11.12.24

Đường dây Quyết thắng trên đỉnh Trường Sơn (kỷ niệm Tết Mậu Thân 1968)

Phạm Huy Thưởng - nguyên cán bộ Trung đoàn 132

Có thể hỏi bất cứ vị tướng Việt Nam nào câu hỏi sau: "Các vị thích sử dụng loại phương tiện thông tin nào nhất trong các cuộc chiến tranh trước đây?". Hẳn là ta sẽ nhận được câu trả lời rằng: "Thông tin dây trần là loại phương tiện thông tin tốt nhất thời đó".

Tại sao lại như vậy? Có lẽ bởi vì: đường dây trần bảo đảm tốt nhất bốn yêu cầu: "Nhanh chóng - Chính xác - Bí mật - An toàn". Khó có cách nào truyền lệnh chính xác bằng truyền lệnh trực tiếp bằng miệng. Người nhận lệnh có thể cảm nhận cả những điều không văn bản nào ghi nổi. Ngoài những nội dung mệnh lệnh còn có cả tình cảm con người thể hiện qua âm sắc và nhịp điệu giọng nói con người. Và còn điều này nữa: dây trần là loại thông tin rẻ nhất và bền nhất. Nhân dân Việt Nam đánh giặc với tinh thần "Mỗi viên đạn là một quân thù" thì không thể không tính tới yếu tố giá thành đánh giặc!

Khi ta giải phóng được một nửa đất nước, tuyến thông tin thường ngày phải kéo dài tới 500km, đường dây trần phải kéo dài và bộ đội dây trần bắt đầu phải tính đến chất lượng đường dây cao hơn. Khi ta vượt Trường Sơn đánh Mỹ, và nhất là khi lượng kỹ thuật đòi hỏi rất cao. Bởi vì khi đó đường dây phải bảo đảm cho việc ứng dụng công nghệ thông tin mới "Đường dây mang sóng". Các đơn vị thông tin dây trần được tăng cường cả về số lượng và trình độ mọi mặt.

Từ năm 1965 - 1967 là bước chuẩn bị, chuyển hướng sôi động. Và đã đến lúc Trung đoàn 132, đơn vị duy nhất trong toàn quân làm nhiệm vụ xây dựng đường dây trần, bắt tay vào một công trình có một không hai trên thế giới: Kéo đường dây Quyết thắng vượt Trường Sơn phục vụ chỉ huy đánh Mỹ - Những trận đánh lịch sử của Tết Mậu Thân 1968.

Từ tháng 9 năm 1967, các đại đội của trung đoàn tập kết tại một vùng bán sơn địa thuộc Sơn Tây. Bộ đội tập đi bộ, mang vác nặng. Ngày 9 tháng 9, khi tất cả các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Binh chủng Thông tin vừa hoàn tất tại Hà Nội, cũng là lúc từ Sơn Tây lính 132 sẵn sàng lên đường. Họ phải tự lo việc ăn uống trong chuyến đi này, vì trung đoàn chưa làm kịp thủ tục chế độ để đi theo tuyến đường 559. Bởi vậy lính dây trần ra đi rất nặng nề. Họ phải đem theo mỗi người: gạo ăn 7 ngày, 1kg muối rang hoặc 1kg lạc "sống", bột ngọt... Họ còn phải đem theo những thứ mà bất cứ một đơn vị nào đi chiến trường thời đó đều không có. Đó là dây hãm đồng và dây hãm thép cỡ 1,2mm. Đó là thiếc hàn, axít, nhựa thông, kìm, cờlê mỏ lết mỏ hàn, dao tông, rìu... và tất nhiên súng đạn phải đủ cơ số như một đơn vị đi chiến đấu. Mỗi người còn phải thêm một cái mũ sắt nữa. "Con ruồi nặng đồng cân" mỗi chú lính 132 đi chiến trường è cổ mà vác nặng.

Đêm tháng 9 trời se se lạnh họ lên đường. Mỗi trung đội lên một xe tải ba cầu. Xe không có mui, ba lô kê làm chỗ ngồi, súng đạn ôm trong lòng. Xe lắc lư lầm lũi vượt những chặng đường đầy hố bom. Có đêm họ gặp trên đường những chiếc xe tải chở đầy trẻ em. Các cháu gọi với sang rối rít: "Các chú ơi mau thắng giặc Mỹ trở về!". Đó là các cháu từ Khu Bốn được đưa ra sơ tán sinh sống và học hành ở các tỉnh phía Bắc.

Sau mấy đêm ngồi ô tô, bộ đội xuống xe hành quân vào nghỉ ở một nông trường thuộc tỉnh Nghệ An. Bây giờ mới là lúc họ học mắc tăng, mắc võng trong một khu rừng su. Nhiều người lúc này mới tranh thủ viết thêm lá thư cho người yêu hoặc cho gia đình. Tối sau đó đơn vị vượt sông Lam, hành quân theo những đường mòn qua làng bám trục lộ 15. Đêm vượt sông Lam là một đêm có trăng, tuy không tỏ lắm. Những cô gái chở đò cất lên tiếng hò sông Lam thơ mộng. Tiếng hò như muốn níu giữ chân những người lính dây trần. Với đất nước, với quân đội thì tới năm đó đã có biết bao nhiêu người, bao nhiêu cuộc đi vào chiến trường. Còn với người lính dây trần thì đây là chuyến đầu tiên họ đi xa như thế, mang vác nặng nề như thế. Tránh sao được giây phút mềm lòng. Nhất là ở đây sông nước vằng vặc và giọng hò quyến rũ...

Chừng hơn một tuần lễ hành quân trong mưa gió, đi qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh bộ đội đường dây tập kết ở Làng Ho (A72). Sau một ngày lo chỗ ăn nghỉ, đào hầm, đào bếp cả đơn vị bắt đầu vận chuyển xà, sứ, dây đồng, dây thép... Những vật liệu nặng đều do ô tô chuyển vào tới binh trạm. Những vật liệu này khi chuyển từ binh trạm vào tuyến đường dây trên đỉnh núi thì phải mang vác bằng vai lính. Bàn tay khéo léo của lính đường dây đan những cái gùi. Anh em đeo nó trên lưng để chuyển sứ và chân sứ. Dây đồng và dây thép thì phải khiêng vai. Một cuộn dây nặng từ 50 đến 70kg, khiêng dây ở đồng bằng hai người một cuộn đã vất vả, nay khiêng qua dốc cao vực thẳm càng vất vả hơn. Nhìn những loại vật liệu này anh em biết ngay đây là làm đường dây hiện đại. Đó là xà tám (tức là xà có 8 lỗ chân sứ). Loại xà này bằng gỗ tứ thiếc, dài 2 mét 40. Mỗi thanh xà nặng hàng chục ký. Xà ấy, sứ ấy thì dây cũng phải cỡ 3 ly 6; 3 ly 8 trở lên. Ở ngoài Bắc phải là đường dây cột bê tông, hay tệ nhất cũng là cột sắt chữ H...

Tiếp đó các đại đội tập trung để nghiên cứu thống nhất kỹ thuật công trình. Đây là một loại đường dây trần đi theo kiểu chuột chũi, hay như hồi đó anh em quen gọi là theo kiểu đường ống. Xà được khoan lắp trên cây sống trong rừng. Chỉ phạt đi những cành lá có thể va chạm với đường dây. Như vậy là đường dây sẽ đi trong một cái ống rỗng xuyên qua vùng lá xanh của cây rừng. Một kiểu đường dây phá vỡ mọi quy phạm kỹ thuật đường dây trên thế giới. Chẳng hạn theo Quy chế đường dây trần, một văn bản chính thức của Nhà nước: "Phải chặt thông thiên tất cả những cây và cành lá nằm từ trục đường dây ra mỗi bên 4 mét". Ở đây thì đường dây lại đi trong sự che chở của rừng già nhiệt đới. Làm được đường dây đã gian nan vất vả, mà khai thác bảo vệ đường dây lại càng gian khổ hơn. Từ đấy suy ra lính 132 thương lính 134 là sự đương nhiên. Mấy ông tham mưu còn ở đại đội bàn luận sôi nổi. "Tìm ra cách đi cho một đường dây như thế quả thật là một ý nghĩ táo bạo!". "Cũng đúng thôi. Ta đánh Mỹ, một nước nhỏ đánh một nước to như thế đã có tiền lệ nào đâu".

Trung đoàn 132 ở chiến trường lúc này được lấy tên là Đoàn 2 thông tin Quân giải phóng. Bộ đội rất thông tư tưởng, hoàn toàn nắm vững yêu cầu kỹ thuật và quyết tâm rất cao.

Đường dây dài hơn 300km. Hơn 299 tấn vật liệu gồm xà, sứ, dây và vật liệu khác đã được chuẩn bị. Và rồi yêu cầu vận chuyển vật liệu từ binh trạm vào tuyến đường trở thành yêu cầu cực lớn. Cấp trên đã phải điều động thêm 2 tiểu đoàn bộ binh 916 và 917 tăng cường cho Trung đoàn 132 để làm nhiệm vụ vận chuyển. Mấy chú thầy cãi ở đại đội hay có lối nói chọc phá thì bình luận: "Kể ra cũng thương anh em này. Cũng vào chiến trường, cũng đi đánh Mỹ, cũng súng đạn như ai vậy mà suốt ngày này qua ngày khác còng lưng vác xà vác sứ". Còn anh em bộ binh sau này cũng nói thật vui "Chúng tôi cõng các ông trên lưng đưa các ông đi lãnh huân chương". Nói là nói vui thế thôi chứ các đơn vị này phối hợp thật giỏi với trung đoàn.

Hình ảnh anh lính vận chuyển 132 khi đó là thế này: trên vai anh ta là một nửa cuộn dây đồng hay dây sắt nặng cỡ 25 đến 35kg, hoặc một bó xà từ 3 đến 4 chiếc, hoặc một gùi sứ với chân sứ, đủ nặng để gập người về phía trước lấy thăng bằng khi leo dốc. Và cứ hai người nhùng nhằng với nhau một cuộn dây như thế mà đi. Bởi vì không bao giờ lính 132 tự tiện cắt một cuộn dây ra làm hai. Thêm một mối nối là chất lượng đường dây giảm đi một chút. Mà chất lượng đường dây có khi đưa đến sự sống chết của một đơn vị nào đó.

Sau khi đã vận chuyển tạm đủ vật liệu cho đợt ra quân đầu tiên, các đại đội bắt đầu mở chiến dịch "Kéo Đường dây Thống nhất trên đỉnh Trường Sơn". Có hàng ngàn sáng kiến của lính 132 đã phát minh để làm một đường dây không giống ai trên thế gian này!

- Gặp một cái cây mà thân nó quá lớn, đinh ốc lắp và không đủ độ dài.

- Mỗi đoạn đường dây vượt sông là ra đời vô số sáng kiến. Mà trong mấy chục lần vượt sông không có đoạn vượt sông nào giống đoạn nào.

- Chọn cây nào để lắp xà, đảm bảo đường thẳng, an toàn mà lại đúng cự ly 50m một cột...

- Rải dây và nâng dây lên cổ sứ trong điều kiện rừng đầy cây như vậy.

- Chặt cành, chặt cây sao cho đúng yêu cầu kỹ thuật nhưng không để lộ lá khô trên các ngọn cây. Kỷ luật Trường Sơn là như vậy không được để lộ bất cứ dấu hiệu của sự sống trên mái lá rừng già. Những máy bay, bom đạn trị giá hàng triệu đô la của Mỹ sẽ bắt anh phải trả giá bằng chính sự sống.

- Rải dây qua hai vách núi, hai bờ vực khi mưa lũ.

- Đo đạc trong rừng sâu mà hai bên không nhìn được nhau người lính đo đạc phải dùng tiếng hú để định hướng.

- Đường dây gặp phải độ núi quá dốc.

Những chiến sĩ của Trung đoàn 132 gặp lại nhau có thể kể hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện về cách khắc phục những khó khăn để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và bảo đảm an toàn trong những quy luật ngặt nghèo của chiến tranh.

Càng gần ngày Tết, công việc càng khẩn trương hơn. Các đại đội đã phải áp dụng phương pháp làm đường dây dã chiến. Một cách làm mà từ trước đến khi đó bộ đội 132 chỉ thực tập trong huấn luyện. Đó là cách làm vừa hành quân vừa dựng đường dây. Bộ đội hành quân tới một điểm đã định. Hạ ba lô xuống quay ra làm đường dây. Tới một khoảng cách nào đó đơn vị cử một số người quay lại chuyển ba lô lên, đơn vị vẫn tiếp tục thi công. Tới khi trời tối, không làm đường dây được nữa mới quay ra mắc võng nghỉ tại chỗ. Cơm nước do anh nuôi nấu tại một địa điểm thích hợp rồi gánh thẳng ra chỗ bộ đội thi công. Anh em tranh thủ ăn xong là bắt tay vào làm luôn. Tránh sao lính 132 không có nhiều người bị đau dạ dày.

Càng gần ngày Tết, địch đánh cũng càng ác liệt hơn. Toàn thể Đại đội 3 thoát chết trong gang tấc tại một hang núi đá. Cả đại đội đã kịp thời di chuyển ngay từ chiều 29 tết. Đêm giao thừa máy bay địch ném bom, bắn tên lửa, thả mìn lá gan khắp rừng. Tại một mảng rừng non bên suối đầy sỏi, lính Đại đội 3 đã chia nhau những điếu thuốc lá Xuân Mới và Điện Biên của Bác Hồ gửi tặng.

Tết Mậu Thân! Liên hoan Tết có thịt hộp, rau muống phơi khô, kẹo và thuốc lá Bác Hồ. Kèm theo những gói rau muống khô là những lá thư của các em học sinh miền Bắc, các chú lính đường dây chuyền tay nhau những lá thư thân thương. Nhiều chú khóc thầm, con mắt đỏ lựng. Bát canh rau muống khô mới ngon làm sao vì có mùi vị rau quê nhà. Thật ra nó như mùi cám lợn, nhưng nó mới thú vị làm sao vì chính tay mẹ mình, em mình gửi vào đây cho mình nấu ra cái nồi đó.

Công trình hoàn thành, Tết Mậu Thân thắng lớn.

Đài tiếng nói Việt Nam phát nhạc nhiều tiếng đồng hồ liên tục. Lính tráng kháo nhau đó là một cách truyền lệnh của Trung ương tới các nơi trong cả đất nước này đấy.

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên chiến sĩ đồng bào.

Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn!

Tết Mậu Thân! Tin thắng lớn làm nức lòng lính bao nhiêu thì sau Tết, địch nống ra khỏi căn cứ lấn chiếm đồi núi, lính 132 khổ cực thêm bấy nhiêu. Buổi tối còn yên ổn, buổi sáng ngủ dậy đã nghe tiếng nói láo nháo của địch trên đỉnh đồi. Thì ra trong đêm địch đã đổ quân, đặt lô cốt trên đỉnh đồi. Ta phải lẳng lặng chuyển quân ra xa. Lại có cả một kho hàng tấn gạo. Một nhóm cảnh giới, một nhóm ra sức vác gạo. Quân chỉ có một nhóm chưa hơn mười người, không đủ trang bị để đánh địch, lại còn nhiệm vụ làm đường dây nữa. Bộ tư lệnh đánh điện yêu cầu: "Trung đoàn phải di chuyển cách xa địch 30km theo đường chim bay". 30km là khoảng cách an toàn cho đường dây. Nhưng ở rừng, nhất là lại ở núi cao thì 30km là một khoảng cách có khi phải hai đến ba ngày đường di chuyển. Đỉnh 1001 mà lính ta thường gọi là dốc Ê ẩm, một ngày leo lên, một ngày tụt dốc vất vả mà đường chim bay có lẽ không quá 5km.

Tiếp đó là trận đói muối và gạo. Đói đến nỗi có anh chàng đã thốt lên: "Không thể hiểu được tại sao từng có lúc trong đời mình lại chê không ăn khoai sắn, đã có lúc mình đổ đi cả nửa gói muối vừng?". Chiến sĩ cũ của Trung đoàn 132 ngồi lại với nhau có thể kể nhiều ngày không hết những kỷ niệm tương tự.

Hơn một năm trời ở sâu trong rừng không thấy bóng một cô gái miền xuôi. Cho đến một lần họ gặp mấy cô thanh niên xung phong, mà lại đúng vào hôm chị em diện thường phục chứ không mặc quân phục! Thỉnh thoảng ghé qua một binh trạm, lính 132 mới được thấy thấp thoáng tà áo bà ba đen, tai nghe ríu rít tiếng nói cười phái nữ! Hoặc một lần mấy anh lính 132 nhà mình gặp cô gái Lào đi đổi hàng. Mỗi lần gặp gỡ như thế tuy không nói với nhau được một câu, không biết cả tên nhau nhưng là một kỷ niệm khó quên trong đời lính. Thật phúc lớn cho anh nào có được mối tình trong những năm đó. Có yêu đương nhau họ cũng tôn trọng nhau, giữ gìn cho nhau để còn làm nhiệm vụ lâu dài, một thứ tình yêu tuyệt vời trong sáng.

Thế rồi đơn vị được lệnh chuyển sang B dài.

Tất cả cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn làm đơn tình nguyện đi B dài. Trong thời gian chờ chuyển đổi nhiệm vụ trung đoàn nghỉ ở một thung lũng rất đẹp. Đội tuyên truyền văn hóa xung kích tiếp tục sáng tác về đề tài đường dây vào chiến trường sâu. Các đơn vị thi nhau trang trí nhà hầm, lấy cây rừng về làm bàn ghế để có chỗ ngồi học và pha trà tán gẫu. Một anh chàng nào đó đã tìm ra loại dây leo pha trà rất ngon. Họ thi nhau sưu tầm rau rừng mới về cải thiện bữa ăn. Những hoạt động ấy làm cho lính quên buồn và họ càng thắt chặt tình đồng chí.

Nhưng một tin mới lại nhanh chóng lan truyền trong đơn vị. Trung đoàn được lệnh về Bắc. Vì họ đã sẵn sàng để vào sâu nên việc quay ra được tiến hành rất nhanh gọn. Ngày hành quân thắng lợi trở về thật vui khôn tả. Lính ta tha hồ mà nói dóc. Có anh đe về nhà sẽ mời toàn đơn vị về nhà mổ heo ăn. Anh ta sẽ cho thắp đèn từ trong nhà ra đến cầu ao rửa chân cho bõ những ngày thiếu ánh sáng trong Trường Sơn. Để dân làng khỏi cho rằng mấy thằng mình say sỉn nên phải thắp đèn từ trước khi ngồi vào chiếu rượu.

Đúng là" Lòng mở cờ tim gióng trống" trên đường về.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét