Nguyễn Văn Quý
Đầu năm 1960, anh Mười Ân (Đỗ
Thiên Tư) - Trưởng ban Thông tin Khu ủy Tây Nam Bộ (T3) gọi bốn anh em chúng
tôi lại cho biết: "Hiện nay Đảng lãnh đạo theo Nghị quyết 15, nhân dân ta
đứng lên vũ trang cướp chính quyền. Do yêu cầu đó, Khu ủy thành lập Ban quân sự
T3 do đồng chí Tám Tùng làm chỉ huy trưởng. Lực lượng có ba tiểu đoàn, xóa tên
hai tiểu đoàn giáo phái là Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng và Tiểu đoàn Ngô Văn Sở, đổi
tên Phú Lợi 1, Phú Lợi 2, Phú Lợi 3".
Xuất phát từ yêu cầu đó, Ban
quân sự Khu xin ba bộ đài. Ban Thông tin Khu ủy cấp 3 bộ đài cho Ban quân sự Khu,
bốn đồng chí nhận nhiệm vụ sang Ban quân sự Khu phục vụ gồm:
1. Anh Tám Đoàn trước đây
làm báo vụ phục vụ Trung ương Cục, anh ở lại miền Nam. Anh là "bậc thầy"
của ba anh em chúng tôi.
2. Anh Tư Nhơn là người bảo
vệ Trung ương Cục trong kháng chiến chống Pháp, anh không đi tập kết mà ở lại miền
Nam học báo vụ.
3. Anh Út Thọ là cán bộ học
tại chức của Thông tin Khu ủy.
4. Tôi: Út Quý học tại chức
tại Cà Mau do anh Út Yên dạy (trong kháng chiến chống Pháp anh Yên làm báo vụ của
Trung ương Cục, anh không tập kết mà ở lại Tỉnh ủy Cà Mau). Anh dạy tôi và đồng
chí Xía học từ năm 1955-1957.
Vào khoảng giữa năm 1960, bốn
anh em chúng tôi nhận quyết định đến Ban quân sự Khu 9.
Khi đi, chúng tôi mang theo
ba bộ đài do anh Hai Nam ở thông tin Khu tự lắp ráp nên đặt tên cho nó là bộ đài
Độc Lập . Máy thu kiểu "Sinen", máy phát kiểu "Hắclây".
Khi đến, chúng tôi gặp đồng
chí chỉ huy Khu - anh Tám Tùng. Anh Tám mặc bộ đồ bà ba đen, nói năng hòa nhã
và cởi mở, vui vẻ, bắt tay với bốn anh em chúng tôi và phát biểu: "Theo sự
phân công của Thông tin Khu ủy: đồng chí Tám Đoàn và đồng chí Út Thọ ở đài
thông tin của chỉ huy, đồng chí Tư Nhơn đi phục vụ Tiểu đoàn Phú Lợi 2 hoạt động
trên chiến trường Sóc Trăng, Cần Thơ. Còn Tiểu đoàn Phú Lợi 3 phải vượt sông Cửu
Long hoạt động ở hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh nên tôi xin một báo vụ và một thợ
sửa máy vì chiến trường này rất khó khăn và ác liệt, nhưng tại sao chỉ có một
báo vụ?".
Lúc đó, tôi phân trần với
anh Tám Tùng: "Ban thông tin Khu ủy phân công như vậy cũng đúng vì em là một
báo vụ cũng là một thợ sửa chữa nên mới phân công đi Tiểu đoàn Phú Lợi 3".
Anh Tám Tùng cười xòa rồi nói: "Như vậy thì an tâm lắm".
Sáng hôm sau, chúng tôi ai nấy
về đơn vị của mình được phân công. Tôi về Tiểu đoàn Phú Lợi 3, lúc bấy giờ anh
Tư Nam đang làm chính trị viên, anh Năm Rẫy làm tiểu đoàn trưởng (gọi là tiểu
đoàn nhưng thực tế chỉ có ba trung đội). Những ngày hoạt động trên chiến trường
Vĩnh Long và Trà Vinh gặp rất nhiều khó khăn. Máy phát kiểu Hắclây, sợi dây trời
chữ T dài 25m, ở đồng bằng chỗ căng phải giữ bí mật, tự xưng là thợ điện nhưng
Ban Thông tin chỉ cho một cái mỏ hàn và một số linh kiện sửa chữa, không có đồng
hồ đo điện, nếu máy hỏng, nghi cái nào thì thay cái đó; không phải, gắn lại
thay cái khác. Nhưng anh Tám Đoàn là đài trưởng ở cơ quan chỉ huy Khu luôn luôn
giúp đỡ và chỉ bảo trên máy, nhờ đó mà thông tin thông suốt trong thời gian ở
Vĩnh Long - Trà Vinh.
Đến cuối năm 1960, Mặt trận
giải phóng miền Nam khu Tây Nam Bộ thành lập tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình,
tỉnh Cà Mau, rút ba tiểu đoàn Phú Lợi 1, Phú Lợi 2, Phú Lợi 3 về đây. Ngày
thành lập, anh Tám Tùng là đại diện Quân giải phóng Quân khu 9 về dự.
Sau đó, Ban quân sự Khu 9 giải
thể ba tiểu đoàn Phú Lợi mà tập trung hai tiểu đoàn Phú Lợi 1, Phú Lợi 2 thành lập
Tiểu đoàn 306. Tiểu đoàn Phú Lợi 3 và đơn vị các tỉnh rút lên thành lập Tiểu
đoàn 96.
Anh Tám Đoàn và anh Út Thọ vẫn
ở đài của chỉ huy Quân khu, anh Tư Nhơn giữ đài Tiểu đoàn 306, tôi ở đài Tiểu
đoàn 96, tiếp tục liên lạc thông suốt đến khi có sự chi viện của trên.
Cuối năm 1962, trên điều máy
GRC-9 về thay thế chỗ anh Tám Đoàn và Út Thọ. Anh Năm Quới mang bộ đài Sinen về
thay thế tôi ở Tiểu đoàn 96.
Bốn anh em chúng tôi lại
mang ba bộ đài Độc Lập về Ban thông tin
Khu ủy Tây Nam Bộ.
Chiến tranh đã lùi xa 35 năm
- một thời gian quá dài. Anh Tám Đoàn, anh Tư Nhơn, anh Út Thọ, người hy sinh trong
kháng chiến chống Mỹ, người từ trần do tuổi già sức yếu. May chỉ còn tôi là đứa
em nhỏ nhất còn sống, nên tôi thay các anh ghi lại đôi dòng về những ngày mới
hình thành thông tin Quân khu 9. Chắc chắn sẽ có rất nhiều thiếu sót. Nhưng tôi
luôn tin rằng, các anh mất đi nhưng tên tuổi các anh sẽ sống mãi trong những
trang sử vàng và ký ức của Thông tin Quân khu 9, trong lịch sử và ký ức Thông
tin Quân giải phóng miền Nam nói riêng, lịch sử và ký ức Bộ đội Thông tin liên
lạc anh hùng nói chung.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)
0 comments:
Đăng nhận xét