8.12.24

Những cô gái Đoàn Nam Liên thời chống Mỹ

Nguyễn Viết Sửu

Đế quốc Mỹ bị thất bại nặng nề, liên tiếp ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Bắt đầu từ cuối năm 1964 đầu năm 1965 trở đi, chúng điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân; hòng ngăn chặn sự chi viện của quân dân miền Bắc đối với chiến trường miền Nam.

Thời gian đầu chúng đánh phá các kho tàng bến cảng, nhà ga, xe lửa, sân bay, cầu cống... Về sau càng ngày càng mở rộng, càng ngày càng ác liệt với quy mô lớn hơn và khốc liệt hơn; kể cả các vùng nông thôn hẻo lánh đến nơi thành thị đông dân như ở thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng...

Trước họa xâm lăng của đế quốc Mỹ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên trai tráng, xung phong tình nguyện ra chiến trường diệt Mỹ để bảo vệ đất nước. Hàng vạn chị em lứa tuổi mười tám đôi mươi, ở các tỉnh thành miền Bắc, tình nguyện xung phong lên đường để chống Mỹ cứu nước; số vào bộ đội và số gia nhập thanh niên xung phong.

Tháng 10 năm 1965, 10 chiến sĩ gái đầu tiên được phân công về đơn vị 134, là lớp trung cấp bưu điện được đào tạo bài bản, đó là các cô: Nguyễn Thị Nghiêm ở Hải Phòng; Phan Thị Xuân Sánh ở Nghệ An; Nguyễn Thị Thuận ở Hưng Yên; Đoàn Thị Thanh Trà ở Hải Dương; Dương Thị Phả ở Thái Nguyên; Phạm Thị Thanh Mai và Cung Thị Thanh Hiền ở Hà Nội; Nông Thị Tần; Nông Thị Nga người dân tộc Tày. Tuy các cô được đào tạo 3 năm ở trường trung cấp bưu điện về nghiệp vụ kỹ thuật thông tin, nhưng khi mới vào quân ngũ, các cô còn hết sức bỡ ngỡ, kể cả về sinh hoạt cũng như trong công tác tổ chức đảm bảo thông tin liên lạc.

Sau một thời gian được huấn luyện bổ túc, dần dà các cô làm chủ được trang bị kỹ thuật, sử dụng và khai thác thành thạo các loại máy móc, quen với công việc và nếp sinh hoạt thường ngày của quân đội.

Sau này các cô trở thành lớp đàn chị, là hạt nhân làm nòng cốt ở các trạm A10, A41, A53, A54, A56, A46, A47... và chính các cô đã trực tiếp dìu dắt, bồi dưỡng các lớp chiến sĩ gái sau này của đơn vị. Nhiều chị đã trở thành cán bộ, đảng viên và chiến sĩ thi đua.

Chị Nguyễn Thị Nghiêm người con gái của thành phố hoa phượng đỏ, tính tình nết na thuỳ mị, nhưng trong công việc lại nghiêm túc và sâu sát chị em. Chị từ nhân viên tải ba được kết nạp vào Đảng, được đề bạt làm trạm trưởng trạm A10 của Đại đội 8 ở Hà Nội, rồi về làm đại đội phó Đại đội 1 ở Hải Phòng. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất chị chuyển ngành làm giám đốc trung tâm điện thoại đường dài của Bưu điện Hải Phòng.

Thiếu úy Phan Thị Xuân Sánh quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An trạm trưởng A46, thiếu uý Nguyễn Thị Thuận quê ở Hưng Yên đang làm chính trị viên trạm A10. Được lệnh điều động, hai chị đã dẫn đầu đoàn quân, số đông là chiến sĩ gái đi vào chiến trường Trị Thiên - Huế. Nơi giáp ranh giữa hai miền Nam - Bắc, đã từng chịu đựng đạn bom hết sức ác liệt. Lúc đầu còn ở trạm KC 100A, sau đó phát triển sâu vào trạm KC 100B; các chị đã vượt mọi khó khăn gian khổ, chẳng quản ngại hy sinh, quên mình vì nhiệm vụ. Kết thúc chiến dịch Trị Thiên - Huế, hai chị đều được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được điều về làm trợ lý chính trị trung đoàn. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, thiếu uý Phan Thị Xuân Sánh chuyển ngành làm cửa hàng trưởng cửa hàng thương nghiệp ở Hà Nội; còn trung uý Nguyễn Thị Thuận làm cán bộ ở Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Cũng trong chiến dịch Trị Thiên - Huế năm 1972, lớp đàn em, lớp chiến sĩ của các chị, học tập và noi gương các chị, cũng ra sức phấn đấu, cũng ngoan cường dũng cảm, chịu đựng gian khổ hy sinh, bám dây bám máy để hoàn thành nhiệm vụ. Chiến sĩ Dương Thị Phả trạm KC 100B người được vinh dự cắm phích đầu tiên cho Tư lệnh chiến dịch hạ lệnh nổ súng tấn công mở màn chiến dịch "bão táp" được truyền đạt xuống các đơn vị đánh chiếm các vị trí quan trọng ở Cồn Tiên, Dốc Miếu và Cửa Việt; ở các cao điểm 241, 544, 597 và 365 đều báo cáo kịp thời về sở chỉ huy chiến dịch. Kết thúc chiến dịch đồng chí Phả được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Riêng chị Âu Thị Thảo lại trong hoàn cảnh khác. Là người dân tộc Tày ở Thái Nguyên, nhập ngũ năm 1966. Lúc mới vào đơn vị, nói tiếng Kinh còn chưa thạo; nhưng qua một thời gian huấn luyện và bồi dưỡng của đơn vị, sự giúp đỡ tận tình của đồng đội và sự nỗ lực rèn luyện phấn đấu của bản thân, cô đã trưởng thành nhanh chóng, nắm vững máy móc trang bị kỹ thuật, thao tác thành thạo. Trong khi chiến trường đòi hỏi mạng thông tin liên lạc phát triển, phải tổ chức thêm trạm KC 100B sâu vào phía trong. Cần chuyển một số cán bộ chiến sĩ vào để tổ chức xây dựng trạm, kịp thời phục vụ chiến đấu. Đồng chí Âu Thị Thảo lúc bấy giờ đang bị bệnh sốt rét, người còn yếu mệt; đơn vị để lại KC 100A nhưng đồng chí cứ nằng nặc xin đi bằng được. Đồng chí chính uỷ trung đoàn phải giải thích và động viên. Đồng chí đang sốt rét hãy ở lại, để các đồng chí khoẻ mạnh hơn đi vào KC 100B; đồng chí Thảo khóc xin đi bằng được. Cuối cùng đồng chí Thăng cũng phải đồng ý. Khi được thủ trưởng trung đoàn đồng ý cho đi, đồng chí Thảo cười và vui vẻ hẳn lên. Kết thúc chiến dịch, trạm KC 100B được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhất; đồng chí Thảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành chiến sĩ quyết thắng, được đơn vị cử đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng của Binh chủng Thông tin ở Hà Nội. Sau này đồng chí Phạm Ngọc Thăng có bài thơ "Tôi cứ đi" tặng đồng chí Âu Thị Thảo.

Tôi cứ đi, không tôi cứ đi.

Đau đớn gì đâu, có bận gì?

Ngày đi đánh Mỹ hằng mong đợi

Sao bảo tôi đừng, tôi cứ đi.

Đã bảo đừng đi lại cứ đòi

Đã khuyên đã nhủ chẳng nghe lời

Há phải ở đây không đánh Mỹ?

Ốm đau nên hãy để nhường người

Lại khóc rồi ư cô gái ơi

Nghe trong tiếng khóc động bao nhời

Hiểu lầm nhưng cũng chiều lòng vậy

Đang khóc mà sao lại hóa cười

Khen thay cô gái trạm một trăm

Đòi đi đánh Mỹ dạ khăng khăng

Khóc cười kiểu ấy, tinh thần ấy

Anh hùng đâu phải chuyện xa xăm.

Năm 1972, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam, đã leo thang đến đỉnh điểm cao nhất. Chúng đánh phá hết sức ác liệt; đặc biệt là trên tuyến lửa Quân khu 4, các tuyến đường dây và hầu hết các trạm thông tin đều bị bom Mỹ đánh phá.

 Trạm A79 đóng ở huyện Nghi Lộc, sát ngay thành phố Vinh nơi trọng điểm thường xuyên bị chúng bắn phá. Đồng chí Phạm Thị Thuyến quê ở Hà Tĩnh, gan góc, bình tĩnh, dũng cảm không rời vị trí chiến đấu, ngồi lỳ trước cửa tổng đài tiếp chuyển liên lạc, phục vụ đơn vị phòng không hàng trăm trận đánh trả máy bay Mỹ. Có lần bom nổ gần sát trạm, nhà cửa và hầm tổng đài rung chuyển, mặc cho đạn nổ đinh tai, khói bom mù mịt, tay đồng chí vừa ôm giữ tổng đài cho khỏi bị rung đổ, tay tiếp chuyển liên lạc, kịp thời phục vụ các đơn vị phòng không, tên lửa thành phố Vinh bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Sau trận này đồng chí vinh dự trở thành chiến sĩ quyết thắng của Đại đội 2 thông tin anh hùng. Trạm cơ vụ A69, ở Hương Khê - Hà Tĩnh nằm trên tuyến thông tin dây trần Bắc Nam ngày 6 tháng 7 năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá, thả bom dữ dội có 10 chiến sĩ gái tuổi 17 - 18 đã anh dũng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ.

Cuối năm 1972, trong 12 ngày đêm liên tục, máy bay B52 của đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá vào thủ đô Hà Nội. Chúng đánh cả vào Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên, Đài phát thanh Mễ Trì...

Thiếu úy Nguyễn Thị Thanh Hà người ở Hà Nội là con gái của Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn. Chị tốt nghiệp trường Đại học Kỹ thuật quân sự, được điều về làm trạm trưởng A10, thường nhật là một cán bộ bộc trực, miệng nói tay làm, gần gũi chị em; làm tốt công tác chỉ huy quản lý kỹ thuật của trạm.

Trong những ngày địch đánh phá chị đã tổ chức chỉ huy trạm, bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy các đơn vị bắn rơi máy bay B52 của đế quốc Mỹ. Khi đường dây mất liên lạc, chị đã cùng các chiến sĩ đường dây dũng cảm vượt qua bom đạn, tổ chức khôi phục thông tin liên lạc ở khu vực Mễ Trì, kịp thời phục vụ chiến đấu, góp phần cùng quân dân Hà Nội làm nên chiến thắng lịch sử "Điện Biên Phủ trên không".

Chị Đoàn Thị Toan trạm A52 ở Hòa Bình lại nổi tiếng là người đo dây mất liên lạc giỏi nhất, chính xác nhất; có sai số cũng chỉ trong vòng một vài khoảng cột giúp chiến sĩ đường dây đi khôi phục thông tin được nhanh chóng. Chị được các chiến sĩ đường dây trên các tuyến hết sức tín phục.

Còn chị Dương Thị Lệ Phái và Dương Tố Hảo là 2 chị em con chú con bác, quê ở Phú Bình - Thái Nguyên, cùng nhập ngũ vào đơn vị năm 1966.

Noi gương cha anh, các chị phấn đấu trở thành đảng viên. Hai chị không những chỉ khá giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn là những hạt nhân văn nghệ của đơn vị, cùng các chị Lê Thị Cửu, Nguyễn Kim Tuyến, Đinh Tuyết Lan, Triệu Thị Bộ, Đoàn Thị Thanh Trà, Nguyễn Thị Lộc trong đội tuyên truyền văn nghệ xung kích của trung đoàn, mang lời ca tiếng hát để phục vụ các tổ, các trạm. Có những đợt đi phục vụ các tổ, các trạm hàng tháng trong vùng sâu trên tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh.

Sau khi đất nước được thống nhất, thiếu úy Dương Thị Lệ Phái, trợ lý chính trị trung đoàn chuyển ngành ra Hội liên hiệp phụ nữ, làm Chủ tịch hội phụ nữ quận Ba Đình và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội phụ nữ thành phố Hà Nội. Còn chị Dương Tố Hảo sau khi học đại học tài chính là chuyên viên cao cấp của Bộ Tài chính. Các chị Lữ Tuyết Mai, Phạm Như Hồng là cán bộ cao cấp của Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Chị Bùi Thị Hòa trước là chiến sĩ của trạm KC 100B nay là bác sĩ, Phó chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện 7 ở Hải Dương, chị Nguyễn Thị Liên là Phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh; chị Nguyễn Thị Biên, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thủy tỉnh Hòa Bình; chị Nguyễn Thị Loan,Bí thư Đảng ủy phường Hàng Buồm - Hà Nội và còn nhiều chị em khác nữa họ đều thành đạt, tôi không thể nhớ và kể tên hết được bởi vì cuộc chiến kết thúc cũng đã 30 năm rồi.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà được độc lập và thống nhất. Các chị rời quân ngũ trở lại với đời thường, mỗi người một công việc, một cuộc sống. Tuy hoàn cảnh có khác nhau, nhưng các chị vẫn giữ được bản chất, truyền thống tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ".

Hơn 30 năm đã trôi qua, hồi tưởng lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, lớp con cháu Bà Trưng, Bà Triệu; lớp đội quân tóc dài của tướng quân Nguyễn Thị Định; lớp đàn con của các chị Nguyễn Thị Chiên, Tạ Thị Kiều; các cô gái Đoàn Nam Liên trong thời chống Mỹ, cứu nước, có quyền tự hào được đóng góp công sức của mình làm rạng danh thêm truyền thống Trung đoàn 134 anh hùng, của Binh chủng Thông tin anh hùng.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)

0 comments:

Đăng nhận xét