở trường ra đều biết thầy Tụng.

Anh Tụng vào tuyến được giữ chức Trưởng phòng Thông tin từ năm 1966, thân hình anh mập, chắc, đen, tuổi cao nhất trong phòng. Tính tình cương trực bao dung, sống giản dị, gần gũi quần chúng, gặp gian nguy một mực kiên trung. Cán bộ trong phòng chúng tôi ai cũng quý anh, coi anh như chỗ dựa tinh thần để trụ vững ở Trường Sơn.

Nhà văn Việt Phương, trong một tác phẩm viết về Trường Sơn ví anh như "Cây lim già Trường Sơn" thật không sai.

Tiếp theo là các ý kiến của trung đoàn, tiểu đoàn và cơ quan phòng nêu lên các việc đã và đang làm theo kế hoạch Bộ Tham mưu giao phục vụ sở chỉ huy mới, những tồn tại và đề nghị giải quyết.

Trung tá Hoàng Đình Quý - Trưởng phòng, người vốn có tính hoạt bát, cởi mở nhưng công việc thì rất cụ thể sâu sát, được cấp dưới trọng nể và tin yêu, nêu các vấn đề:

- Theo tôi, Sở chỉ huy Đoàn ta nay ở Bến Tắt, nam sông Bến Hải, là sự thể hiện lớn mạnh vượt bậc của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn và sự chuyển biến mau lẹ toàn diện của cách mạng miền Nam.

Ngoài những việc chúng ta làm khẩn trương theo lệnh của Bộ Tham mưu, theo tôi cần phải tập trung giải quyết sớm ngay việc tổ chức liên lạc điện thoại trực tiếp với hai sư đoàn xe ô tô: 571 ở Đông Hà, 471 ở Sê Xu (ngã ba biên giới) bằng tải ba và tiếp sức bổ trợ. Giữ vững liên lạc tải ba hàng ngày với Sư đoàn công binh 470, 473 và các đơn vị tham gia mở đường, bảo đảm giao thông ở tuyến đông Trường Sơn. Tổ chức tốt việc vận chuyển hàng quân bưu vào ra các chiến trường bằng cơ giới do Đại đội 3 Tiểu đoàn 16 đảm nhiệm. Đồng thời chuẩn bị phương án sẵn sàng lực lượng triển khai xuống phía nam khi tình hình cách mạng phát triển.

Cuộc họp đang ý kiến sôi nổi thì chuông điện thoại của Tham mưu phó Tụng đổ hồi, từ trạm tiếp sức đặt trên đồi cao phía tây sân bay trực thăng đang được xây dựng cạnh Sở chỉ huy, trợ lý tiếp sức Nguyễn Văn Tụng (người Thanh Hóa) báo về đã liên lạc tốt với Sư đoàn ô tô 471 và 571. Sau ít phút đồng chí Nguyễn Hộ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 89 - Trung đoàn 49 bảo vệ đoạn dây từ A72 đến A73 báo cáo đã thông liên lạc từ 3000 đến A73, liên lạc tốt với Sư đoàn công binh 473 ở phía đông, qua B28 liên lạc trực tiếp được với Sư đoàn công binh 472 ở phía tây. Như vậy là các đơn vị chủ công xe và công binh đều đã có thông tin liên lạc trực tiếp, tin vui đến làm mọi người dự họp ai cũng hồ hởi.

Tham mưu phó Nguyễn Tụng nói tiếp: Việc triển khai phục vụ cho di chuyển Sở chỉ huy của các đơn vị vừa qua đã thực hiện đúng kế hoạch, chất lượng thông tin đường dây, vô tuyến đều tốt. Chúng ta phải cố gắng hơn để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Trường Sơn từ trước đến nay đã dành cho bộ đội thông tin.

Theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu và kế hoạch của Bộ tư lệnh Đoàn, thông tin phải chuẩn bị lực lượng cùng với quân của Bộ tư lệnh Thông tin kéo dài tuyến dây đông Trường Sơn đến ngã ba biên giới (Phi Hà) nối với tuyến phía tây. Nhiệm vụ này do Trung đoàn 49 đảm nhiệm.

Nâng cấp và kéo dài đường dây hiện có của Sư đoàn 470 từ ngã ba biên giới xuống phía nam do Trung đoàn 596 đảm nhiệm.

Tiểu đoàn 16 phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện tiếp sức, 15W, 2W khi có lệnh lên đường phục vụ được ngay.

Sau buổi làm việc chia tay ra về, ai cũng như thấy rõ trọng trách nhiệm vụ của đơn vị mình hơn, trước tình hình diễn biến mới của cách mạng và biểu lộ quyết tâm hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

Căn nhà dùng cho trực ban của Sở chỉ huy Đoàn rộng và dài dựng trên nền đất cao ráo, sạch sẽ và thoáng nhìn ra dòng sông Bến Hải uốn khúc hiền hòa, nước trong xanh. Các máy trực ban binh chủng được xếp đặt theo đội hình như ngày ở địa đạo Trường Sơn, các bàn nhỏ xung quanh tổng trực ban, nơi diễn ra các cuộc họp giao ban xử lý mọi công việc hằng ngày của Bộ tư lệnh. Tại đây, cả ngày lẫn đêm điện thoại gọi về chuông réo không ngớt, khác hẳn với những năm tháng trước khi còn ở tây Trường Sơn phải lấy đêm làm ngày, nay trời đất, sông nước là của ta, mọi hoạt động vận tải đã lấy ban ngày làm chính, nên thông tin phục vụ cho Sở chỉ huy bận rộn nhiều vào buổi chiều và tối.

Tôi nhớ vào một buổi chiều trung tuần tháng 7 năm 1974, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên thư thái sang thăm và chuyện trò thân mật với các trực ban, hôm đó tôi trực ban thông tin.

Vui dăm ba câu chuyện xong, Tư lệnh nói với tôi: Trực ban thông tin gọi giúp cho mình làm việc với các anh ở Sư công binh và Sư đoàn ô tô, tối qua bận họp khuya chưa kịp hỏi được tình hình.

Tôi dùng ngay máy tổng trực ban nhắc tổng đài 3000 gọi lần lượt các sư đoàn, chiến sĩ gái Đặng Thị Hà (Nghệ An) cùng tổ trực Thoa, Thái, Thế (tải ba) đã điều chỉnh tín hiệu tiếp chuyển liên lạc phục vụ Tư lệnh nói chuyện với Sư đoàn công binh 473, 472, 565, Sư đoàn ô tô vận tải 571, 471 liên tục gần 1 giờ đồng hồ. Đàm thoại với các hướng đều to rõ, trực ban chúng tôi đứng xung quanh đều nghe được làm Tư lệnh rất hài lòng. Chia tay anh em ra về đồng chí nói "Mùa mưa này quân ta chuyển cánh sang hướng đông gặt hái được, nếu mà còn ở phía tây thì ai ở đâu ngồi đấy chờ mùa khô đến".

Cuối tháng 8 năm 1974, các sư đoàn xe đã dứt điểm gọn kế hoạch cho hai chiến trường Khu 5 và Trị Thiên, bảo đảm vận chuyển nội bộ và lập chân hàng cho năm 1975.

Ngày 26 tháng 8 năm 1974, Đảng ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn họp sơ kết nhiệm vụ vận chuyển mùa khô 1973 – 1974 và chuẩn bị năm 1975 đã nhận định:

"... Năm 1974 tuyến chi viện chiến lược kết thúc đạt tổng khối lượng vận chuyển cho các hướng được 360.043 tấn đạt 102%, bảo đảm hành quân năm 1974 bằng 155,96% so với năm 1973 và chuyển 93.000 thương binh các chiến trường về sau. Hai tuyến ống xăng dầu đã kéo sâu vào phía nam gặp nhau tại Phi Hà. Cầu đường năm 1974 phát triển mạnh, tuyến phía tây cải tạo được 563km, tuyến phía đông cải tạo, kết hợp xây dựng cơ bản hơn 1.050km vào tới Đắk Min".

Cùng với sự trưởng thành của các binh chủng, năm 1974, thông tin đã tổ chức bảo đảm liên lạc chỉ đạo, chỉ huy tốt phục vụ Bộ tư lệnh Trường Sơn, các sư đoàn, trung đoàn trực thuộc vào nội bộ các đơn vị. Mạng tải ba tuyến đông đã hình thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả, góp phần quan trọng trong thắng lợi chung của toàn tuyến.

Trong tháng 9 - 10 năm 1974, bị một trận bão số 5, 11, 12, 13 tràn vào khu vực miền Trung, đường sá của công binh bị sạt lở nghiêm trọng, ngày 7 tháng 11 năm 1974, Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn quyết định sử dụng một lực lượng thích hợp duy tu tuyến đường bộ phía tây, tập trung lực lượng tối đa mở chiến dịch thi công những công trình trọng điểm tuyến đông bắt đầu từ tháng 11 năm 1974, dự kiến kết thúc vào 30 tháng 3 năm 1975.

Vào thời điểm này mạng tải ba đông và tây đều bị tê liệt, việc bảo đảm liên lạc đường dài từ Bộ tư lệnh đến các đơn vị chủ yếu bằng tiếp sức và vô tuyến điện báo bổ trợ.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Bộ Tham mưu Trường Sơn chỉ thị cho hai trung đoàn thông tin dây trần 49 và 596 phải dồn sức nhanh chóng khôi phục mạng thông tin tải ba. Chỉ thị nêu rõ: Tập trung củng cố nâng cấp đồng bộ cả dây và máy. Về dây cần chú trọng chống dò điện bằng cách nối lại các mối nối cũ, thay sứ bị rạn nứt. Tuyến phải dọn "quang trên sạch dưới", dây cáp, dây bọc nát xấu phải thay thế. Trên đôi dây trục chính dùng tải ba không cho phép ai đấu đinh sử dụng liên lạc âm tần. Các trạm cơ vụ sửa chữa nâng cấp máy cũ, đưa máy dự bị vào thay thế, điều chỉnh công suất máy ở mức tốt nhất. Hàng ngày phải điện báo cáo về trực ban thông tin số công lên tuyến, kết quả công việc cụ thể và chất lượng từng đoạn đã được nâng cấp.

Trên cơ sở một thế trận chi viện chiến lược đã triển khai toàn diện vững chắc, trong đó có mạng thông tin tải ba đường dài ở cả hai tuyến đông và tây, mạng tiếp sức và vô tuyến điện báo phục vụ chỉ huy đều được củng cố nâng cấp thông suốt đi mọi nơi. Ngày 25 tháng 11 năm 1974, Bộ tư lệnh Trường Sơn quyết định mở màn chiến dịch vận tải mùa khô 1974-1975. Cả Trường Sơn vào trận, khẩu hiệu thi đua "Tất cả cho chiến trường đánh to thắng lớn".

Bộ đội vận tải thực hiện khẩu hiệu "Hàng nào cũng chở, tuyến nào cũng đi, đã đi là thắng lớn". Thông tin của hai sư đoàn ô tô 471, 571 đã bám theo các đội hình xe lăn bánh, phục vụ chỉ huy nội bộ bằng bộ đàm 2W, liên lạc với trên bằng 15W. Xe hàng đến nơi giao cho mặt trận đều được kịp thời báo cáo về đơn vị và Bộ tư lệnh Trường Sơn. Nhờ có thông tin các đơn vị đã hợp đồng tốt với lực lượng giao liên hành quân tổ chức việc chuyên chở hai chiều đưa quân vào ra, nâng cao hiệu quả vận chuyển.

Do yêu cầu chi viện chiến trường phát triển nhanh, lực lượng xe đi lại trên đường Trường Sơn lúc này rất lớn, đan xen nhiều đội hình. Ngoài số xe của hai sư đoàn ô tô 471, 571 và của Cục Vận tải tăng cường chuyên chở đưa hàng, đưa người vào chiến trường, còn có số lớn xe vận tải hàng phục vụ nội bộ, xây dựng đường ô tô, đường ống, nên thường xuyên trên đường có từ 5.500 - 6.000 chiếc. Do vậy, mặc dầu đường, cầu đã được nâng cấp đáng kể, hệ thống bảo đảm xăng dầu cấp phát giải phóng xe nhanh, đặc biệt công tác chỉ huy giao thông được tiến hành thống nhất, thông suốt, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở những nơi đèo dốc hẹp, mật độ xe đông.

Thông tin đã phái các cán bộ xuống hai sư đoàn xe, kiểm tra và hướng dẫn việc sử dụng mạng điện đài 2W đi theo các đại đội và đến các đơn vị công binh bảo đảm giao thông chỉ đạo tổ chức thông tin ở các barie nơi hay xảy ra ùn tắc để phối hợp được giữa các đơn vị xe với chỉ huy giao thông điều khiển xe ra vào giảm thiểu ùn tắc lớn.

Trong báo cáo giao ban hàng ngày về kết quả vận chuyển, nay không những chỉ có kết quả số xe hàng đến đích, số xe chở người vào ra đến nơi an toàn mà còn có xe vào ra ở một số chốt giao thông trọng điểm dọc tuyến.

"Với sự nỗ lực của các lực lượng trên toàn tuyến, kết thúc 2 tháng cuối năm 1974, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã hoàn thành kế hoạch vận chuyển chi viện theo mệnh lệnh số 12/ML của Bộ Tổng tham mưu".

Thắng lợi của những tháng ra quân vào mùa khô 1974-1975, đã tạo được những yếu tố thuận lợi mới làm tốt cho toàn tuyến bước vào triển khai nhiệm vụ vận chuyển năm 1975, góp phần thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong thời gian nhanh nhất.

Vào những ngày cuối năm 1974 đầu năm 1975, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ ngày càng có lợi cho ta, các đoàn cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Trung ương Cục trên đường vào, ra làm việc với Bộ tư lệnh Trường Sơn thường xuyên.

Toàn tuyến được quán triệt nhiệm vụ chuẩn bị cho một kế hoạch vận tải chi viện quy mô lớn lấy tên là "Chiến dịch vận chuyển 19/5" kỷ niệm 85 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lần thứ 16 ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn.

Trong khi toàn tuyến đang ráo riết chuẩn bị triển khai kế hoạch đã định thì "ngày 15 tháng 12 năm 1974 Bộ tư lệnh Trường Sơn nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu: Tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Nhiệm vụ cụ thể là làm đường chiến dịch, bảo đảm đạn, lương thực, thuốc quân y, xăng dầu... và tham gia chiến dịch".

Trước đó, vào đầu tháng 11 năm 1974, Chủ nhiệm thông tin Hoàng Đình Quý đã được đi cùng đoàn Bộ tư lệnh nghiên cứu chuẩn bị chiến trường. Khi về đã xây dựng phương án thông tin ở hướng phía nam. Kế hoạch được Tư lệnh phê duyệt và đó chính là nhiệm vụ cơ bản của thông tin tiền phương về sau giải quyết.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, tiền phương Bộ tư lệnh Trường Sơn được tổ chức, Bộ tư lệnh Sư đoàn 470 được giao nhiệm vụ vận tải chiến lược, vừa trực tiếp phục vụ chiến dịch Tây Nguyên và là lực lượng tác chiến tại chỗ. Phó Tư lệnh Nguyễn Lang được phân công kiêm Tư lệnh tiền phương và được Quân ủy Trung ương chỉ định làm Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, phụ trách hậu cần. Ông là một trong những Thủ trưởng rất quan tâm đến việc tổ chức mạng thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy sao cho có hiệu quả. Khi ở cương vị là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Trường Sơn, đồng chí nói: "Chỉ huy chiến đấu hợp đồng binh chủng để vận chuyển mà không có thông tin khác nào ếch ngồi đáy giếng", anh chị em thông tin rất tâm đắc lời nói đó.

Theo yêu cầu của Tư lệnh tiền phương Nguyễn Lang, cơ quan thông tin tiền phương gồm 4 người, do Phó phòng Phạm Đình Hiên phụ trách, giúp việc có tôi trưởng ban hữu tuyến vận tải ba, đồng chí Lâm Thao trợ lý chiến thuật, Cao Như Đắc trợ lý vô tuyến điện.

Tiền phương được tận dụng triệt để mạng thông tin sẵn có của Sư đoàn 470, khi triển khai được dùng lực lượng tăng cường của Sư đoàn. Cơ vụ B28 của Trung đoàn 596 được dùng làm tổng đài tiền phương, nơi hợp điểm 3 tuyến dây tây Trường Sơn, đông Trường Sơn và đường xuống phía nam nối đến Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên.

Về lực lượng: Trung đoàn 596 rút quân về tiểu đoàn bảo vệ, thành lập mới Tiểu đoàn 36B, được tăng cường một đại đội của Tiểu đoàn thông tin 15 - Sư đoàn 470 do Trung đoàn phó Trần Đức trực tiếp chỉ huy có nhiệm vụ mắc thêm một sợi ở trên đường dây trần một sợi sẵn có của Sư đoàn 470 và kéo dài xuống Đắk Đam (cơ vụ 31) phục vụ Bộ tư lệnh chiến dịch.

Trung đoàn 49, dùng Tiểu đoàn xây dựng 326 vừa được điều từ Trung đoàn 596 sang, tăng cường hai đại đội của Tiểu đoàn bảo vệ 446, do Trung đoàn trưởng Phan Khắc Thiệu trực tiếp chỉ huy phối hợp với lực lượng xây dựng của Bộ tư lệnh Thông tin nối thông tuyến dây từ Khâm Đức đến ngã ba biên giới.

Vật tư dây máy, thiết bị các loại được đại đội kho trạm chuẩn bị khoảng 25 tấn, có người theo xe áp tải vào giao cho tiền phương tại tổng kho Sê Xu (470).

Thông tin đã dồn lực lượng, phương tiện ưu tiên đặc biệt cho tiền phương để triển khai phục vụ chiến dịch mở màn.

Ngày 25 tháng 1 năm 1975, trước Tết Nguyên đán Ất Mão ít ngày, đoàn tiền phương gồm một xe chở người, năm xe chở hàng đi theo tuyến phía tây vào sau năm ngày có mặt tại Sư đoàn 470.

Đường dây trần từ Bến Giàng vào phía nam do Trung đoàn 132 xây dựng, từng cung thông dây đến đâu giao cho Trung đoàn 49 quản lý khai thác đến đó.

Ngày 8 tháng 1 năm 1975, dây trần mắc đến Làng Rô - Khâm Đức (A75), đến đây không còn vật tư, thiết bị để mắc tiếp. Theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu, Trung đoàn thông tin 49 - Trường Sơn phối hợp với lực lượng xây dựng của Bộ tư lệnh Thông tin khắc phục khó khăn triển khai bằng dây bọc theo trục đường 14 nối tiếp từ Khâm Đức vào ngã ba biên giới dài 185km để hợp điểm với tuyến tải ba tây Trường Sơn ở cơ vụ B28 tạo thế vu hồi liên lạc xuống phía nam chuẩn bị cho chiến dịch.

Ngày 5 tháng 2 năm 1975, đoàn của Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trên đường vào chiến trường trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên ghé thăm và làm việc với Bộ tư lệnh Trường Sơn. Sau đó, đoàn đi theo đường đông Trường Sơn vào Tây Nguyên. Đến Sa Thầy (tây Kon Tum trên 30km) đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đã nói chuyện trực tiếp với đồng chí Tư lệnh Trường Sơn bằng đường dây tải ba vừa rải đến khu vực đó với ký hiệu mật mã rằng "Đường ra trận như ngày hội lớn, người và xe pháo đều hối hả, sôi động vô cùng. Đồng ý ăn tết ở Bộ tư lệnh 470".

Cùng thời điểm ở tuyến đông kéo dây bọc đến ngã ba biên giới (B28) thì ở tuyến phía nam, Trung đoàn dây trần 596 đã tổ chức thi công liên tục, hoàn chỉnh đường dây trần hai sợi nối thông tin các cơ vụ B28, B29 (Đức Cơ), B31 (Đắk Đam) dài 276km, tiếp cận gần Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên.

Tiểu đoàn 86 thông tin trực thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc, đơn vị bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ Sở chỉ huy tiền phương Bộ tư lệnh, do hành quân bằng cơ giới vào đến địa điểm không đem theo khí tài đồng bộ cùng xe chở người, Trung đoàn phó 596 Trần Đức đã xử lý kịp thời, giúp cung cấp đủ dây bọc cho tiểu đoàn triển khai từ Sở chỉ huy tiền phương Bộ (ZA75) đến trạm cơ vụ B31 (Đắk Đam) dài 62km, kịp thời phục vụ cho Thủ trưởng Bộ chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch ở phía bắc.

Như vậy, nhiệm vụ củng cố và xây dựng tuyến dây nối tiếp từ đường dây "Thống nhất" đến khu vực Sở chỉ huy tiền phương Bộ bắt đầu từ ngày 22 tháng 1 năm 1974 đến ngày 28 tháng 2 năm 1975 đã hoàn thành bảo đảm kịp thời yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến dịch. Trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1975, đường dây phía nam do 559 phụ trách đã phục vụ liên lạc giữa Bộ tư lệnh chiến dịch với Bộ tư lệnh Quân khu 5, Tây Nguyên, các đơn vị tham gia chiến dịch liên tục suốt ngày đêm.

Vào 10 giờ ngày 6 tháng 3 năm 1975, tôi đang theo dõi liên lạc ở cơ vụ B28 (ngã ba biên giới) từ A40 (Hà Nội), gọi vào, tôi nghe rõ tiếng đồng chí Lê Cư - Chính ủy Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc - yêu cầu nói chuyện với đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền ở Sở chỉ huy tiến phương Bộ. Tôi đã gọi B31 (Đắk Đam), đồng chí Nguyễn Anh Xuân trung cấp tải ba trực máy thưa vào gọi trực tiếp AZ75 - tổng đài tiền phương Bộ - xin máy thủ trưởng Hiền. Tôi thưa và xưng danh: Tôi là Trần Hữu Đạo - Đại uý Trưởng ban hữu tuyến điện - phòng thông tin 559 - trực ở tổng đài giữa đường, mời thủ trưởng làm việc với đồng chí Lê Cư thông tin ở Hà Nội.

Hai thủ trưởng đều nghe được tôi nói nhưng đàm thoại với nhau không ai nghe được ai. Tôi đã phải làm trung gian nhắc lại cho hai thủ trưởng trót lọt cuộc liên lạc mang tính kiểm tra trong vòng 15 phút.

Kết thúc phiên họp đàm thoại người tôi ướt đẫm mồ hôi, quay sang bên thấy anh Phạm Đình Hiên phó phòng đứng cạnh từ lúc nào không hay, anh như đoán được tâm trạng băn khoăn của tôi vì không điều hành được các cơ vụ hai thủ trưởng liên lạc trực tiếp được với nhau. Anh nói: Giá lúc này có đường dây liên lạc thông suốt tốt từ Hà Nội vào tiền phương Bộ thì ích lợi biết bao cho Quân giải phóng. Còn đường dây của ta vừa xa vừa dã chiến, khả năng liên lạc chỉ đạt như vậy phải chấp nhận anh ạ.

Ngày 6 tháng 3 năm 1975, đoàn xe đặc biệt của Bộ chở cáp từ Hà Nội vào đến Khâm Đức, Bộ tư lệnh Thông tin đã huy động lực lượng tối đa bao gồm quân của Trung đoàn 132, 136 trực thuộc Bộ và Trung đoàn 49 Bộ tư lệnh Trường Sơn cấp tốc thay thế 185km dây bọc bằng dây cáp FFK60. Cùng với việc đoạn dây trần trên miền Bắc từ A72 (Quảng Bình) trở ra đã củng cố nâng cấp xong, nên trước ngày mở màn chiến dịch chất lượng liên lạc được cải thiện, song cũng chỉ giới hạn ở từng cung không thông suốt trên toàn tuyến được.

Từ cơ vụ A40 (Hà Nội) đến Sở chỉ huy tiền phương ở phía tây thị xã Buôn Ma Thuột, đường dây dài tổng cộng 1.346km, trong đó có 1.099km dây trần, 247km dây bọc, trải dài trên 3 miền đất nước Bắc, Trung Nam, vượt qua địa hình rừng núi hiểm trở của Trường Sơn, có đoạn qua gần đồn bốt địch vừa được giải phóng, với 14 trạm cơ vụ tiếp chuyển, các điều kiện bảo đảm kỹ thuật tuy đã được quan tâm nhưng khả năng còn hạn chế. Do vậy, việc phát huy tác dụng đường dây "Thống nhất" để liên lạc đường dài theo ý định của Bộ Tổng tư lệnh không đạt được như ý muốn.

Ở tiền phương Bộ tư lệnh Trường Sơn trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch rất khẩn trương sôi động. Thông tin đã nhanh chóng lần lượt triển khai đến các đơn vị.

Với hai trung đoàn cao xạ 232, 546 và Tiểu đoàn ô tô vận tải 55, ngoài đường dây kéo trực tuyến đến còn tổ chức liên lạc vô tuyến điện 2W khi nổ súng.

Sư đoàn phòng không 377 vừa đặt chân đến Tây Nguyên bảo vệ Kon Tum, Plây Cu, Đức Lập, cầu 14 Buôn Ma Thuột, thông tin đã nối liên lạc vô tuyến điện chặt chẽ hàng ngày.

Trên đường dây trục "Thống nhất" từ Quảng Bình đến Tây Nguyên, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khai thác phục vụ chỉ huy do Trung đoàn thông tin 49 của Trường Sơn đảm nhiệm. Đặc biệt đoạn từ Khu 5 đế Sở chỉ huy tiền phương Bộ và Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, cán bộ chiến sĩ canh dây, tổng đài trong điều kiện phải ở dã chiến, lấy tăng võng làm nhà, gạo thiếu nước hiếm, nhưng thay nhau túc trực suốt đêm ngày phục vụ cho tiền phương Bộ, Bộ tư lệnh chiến dịch, các sư đoàn, trung đoàn trong đội hình tham gia chiến dịch để luôn liên lạc thông suốt, kịp thời trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch.

Đề phòng khả năng khi mặt trận chính nổ súng, địch  có thể tăng viện ở phía bắc xuống, cần phải giữ thông tin liên lạc vững chắc cho Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ huy. Sáng 9 tháng 3 năm 1975, đồng chí Nguyễn Lang quyết định giao cho tôi chỉ huy phân đội 20 người trong đó gồm một tổ đài 15W, một tiểu đội đường dây và dây máy điện thoại cấp tốc cơ động nhanh bằng xe Zin đi ngược ra phía bắc túc trực, sẵn sàng khôi phục liên lạc ở giữa cung đoạn Plây Cu - Buôn Ma Thuột.

Ở hướng Trung đoàn công binh 575, có nhiệm vụ sửa chữa khôi phục các đường 48, 50, mở một trục dọc và hai nhánh 50C, 50Đ bí mật cho xe tăng tiếp cận Buôn Ma Thuột dài 60km. Từ giữa tháng 2, ban thông tin đã bố trí một tổ hữu tuyến điện đi theo trung đoàn. Để giữ được bí mật mà vẫn liên lạc tốt, chúng tôi đã dùng loại dây bọc cực nhỏ (chuyên dùng cho đặc công, 1km nặng khoảng 2kg) để mắc từ cơ vụ B31 (Đắk Đam) đến Sở chỉ huy Trung đoàn, khi trung đoàn di chuyển thông tin kéo dây theo. Do vậy, ngày 4 tháng 3 năm 1975, đường mở đến bản Lơ Lia – Chư Mơ Nga, cách thị xã Buôn Ma Thuột 20km mà địch không hề biết. Trung đoàn đẩy mạnh thi công, đúng 23 giờ đêm 9 tháng 3 năm 1975 đã khai thông trục đường 50B, hai nhánh 50C, 50D sẵn sàng bảo đảm đội hình cho xe tăng tấn công. Trung đoàn trưởng Nguyễn Lang không giấu nổi vui mừng báo cáo những công việc cuối cùng và đánh giá của Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên về thực hiện nhiệm vụ tham gia chiến dịch của bộ đội Trường Sơn với Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên ở Bến Tắt (Quảng Trị). Niềm vui phấn khích qua giọng nói của hai thủ trưởng Bộ tư lệnh ở hai đầu tuyến vang qua điện thoại làm vui lây và vơi đi tâm trạng bồn chồn thấp thỏm trước giờ nổ súng với anh chúng tôi.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, ta nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột, cuộc tấn công đồng loạt của ta trên khắp chiến trường Tây Nguyên, đòn "điểm huyệt" Buôn Ma Thuột đã làm cho quân địch ở Tây Nguyên tan vỡ nhanh chóng.

Đại tướng Văn Tiến Dũng từ mặt trận trực tiếp điện thoại ra cho Tư lệnh tiền phương Nguyễn Lang: Không cho chúng chạy thoát! Và ra lệnh cho Sư đoàn ô tô vận tải 471 tổ chức lực lượng xe cơ động Sư đoàn 320 bộ binh truy kích địch rút chạy trên đường số 7 (Cheo Reo - Phú Bổn) và cơ động Sư đoàn 10 bộ binh theo đường 14 xuống phía nam giải phóng thị xã Buôn Hồ, truy kích địch đến Đạt Lý.

Sáng 18 tháng 3 năm 1975, tôi đang cùng phân đội cơ động trực chiến ở phía nam Plây Cu, nhận được lệnh của Phó Tư lệnh Nguyễn Lang do thông tin tiền phương truyền trực tiếp: "Đồng chí Trần Hữu Đạo tổ chức một tổ công tác biệt phái có điện đài đi cùng, xuống ngay thị xã Phú Bổn vừa giải phóng, thị sát thực tế báo cáo về tiền phương".

Tôi hỏi thêm anh Hiên, đi bằng xe nào? Và thống nhất quy ước liên lạc vô tuyến điện về tiền phương.

Trưa 18 tháng 3 năm 1975, tôi cùng tổ đài 15W và hai chiến sĩ trên đường đi xuống Phú Bổn. Xe lao nhanh trên đường 14 đến ngã ba Chư Sê rồi vào đường 7, cách thị xã khoảng 3km gặp một đồn địch vừa bị Quân giải phóng tiêu diệt ngày hôm trước. Khu nhà lính ở và kho tàng vẫn còn nghi ngút khói lửa, trên các sân và bãi trống quân trang, quân dụng... của địch vứt bỏ lại ngổn ngang. Bên lề đường hai xe tải bị đổ, cái bị lật ngửa bốn bánh lên trời, cái đổ nghiêng, máu người thấm trên đường còn hiện rõ. Tôi cho dừng xe quan sát sự việc. Nhìn bên cạnh các xe đổ, thấy đường bị bung lên thành hố chưa kịp lấp đầy, chúng tôi đoán chắc là xe bị mìn chống tăng của địch. Tôi bàn cùng anh em phải cẩn thận vượt qua, chần chừ lúc này là nguy hiểm. Tôi yêu cầu mọi người rời khỏi xe và đi cách xa, chỉ còn lại đồng chí Quýnh lái xe và tôi có nhiệm vụ "xi nhan" cho xe lăn bánh đúng vết bánh xe đã đi trước. Hết đoạn đường cho là nguy hiểm, anh em leo lên xe đi tiếp.

Vào đến đầu thị xã gặp một tổ cảnh giới Quân giải phóng mũ tai bèo, đeo băng đỏ xanh, tay lăm lăm súng AK chặn xe lại, tôi xuống trình giấy tờ, các đồng chí xem xong chỉ đường đi vào Ban quân quản thị xã và nhắc cần cảnh giác đề phòng tàn quân địch còn ẩn núp chống trả.

Đến thị xã, chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng chiến thắng lẫy lừng của quân ta trước một thảm bại kinh hoàng của địch mà trong chúng tôi chưa ai từng thấy.

Ở đường lộ chính của thị xã dài khoảng hơn 2km và đoạn đường nhánh rẽ sang cầu Ya Nu qua sông Ba (thượng nguồn sông Đà Rằng) đã bị phá gục nhịp giữa sông có đến gần nghìn xe cơ giới đủ loại bị quân ta chặn đánh không kịp thoát chạy. Bên mố cầu và cạnh thân cầu giữa sông có 5 xe tăng cái ngập nước, cái bung xích chết đứng trên đường, các bãi ruộng, bờ suối liền bên có đủ loại xe tăng, thiết giáp, xe ca chở khách, xe du lịch sang trọng và xe lam chen rúc vào nhau hỗn độn như nêm. Cái bị bắn cháy, bắn hỏng, có nhiều xe còn nguyên vẹn, biết lái nổ máy là đi được ngay. Dưới sự kiểm soát của bộ đội quân quản không thấy bóng người dân nào vào khu vực này.

Ngoài ra còn có đến vài trăm xác lính ngụy bị tiêu diệt, ngã gục 2 bên đường, dưới gầm, trên thùng xe và cả trên ca bin. Vì trời khô nắng nên chiến sự mới dứt hai ngày mà tử thi đã trương lên đen thũi, mùi tử khí nồng nặc, ruồi muỗi nhiều vô kể. Từng đàn quạ nháo nhác bay lên, đỗ xuống như ở một bãi tha ma ảm đạm.

Dừng xe cạnh một nhà dân bỏ trống, tôi cùng 2 chiến sĩ sẵn trong tay súng đạn đã lên nòng, đi bộ lách qua các đám xe và xác địch tìm đến ngôi nhà giữa thị xã có treo cờ giải phóng. Tôi xuất trình giấy tờ và nói rõ nhiệm vụ được Phó Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Lang giao. Còn quân chủ lực Sư đoàn vẫn đang truy kích bọn tàn quân địch rút chạy, lực lượng quân quản quá mỏng nên chưa kịp giải quyết hậu quả thu dọn chiến trường.

Tối đó, tôi viết điện báo cáo về tiền phương tình hình trực tiếp quan sát được. Hôm sau có điện thông báo lại "Bộ tư lệnh chiến dịch sẽ tổ chức ngay việc thu dọn chiến trường và ổn định đời sống dân cư" - ký tên Lang.

Chúng tôi ở Phú Bổn 4 ngày mà tưởng như rất lâu. Hàng ngày nắm tình hình, tối viết điện báo cáo. Công việc tạm ổn thì được lệnh rút về Plây Cu, khi về đem theo một số chiến lợi phẩm thu được gồm xe tải, xe zép và một số khí tài Thông tin để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo, tập kết tại sân bay Cù Hanh.

Ngày 21 tháng 3 năm 1975, tôi nhận được điện của Trưởng phòng Hoàng Đình Quý: Đón xe đặc chủng tiếp sức đi thẳng vào Plây Cu, đặt trạm ở núi Hàm Rồng - ngã ba Bầu Cạn, liên lạc về đài chóp cao điểm 1264 và trực tiếp với đài Sư đoàn 470, bỏ đài trung gian T2 (Bạc), T3 (Chà Vằn) bảo đảm liên lạc từ Sở chỉ huy cơ bản Bộ tư lệnh đoàn với Sư đoàn 470 hàng ngày.

Ngày 23 tháng 3 năm 1975, trên đỉnh núi Hàm Rồng hai cột ăng ten tiếp sức xương cá đã được dựng lên bên cạnh dàn ăng ten hiện đại của Mỹ - ngụy vừa mới bị quân ta phá hủy cách đây ít ngày khi giải phóng Plây Cu. Cùng ngày thông liên lạc tốt đã phục vụ rất kịp thời cho Bộ tư lệnh chỉ đạo, chỉ huy Sư đoàn 470, 471 làm nhiệm vụ phát triển xuống phía nam.

Ngày 25 tháng 3 năm 1975, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng. Bộ đội thông tin cùng các binh chủng khác của bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ tư lệnh chiến dịch giao.

"Theo chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh được chuyển qua mạng tiếp sức phía đông vừa nối thông, Sở chỉ huy tiền phương Đoàn 559 chuyển vào thị xã Buôn MaThuột, trực tiếp chỉ đạo Sư đoàn 470 tiếp thu kho tàng, chủ yếu là cụm kho Mai Hắc Đế của quân ngụy, khai thác chiến lợi phẩm bổ sung cho chiến trường, đồng thời triển khai ngay lực lượng bảo vệ vùng giải phóng Kon Tum, Plây Cu".

Qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, được tin: ngày 26 tháng 3 năm 1975, Huế hoàn toàn được giải phóng, ngày 29 tháng 3 năm 1975, thành phố Đà Nẵng lớn thứ hai ở miền Nam, một căn cứ quân sự liên hợp của địch và bán đảo Sơn Trà cũng đã thuộc về nhân dân làm chủ hoàn toàn. Tình hình chuyển biến rất mau lẹ.

Tôi nhận được lệnh thu quân cơ động về Buôn Ma Thuột để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Khi đi ra theo đường ô tô dã chiến trong rừng, nay trở lại xe bon nhanh trên quốc lộ 14 trải nhựa vừa hoàn toàn được giải phóng, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ niềm hân hoan chiến thắng.

Gặp lại anh Hiên, anh Thao, anh Đắc cùng anh em thông tin tiền phương ngay bên các tòa nhà kiên cố, hệ thống ăng ten đồ sộ của trung tâm truyền tin của địch ở Tây Nguyên, ai cũng bùi ngùi xúc động, mừng cho nhau đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và an toàn trong cuộc chiến đấu sinh tử vừa qua.

Sở chỉ huy tiền phương Bộ tư lệnh Trường Sơn chuyển đến Buôn Ma Thuột được bố trí trong một gian nhà rộng và thoáng giữa khu kho Mai Hắc Đế. Hàng ngày chuông điện thoại reo từ các tổ chốt của quân quản thành phố do Sư đoàn 470 đảm nhiệm gọi về, đường dây tiếp sức gọi đến, điện đài sóng ngắn 15W chuyển nhận các công điện với các đơn vị trực thuộc, các mặt trận vẫn liên tục không ngớt.

Cũng dịp này thông tin tiền phương nhận được điện chỉ đạo của đồng chí Tham mưu phó Nguyễn Tụng: "Tây Nguyên đã được giải phóng, nhưng tuyến vận chuyển đông và tây Trường Sơn vẫn tiếp tục hoạt động ở quy mô lớn và liên tục, yêu cầu các lực lượng thông tin phía nam tập trung duy trì bảo đảm liên lạc tốt để phục vụ chỉ huy vận chuyển chiến lược thắng lợi trong mọi tình huống".

Hàng ngày thông tin tiền phương nhận thông báo tình hình diễn biến của chiến trường và truyền tin đến các đơn vị về "Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và các nơi khác".

Cơ sở khẳng định thời cơ chiến lược để giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam đã chín muồi, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định - lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã ra mệnh lệnh và hiệu triệu gửi các đơn vị trên toàn tuyến: "Cùng với cả nước, bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hãy dốc hết lực lượng và quyết tâm cho chiến dịch mang tên Bác".

Thông tin liền huy động toàn bộ lực lượng và khả năng cùng các binh chủng bạn phục vụ cho trận đánh cuối cùng. Các trạm cơ vụ, đài tiếp sức, đài vô tuyến điện báo lại hối hả truyền đi khắp các nẻo đường đông, tây Trường Sơn mệnh lệnh bảo đảm hành quân. Tất thảy lực lượng dân công, thanh niên xung phong phải ngày đêm túc trực bảo đảm cầu đường. Chỉ trong một đêm, các phương tiện thông tin đã truyền đạt xong mệnh lệnh, xốc lại thế trận, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các mũi hành quân.

Hai sư đoàn ô tô vận tải đã được giải quyết trang bị tổ chức bảo đảm liên lạc khi cơ động đội hình lớn trên đường. Chúng tôi rất vui sướng khi đọc điện báo cáo lên Bộ tư lệnh: "Từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, trong vòng 20 ngày, Sư đoàn 571 đã huy động hơn 1.000 đầu xe, cơ động gọn đội hình Quân đoàn 1 với toàn bộ trang bị khí tài vượt 1.200km đường Trường Sơn vào tới đích Đồng Xoài sớm hơn 6 ngày so với thời gian quy định. Và cùng thời gian, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 4, Sư đoàn 471 đã cơ động toàn bộ đội hình Quân đoàn 3 và Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B Quân khu 3 vào Lộc Ninh đúng thời gian quy định".

Trưa 7 tháng 4 năm 1975, Sở chỉ huy tiền phương Trường Sơn nhận được bức điện tối khẩn số 157-H-TK, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ lệnh:

"Thần tốc, thần tốc hơn nữa

Táo bạo, táo bạo hơn nữa

Tranh thủ từng giờ từng phút

Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam

Quyết chiến và toàn thắng”

Các phương tiện thông tin lập tức lên mạng thông báo ngay toàn văn điện "thần tốc" đến các đơn vị.

Trong thời điểm cả nước cùng ra trận, mệnh lệnh hành quân, mệnh lệnh chiến đấu của Đại tướng như một lời hịch vang dậy núi sông, huy động mọi người vào trận, sôi sục khí thế để tiến đến ngày toàn thắng. Cán bộ, chiến sĩ thông tin toàn tuyến trên vành mũ, vách nhà tổng đài, cơ vụ, trạm canh dây, trạm máy ở đâu cũng có khẩu hiệu "Thần tốc - Táo bạo - Tất thắng".

Khi cánh quân Duyên Hải được thành lập, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên được cử làm Phó tư lệnh cánh Duyên Hải. Phòng thông tin bố trí tổ xe điện đài đi trực tiếp phục vụ giữ vững liên lạc cho Tư lệnh. Sau khi cánh quân Duyên Hải phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, giải phóng Nha Trang, Bộ tư lệnh Trường Sơn quyết định chuyển Chỉ huy sở cơ bản vào Nha Trang, đặt tại Trường hạ sĩ quan thông tin của địch ở Đồng Đế mà ta vừa tiếp quản, Bến Tắt trở thành hậu cứ, còn Sở chỉ huy tiền phương vẫn ở Buôn Ma Thuột.

Theo lệnh của Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Trường Sơn, trong một tuần thông tin phải tổ chức xong đường trục tiếp sức ven biển nối giữa Nha Trang và Bến Tắt. Đại đội 4 tiếp sức Tiểu đoàn 16 thông tin tổng trạm đã thu quân, dùng ba xe công trình xa theo quốc lộ 1 tiến qua các vùng mới giải phóng, có nơi còn nghi ngút khói lửa đến các cao điểm bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng, Núi Ấn - Quảng Ngãi, Rù Rì - Nha Trang. Nơi ở cao không có đường xe lên anh em tháo máy khuân vác bộ lên, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngày 13 tháng 4 năm 1975, thông suốt liên lạc đúng thời gian quy định.

Để từ Nha Trang liên lạc được với tiền phương Buôn Ma Thuột bằng tiếp sức, anh em đã đặt trạm tiếp chuyển ở đèo Phượng Hoàng (giữa đường quốc lộ 21 Ninh Hòa - Buôn Ma Thuột). Bộ tư lệnh rất hài lòng và biểu dương thành tích xuất sắc mới của thông tin tiếp sức.

Tại Sở chỉ huy Nha Trang, mạng thông tin được tổ chức rất gọn nhẹ, một tổng đài 40 số dùng liên lạc nội bộ, liên lạc đường dài chỉ còn tiếp sức. Mạng vô tuyến điện báo vẫn được duy trì liên lạc chặt chẽ với tất cả các hướng, các đơn vị. Đặc biệt được chú ý là đài 15W cơ động đi theo phục vụ bộ phận đại diện Bộ tư lệnh Trường Sơn bên cạnh Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh do đồng chí Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy phụ trách.

Ngày 22 tháng 4 năm 1975, tại Nha Trang, Bộ tư lệnh triệu tập hội nghị khẩn cấp cán bộ chủ trì các đơn vị trực thuộc. Tư lệnh thông báo tình hình phát triển của chiến dịch, nhiệm vụ chung của bộ đội Trường Sơn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Ngay sau hội nghị thông tin vô tuyến điện đã kịp thời chuyển nhanh bức điện của Bộ tư lệnh đến các đơn vị tham gia phục vụ chiến dịch, động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống của bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Một bộ phận lớn bộ đội vận tải Trường Sơn đã trở thành phương tiện cơ giới hoá bộ binh ở các mũi tấn công đang sẵn sàng xung trận, tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, tổng công kích vào Sài Gòn - thủ phủ của chính quyền Sài Gòn bắt đầu. Trên các hướng và mũi tiến công của các quân đoàn chủ lực, hai sư đoàn xe ô tô 571 và 471 của Trường Sơn đã tham gia cơ động lực lượng để đưa quân ta tiến vào nội đô, các đơn vị công binh bảo đảm giao thông trên các trục lộ chính, bộ đội đường ống xăng dầu bảo đảm nhiên liệu cho xe cơ giới hoạt động. Ở khắp mọi nơi có lực lượng tham gia bảo đảm phục vụ chiến đấu, thông tin đều bố trí điện đài đi cùng để giữ liên lạc.

Không khí Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Trường Sơn các ngày 28-29 tháng 4 năm 1975 có những lúc căng thẳng tột độ bởi các tin tức điện báo từ các mũi tiến công gửi về. Nhiều bức điện vừa mã dịch xong, chữ còn tươi mực đã được đọc trước Bộ tư lệnh ngay. Tin Sư đoàn 304 gặp địch kháng cự quyết liệt ở ngã ba đường 15, Lữ đoàn 203 gặp khó khăn ở cầu sông Buông, Sư đoàn 325 bị địch khống chế ở phà Cát Lái... Trong cơn giãy chết, kẻ địch liều mạng chống đỡ gây cho ta nhiều tổn thất. Nhưng mọi phản ứng của kẻ thù chỉ là những điều báo mộng giờ tuyệt vọng, cáo chung của chính quyền và quân đội Sài Gòn đã đến.

Sáng 30 tháng 4, tin tức điện về liên tục cho biết, từ nhiều hướng các quân đoàn 1, 2, 3, 4 đồng loạt tiến công dũng mãnh vào nội đô Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm những trọng yếu.

Đúng 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4, xe tăng Lữ đoàn 203 đã tiến công dinh Độc Lập, tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. Cờ giải phóng đã tung bay trên tầng cao dinh Độc Lập.

Điện từ Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, điện từ đại diện Bộ tư lệnh Trường Sơn báo về, báo vụ của Tiểu đoàn 16 thông tin Tổng trạm nhận xong, cơ yếu túc trực mã dịch ngay bên cạnh Sở chỉ huy, chỉ sau giây phút Bộ tư lệnh đã có tin tức ngay. Cùng lúc Đài tiếng nói Việt Nam truyền đi bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh.

Tin vui dồn nén ngạt thở đến mọi người, các chiến sĩ thông tin của 2 trung đoàn dây trần đang bảo vệ phục vụ liên lạc ở 2 tuyến đông, tây Trường Sơn, các chiến sĩ tiếp sức trên các đỉnh núi cao heo hút dọc ven biển Đông và Tây Nguyên, các nam chiến sĩ thông tin của các tiểu đoàn, đại đội thông tin trên toàn tuyến, những người kế tục lớp đàn anh, đàn chị đi trước, không chùn bước trước bom đạn kẻ thù, vượt mọi hiểm nguy, gian khó, thay nhau "Thức cùng Trường Sơn" liên tục 16 năm qua, giữ vững mạch máu thông tin liên lạc trên tuyến đường mang tên Bác, tất cả như đều trào dâng đều phấn khích lạ thường trong ngày lịch sử trọng đại đáng ghi nhớ này "ngày mà cả đời người mới có một lần, thậm chí cả nhiều đời mới có một lần", như lời Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã nói sau giờ phút toàn thắng với các đồng chí cán bộ, chiến sĩ trong Bộ tư lệnh chiến dịch mà Đài tiếng nói Việt Nam, vô tuyến truyền hình, báo chí đã dẫn và nói nhiều lần mỗi khi vào dịp kỷ niệm chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Tôi và một số anh em cơ quan được may mắn hòa trong không khí chiến thắng cùng dòng người đông như nêm trên dọc các đường phố chính vừa đi vừa phất cờ reo hò, ca hát vang động cả đất trời. Trong đám đông quần chúng, nhiều người thay nhau hô vang các khẩu hiệu "Cách mạng muôn năm, muôn năm". "Chào mừng Quân giải phóng chiến thắng"... cứ thế kéo dài đến đêm khuya.

Vào bưu điện thành phố, tôi gửi lá thư ngắn về quê báo tin cho gia đình biết. Ít lâu sau về thăm gia đình tôi được nghe kể lại: nhận được thư của tôi cả nhà mừng lắm, bố, mẹ, vợ, con tôi vui sướng quá ai cũng òa lên khóc, khóc mừng vì đất nước được hòa bình, con mình còn sống sẽ trở về. Đúng là nước mắt dành cho ngày chiến thắng, dành cho ngày vui đoàn tụ sau hàng chục năm khắc khoải đợi chờ!

