12.12.24

Người thương binh chưa có huân chương

Đặng Trường Lưu

Gần như cùng một lúc chúng tôi nhận ra nhau trước cổng cơ quan Bộ tư lệnh: "Thàng"". Anh sững lại, tay buông chiếc đòn gánh xuống mặt đường. Chúng tôi lao vào nhau trước bao cặp mắt các sĩ quan quân đội, các vị đại biểu ngực đeo đầy các loại huân chương trong buổi sáng ngày kỷ niệm 55 năm truyền thống Bộ đội Thông tin liên lạc.

Thàng ôm ghì lấy tôi không biết đến bao giờ, nếu không có một giọng phụ nữ gọi anh. Khi anh buông khỏi tôi, khuôn mặt già nua đã đầm đìa nước mắt. Thàng khoát tay giới thiệu vợ anh với tôi bằng một câu gọn lỏn: "Người cứu mình đấy!". Tôi gật đầu chào chị - người phụ nữ Tà Ôi, da ngăm đen mà ngót 30 năm trước, tôi đã một lần nhìn thấy, khi chị cũng trên lưng đồng đội bị thương trả về cho chúng tôi, mệt mỏi, kiệt quệ là thế mà đôi mắt luôn nhìn xuống kia của em vẫn ánh lên cái nhìn thăm thẳm như dòng sông Sê Xa Mu ngày nắng. Phải! Thấm thoát mấy chục năm rồi!

Ngày ấy tôi được bổ sung về một tổ canh dây tuyến đường ngang Sê Xa Mu, từ trục thông tin chiến lược về Đông Châu, nơi mà mãi sau này chúng tôi được biết là vị trí sở chỉ huy chiến dịch của ta. Nhiệm vụ của chúng tôi phải giữ gìn, bảo vệ đường dây thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Tổ có ba người do Thàng phụ trách, đảm nhận đoạn đường gần chục kilômét qua đèo cao, vực sâu của miền Quảng Trị. Có lẽ không cần phải nói nhiều về mức độ ác liệt mà quân thù dành cho mảnh đất Trị - Thiên trong suốt cuộc chiến tranh này. Ngay từ đầu tháng 2 năm 1971, đánh hơi thấy việc ta sẽ mở chiến dịch lớn, địch tập trung lực lượng chủ yếu là pháo binh và không quân, hòng "đập nát cuống họng hành lang chiến lược" của ta. Sau những trận bom cày đi xới lại, suốt hai miền Trường Sơn bất kể là ngày hay đêm, mỗi lần chui ra khỏi đất chúng tôi ngầm hỏi "Còn ư?". Vâng! Không biết đã bao lần anh em chúng tôi đã bật lên thành lời, đã nuốt vào tâm khảm cái câu hỏi lẽ ra đừng nên có ấy. Chỉ biết rằng đằng sau câu hỏi là tiếng chuông máy lẻ giòn tan báo thông tin liên lạc - máu vẫn về tim.

Càng gần ngày mở màn chiến dịch, địch càng điên cuồng bắn phá có ngày hàng trăm lần chiếc B52 trút bom rải thảm. Trực thăng Mỹ đổ quân xuống cắt đường dây liên lạc. Mỗi buổi chiều, sau khi cử đồng chí Khuông ở nhà trực máy, Thàng cùng tôi đi khảo sát tuyến mới, rải dây vòng khe núi, hiểm trở hơn nhưng lại an toàn. Trời vừa nhập nhoạng tối thì chúng tôi gặp địch: Một tiểu đội thám báo đang lùng sục, hung hăng nổ súng trước với hàng loạt đạn tiểu liên cực nhanh. Thàng quyết định vừa bắn trả vừa nhử chúng đuổi theo, đánh lạc hướng tránh xa đường dây. Rồi bóng tối ập xuống. Tiếng súng cũng thưa dần. Chúng tôi lạc nhau. Tôi tìm được đường về thì trời đã gần sáng. Những ngày tiếp đó, hai đứa chúng tôi vẫn giữ thông tin liên lạc, vừa phải thay nhau vào rừng tìm bạn. Năm ngày sau Thàng trở về trên lưng một cô gái Tà Ôi. Hai người khuỵu xuống như một thân cây đổ, áo quần, tóc tai bơ phờ, rũ rượi. Chúng tôi mếu máo nhìn họ, hết cười lại khóc. Cô gái chỉ biết duy nhất một tiếng "Bác Hồ" ngượng nghịu khi tôi đưa chiếc khăn tay màu cỏ úa và bị đông nước, ra hiệu cho cô rửa mặt. Cô nhìn tôi bằng đôi mắt thăm thẳm Sê Xa Mu ấy, để mấy chục sau, giữa lòng Hà Nội tôi còn nhận ra dù đã nhạt nhòa.

Thì ra trong lúc vừa nổ súng vừa nhử giặc đuổi theo để giữ an toàn tọa độ đường dây, Thàng trúng đạn, vết thương ở đùi kéo anh vật xuống và kẹt lại trong khe đá. May thay một cô gái đi tìm củ mài đã cứu được anh. Viên đạn chỉ xé phần mềm, cô tìm lá rịt vết thương, rồi khi dìu khi cõng, suốt mấy ngày đêm bươn bả, đưa anh về với chúng tôi. Sau khi tự ý đi tìm một bọc to đúng các loại lá thuốc dành chữa vết thương cho Thàng, cô quầy quậy ra hiệu chỉ tay lên núi đòi về, rồi cô lẳng lặng biến mất.

Chiến dịch tổng tiến công năm 1972 thắng lợi với việc ta giải phóng Quảng Trị. Những đường dây dã chiến được thu hồi. Chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Tôi được gọi về miền Bắc nhận nhiệm vụ khác, còn Thàng và Khuông được điều về trung đoàn mới.

Chiến tranh chấm dứt. Những người lính hoàn thành nghĩa vụ vẻ vang của mình với Tổ quốc, ai cũng khao khát và vội vã trở về với gia đình, làm nhiệm vụ của người con, người chồng, sau bao năm vắng bóng. Thàng cũng như thế. Trước niềm vui lớn lao ấy anh không thể kiên nhẫn để chờ đợi có đủ các loại giấy tờ chứng nhận công trạng. Cái vết thương ở đùi, to bằng trên bát, da non đỏ bóng, đã quên nhắc anh phải tới quân y viện để giám định thương tật. Vả lại trái tim anh còn đang thôi thúc về với cô gái Tà Ôi đã cứu anh năm nào. Hai người trở thành vợ chồng, cùng dìu dắt nhau về sống ở quê anh bên bờ con sông Đà hung dữ.

Rồi lũ sông Đà bất ngờ nổi lên cuốn đi nếp nhà mà vợ chồng anh vừa dựng. Rồi Nhà máy thủy điện Hòa Bình khởi công, nơi anh ở biến thành lòng hồ chứa nước. Vợ chồng anh được nhận vào làm công nhân xây dựng. Những ngày tháng hào hùng ấy rồi cũng qua đi. Khi dòng điện sông Đà tỏa sáng cũng là lúc phần lớn những người công nhân lại lên đường về phía bao công trình mới. Vợ chồng Thàng không đủ sức đi tiếp. Họ ở lại trong phần lán của mình với những gốc sắn, gốc chè trồng quanh trồng quẩn. Đứa con muộn mằn khi bệnh tật của tuổi tác, của chính cái vết thương ngỡ ở phần mềm vô sự ấy bắt đầu hành hạ. Vợ anh, người đàn bà chỉ biết có nương rẫy và sương gió Trường Sơn, rồi cũng học được cái đôn đáo, tháo vát của người Kinh, của người công nhân công trường khi không còn việc làm. Dãy lán tạm của các gia đình công nhân giờ trở thành mặt ngõ. Chị mở quán cho anh ngồi bán nước, thuốc lá cùng những hàng tạp hóa rẻ tiền. Tưởng thế đã yên phận. Nào ngờ, quy hoạch mới chỉ cho phép một số hộ ở lại, còn phần lớn phải chuyển lên nhà tầng ở nơi khác. Ai sẽ được ở lại chính nơi mình đang ở, tất cả phụ thuộc vào cuộc họp xét duyệt của hội đồng theo phương thức cộng điểm, gồm năm tháng phục vụ, huân huy chương và xếp loại thương tật...

Bây giờ thì Thàng mới ớ ra. Tất cả giấy tờ chứng nhận có thể cứu cánh cho gia đình anh lúc này lẽ ra phải có thì anh không có. Một vài loại giấy tờ khác khi trở về địa phương cũng đã theo nước lũ sông Đà mà ra biển. Anh cứ ngồi như thế mà xỉ vả mình trước cái nhìn lẳng lặng của vợ, trong tiếng khóc ậm ọe của đứa con vừa cai sữa.

Tìm đâu ra những tờ giấy ấy? Ai có thể chứng nhận cho anh lúc này, ngoài người vợ yêu quý? Ngày ấy, ai có thể ngờ được những giấy nọ tờ kia mấy chục năm sau sẽ là địa vị, là cơm áo, là tất cả! Trung đoàn cũ đã giải thể từ lâu. Đồng đội ai còn ai mất? Và lại là chiến sĩ ở một tổ canh dây giữa rừng thời giặc giã, lấy đâu ra các mối quan hệ mà nhờ cậy. Anh chỉ chỉ có thể nhớ tên thủ trưởng trực tiếp của mình, nhưng hình như anh mới chỉ gặp một hai lần gì đó, và bây giờ họ đang ở đâu? Hạn nộp các giấy tờ chứng nhận để được ưu tiên sắp hết thì đầu anh lóe lên một tia hy vọng. Anh quyết định gọi con, rồi cùng vợ hai đầu đòn gánh là hai bọc quần áo, là bọc sắn củ làm lương ăn dọc đường xuôi về Hà Nội, tìm đến cơ quan Bộ tư lệnh Binh chủng, mong gặp được người quen. Họ đứng nem nép bên tường nhà bảo tàng, dõi theo từng người qua lại, và họ đã gặp tôi.

Câu chuyện dài thế nhưng Thàng kể cho tôi nghe chỉ trong mấy phút. Chúng tôi nhìn nhau nước mắt chan hòa. Đôi mắt Tà Ôi xinh đẹp của vợ anh cũng đang ầng ẫng nước. Tôi để họ ngồi trong buồng khách giữa buổi sáng ngày đại lễ, với ngàn ngạt xe, ngàn ngạt người cùng huân chương đỏ ối. Tôi chạy thống tháo đi tìm những cán bộ của trung đoàn cũ và cơ quan chức năng để giúp vợ chồng anh có được một tờ giấy xác nhận đúng là anh cùng những gì anh đang có.

Tôi đưa vợ chồng Thàng ra bến cho kịp chuyến xe về thị xã Hòa Bình. Tờ giấy xác nhận mà anh run run cầm trong tay rồi đút sâu vào ngực áo, phải được đặt trên bàn làm việc của hội đồng xét duyệt trước hai giờ chiều. Dọc đường về và cả khi đã ngồi vào hàng ghế hội trường trong buổi lễ long trọng kỷ niệm Ngày Truyền thống Binh chủng, giữa tiếng vỗ tay ràn rạt sau những diễn văn và lời chúc, tôi cứ cầu mong cho cái giấy chứng nhận kia, đủ sức mạnh giúp vợ chồng Thàng có thêm vài điểm, dù vẫn biết rằng còn bao nhiêu đồng đội, chiến tranh đi qua mấy chục năm rồi, vẫn đang âm thầm chịu đựng nỗi đau mất mát, bệnh tật mà chẳng thứ giấy tờ nào có thể bù đắp xoa dịu.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét