24.12.24

Ký ức về thông tin quân sự R

Đại tá Nguyễn Xuân Đào - nguyên Phó Chủ nhiệm Thông tin R

Cuối năm 1961 đầu năm 1962, lần lượt cán bộ, chiến sĩ "Thông tin mùa thu" đã vào miền Nam gần hết rồi mà chỉ ráp được một khung và hệ thống thông tin từ Bộ Tham mưu Miền xuống đến các Quân khu là nền móng ban đầu.

Một công việc quá nặng nề phức tạp, trách nhiệm đặt lên vai của những cán bộ, chiến sĩ khởi đầu xây dựng ngành thông tin Quân giải phóng anh hùng để đánh Mỹ.

Tại thời điểm này, ngồi ở Chiến khu Mã Đà, một tấc dây điện, một cục pin, một cây đinh sắt cũng không tìm ra. Làm một cái nhà, một lán trại mà trong tay chỉ có con dao găm dài 2 tấc để chặt một khúc gỗ bằng cườm chân... nhưng chẳng lẽ ngồi nhìn, ngồi chờ trên trời rơi xuống? Anh em bàn luận, phải xuống tận nơi nghiên cứu thực tế để tìm lối đi.

Tôi được cử xuống Quân khu 7 (T1), đi bộ một ngày đường. Trước khi đi, tôi lên Phòng Tham mưu Ban quân sự R xin giấy giới thiệu của R với T1. Đồng chí Nhựt Quang - Chánh Văn phòng phải viết đi viết lại 3 lần, đồng chí Bảy Tiến (Trung tướng Trần Văn Quang) mới chịu ký tên với câu "Giới thiệu đồng chí Xuân Đào thông tin xin xuống thông tin Quân khu 7 để học tập vì mới về chưa có kinh nghiệm".

Tôi kể lại việc này để nhớ lúc bấy giờ không chỉ có khó khăn trở ngại về vật chất mà còn phải thận trọng tránh những sự hiểu lầm mặc cảm. Chuyện đâu xa không bàn đến, chỉ nói cái dễ thấy, là sau năm 1954 các anh em đi tập kết, còn một số đồng chí khác phải bí mật ở lại chiến trường sáu, bảy năm trời đầu rơi, máu chảy, chịu bao gian lao, cực nhọc, song vẫn dũng cảm, bền chí để trụ vững, xây dựng lực lượng, quyết tâm đấu tranh, lãnh đạo quân chúng chống lại sự tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng tôi mang súng đạn, máy móc về để cùng anh em trong này bước vào cuộc chiến đấu mới.

Kẻ đi người ở rồi lại gặp nhau tay bắt mặt mừng, xúc động rơi nước mắt, cùng một ý chí, cùng một quyết tâm nhưng sao lại quá thận trọng ngại ngùng từng câu, từng chữ, tôi thắc mắc để bụng chưa có lời giải đáp. Đến Quân khu 7 (T1) tôi may mắn gặp lại đồng chí Việt Hồng (Huệ) với chức vụ là Chính ủy Quân khu. Anh Việt Hồng và tôi là tình thân bạn bè, cùng đi ra Bắc năm 1946 học quân chính rồi trở về Nam năm 1947 cùng góp sức xây dựng Trung đoàn 300 ở Rừng Sác. Sau khi tôi đi tập kết, đồng chí Việt Hồng được bí mật bố trí ở lại miền Nam. Mỗi người một ngả, gặp lại nhau thật bất ngờ. Sau khi hàn huyên tâm sự, chính anh Việt Hồng đã giải đáp thắc mắc của tôi bằng ba câu chữ đơn giản "Đừng làm thầy!".

Ba chữ nhẹ nhàng, thân mật, giản đơn nhưng tôi nghĩ rất sâu xa, có nghĩa là anh ở miền Bắc mới về tuy có học hành, xây dựng quân đội chính quy,... nhưng không nên vì thế mà có thái độ làm thầy đối với anh em trong này. Cần phải biết trân trọng ý chí và việc làm của những người đang trụ lại trong những ngày đen tối...

Sau đó, tôi bắt đầu thâm nhập vào thông tin của Quân khu, gặp đồng chí Năm Nhơn vừa là Trưởng ban Thông tin, vừa là thợ lắp ráp điện đài, máy móc, vừa là thầy dạy giỏi về báo vụ (morse)... Tôi tìm hiểu được nhiều thứ, cái gì anh em thiếu thì hứa sẽ giúp, cái gì họ thừa thì xin (xin cả máy móc họ không dùng đến, xin sơ đồ lắp ráp máy thu phát giản đơn...). Qua đó tôi đã mở rộng được tầm mắt và mở ra cho mình một lối đi.

Tôi xin xuống đơn vị bộ đội chủ lực của Quân khu, trình giấy giới thiệu là cán bộ thông tin R, đồng chí chính trị viên đơn vị ra tiếp. Cuộc tiếp xúc thân mật, toạ đàm gần cả tiếng đồng hồ. Kết quả là anh em hiểu nhầm tôi là người đi lấy tin tức tình hình đơn vị để đưa báo chí... tôi tìm cách hỏi khéo thì ra đơn vị chỉ có 3 đồng chí vừa trinh sát vừa làm liên lạc, ngoài ra không có máy móc, dây nhợ gì cả, té ra anh em chưa có khái niệm về thông tin liên lạc...

Xong việc, tôi lên báo cáo với Tư lệnh Quân khu xin về, Tư lệnh là đồng chí Tám Kiến Quốc (Nguyễn Hữu Xuyến) hỏi:

- Thế nào? Anh em thông tin của tôi có tốt không?

- Tôi khâm phục các anh ấy vì tinh thần tự lực trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.

- Cậu ở Trung ương về có giúp cho T1 được cái gì không?

- Chúng tôi về, trước tiên rất cần người để đào tạo và nguồn cung cấp pin.

- Ồ! Người thì hô một tiếng là có cả ngàn, nhưng liệu các cậu có nuôi nổi hay không? Còn pin thì thiếu gì, có tiền ra chợ mua bao nhiêu cũng có.

À! Mà nè, mỗi máy cần bao nhiêu pin?

- Dạ! Mỗi máy tuỳ theo loại, nhưng trung bình phải có 100 cục.

- Làm gì nhiều thế? Ở đây máy móc của tôi xài có một cục pin thôi mà vẫn liên lạc được với Trung ương.

Anh Việt Hồng - Chính ủy ngồi kế bên biết ý nên gợi qua chuyện khác...

Lúc ra về, anh Việt Hồng chỉ đạo Năm Nhơn ở thông tin T1 tìm ra một chiếc xe bò kéo chở tôi, cùng một số máy móc mà T1 không dùng đến cho tôi.

Về đến đơn vị báo cáo tình hình chuyến đi cho anh Tám Xai - Trưởng ban và các cán bộ trong cơ quan nghe. Anh em đều nhận thấy làm sao cho các nơi thấy tầm quan trọng và sự bức xúc cần thiết của thông tin để phục vụ cho chỉ huy, chỉ đạo.

Cơ quan thông tin vừa dời về khu B (1962) thì anh Tám Xai gọi tôi lên đưa công văn của bên Trung ương Cục nội dung: "Sáp nhập thông tin Đảng (TWC) và thông tin Quân đội làm một".

Ý kiến của Trung ương Cục khó bác bỏ, nhưng may mà có thông báo là hai bên trao đổi và báo cáo lên trên quyết định. Chắc ai cũng rõ là ý kiến của ngành thông tin bên Đảng đã trình lên.

Tôi và anh Tám Xai trao đổi và thống nhất ý kiến đề đạt lên Ban quân sự Miền là không sáp nhập được, việc này anh Tám Xai lo, còn tôi sẽ tiếp phái đoàn của thông tin bên Đảng, chủ đề là tranh luận và bác bỏ việc hai bên sáp nhập là một.

Anh Sáu Đại - Trưởng ban thông tin bên Đảng (sau này là Giám đốc Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh) sang gặp tôi. Anh trình bày ý kiến của mình, nhưng lồng vào ý kiến của Trung ương Cục và đưa ra nhiều lý do:

- Quân đội (Quân giải phóng) các anh chưa đủ sức, mới vào, thực lực chưa có, phải dựa vào chúng tôi đang sẵn có thì mới đảm đương nổi nhiệm vụ.

- Nếu hai bên tổ chức riêng rẽ thì tốn người, tốn phương tiện, là điều không hợp lý...

- Hiện chúng tôi có xưởng sửa chữa, lắp ráp máy thông tin, có trường thông tin, có cơ sở và đường dây tiếp tế mua sắm nguyên vật liệu từ Sài Gòn, Chợ Lớn và bên Cam-pu-chia (K).

- Chúng tôi đã có sẵn mạng lưới thông tin vô tuyến điện báo và hệ thống giao bưu từ R xuống địa phương.

- Xuất phát từ đó việc sáp nhập thông tin hai bên là hợp lý...

Lần thứ nhất họp, tôi chỉ hứa sẽ nghiên cứu ý kiến đề xuất của Ban thông tin bên Đảng và với ngụ ý là khó thực hiện.

Lần thứ hai, anh Sáu Đại dẫn theo hai cán bộ, lần này họp có biên bản. Tôi nói những ý chính như sau:

- Thông tin quân sự có mấy loại: vô tuyến điện báo, vô tuyến điện thoại, vô tuyến tiếp sức, sử dụng nhiều loại máy từ 2W đến hàng trăm oát, sử dụng các loại này tùy theo quy mô tổ chức biên chế đơn vị, tùy theo các loại hình chiến dịch, chiến thuật và chiến đấu... cho nên không thể đơn thuần là vô tuyến điện báo (morse).

- Thứ hai là bộ môn hữu tuyến điện: nào dây dã chiến, nào dây trần, nào tổng đài, tổng trạm... cực nhất là điện thoại viên phải mang dây mang máy theo sát người chỉ huy, nào rải dây, thu dây trong chiến đấu vận động là bộ môn... khá phức tạp.

- Thứ ba là thông tin vận động, thông tin tín hiệu (cờ, đèn, kèn, pháo...), nó có phần giống thông tin giao lưu của các anh, nhưng bên tôi gọi là Quân bưu, ngoài các công văn thư từ thường có đội hỏa tốc, đi thẳng, trực tiếp đến đúng thời gian... có lúc phải vượt qua tuyến lửa ngăn chặn của kẻ địch, mang thư đến nơi cho đơn vị. Cái khó khăn là bộ đội luôn di chuyển, cơ động, thông tin luôn sẵn sàng làm theo yêu cầu luôn đi, luôn chạy...

- Về xưởng thông tin, tuy bây giờ chưa có, nhưng phải có và khối lượng chỉ sửa chữa thôi cũng khá bề bộn, nhiều loại máy vô tuyến, hữu tuyến với những nhãn hiệu khác nhau của Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô và của ta...

Còn vấn đề lớn là nhà trường ngoài việc đào tạo báo vụ đài trưởng là một bộ môn riêng biệt, tốn thời gian, chúng tôi còn phải đào tạo và bổ túc cho cán bộ trung đội, đại đội, phải huấn luyện cho họ biết tính năng và sử dụng các loại máy, đặc biệt là họ phải học các nguyên tắc trong chiến dịch, chiến thuật, chiến đấu của các binh chủng (bộ binh, pháo binh, công binh...); sau đó là nguyên tắc bố trí sử dụng thông tin áp dụng vào các binh chủng và các hình thức chiến thuật như tập kích, phục kích, công đồn đánh công kiên, đánh dã ngoại, đánh vận động, hiệp đồng binh chủng, đào tạo cán bộ ra trường phải đảm đương được chức vụ chủ nhiệm thông tin, người chỉ huy bộ đội thông tin và các trợ lý (tham mưu) thông tin các cấp...

Ngoài ra, việc bố trí thông tin phải phối hợp từng loại: thông tin chiến lược, thông tin chiến dịch, chiến thuật, chiến đấu, mạng lưới công binh, pháo binh, cao xạ, đặc công, mỗi loại có khác hoặc như mạng lưới trinh sát, quân báo, tình báo hay mạng lưới rộng lớn của ngành Hậu cần. Thông tin Quân đội có nhiều nhiệm vụ mang tính đặc thù, không thể hai bên sáp nhập làm một được, chưa nói đến việc bố trí sử dụng cán bộ cũng là chuyện không dễ, còn có hệ thống quản lý thông tin ngành dọc từ Bộ Tổng tham mưu, Cục Thông tin; còn có hệ thống Đảng và cộng tác đảng, công tác chính trị trong Binh chủng Thông tin.

Cho nên quan hệ thông tin bên Đảng và thông tin Quân đội là quan hệ hiệp đồng chứ không thể thống nhất là một.

Do quan điểm không dứt khoát, sau đó Quân khu 8 phải sáp nhập làm một, chỉ khổ cho anh Hoài Sơn (Huỳnh Trừ) - Chủ nhiệm Thông tin Quân khu 8 phải làm hai báo cáo và đi họp ở hai nơi...

Riêng Ban thông tin R thì anh Tám Xai đến báo cáo sau này được đồng chí Trần Văn Quang1 khen "Ý kiến các anh đúng".

Về sau không nghe ai nhắc đến việc xin sáp nhập nữa, và chúng tôi vẫn hoạt động độc lập.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)

------------------------------------

1 Đồng chí Trần Văn Quang sau này là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 

0 comments:

Đăng nhận xét