11.12.24

Đội tuyên truyền văn hóa xung kích

Phạm Huy Thưởng

Bộ đội quá vất vả mệt mỏi, Đảng ủy Trung đoàn quyết định thành lập Đội tuyên truyền văn hoá xung kích ở chiến trường. Quyết định này rất đúng, rất hay, nhưng nó đặt ra biết bao nhiêu vấn đề cho người thực hiện. Phải gọi tập trung những ai? Việc chọn người hết sức quan trọng. Đây không phải là một đội văn công không chuyên. Những người trong đội trước hết phải có năng khiếu văn nghệ đã đành. Nhưng họ cũng phải là người giỏi chuyên môn, giỏi chịu đựng gian khổ. Bởi vì chính họ sẽ phải đến những nơi gian khổ khó khăn nhất của trung đoàn. Họ vừa phải diễn văn nghệ phục vụ bộ đội và cũng phải tiếp sức để đơn vị đó hoàn thành nhiệm vụ. Lập đội tuyên truyền văn hóa xung kích thì nhạc cụ đâu? Hoá trang? Phông màn? Trang phục? Và nhất là nội dung. Bài hát, vở kịch, bài thơ, bài tấu... ít nhất cũng phải có 12 đến 14 tiết mục cho 105 phút biểu diễn.

Trước hết một nhóm sáng tác được gọi về. Họ được yêu cầu trong một tháng phải có đủ tiết mục cho một chương trình biểu diễn. Có thể sử dụng những tiết mục cũ, nhưng phải có ít nhất 50% tiết mục mới. Hai tuần sau anh em cho ra đời một bài thơ và một bài tấu của Thân Trọng Việt, một hoạt cảnh chèo 30 phút của Vũ Ngọc Ngà, một ca khúc mới và một số tiết mục ảo thuật của Huy Thưởng. Huy Thưởng còn có nhiệm vụ ghi lại và phối bè theo trí nhớ một số tiết mục mà bộ đội ưa thích như: Hoan hô anh nuôi, Tôi là chiến sĩ đường dây của Phạm Khắc Vinh, Niềm vui anh quân bưu của Vũ Trọng Hối, Đường dây ai rải của Văn An. Nguyễn Hữu Khiển và Nguyễn Văn Kha thì sưu tầm chế tạo nhạc cụ. Có thể nói chính những lớp tập huấn ở Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc và những hoạt động có bài bản ở ngoài Bắc trước đây đã giúp họ hoàn thành nhiệm vụ Đảng ủy Trung đoàn giao.

Và đã nảy sinh rất nhiều sáng kiến. Cây nhị da trăn, cây đàn ghi ta hư ở một trạm giao liên, chiếc kèn ácmônica từ đáy ba lô của anh chàng nọ, những cây sáo nứa do lính tự tính toán đánh dấu và khoét lỗ để nốt nhạc rất chuẩn với kèn ácmônica. Cuối cùng họ còn tìm được cả một chiếc đàn mandolin.... Báo Quân đội nhân dân hồi đó đã có những bài viết phản ánh hoạt động của Đội tuyên truyền văn hóa xung kích 132 ở chiến trường.

Sau một tháng làm ngày làm đêm và tập luyện khẩn trương Đội tuyên truyền văn hóa xung kích đã có đủ tiết mục cho chương trình 120 phút. Đặc biệt hơn cả là trong chương trình này 70% là tiết mục về đường dây. Sau này Đội tuyên truyền văn hóa xung kích còn đi phục vụ các đơn vị bạn như Thanh niên xung phong, Bệnh viện 68, Đảng ủy miền Tây Thừa Thiên - Huế... Anh em văn nghệ 132 còn cử người tới những đơn vị bạn để thâm nhập, sáng tác thêm tiết mục phục vụ bạn những chương trình sâu sắc hơn. Anh em văn nghệ 132 thường nói vui đó là những "tiết mục bổ của lấy tiền ngay".

Bộ đội 132 bị sốt rét rất nhiều. Anh nào càng chậm bị sốt rét thì bệnh càng nặng, càng dễ bị ác tính mà chết. Mỗi cái chết đều để lại một ấn tượng đau thương đậm tình đồng chí. Những ống thuốc ký ninh cuối cùng của đồng chí phó chính ủy dành cho người bị sốt rét cuối cùng của trung đoàn. Bát cháo sâm bột của một trung úy cứu bạn thoát cơn sốt ác tính. Nhiều ca trốn viện khi còn đang bệnh, vì chỉ sợ chữa xong bệnh có thể bị lạc mất đơn vị.

Bộ đội 132 tiếp tục vào sâu hơn và họ bắt gặp trên núi cao nhiều con đường xuyên Trường Sơn khác. Thì ra không chỉ một con đường mòn họ đang đi lại mà còn nhiều những con đường mòn đã được thi công rất công phu. Những con đường san lấp bên vách núi, gắn cả bậc lên xuống bằng gỗ cây. Vào năm 1968, khi lính 132 vào tới nơi, những con đường ấy đã bị những cây mây song bò vắt ngang. Càng thắng lớn những con đường Trường Sơn từ núi cao chuyển dần xuống phía đông. Phát hiện này động viên lính 132 rất nhiều. So với những gì họ đã thấy, những gì dân tộc ta đã làm thì những gian khổ vất vả mà họ đang chịu đựng chưa thấm vào đâu.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét