11.12.24

Chiếc tải ba đầu tiên của Quân khu 5

Đại úy Đặng Minh Trí - kỹ sư vô tuyến điện, nguyên Trưởng kho Xưởng Viễn thông Long Bình Lữ đoàn 596

Đối với chiếc tải ba TCT bằng bán dẫn của Hung-ga-ri thì các kỹ sư tải ba hoặc thấp hơn là trung cấp hoặc sơ cấp tải ba được Bộ tư lệnh đào tạo vào thời điểm năm 1972 thì không có gì là mới mẻ. Sự thật chiếc tải ba TCT mà Bộ tư lệnh Thông tin gửi vào lại trùng khớp với chiến dịch mà Quân khu 5 đánh vào huyện lỵ Quế Sơn - Tiên Phước và lần đầu tiên Quân khu 5 sử dụng pháo 130 ly và xe tăng. Ba vỏ đạn pháo đầu tiên bắn trúng đích căn cứ mở màn cho chiến dịch đã được đồng chí Chương Mẫn Tư lệnh trưởng Quân khu 5 yêu cầu giữ lại ghi dấu chiến tích và nó hiện vẫn còn lưu giữ tại Bảo tàng Quân đội ở Quảng Nam. Thế thì vì sao chúng ta không kể lại và ghi dấu chiến tích của chiếc tải ba đã giúp cho đồng chí Tư lệnh Quân khu 5 ra lệnh trực tiếp đến Tiểu đoàn pháo 130 ly chứ chiếc tải ba là những sự kiện đáng nhớ đáng kể ra để các bạn tham khảo. Lúc đó tôi đang ở Bình Định cùng với phòng thông tin Quân khu 5 tổ chức bảo đảm thông tin cho chiến dịch giải phóng ba huyện phía bắc của tỉnh Bình Định do Sư đoàn 3 Quân khu 5 và quân dân tỉnh Bình Định tiến hành. Ba ngày sau khi chiến dịch giải phóng ba huyện thắng lợi thì tôi nhận được bức điện của đồng chí trưởng phòng thông tin Quân khu 5 với nội dung "Đồng chí ra ngay quân khu để triển khai mạng tải ba".

Tôi hết sức vui mừng vì sắp hết thời cho việc dùng bộ khuếch đại âm tần để kéo dài đường dây hữu tuyến mà chỉ có thể liên lạc một chiều. Điều này hết sức phiền lòng các đồng chí tư lệnh vì chỉ một người nói người kia nghe, không nói chen ngang được. Nhưng tôi lại hết sức lo lắng là tôi gần như không biết gì về tải ba.

Nhận được điện, tôi không biết sẽ dùng tải ba gì. Tôi đoán chắc là tải ba bán dẫn TCT mà một lần tôi được kỹ sư tải ba giới thiệu qua sơ đồ khối cho cán bộ trong phòng kỹ thuật biết về một loại máy mới sắp trang bị. Sự việc đó đã cách 4 năm rồi. Giờ đây tôi đang cố nhớ lại sơ đồ khối đó. Trong đầu tôi lúc đó chỉ còn nhớ hai khối: khối mạch vào có mạch cần phân chia tần số thu, phát và sóng mang. Khối dao động sóng mang là gay go nhất mà tôi không giải đáp được. Liên hệ với nguyên lý của vô tuyến điện cũng có sóng mang là để điều tần hoặc điều biên. Tôi còn nhớ sóng mang của tải ba TCT chỉ là 6kHz hoặc 13kHz thì không thể điều tần hoặc điều biên được.

Các bạn có tin rằng, đến ngày thứ chín tôi mới khẳng định được sóng mang mà tải ba và tần số dùng để cộng và trừ dải âm tần để cho ra tần số thu và phát cách biệt nhau để liên lạc hai chiều không? Các bạn có thể cho tôi là anh dốt nát về tải ba. Điều đó tôi không có gì phản đối nhưng tôi lại tự lý luận là người đang tự phát minh ra máy tải ba đấy. Đến ngày thứ mười thì tôi vẽ ra số khối của tải ba và tạm bằng lòng về nó và chính vì "Phát minh ra máy tải ba" đó, tôi đi một mạch không nghỉ 15 ngày từ Bình Định về đến Xưởng Thông tin Quân khu 5 mà lần vào tôi phải đi 19 ngày. Về đến xưởng tôi hỏi ngay về chiếc tải ba.

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn trung cấp vô tuyến điện tổ trưởng kỹ thuật của xưởng nói với tôi "Em đầu hàng, trên máy đều dùng tiếng nước ngoài, quyển thuyết minh cũng dùng tiếng nước ngoài không có sơ đồ nguyên lý".

Tôi hỏi máy tải ba gì? Đúng như tôi dự đoán đó là máy TCT 1 và 2.

Tôi nói với Toàn: "Trên đường đi tôi hình dung ra sơ đồ khối" và tôi đã đưa cho Toàn sơ đồ khối và giải thích cho Toàn.

Toàn nói: "Như vậy thì đơn giản, em nghĩ không ra".

"Thì tôi có nghĩ ra đâu phải mười ngày sau mới vẽ ra được".

Ngày hôm sau tôi nói với Toàn: "Đem máy ra nghiên cứu". Rất may các chữ trên máy là tiếng Pháp, với vốn tiếng Pháp học được thời Pháp thuộc (lúc đó tôi học đến đệ lục) tôi vừa đoán vừa dịch ra tiếng Việt. Chúng tôi mầy mò dần sử dụng được. Tôi nói cần hai máy vừa nói truyền tiếp được thông qua chế độ 4 dây.

Tôi điện về Quân khu 5 xin cấp thêm 2 máy nữa, phòng thông tin Quân khu 5 đồng ý. Tôi mời một số cán bộ chủ chốt họp để triển khai. Ngoài tôi và đồng chí Toàn còn có đồng chí Phan Văn Quý phụ trách lớp học cơ động sơ cấp vô tuyến điện 40 học viên, đồng chí Phạm Hồng Vương phụ trách kho và vật tư. "Hiện đồng chí Vương làm Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Hà Nội", đồng chí Phạm Đăng Dần tổ cấp vô tuyến điện trưởng xưởng vô tuyến điện. Đồng chí Dần là cán bộ duy nhất còn lại lúc đồng chí Ngô Lê Tân là anh hùng quân đội làm xưởng trưởng. Đồng chí Dần sửa chữa rất giỏi và là một kho kinh nghiệm về sửa chữa máy thông tin ở chiến trường Quân khu 5.

Mở đầu tôi nói "Phòng thông tin Quân khu 5 giao triển khai mạng tải ba cho chúng tôi cũng có nghĩa là giao nhiệm vụ huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 thông tin Quân khu 5 để triển khai mạng tải ba cho chiến dịch sắp tới. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta phải đào tạo thợ để bảo đảm kỹ thuật. Đội trưởng đào tạo chính là cán bộ chúng ta và học viên chúng ta đang đào tạo. Vậy chúng ta có thể trực tiếp tham gia chiến dịch để bảo đảm thông tin".

Công việc trước mắt là triển khai mạng tải ba tại xưởng để chúng ta biết và tổ chức sử dụng máy và mạng tải ba. Hoàn chỉnh sơ đồ khối và tìm ra sơ đồ nguyên lý để đào tạo thợ vì vậy tôi phân công như sau:

- Vương ra đường tuyến dẫn theo hai đồng chí để nhận thêm hai máy tải ba nữa nhưng quan trọng hơn tìm cho được bảng thuyết minh tiếng Việt về sử dụng tải ba và sơ đồ nguyên lý phòng thông tin.

- Đồng chí Quý và Toàn phân công nhau dò mạch trong máy bằng đồng hồ vạn năng và nhận màu trên dây. Dò xong thì đổi mạch dò cho nhau để kiểm tra lại. Tôi chịu trách nhiệm tổng hợp và phần các đảo mạch ở mặt máy.

- Đồng chí Dần sang thay đồng chí Quý quản lý lớp học. Giao lại cho đồng chí Tuyên tăng cường việc sửa chữa máy để đem đổi cho Sư đoàn 2.

Tôi đề nghị thời gian hoàn thành là 7 ngày chờ anh Vương về nếu có sơ đồ thì ta đối chiếu lại còn nếu không có sơ đồ thì chúng ta chủ động có thể dùng sơ đồ do chúng ta vẽ đề làm công tác huấn luyện.

Đến ngày thứ ba đồng chí Toàn và Quý giao sơ đồ nguyên lý cho tôi. Tôi bảo, các đồng chí đổi cho nhau. Tôi phải làm việc ban đêm vì ban ngày hai máy dành cho đồng chí Toàn và đồng chí Quý. Tôi kiểm tra lại đo đạc của hai đồng chí và gắn kết lại toàn bộ sơ đồ nguyên lý. Tôi cho máy chạy nóng để đo chỉ tiêu của đèn. Tôi dùng máy phát sóng để xác định tần số sóng mang đo điện áp ra, điện áp vào coi đó là chỉ tiêu của máy để làm tài liệu giảng dạy. Sau 6 ngày, chúng tôi tạm chấp nhận sơ đồ nguyên lý cùng chỉ tiêu của máy. Tôi giao cho Quý vẽ lại để làm sơ đồ dò.

Vương về báo tin không có quyển thuyết minh nào tiếng Việt và sơ đồ nguyên lý. Như vậy tôi đành chọn sơ đồ nguyên lý máy tải ba TCT do chúng tôi nghĩ ra, tôi gọi Toàn và Quý lên phân công "Tôi và Toàn xuống huấn luyện cho d2", "Quý chuẩn bị huấn luyện cho cơ công của xưởng và lớp học".

Quý hỏi tôi: "Tài liệu đâu?".

Tôi nói: "Tài liệu làm như lớp vô tuyến điện cậu dạy. Có nghĩa tôi sẽ lên lớp vẽ sơ đồ nguyên lý của tải ba TCT vận hành và triển khai mạng. Quý, Toàn, Dần ghi chép tỉ mỉ. Quý chịu trách nhiệm biên soạn lại các bài giảng của Toàn, Dần, Quý đó là tài liệu giảng dạy.

Quý nhìn tôi cười: "Bổn cũ soạn lại".

Tôi nói: "Đó là cách soạn tài liệu độc đáo nhất, vì chúng ta không dựa vào sách vở mà dựa vào trí tuệ tập thể còn tồn tại được của chúng ta sau bao nhiêu ngày bị sốt rét rừng và thuốc Quinin tàn phá trí nhớ của chúng ta. Và đó là vốn quý mà cậu học làm gì có".

Tôi và Toàn lên lớp về tải ba, cách triển khai mạng tải ba cho d2 có phòng thông tin hướng dẫn như một chuyên gia thực thụ về tải ba. Tôi còn dịch các chữ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Một buổi tối tôi gặp đồng chí Cao Hùng Kiếm và đồng chí Luật tôi nói: "Cách đây một tháng tôi i tờ về tải ba, mười ngày nữa sẽ cho ra đời vài chục thợ tải ba". Anh Kiếm nói: "Mày nói dóc", "Nếu anh không tin thì 10 ngày nữa anh xuống kiểm tra". Anh Luật xen vào: "Mấy cái đài tao gửi xuống để mày lấy bộ khuếch đại âm tần đâu? Bây giờ có tải ba không dùng nó mày để làm gì?". "Thì anh để tụi em nghe hoặc đổi heo ăn mừng lớp cơ công tải ba bế mạc". "Mày phải có lệnh của tao". "Thì hôm nay ra lệnh luôn"."Làm gì có lệnh cấp máy đổi heo". "Thì cấp cho Ban chỉ huy của xưởng" anh Kiếm xen vào "Các cậu có cả bầy heo bây giờ cần gì lấy đài đổi heo". "Cái gì của xưởng thì của xưởng, cái gì của phòng cho thì cứ coi là phần thưởng của phòng đi".

Tôi đề nghị anh Kiếm cho diễn tập triển khai mạng tải ba để anh em có kinh nghiệm. Anh Kiếm đồng ý.

Đến đây có thể nói nhiệm vụ của phòng giao cho chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc.

Để phục vụ cho chiến dịch, tôi trực tiếp tổ chức một đoàn xuống trực tiếp tại Sư đoàn 2 để đổi máy hư và tổ chức sửa chữa tại chỗ, bảo đảm đủ máy thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Công việc chuẩn bị cho chiến dịch căn bản đã hoàn thành. Tôi rút quân về đóng tại gần Bộ tư lệnh tiền phương trên núi Yên Ngựa. Lương thực chúng tôi đã cạn nhưng quân khu không cấp, dành lương thực cho tiểu đoàn xe tăng và pháo 130 ly đang triển khai trận địa. Tôi cho hai anh em về xưởng để cõng lương thực xuống.

Một hôm liên lạc của phòng thông tin xuống chỉ đích danh tôi xuống trạm chuyển tiếp tải ba đặt bên cạnh sông Thu Bồn để bảo đảm liên lạc cho đồng chí Tư lệnh Quân khu trực tiếp ra lệnh cho tiểu đoàn pháo nổ súng. Tôi khăn gói lên đường, anh em nhét cho tôi một túi mì khô (củ sắn, sắn lát phơi khô) độ hơn 1 kg.

Tôi đến trạm, anh em rất mừng rỡ vì có tôi anh em yên tâm hơn.

Đến ngày thứ ba phòng thông tin gọi cho tôi báo giờ G nổ súng. Tôi đi kiểm tra lại đường dây vừa xong, đo cách điện của dây, cho thay pin mới. Tối đó tôi bảo anh em đi ngủ để tôi trực. Gần sáng chúng ta đã giải phóng quận lỵ Quế Sơn - Tiên Phước. Ba quả đạn đầu tiên trúng ngay căn cứ địch làm bọn chúng hoang mang hỗn loạn. Pháo ta dồn dập nã đạn mở đường cho bộ đội tiến vào nhanh chóng ít thương vong. Đồng chí chỉ huy Tư lệnh Quân khu 5 ra lệnh giữ lại ba vỏ đạn 130 ly để làm chiến tích chiến tranh và hiện nay Bảo tàng Quân khu 5 còn lưu giữ.

15-6-2005

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét