5.12.24

Người ơi! Người ở đừng về

Trần Xuân Lăng

Tôi khoan khoái bước ra khỏi phòng máy, lúc này là 10 giờ 5 phút ngày 10 tháng 12 năm 1986. Sau lưng tôi, tiếng reo mừng của anh em trong đài vẫn vọng ra tạo cho tôi một cảm giác thật thoải mái, dễ chịu. Niềm vui của chúng tôi chợt ào đến vào một khoảnh khắc mà chúng tôi phải chờ đợi bao ngày: Đó là lúc trên màn hình của chiếc ti vi nhỏ bé đặt giữa đài hiện ra hình ảnh của cô ca sĩ Hồng Vân với bài ca quen thuộc - Người ơi! Người ở đừng về. Vẫn con người ấy, giọng ca ấy mà hôm nay chúng tôi nghe với một tâm trạng thổn thức đến kỳ lạ, cái tâm trạng của con người khi vừa hoàn thành một khối lượng công việc mà cách đây hai năm khi bàn đến nó, chúng tôi còn ngỡ ngàng chưa biết nên bắt đầu từ đâu?

Sáng nay, bầu trời bầu trời thành phố Vinh có gió mùa đông bắc, cơn mưa phùn bất chợt mang những giọt nước mưa nhỏ li ti vãi khắp thành phố tạo ra những đám mây bụi mờ che khuất ngọn núi Quyết xa xa. Giữa cái không gian ướt lạnh ấy, câu ca Người ơi! Người ở... vọng ra như một lời tâm tình, nhắn nhủ như một sự níu kéo yêu thương, tạo cho tôi một cảm giác thật nhẹ nhàng lâng lâng khó tả.

Bắt đầu từ sự ưu tư lo lắng đầy trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo thông tin viễn thông có kênh dẫn truyền hình từ thành phố Hà Nội vào Vinh để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Lúc đó, ai đã đo được khối lượng công việc phải làm? Ai đã mường tượng ra được các giải pháp kỹ thuật cần giải quyết để định liệu? Nhưng thật lạ, ai cũng có niềm tin vào sự thành công của việc lắp đặt hệ thống.

Tôi nghĩ gì về niềm tin này nhỉ?

Tôi nhớ đến cái bắt tay thật chặt của đồng chí Lữ đoàn phó Chính trị Phạm Đình Phong khi tiễn chúng tôi lên đường đi thông tuyến, cái bắt tay gửi gắm một niềm tin.

Tôi nhớ đến trung tá Hà Thị Tố Nga và các anh chị trong ban kỹ thuật của lữ đoàn như: Đại úy Võ Đình Cước, thượng uý Đặng Trung Nghĩa, thượng úy Nguyễn Văn Hiến.., họ đã làm việc quên mình qua bao ngày đêm cùng với các kỹ sư chuyên viên và công nhân viên để xử lý các vướng mắc kỹ thuật của việc kéo tuyến. Tôi nghĩ: - Với họ! Được nhận một trọng trách là được nhận cả một niềm tin!

Các anh: Đặng Anh Võ, Lê Bửu Trân, Tạ Anh Đăng, Nguyễn Văn Liên, Huỳnh Chơn, Nguyễn Bá Trạch... Những kỹ sư chuyên viên và công nhân kỹ thuật hàng đầu của lữ đoàn, trên tuyến giờ này các anh đang ở đâu? Hơn mười năm gắn bó với lữ đoàn; vui buồn sướng khổ đều có nhau, các anh tin ở chúng tôi, chúng tôi cũng luôn tin tưởng ở các anh! Phải chăng đó là cơ sở để các anh ở lại gắn bó với chúng tôi cùng tham gia lắp đặt tuyến viễn thông.

Đâu phải chỉ có chúng tôi tin: từ một đất nước xa xôi cách nhau đến nửa vòng trái đất, các chuyên gia Cu Ba như: Nữ "Chính ủy" Đê si. "Từ Hải" Cas-mi-ro và "Kim Trọng" He-ra-dô đã đến cùng chúng tôi với bàn tay hay giơ lên hai ngón (V = Vic-to-ry = chiến thắng) họ nói: - Đó là niềm tin tuyệt đối vào công việc!

Niềm tin! Cái khái niệm ý thức đó đã đâm hoa kết trái tạo nên một thành quả hiện thực, đó là: Hệ thống viễn thông Hà Nội - Vinh.

Tôi nhớ nhiều đến gương mặt của anh em trong Tiểu đoàn 2 kỹ thuật, tôi nhớ tiểu đoàn phó Lê Quốc Anh, người đã đặt những mối hàn đầu tiên khi lắp đặt các thiết bị trên tuyến. Anh đang cùng một bộ phận của tiểu đoàn chốt lại tại Hà Nội, tôi thầm nghĩ: - Lúc này họ đã mở cham-pa-ge chưa nhỉ? (Chả là khi đi thông tuyến tôi có đưa cho Quốc Anh một chai cham-pa-ge với điều kiện chỉ được mở khi tuyến đã thông).

Tôi nghĩ đến thượng úy Phạm Khánh Trường, sáu tháng qua anh đã xa chúng tôi, vừa bước chân xuống sân bay Nội Bài, anh đã vào chốt ngay tại khoa trường. Thôi vậy, đành hẹn ngày tái ngộ.

Xin cám ơn Tiểu đoàn 2 thân yêu, cám ơn tất cả những gì mà các bạn đã làm cho hệ thống, trên đường tuyến viễn thông xuyên suốt qua tám đài mới lắp từ Hà Nội vào Vinh, lúc này cũng như tôi, họ cũng đang được sống trong âm thanh của bài ca Người ơi! Người ở... Ai khéo duyên mà mở đúng bài ca này vào phút giây thông tuyến, mối tình của đôi trai gái quan họ sao mà nghe mặn nồng như tình yêu của chúng tôi với hệ thống thông tin viễn thông. Hãy tin đi, chúng tôi đang ở lại và sẽ ở lại vì mạch máu thông tin của Tổ quốc, hơn nữa! Phía trước chúng tôi còn một cung thông tin viễn thông dài đang chờ lắp đặt: Vinh - Đà Nẵng.

Một câu nói bỗng vang lên phía sau, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

- Thiếu tá ơi! Còn năm ngày nữa mới tới ngày đại hội.

Sau đợt kéo tuyến, anh Đặng Anh Võ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét