12.12.24

Ảnh Bác Hồ trên điểm cao 409

Đặng Trường Lưu - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam

Tôi đã từng được dự nhiều cuộc kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại, người Cha già kính yêu của dân tộc. Mỗi cuộc kỷ niệm ở mỗi nơi với nhiều hình thức khác nhau nhưng lần nào cũng xúc động khiến lòng tôi rưng rưng nhớ mãi. Câu chuyện nhỏ mà tôi sắp kể với các bạn xảy ra đã hơn ba chục năm rồi. Ấy là lần kỷ niệm cuối cùng khi Người còn sống. Bởi vì, không ai biết rằng, chỉ hơn 3 tháng sau, Bác của chúng ta ra đi vĩnh viễn.

Dạo ấy, chúng tôi đón một cái Tết hân hoan đầy ý nghĩa giữa rừng Lào bởi những lời ngợi khen chân tình và sâu sắc từ thư của Bác Hồ gửi bộ đội thông tin liên lạc. Trung đoàn chúng tôi, một đơn vị có nhiệm vụ chuyên xây dựng đường dây thông tin chiến lược của Bộ, nhận lệnh cấp tốc hành quân trở ra để xây dựng một đường dây mới, tương đối hiện đại với những hàng cột sắt từ A60 đến A70. Đây là tuyến đường hiểm trở và quan trọng như xương sống của cơ thể miền Trung, đòi hỏi việc thực hiện phải khẩn trương, kín đáo và kỹ thuật cao, đáp ứng được mọi tình huống liên lạc, đề phòng giặc Mỹ có thể điên cuồng trở lại đánh phá miền Bắc. Đại đội 6 của tôi, trong những ngày này, đang bừng bừng khí thế phấn đấu được Nhà nước phong danh hiệu cao quý: "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Lá cờ thưởng luân lưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trao cho quân đội, quân đội trao cho Binh chủng Thông tin. Binh chủng lại trao cho trung đoàn chúng tôi, đơn vị mũi nhọn chịu nhiều gian khổ hy sinh tại chiến trường cho chiến dịch tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, và Đại đội 6 của tôi nhận lấy vinh dự phải giữ bằng được lá cờ vẻ vang ấy.

Nhiệm vụ lập tức triển khai. Sau khi phát rừng mở tuyến, chúng tôi vận chuyển bệ xi măng, cột sắt cùng xà gồ, tích sứ và dây kim loại vào từng cột mốc trên đôi vai của mình. Cứ bốn người khiêng một bệ xi măng, hai người khiêng một cột sắt. Ngày lại ngày dưới trời nắng tháng tư như thiêu như đốt, chúng tôi cần cù và hối hả vận chuyển vật liệu, lấp dần từng khoảng cột với nỗi niềm đã kết thành ý chí "Quyết giữ cờ Đảng".

Điểm cao 409 nằm trong dãy núi trập trùng của huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình, nối liền với dải Trường Sơn, là đoạn tuyến cuối cùng của Đại đội 6, cũng là đoạn đường hiểm trở nhất. Từ chân lên đỉnh, quãng đường dài 3km ấy lúc chênh vênh bên sườn đồi cháy nắng, lúc hun hút lao xuống vực thẳm, khi vượt lên dựng đứng như bức tường thành. Những người lính từng kéo đường dây lên Tây Bắc hay len lỏi trong rừng già Trường Sơn, phục vụ vụ thông tin liên lạc cho chiến dịch tổng tấn công Mậu Thân ở Huế như chúng tôi, sau mỗi ngày phát cây mở tuyến trở về, ai cũng phải "lắc đầu lè lưỡi" với đoạn đường có một không hai này, chính vậy mà từ mấy ngày trước, ban chỉ huy đại đội đã họp cùng anh em bàn cách chinh phục. Và chiến dịch đột kích điểm cao 409 được phát động vào đúng ngày 19 tháng 5, lấy thành tích thiết thực chào mừng ngày sinh của Bác.

Hãy thử hình dung bốn người khiêng một bệ xi măng gần 2 tạ với những đòn tre, quang sắt nhùng nhằng, thận trọng nhích từng bước trên đoạn đường như chiếc thang dựng đứng. Hãy thử hình dung một cây cột sắt chữ T dài 6 mét, hai người khiêng trên dốc đèo ngoằn ngoèo như ruột lợn... Cố thử hình dung bao nỗi nhọc nhằn dưới nắng lửa mưa tuôn như thế mới hiểu được phần nào cái niềm vui dâng trào tột đỉnh của người chiến sĩ, khi những khối vật liệu nặng nề câm lặng kia được đưa an toàn vào nơi quy định, để rồi lắp đặt, dựng chúng lên căng thành con đường liên lạc, để tiếng nói Bác Hồ mệnh lệnh của Đảng, của Tổng tư lệnh truyền tới chiến trường qua bao tín hiệu trầm bổng ngày đêm ca hát.

Suốt 4 tiếng đồng hồ, kể từ lúc mở màn trận đột kích, chúng tôi bươn bải giữa nắng lửa, với đèo cao. Lần lượt những khối xi măng, những cột nữa mới đến được mốc số 140, cột mốc cuối cùng nằm trên đỉnh đồi 409, đồng chí cùng khiêng cột sắt với Vi Quang Mướng trượt chân ngã trẹo xương bánh chè.

Cây cột suýt đè ngang người Mướng anh đau đớn nghiến răng trèo trẹo, rồi bình tĩnh quay ngang đầu cột, từ từ đặt xuống.

Mướng là một thanh niên khỏe mạnh, người dân tộc miền Sơn Đông, Bắc Giang. Vào bộ đội, anh chưa hề biết chữ. Đại đội cử người tìm sách dạy cho anh học, đến nay đã học xong chương trình lớp bốn. Ở đại đội, anh em gọi Mướng là "danh thủ chuyển vận". Đường dốc không thể gánh, anh buộc 12 thanh một bó và gùi đi, trong khi chỉ tiêu đơn vị giao cho mỗi lần chỉ khoảng 6 đến 8 xà. 12 xà gỗ trên lưng và một thanh xà dùng thay gậy chống. Chỉ tiêu hai người khiêng một cột sắt, mình anh chuyển 9 cột vượt quy định 6 cột mỗi ngày. Mướng là một người ít nói, hay cười, có nhiều mơ ước, hôm vượt sông An An Châu về huyện lỵ nhập ngũ, được vào bộ đội Binh chủng Thông tin, hành quân qua thủ đô Hà Nội, anh cứ mong có một ngày được đến Ba Đình ngắm vào nhà Bác... Ngồi nghỉ một lát, biết đội hình vận chuyển đại đội không thể có người bổ sung, anh quyết định một mình vác cột nhích dần lên đỉnh.

Khi chúng tôi cùng chính trị phó đại đội Vũ Đức Thanh khiêng bệ xi măng đến điểm cao 409 thì mặt trời đã lặn vào khe núi. Tiếng reo chiến thắng của anh em truyền từ đỉnh xuống chân đồi, rồi cứ thế truyền đi truyền lại, âm vang như sóng dội vào vách đá. Vi Quang Mướng nằm đó, ngất xỉu bên cây cột sắt còn vương hơi nóng, chúng tôi nhìn thấy ảnh Bác Hồ to bằng bàn tay, hẳn đã được cắt ra từ cuốn sổ phần thưởng, và dưới tấm ảnh Bác Hồ mỉm cười đôn hậu ấy, một dòng chữ bằng máu được viết bằng đầu tăm tre, nét chữ ngả nghiêng cứng đờ của một bàn tay chai sạn, ấy là thứ chữ của người vừa được học, dòng chữ viết rằng "Cháu tên là Mướng, Bác Hồ ơi!".

Thảo nào đêm qua, cả tiểu đội nhắc nhau ngủ sớm để lấy sức cho ngày thi đua lập công mừng ngày sinh nhật Bác, chúng tôi thấy Mướng cứ hì hụi mãi trong màn, dưới ánh đèn dầu tù mù, làm một việc gì đó có vẻ bí mật, mà mãi đến lúc này chúng tôi mới hiểu.

Rồi Mướng tỉnh dậy, cùng chúng tôi đứng lên hướng về phương Bắc những người lính áo quần sũng nặng mồ hôi, khuôn mặt đen nhẻm tràn trề nước mắt - ấy là những giọt nước mắt của niềm vui. Chúng tôi muốn thưa cùng Người chút thành tích vừa cùng nhau lập được trong ngày, thầm mong Người luôn luôn mạnh khoẻ. Chúng tôi nào có biết rằng chính lúc này đây người đang nằm trên giường bệnh và chỉ hơn ba tháng sau, Người không còn nữa. Ngày trung đoàn bàn giao tuyến đường dây quan trọng bên bờ sông Choóc - Quảng Bình để lại quân vào mặt trận, cũng là ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta.

Năm tháng qua đi, nhiều đồng đội của chúng tôi trong đó có Vi Quang Mướng đã ngã xuống ở mặt trận Tây Nguyên, khi các anh được lệnh chuyển về tăng cường cho lực lượng thông tin tỉnh đội. Tấm ảnh Bác Hồ có dòng chữ được viết bằng máu của Mướng được anh em gửi về nhà truyền thống từ buổi chiều đáng nhớ ấy, nay cũng chẳng còn, và rồi, nhiệm vụ mới của thông tin thời bình đã không cho phép trung đoàn chúng tôi tồn tại nữa, anh em lại tản ra mỗi người về một đơn vị trong binh chủng của âm thanh nghĩa tình khoan nhặt.

Tháng 5-2002

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét