Trần Xuân Lăng
- Đồng chí quê ở Nha Trang
phải không?
Trung tá Trịnh Đình Chung hỏi,
cái nhìn nghiêm khắc về phía tôi.
Vâng! Báo cáo thủ trưởng.
Mình được về thăm nhà? Tôi
sung sướng nghĩ thầm vì từ ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đến giờ, theo bước
chân thần tốc của các đơn vị Quân giải phóng, tôi chỉ kịp đi ngang qua thành phố
Nha Trang chứ chưa có dịp ghé về nhà. Tôi định khen thầm: - Thủ trưởng mình thật
là tâm lý! Thì câu nói tiếp sau của thủ trưởng Chung đã cắt đứt nguồn cảm hứng
của tôi.
- Đồng chí đã biết, chúng ta
phải hoàn thành nhiệm vụ thông tuyến viễn thông từ Phú Bài đến Phú Lâm trước ngày
mồng 2 tháng 9 năm 1975. Từ đây đến đó chỉ còn lại 10 ngày, trong khi đó, chiếc
máy đo oscilloscope duy nhất của đài lại bị hỏng. Tôi cử đồng chí đi ngay xuống
các đài: Phan Rang, Cam Ranh và Nha Trang tìm cho được chiếc oscilloscope khác
để thay thế. Thời hạn đi đường không quá một ngày. Anh Phạm Sáu sẽ hướng dẫn để
đồng chí nhận biết được mặt máy (có lẽ vì tôi là kỹ sư trạm nguồn cho nên không
quen thiết bị vô tuyến vì vậy mới có tình tiết này). Đồng chí đã rõ nhiệm vụ rồi
chứ?
- Báo cáo thủ trưởng rõ! Tôi
trả trả lời một cách dứt khoát và định quay ra, bỗng thủ trưởng Chung gọi giật
lại.
- Khoan đã!
Chậm rãi đi về phía tôi, thủ
trưởng lấy tay móc trong túi áo ra một tờ giấy, đắn đo nhìn tôi một hồi và nói:
- Đây là tờ giấy giới thiệu
mang tên tôi do đồng chí Trung tướng Song Hào ký, đồng chí cầm lấy mang theo mình,
phải nhớ khi nào thật cần thì hãy sử dụng (vì trong giai đoạn này khi đi B
chúng tôi đều nộp lại hết giấy tờ cho Bộ tư lệnh nên không ai có giấy tờ tuỳ
thân nào mang theo người).
Có lẽ thủ trưởng Chung đắn
đo cũng có cái lý của nó vì khi đã cầm tờ giấy giới thiệu trên tay tôi (mặc dù
lúc bấy giờ tôi mới chỉ là thiếu uý) và cái máu ưa phiêu lưu, mạo hiểm của tôi
lại như có mầm để trỗi dậy.
Sau khi đã làm thủ tục nhận
mặt chiếc oscilloscope và bắt tay tạm biệt anh em trong đoàn, tôi cùng anh Giáo
(nhân viên lái xe cũ của đài PR’LIN - Đà Lạt) cưỡi chiếc GMC nhằm hướng Phan
Rang thẳng tiến. Niềm vui sắp được yên bình làm cho cảm giác lâng lâng khó tả,
cái cảm giác ấy làm cho tôi chỉ nhận biết được một cách mơ hồ phong cảnh nên
thơ của xứ Đà Lạt qua những vườn su su cuối thu nặng trĩu quả, những rừng thông
xào xạt gió lay và hàng cây Mimosa trước cửa nhà ai vẩy ánh bạc lấp lánh trên
màu lá.
Sau khi đã ghé vào các đài
viễn thông Phan Rang, Cam Ranh để tìm kiếm máy đo oscilloscope mà không có, nhận
thấy đã quá trưa, tôi giục anh Giáo chạy ngay về Nha Trang cho kịp. Đến ngã ba
Thành, khi nhìn thấy cây Dầu đôi to cao sừng sững, tôi nói to với anh Giáo:
- Quê tôi đây rồi!
Xe đi vào thành phố Nha
Trang, tôi biết nhà tôi chỉ ở đâu đây thôi? Nơi đó tôi còn có bà ngoại, còn có ngoại,
còn có các dì, các cậu và chắc rằng họ cũng đang mong chờ tôi nhiều lắm?
Tôi nghĩ: - Ngày gặp mặt chỉ
còn là vấn đề thời gian. Nên tôi bảo anh Giáo đánh xe ngay vào đài viễn thông Nha
Trang.
Căn cứ Nha Trang lúc này do
bộ đội không quân quản lý, chế độ kiểm tra rất nghiêm ngặt mà muốn đi vào đài Nha
Trang thì phải qua cổng bảo vệ này. Sau khi quan sát kỹ việc kiểm tra ra vào của
căn cứ, tôi biết rằng: Đã đến lúc phải dùng đến "lá bùa" của thủ trưởng
Chung đưa cho chứ không còn cách nào khác.
Trong vai một trung tá (lúc
này mới giải phóng, bộ đội ta không có ai mang quân hàm, phù hiệu cả) tôi thả bộ
đến trạm gác, tiếp tôi là một chiến sĩ còn rất trẻ, sau khi xem xét giấy giới
thiệu và nghe tôi trình bày mục đích muốn vào đài viễn thông Nha Trang, đồng
chí bảo vệ nhìn tôi, lại nhìn lại tờ giấy giới thiệu như có vẻ đắn đo, cân nhắc
điều gì?
- Thủ trưởng chờ một tý! - Đồng
chí bảo vệ nói với tôi và đi vào bên trong.
- Thôi chết! - Lộ rồi chăng?
Tôi tự hỏi mình nhưng vẫn tỏ ra bất cần, hai tay chắp sau lưng, mắt nhìn trời,
tôi đi đi, lại lại dáng ra vẻ bứt rứt, nôn nóng.
Một lát, đồng chí bảo vệ khi
nãy quay ra cùng với một đồng chí đứng tuổi (có lẽ là chỉ huy), sau khi nhìn
tôi một lúc, tôi nghe tiếng đồng chí đứng tuổi nói với đồng chí bảo vệ:
- Thế này mà cậu bảo trẻ à?
Tớ nghe nói có những ông sư trưởng Quân giải phóng mới chỉ có hai mươi lăm tuổi
thôi! Ông này mà trung tá thì vẫn còn là già đấy (mặc dù lúc đó tôi chỉ mới có
hai mươi bốn tuổi nhưng có lẽ do nắng gió bụi đường đã làm cho khuôn mặt tôi
trông già hẳn) thôi! Để cho "cụ ấy" vào đi.
- Ơn trời! Sao ở đây lại có
người "thông minh đến thế"! Tôi tự nhủ thầm và nhanh chóng khoát tay
cho xe vào.
Đồng chí trực ban đài viễn
thông Nha Trang sau khi xem giấy giới thiệu của tôi vội vàng mời tôi ngồi và đi
ngay vào căn phòng sát bên. Một lúc, thấy có người ra, tôi vội vàng đứng dậy.
- Anh Chung đâu? - Hỏi tôi
là một người độ ba mươi tuổi có khuôn mặt nghiêm nghị.
- Tôi đây! - Tôi đáp lại một cách cứng cỏi.
- Anh là... Trịnh Đình
Chung? - Tôi thoáng thấy một sự ngạc nhiên trong câu hỏi của người đang hỏi
tôi.
- Vâng! - Thế còn anh? - Tôi
hỏi lại.
- Tôi là Nguyễn Thế Đảo, đài
trưởng đài viễn thông Nha Trang, tôi đã từng là cán bộ cấp dưới của thủ trưởng Đình
Chung nên tôi biết, nói thật đi! - Anh là ai?
Thôi chết! Cái máu phiêu lưu
lúc này đã hại tôi rồi! Tôi tự trách mình đã đi quá xa trong chuyện này. Tuy vậy,
nghĩ mình chẳng làm việc gì sai cả nên tôi đã trình bày lại sự việc cho anh Đảo
nghe và nêu rõ mục đích của tôi là phải tìm cho được chiếc máy oscilloscope. Vừa
may, khi tôi trình bày xong thì anh Đặng Công Thiện (thiếu úy phụ trách nguồn của
đài, bạn học với tôi) đi vào, chúng tôi bắt tay nhau mừng rỡ và anh Thiện đã
xác nhận với anh Đảo về thành phần "rất hảo" của tôi.
Sau khi mọi nghi vấn đã được
giải tỏa, anh Đảo nhìn tôi vừa cười vừa lắc đầu: - Chịu cậu thiệt, sao lại liều
thế, lỡ không có ông Thiện thì...? Nhưng mà này! Nhiều khi phiêu lưu cũng được
việc đấy, có máy đo oscilloscope ở đây rồi! Cậu đi ăn cơm, tôi sẽ cho chuẩn bị
máy, xong là đi ngay.
Tôi sung sướng cám ơn anh Đảo
rối rít nếu đài Nha Trang mà không có máy thì tôi không biết sẽ phải kiếm ở đâu.
Ngay tối hôm đó, chiếc oscilloscope đã được đưa về đến đài PR’LIN.
Tôi không biết nói sao cho hết
nỗi vui sướng của mình khi chỉ vài ngày sau, ngày 29 tháng 8 năm 1975 vào lúc 9
giờ 11 phút, toàn bộ tuyến thông tin viễn thông từ Phú Bài (Huế) đến Phú Lâm
(Thành phố Hồ Chí Minh) đã được nối thông, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Thú thật, cho đến bây giờ,
cái cảm giác được làm "Trung tá" vẫn cứ lâng lâng trong tôi mỗi khi
tôi... chợt nghĩ đến nó.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)
0 comments:
Đăng nhận xét