Đỗ Minh Đính
Tuyến đường dây trần quân sự
từ Hà Nội chạy dài vào Nam, qua các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, khi đến Thanh Hóa, một
nhánh rẽ sang Bá Thước đi Na Mèo, qua Sầm Nưa, phục vụ thông tin cho Trung ương
bạn Lào. Khi đến Nghệ An một nhánh rẽ sang đường 7 qua tỉnh Xiêng Khoảng, Cánh
Đồng Chum bằng hệ thống cáp phục vụ cho mặt trận phía Tây, nối tiếp vào Hà
Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và vươn tới Buôn Ma Thuột. Đường
dây được men theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, phần lớn xuyên qua rừng núi hiểm trở.
Do Trung đoàn 132 cùng các đơn vị xây dựng, 3 trung đoàn 134, 136, 596 quản lý
khai thác với chiều dài hơn 1.000 km đường cột và gần 10.000 km đường dây, cùng
nhiều kilômét dây bọc và cáp, gần 40 trạm cơ vụ, sử dụng các máy TCT1-2, VBO3,
VBO12 (tải ba 1, 2, 3, 12 đường), tăng âm tải ba FBO12 và nhiều tổng đài của Trung
Quốc và Liên Xô chế tạo. Với dung lượng thông tin khá lớn đã đáp ứng đắc lực, kịp
thời cho lãnh đạo, chỉ huy của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh qua các giai
đoạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong những năm chiến tranh
gay go ác liệt, nhờ phát huy tốt hiệu suất chất lượng của tuyến đường dây này,
bộ đội thông tin đã phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ huy của Bộ, đối với Quân khu
4, đối với mặt trận phía Tây và các đơn vị phía trong giành thắng lợi trong chiến
dịch giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế năm 1972, đánh thắng địch ở Đường 9 -
Nam Lào, ở Cánh Đồng Chum, ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, ở Khe Sanh, Làng Vây, Cửa Việt...
Thông tin cũng đã đảm bảo cho công tác chỉ huy điều hành của Bộ tư lệnh Đoàn
559 vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm,
thuốc men, từ miền Bắc chi viện kịp thời cho miền Nam, đưa đón hàng triệu bộ đội
vào chiến trường đánh Mỹ và khi thời cơ đến đã phục vụ cho Bộ chỉ huy tối cao
phát lệnh nổ súng giải phóng Buôn Ma Thuột, mở màn cho tổng tiến công nổi dậy
1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Do tính chất đặc biệt quan
trọng của tuyến thông tin Bắc - Nam, không quân Mỹ đã đánh phá ngày đêm rất ác liệt,
không giờ nào, không ngày nào, mà không có bom rơi đạn nổ, kể cả hạm đội của địch
ngoài biển bắn vào, có khi cùng một lúc chúng ném bom dồn dập nhiều đoạn tuyến với
nhiều loại bom, bom phá, bom phát quang, bom từ trường, bom bi, bom na-pan, cày
xới đi lại nhiều lần, làm hàng hàng trăm cột bê tông đổ gẫy, hàng ngàn kilômét
đôi dây bị đứt tung, nhiều trạm cơ vụ bị trúng bom. Với tinh thần thà hy sinh
chớ quyết không để liên lạc bị gián đoạn, địch đánh phá, ta lại khôi phục nối
thông, cứ lặp đi lặp lại hết ngày này qua ngày khác, kéo dài suốt cuộc chiến
tranh, nhưng bộ đội đường dây vẫn bám trụ, dũng cảm, kiên cường, giữ cho mạch
máu thông suốt, tất cả cho thông tin. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phải trả giá bằng
máu đã anh dũng hy sinh. Bằng sự cống hiến to lớn và những thành tích xuất sắc,
trên tuyến thông tin chiến lược này, đã có 2 trung đoàn (e134, e132), 2 Tiểu
đoàn 286 (của e132) Tiểu đoàn 133 (của e596), 5 đại đội (c2, c5, c7, c15 của
e134) c1 của e596 được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng. 3 đồng chí được
tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Hoàng Văn Cón, Trần Huy
Hoàn, (e134) và Hồ Đức Tư (e596).
Trạm cơ vụ A69 của Trung
đoàn 134 là một điểm sáng trên tuyến dây trần này, nằm ở đoạn giữa trục giao
thông chiến lược Bắc Nam, bên trong ngã ba Đồng Lộc ở thôn Khe Hà, xã Thanh
Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Muốn vào trạm phải vượt qua một đoạn dốc,
gọi là dốc Bà Tôn trống trải, bên trong là vách núi đá và rừng, tuy trạm được bố
trí ở nơi kín đáo, nhưng do đoạn đường cụt nên máy bay trinh sát của địch phát
hiện. Đúng 13 giờ ngày 2 tháng 7 năm 1972, máy bay Mỹ ập tới, đầu tiên chúng bắn
đạn khói chỉ điểm, sau đó một tốp khác đến ném bom dồn dập, kết hợp bom phá,
bom phát quang, bom na-pan, toàn bộ khu nhà của trạm bốc cháy dữ dội, trạm máy đặt
trên hang cũng bị chấn động mạnh và hư hỏng, mạng cáp nhập đài và 1.500 m dây bị
đứt, 13/33 cán bộ chiến sĩ hy sinh, trong đó có 10 chiến sĩ nữ đã nằm xuống
trên mảnh đất này.
1. Hoàng Thị Liên: Sinh năm 1956; nhập ngũ:
tháng 12-1971; cấp bậc: Binh nhì; chức vụ: chiến sĩ; quê quán: Trần Phú, Phú Thọ,
Vĩnh Phú, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quảng Bình, hy
sinh lúc mới 16 tuổi.
2. Cao Thị Xuyến: Sinh năm 1953; nhập ngũ:
tháng 5-1971; cấp bậc: Binh nhất; chức vụ: chiến sĩ; quê quán: Hoàng Kim, Hoàng
Hóa, Thanh Hóa, gia đình đã đưa hài cốt về quê nhà, hy sinh năm mới 19 tuổi.
3. Nguyễn Thị Anh: Sinh năm 1955; nhập ngũ:
tháng 12-1971; cấp bậc: Binh nhì; chức vụ: chiến sĩ; quê quán: Thanh Cù, Thanh
Ba, Vĩnh Phú, gia đình đã đưa hài cốt về quê nhà, hy sinh năm 17 tuổi.
4. Vũ Thị Lan: Sinh năm 1950; nhập ngũ:
tháng 6-1968; cấp bậc: Trung sĩ; chức vụ; chiến sĩ; quê quán: Vũ Tây, Vũ Thư,
Thái Bình, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quảng Bình, hy
sinh năm 22 tuổi.
5. Bùi Thị Lung: Sinh năm 1954; nhập ngũ:
tháng 5-1971; cấp bậc: Binh nhất; chức vụ: chiến sĩ; quê quán: Kim Sơn, Kim
Bôi, Hòa Bình, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quảng Bình,
hy sinh năm 18 tuổi.
6. Chu Thị Mạnh: Sinh năm 1956; nhập ngũ:
tháng 12-1971; cấp bậc: Binh nhì; chức vụ: chiến sĩ; quê quán: Văn Lung, Phú Thọ,
Vĩnh Phú, gia đình đã đưa hài cốt về quê nhà, hy sinh năm 16 tuổi.
7. Ngô Thị Luân: Sinh năm 1955; nhập ngũ
tháng 12-1971; cấp bậc: Binh nhì; chức vụ: chiến sĩ; quê quán: Tân Long, Tân Lập,
Vĩnh Phú, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quảng Bình, hy
sinh năm 17 tuổi.
8. Lê Thị Chăm: Sinh năm: 1955; nhập ngũ:
tháng 12-1971; cấp bậc: Binh nhì; chức vụ: chiến sĩ; quê quán: Vân Đồn, Đoan
Hùng, Vĩnh Phú, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quảng Bình,
hy sinh năm 17 tuổi.
9. Trần Thị Loan: Sinh năm 1954; nhập ngũ:
tháng 12-1971; cấp bậc: Binh nhì; chức vụ: chiến sĩ; quê quán: Phú Lộc, Nho
Quan, Ninh Bình, gia đình đã đem hài cốt về nhà, hy sinh năm 18 tuổi.
10. Nguyễn Thị Thảo: Sinh năm 1953; nhập ngũ:
tháng 12-1971; cấp bậc: Binh nhì; chức vụ: Chiến sĩ; quê quán: Thanh Lạc, Nho
Quan, Ninh Bình, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quảng
Bình, hy sinh năm 19 tuổi.
Trong trận ném bom hôm đó
còn có 3 cán bộ, chiến sĩ nam hy sinh.
1. Đoàn Văn Trình: Sinh năm 1944; nhập ngũ:
tháng 5-1965; cấp bậc: Thượng sĩ; chức vụ: trạm trưởng; quê quán: Đông Thành,
Kim Đông, Hưng Yên, hy sinh năm 28 tuổi.
2. Trần Văn Xây: Sinh năm 1946; nhập ngũ:
tháng 12-1966; cấp bậc: Hạ sĩ; chức vụ: chiến sĩ; quê quán: Ngô Quyền, Thanh
Ba, Phú Thọ, hy sinh năm 26 tuổi.
3. Lương Văn Chấn: Sinh năm 1946; nhập ngũ:
tháng 9-1965; cấp bậc: Thượng sĩ; chức vụ: tiểu đội trưởng; quê quán: Đoài Con,
Trùng Khánh, Cao Bằng, hy sinh năm 26 tuổi.
Ba chiến sĩ gái, trực máy
còn sống sót sau trận bom là Nguyễn Thị Nghiêm, Phạm Thị Vang và Nguyễn Thị Thanh,
đã nén đau thương cùng đồng đội khôi phục liên lạc và chỉ sau 1 giờ 25 phút đã
nối thông đôi 4 với Hà Nội.
Nếu như ở ngã ba Đồng Lộc có
10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng để bảo vệ tuyến đường huyết
mạch từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Thì ở trạm cơ vụ A69
thuộc Trung đoàn 134, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc cũng có 10 chiến sĩ nữ
thông tin đã anh dũng hy sinh để bảo vệ mạch máu thông tin phục vụ cho Bộ Chính
trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quân đội, lãnh đạo, chỉ huy chiến
trường phía Nam.
Tấm gương sáng về tinh thần
xả thân vì Tổ quốc của các đồng chí sẽ sống mãi với non sông đất nước, sống mãi
với bộ đội thông tin anh hùng và thế hệ ngày nay cũng như mai sau.
* Lưu ý:
Có đồng chí nào khi đọc bài
này, muốn liên lạc với ba cô gái năm xưa còn sống sót sau trận bom theo địa chỉ
như sau:
- Chị Nguyễn Thị Nghiêm ở
thôn Châu Rễ, xã Hợp Châu, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
- Chị Phạm Thị Vang, số nhà
253 phố Tô Hiệu, phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, số ĐT: 04. 8362014.
Chị Nguyễn Thị Thanh, A4 dãy
A1 khu tập thể Phụ nữ Trung ương Hà Nội. ĐT nhà riêng: 04.7730157.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)
0 comments:
Đăng nhận xét