Ngày tôi chia tay gia đình vào tuyến cuối năm 1965, khi đó vợ tôi đang mang thai đứa con đầu lòng. Biết đi Nam chiến đấu là vào nơi gian khổ ác liệt, trực tiếp đối mặt với quân thù, sáng sớm hôm tiễn tôi lên đường ra ga Từ Sơn đi tàu Hà Nội để nhập đoàn vào miền Nam, vợ tôi xách chiếc đèn bão đưa tôi đến cổng làng, bịn rịn phút chia ly không ai nói nên lời, mắt cứ tràn nhòa lệ. Tôi đi xa hàng cây số, nhìn về vẫn thấy ánh đèn còn đó, có lẽ chờ cho khi khuất bóng, vợ mới trở về nhà.

Hình ảnh quê hương, những người thân yêu cùng bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, sống chết trong 10 năm liền ở Trường Sơn cứ đan xen trong tâm trí tôi theo từng bước chân đi sống động, bùi ngùi.

Đêm 30 tháng 4 năm 1975, ở Đồng Đế ít ai ngủ được, mọi người như đều mong trời chóng sáng để được chia sẻ cùng nhau niềm hân hoan chiến thắng.

Trong im lặng của bầu trời thanh bình đầy sao và sóng biển rì rào của thành phố biển Nha Trang, tôi bồi hồi nghĩ về Trường Sơn.

Hình ảnh những ngày đầu được theo chân đơn vị đặt chân đến Trường Sơn, ngỡ ngàng trước núi rừng trùng điệp hoang sơ. Rồi những năm tháng cùng đồng đội lặn lội men theo các tuyến đường ô tô vận tải, vượt đèo lội suối băng sông để khảo sát và mắc dây thông tin đặt máy liên lạc, cảnh mưa ngàn, suối lũ, nắng hạ, đói cơm, nhạt muối, sốt rét, bom rơi, đạn nổ, hy sinh tổn thất và thông tin thông suốt... cứ diễn ra liên tục nối tiếp nhau trong từng ngày, cả tháng, suốt năm tưởng như không chấm dứt.

Sâu sắc và lắng đọng hơn cả là những ngày đầu bỡ ngỡ mắc dây trần, những ngày tôi được giao nhiệm vụ đi tổ chức bảo đảm thông tin ở trọng điểm ác liệt Cốc Mạc - Văng Mu, Cua Chữ A, Ta Lê - Phu-la-nhích, ở mặt trận tây Trị Thiên A Sầu A Lưới, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào... Đó là những nơi đã diễn ra những cuộc giao tranh ác liệt giữa chiến tranh ngăn chặn của ta. Bom đạn địch giội xuống hòng phá đường, phá kho, tiêu diệt quân ta liên tục suốt đêm ngày. Mặt đất có lúc chao đảo như đưa võng, núi rừng bị cày xới, đào lên lấp xuống tưởng như không thể nào tồn tại được sự sống con người. Nhưng cũng chính nơi đây bộ đội thông tin Trường Sơn cùng bộ đội binh chủng bạn đã làm nên sự tích anh hùng, người này mất người khác thay thế bám trụ đến cùng, giữ vững mạch máu thông tin liên lạc bảo đảm chỉ huy hiệp đồng chiến đấu chiến thắng quân địch, khơi thông trọng điểm cho nườm nượp đoàn xe ra trận, đoàn quân đến các chiến trường.

Hình ảnh đồng chí Nho - chiến sĩ khảo sát bị mảnh bom lòi ruột ở rừng trong đêm tối, đồng chí Trương Công Bào bị bom cướp đi mất một chân khi đang chỉ huy bộ đội mắc dây, cơ vụ B16 cùng một lúc 13 người bị bom xé nát xương thịt không ai còn nguyên vẹn. Chiến sĩ gái tổng đài 3000 Lương Thị Trúc trên đường khôi phục dây bị trúng bom hy sinh vào lúc tuổi đẹp nhất cuộc đời. Cả Ban thông tin và tổng đài Sư đoàn 473 bị pháo đài bay B52 cướp đi sự sống trong lúc đang làm nhiệm vụ... Và hàng trăm các tấm gương hy sinh kiên cường, anh dũng khác tôi được chứng kiến còn thấm đậm trong tâm trí tôi.

Ngay trong những năm cuối của chiến tranh. Bộ tư lệnh Trường Sơn đã tổ chức xây dựng nghĩa trang Trường Sơn. Với hơn một vạn mộ liệt sĩ được quy tập về lần đầu trong đó có hàng trăm liệt sĩ thông tin. Còn hàng vạn đồng chí, đồng đội khác vẫn còn nằm đâu đó, mà thời gian cứ trôi qua, chắc gì đã còn mà đưa họ về quê hương đất mẹ. Máu xương của họ hoà tan vào cỏ cây, đất đá, sông suối, mây trời của Tổ quốc là điều khôn nguôi của những người còn sống.

Núi rừng Trường Sơn nơi tôi đã sống, chiến đấu và công tác hàng chục năm gian khổ, ác liệt, đã có biết bao kỷ niệm không thể nào quên.

Đến nay, sau gần 30 năm, những người đã từng trải ở Trường Sơn hồi nghĩ lại vẫn còn kinh ngạc về sự kỳ vĩ và mức độ ác liệt của Trường Sơn. Con đường Trường Sơn đã đi đến chiến thắng và đã đi vào tình cảm của hàng triệu trái tim.

Nhà báo Mỹ Jacques C.Despuech đã thường trú ở Việt Nam suốt thời gian chiến tranh viết:

"Đường Hồ Chí Minh ấy - mạng đường ra trận dày đặc, dài hàng chục ngàn cây số, luôn luôn bị trọng pháo và bom phá, tạo thành những túi lửa khổng lồ suốt đêm ngày. Vậy mà nó vẫn cứ như mạng nhện muôn ngả, thật sự thành công cụ trọng yếu duy nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam".

"Nếu đem các con đường từng coi là huyền thoại trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, như con đường voi đi qua dãy núi Aepes của danh tướng Anibal, hay con đường chuyển trọng pháo qua đèo Saint Bernard của hoàng đế Na-pô-lê-ôn, đặt bên đường Hồ Chí Minh thì chúng đều kém cỏi quá xa.

Vì đường Hồ Chí Minh không chỉ là vật thể mà còn là con đường tâm linh, con đường dân tộc... nên nó có sức sống thật vô cùng kỳ diệu"1.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vĩnh viễn đọng lại trong lịch sử như "Một trong những thành công kiệt xuất của đường lối chính trị và quân sự của Đảng ta"2 như "một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của dân tộc"3 như một thiên anh hùng ca bất tử của nhân dân ta, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ bảo vệ và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục tiêu như Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra là: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh".

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)

 

---------------------------------

1 Trích bài viết của Nguyễn Việt Phương.

2 Thư Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi bộ đội Trường Sơn.

3 Ghi lưu niệm sổ vàng đường Trường Sơn của đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.