Phạm Đình Phong
... Ngày 19 tháng 5 năm 1959
là ngày thành lập Đoàn 559 còn gọi là đoàn vận tải quân sự Quang Trung.
Chúng tôi về với Đoàn 559 từ
nhiều hoàn cảnh khác nhau: có anh đến với đoàn ngay thành lập, cũng có những
anh đến với đoàn trên đường hành quân đi "B". Mỗi người ở mỗi đơn vị,
mang chứng minh thư đi các mặt trận khác nhau: người đi B1... kẻ đi
B2... người đi Bác Ân... kẻ vào Bác Ái... Do yêu cầu chi viện cho
chiến trường ngày càng lớn để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược nên Đoàn 559 được ưu
tiên đặc biệt về tổ chức lực lượng, có thể lấy quân từ bất cứ đơn vị đi B nào.
Như đơn vị chúng tôi: từ huyện Đông Triều, Quảng Ninh ngày 26 tháng 3 năm 1965
lên đường đi "B", chứng minh thư chúng tôi mang là đi vùng "Bác
Ân" tức là vùng miền Trung tỉnh Bình Thuận bây giờ. Ngày ấy tôi là Chủ nhiệm
thông tin của Trung đoàn 10 công binh mà anh Đinh Hào là trung đoàn trưởng và
anh Hoàng Phú Túc là chính ủy. Sau Mậu Thân (1968) thì tôi được điều về làm
chính trị viên Tiểu đoàn 16 thông tin Đoàn 559. Quân số của tiểu đoàn bấy giờ
được điều động bổ sung từ các đơn vị trên tuyến: Bộ binh... pháo binh, kho...
giao liên có... có cả thanh niên xung phong nữa. Nhiệm vụ nặng nề, bảo đảm
thông tin trên tuyến đường rộng, dài hàng ngàn cây số. Luôn luôn phải chịu đựng
sự đánh phá của kẻ địch và thời tiết vô cùng khắc nghiệt của núi rừng Trường
Sơn... anh em trong đơn vị quen biết nhau rồi hiểu nhau... đến cả thương yêu
nhau nữa. Đều qua con đường "Mây, gió", họ đã nhận ra nhau từ những
tín hiệu Tịch... Tà... từ những tiếng nói qua các tổng đài điện thoại. Sau 4
năm kể từ ngày thành lập, tiểu đoàn chúng tôi mới có dịp tập trung về để mừng
công nhân ngày thành lập Đoàn thanh niên 26 tháng 3. Được tin về tập trung tiểu
đoàn ai nấy đều mừng rỡ có dịp được gặp mặt nhau. Mà lâu nay họ chỉ gặp nhau
qua sóng điện. Khi anh chị em được tập trung về đầy đủ, sáng ngày 26 tháng 3
năm 1971, toàn tiểu đoàn sinh hoạt, buổi trưa liên hoan và buổi chiều thì đơn vị
nào về đơn vị nấy. Khi sinh hoạt xong nhiều anh chị em lên gặp chúng tôi tha
thiết đề nghị được ở lại sáng hôm sau về đơn vị, để anh chị em được gặp gỡ
nhau. Nhiều chị em đã khóc và năn nỉ xin tiểu đoàn cho phép. Trước tình cảm những
chiến sĩ của mình, tôi thật sự mủi lòng rơi nước mắt. Tôi biết trong số anh chị
em về đây hôm nay có những (đôi) họ đã thực sự hiểu nhau và yêu nhau... như:
Nam đài trưởng (Lâm) quê Hải Phòng với nữ đài trưởng (Hà) quê Nghệ An... như
chính trị viên phó đại đội (Thanh Bền) với nữ tổng đài viên (Minh Xen)... cũng
như nữ y sĩ (Bích Hệt) với... trợ lý khí tài (Giới) tất cả… tất cả họ đều đã hiểu
nhau và yêu nhau tha thiết. Họ rất cần có thêm thời gian ở bên nhau. Nhưng biết
làm sao được, thương cảm... thương cảm vô cùng mà không thể khác được. Vì kỷ luật
của chiến trường, khi nói lên những lời này với chiến sĩ của mình cổ tôi như
nghẹn lại, nước mắt trào ra... Hình như anh chị em cũng thấu hiểu được lòng tôi,
nên không còn ai đề nghị nữa, và sau liên hoan anh chị em vui vẻ chia tay nhau
ra về không một ai buông lời oán trách.
Sáng ngày hôm sau 26 tháng 3
năm 1971, khoảng 5 giờ sáng rừng Trường Sơn chưa rõ mặt người, những chú tắc kè
còn vang lên những lời (đếm tuổi). Bỗng đất trời rung chuyển, cây đổ ào ào, trận
B52 đầu tiên đã trùm lên đơn vị tôi và cả sở chỉ huy Đoàn 559. Hầm của chúng
tôi bị sập nhưng không ai bị gì, tự bới ngoi lên mặt đất thì thấy cây cối đổ ngổn
ngang, tổng đài (3000) dây đứt cuốn vào từng cụm, tiếng súng bắn cấp cứu đây đó
vang lên, nhất là ở phía Đại đội 2 (đại đội tổng đài, dây bọc) bắn nhiều nhất. Tôi
cùng với y sĩ Hệt, y tá Cúc mang túi thuốc vượt suối chạy sang, thấy anh Soạn đại
đội trưởng cùng anh Suất chính trị viên đại đội và một số anh khác đang ra sức
đào bới hầm của tổ quân bưu bị sập hoàn toàn bên cạnh miệng phễu của một hố bom
lớn. Khi đưa lên được mặt đất, ba anh em tôi nhìn đồng hồ thì thời gian đợt 1 của
B52 đã hết, tôi vội hối anh em ngừng tay đi tìm hầm trú ẩn (quy luật bom B52
thường là 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 20 – 30 phút) cứ thế chúng tôi phải ẩn tránh
ba đợt liền và mỗi đợt bom nổ cứ xa dần. Khi đào bới hết căn hầm thì đưa được
chín thi thể của anh chị em còn nguyên vẹn nhưng không thể cứu được. Vì quả bom
nổ quá gần. Trong lúc đó thì anh nuôi (Tuân) phát hiện xác của y tá Chúc nằm vắt
qua ghế nhà ăn, vai còn mang túi thuốc. Chúc đã hy sinh trong lúc đi cấp cứu đồng
đội. Thi thể của anh chị em được đưa tập trung ở hội trường đầy đủ cả chỉ có y
tá Chúc là thiếu mất một chân (cả đơn vị tìm không thấy). Các anh: Suất, Oanh
cùng nhau ngồi hàng giờ để lau rửa thay quần áo cho anh chị em. Đặc biệt anh Suất
đã ngồi lặng gỡ từng mái tóc rối bời cho ba cô gái. Trong sinh hoạt hằng ngày anh
vẫn được anh em trong đơn vị tôn vinh là người anh của cả đại đội. Bởi lẽ anh
là chính trị viên, là bí thư chi bộ đại đội, anh luôn sống chan hòa, cởi mở,
thương yêu chiến sĩ như những người ruột thịt của mình.
Sang ngày thứ hai anh em
phát hiện trong cơm có mùi đặc biệt. Cả đại đội chia nhau đi tìm nguyên nhân...
tổ nuôi quân đã phát hiện dưới lớp đất, đá và lá cây ở độ sâu 1,5 m (đáy giếng
nước ăn của đơn vị) là cái chân của y tá Chúc mà hai hôm nay anh em tìm không
thấy. Chính trị viên Suất cùng anh em trong đại đội khâm liệm cái chân của y tá
Chúc rồi mang ra mộ ghép chân của Chúc vào đúng chỗ. Một việc làm đầy tình
nghĩa, đầy trách nhiệm của người sống đối với người đã chết.
...Những tia nắng chiều còn
sót lại trên ngọn cây, các chú chồn bay đang tìm đường về tổ... thì ban chỉ huy
tiểu đoàn chúng tôi nhận được điện từ các đơn vị, qua những tín hiệu Tịch...
Tà... quen thuộc và giọng nói nghẹn ngào của những nữ nhân viên tổng đài qua đường
dây mới được khôi phục. Hỏi thăm... chia buồn... xem ai còn ai mất. Và không
quên cảm ơn các mệnh lệnh kiên quyết của tiểu đoàn chiều hôm ấy. Nếu không thì
hậu quả khôn lường khi mà các đơn vị nghỉ lại còn nằm phơi trên mặt đất.
Đây là một bài học xương máu
cho các cấp lãnh đạo chỉ huy hôm nay và mai sau. Chiến tranh đã đi qua 30 năm, hôm
nay viết lại những dòng (chuyện kể) này. Tôi không khỏi bồi hối thương nhớ những
cán bộ, chiến sĩ thông tin đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc hôm nay.
Và hàng năm cứ vào những ngày 26 tháng 3 anh Nguyễn Thanh Quân chính trị viên
phó tiểu đoàn ngày ấy lại điện cho tôi hỏi... đã thắp hương chưa.... Đã cúng giỗ
chưa!
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)
0 comments:
Đăng nhận xét