Phạm Huy Thưởng
Vào khoảng năm 1966-1967 gì
đó, đài và báo đua nhau đăng những bài viết về tuồng cổ. Nguyễn Huy cùng một số
anh em được Bộ tư lệnh Binh chủng Thông tin gọi về dự một số lớp tập huấn nghiệp
vụ. Trong đó có một lớp học về tuồng cổ. Anh em trong lớp học cũng được xem một
số trích đoạn tuồng. Những chương trình này đều rất hay. Mấy đêm xem tuồng khiến
Huy nao nao nhớ những ngày còn nhỏ. Anh từng được xem khá nhiều tuồng cổ tại
các rạp hát ở Hải Dương, Hà Nội và Hải Phòng. Những vở Phụng Nghi Đình, Nguyệt
Cô hóa cáo, Bao Công xử án Bàng Quý Phi, Bao Công xử án Quách Hoè.... làm chú
bé ăn không ngon ngủ không yên. Khi nhỏ thì mê tuồng, nay được học Huy mới bắt
đầu hiểu tuồng.
Từ hôm đó về Huy như người
say tuồng. Trong óc lúc nào cũng rộn lên tiếng kèn bầu và tiếng não bạt. Anh định
bụng thế nào cũng phải làm một bài hát nào đó mượn giọng tuồng. Tiếp đó, Huy kiếm
được một cuốn sách viết về tuồng. Đó là một cuốn sách của một anh nhạc sĩ ở
phòng văn hóa thông tin huyện Thanh Trì. Huy tìm tới đoàn tuồng Liên khu 5 thăm
nhạc sĩ Nguyễn Viết. Huy xem các em học sinh tập hát và tập múa tuồng. Anh lại
mượn được của nhạc sĩ Nguyễn Viết một tập nhạc tuồng. Huy mò mẫm vào lĩnh vực rất
rối ren này. Thật ra anh ta cũng không thể biết hết lối vào lối ra của âm nhạc
và vũ đạo tuồng. Nhưng anh nghĩ gắng đọc cho cái chất tuồng nó ngấm vào người,
sẽ có lúc anh ta làm được bài hát mong muốn.
Sau một chuyến công tác dài
ngày ở Quảng Bình, trung đoàn về lại nơi đóng quân ở thị trấn Văn Điển. Ông
Nguyễn Mạo Phó chính ủy Trung đoàn nhắc Huy: "Anh em mới đi công tác về có
khá nhiều tư liệu. Tại sao cậu không họp mặt anh em sáng tác đi". Huy giật
mình tự nghĩ, đi xa về mình nghĩ mãi chuyện đâu đâu, không lo chuyện sáng tác
chuẩn bị cho chương trình mới của Đội tuyên truyền văn hóa xung kích. Huy cũng
giật mình khi nghĩ ra, chỉ ít hôm nữa ổn định tổ chức xong anh em mình lại lên
đường đi Khu Bốn rồi.
Cho đến một hôm, đó là một
ngày họp mặt của anh em sáng tác của trung đoàn. Những cuộc họp mặt này không định
kỳ và cũng không có được nhiều lắm. Anh em bận đi công tác và cũng không dễ gì
có được nhiều tác phẩm để đem ra "khoe" với nhau thường xuyên.
Cuộc họp diễn ra vào buổi
sáng chủ nhật.
Cuộc họp có mặt đủ số
"Văn nghệ sĩ" trung đoàn. Đặng Trường Lưu, Thương Giang (Thân Trọng
Việt), Vũ Ngọc Ngà, Phan Nhật Sáng, Nguyễn Văn Kha, Nguyễn Hữu Khiển... Theo lệ,
ai có gì thì đem tới góp cho cuộc họp. Mấy ông già hay làm thơ vè ở trong xã
đem tới mấy ấm trà Thái hoặc thuốc lào Tiên Lãng. Ông Mão cũng đem theo gói
trà, gói thuốc và hộp đường. Trung đoàn phó Lê Văn Thành đem theo gói kẹo. Mấy
anh nữa ở Ban chính trị không có việc gì làm cũng tới ngồi nghe.
Một cuộc họp mặt như thế thường
là rất thoải mái. Ai có tác phẩm gì mới thì đọc cho nhau nghe. Trường Lưu đưa ra
mấy bản phác thảo rồi nói tới ý đồ vẽ một bức bích họa cổ động cao hai mét dài
tám mét. Một cụ ở thôn Cổ Điển A phát biểu khen anh em mình là lính tráng mà
sinh hoạt rất văn hóa. Sau đó cụ đọc một bài thơ mừng Đảng. Một cụ khác đọc bài
thơ ca ngợi xã Tứ Hiệp. Thân Trọng Việt đọc mấy bài thơ mới... Ai chưa có tác
phẩm thì trình bày ý đồ sáng tác. Chỉ cần thấy một ý hay hay nào đó anh cũng có
thể nêu ra để anh em khác được gợi ý sáng tác.
Phan Quang Ngân, trợ lý
chính trị nói:
- Tôi mới đi công tác ở Đại
đội 6 về. Tôi chép được một bài ca dao của bộ đội, xin góp cùng quý vị. Nói rồi
anh đọc:
Cưỡi mây lên gõ cổng trời
Ngọc Hoàng sửng sốt
"phô tơi" mời ngồi
Hỡi: "Sao lên tận thiên
tào?”
Thưa: "Đi dựng cột tiện
vào nghỉ ngơi”
Ngọc Hoàng nghe nói cả cười
"Lên tận cổng trời! Chịu lính đường dây"
Vũ Ngân còn nói thêm:
- Chúng ta đã có bài
"Hoan hô anh nuôi" của Phạm Khắc Vinh, nay thêm được bài "Lên cổng
trời" càng hay chú sao.
Nghe anh bạn trợ lý chính trị nói xong Huy mừng quá. Anh chàng chép lại bài ca dao và bắt đầu cuộc tìm kiếm giai điệu cho bài hát. Những ngày đầu Huy rất lúng túng, phổ nhạc cho một bài văn vần lục bát là rất khó. Song có lẽ do đã nghiền ngẫm khá nhiều cái chất tuồng, nay lại vớ được đề tài đang mong mỏi Huy nhập vào bài hát khá nhanh. Tuy vậy cũng phải mất khoảng hơn một tháng sau bài hát mới ra đời.
Bài này có tiết tấu sôi nổi
với chất liệu quen thuộc của tuồng chèo Việt Nam. Lời ca dao Huy sửa chỗ
"phô tơi mời ngồi" thành "nhưng thôi mời vào". Khác với các
bài khác, bài này trong khi tìm kiếm giai điệu tiết tấu Huy nghĩ ngay tới cách
biểu diễn. Sân khấu mở ra, những chàng trai quân hàm đỏ rực, tay ôm các cây đàn
nguyệt, tam, tứ, tì bà, đáy, nhị, sáo, kèn bầu... từ trong cánh gà chạy ra theo
hàng một. Họ ôm đàn như lính ôm súng xung phong. Quang Thụy đi đầu, cả tốp nam
từ trong chạy ra sân khấu. Kết thúc hồi trống thì tất cả thành đội hình tốp ca.
Trong khi anh em khác đàn lên cùng hòa tấu cung đô trưởng, Quang Thụy tay phải
cầm dùi trống như roi ngựa, tay trái cầm trống như cầm đao, anh ta nhấc một
chân lên vuông góc với chân kia rồi xoay xoay một vòng, hạ chân xuống, lắc mình
một cái như kiểu tướng lên ngựa. Tất cả tốp ca cùng hòa vào câu: "Cưỡi mây
a....!". Mọi thứ đàn cùng hòa theo tiếng não bạt và tiếng trống...
Sau này Huy nghiệm thấy khi
giới thiệu tiết mục Chịu lính đường dây phải đọc một lượt lời ca dao trước, hiệu
quả biểu diễn mới cao. Bài hát được khá nhiều giải thưởng của các hội diễn nghệ
thuật. Đáng kể nhất là giải vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân năm
1974.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)
0 comments:
Đăng nhận xét