Thiếu tá Trần Xuân Lăng - nguyên
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2
Không riêng gì đối với du
khách, mà ngay cả với nhiều người dân Vũng Tàu, khi được hỏi về những dàn ăng
ten đồ sộ còn đang đứng trơ vơ trên đỉnh Núi Lớn, thì đa số họ đều trả lời:
- Đó là đài ra đa?
Ít ai trong số họ hiểu được
rằng: - Đó chính là dàn ăng ten của một đài viễn thông quân sự nằm trong hệ thống
các đài viễn thông mà Mỹ đã xây dựng tại miền Nam Việt Nam vào những năm 60 của
thế kỷ trước để phục vụ cho mục đích chiến tranh của họ.
Để xây dựng nên hệ thống viễn
thông này, Mỹ đã tiêu tốn vào đây: 112.142.542 USD chưa kể chi phí cho hoạt động
hàng năm và lúc bấy giờ - nó là hệ thống thông tin hiện đại nhất khu vực Đông
Nam Á.
Sau ngày miền Nam được hoàn
toàn giải phóng, để phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Quốc
phòng và Bộ tư lệnh Thông tin đã quyết định sửa chữa, khôi phục và đưa vào hoạt
động hệ thống này. Việc sửa chữa, khôi phục hệ thống thông tin viễn thông quân
sự tại Vũng Tàu đã trở thành một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời người lính của
tôi.
Ngày ấy, tôi còn nhớ: - Vào
đầu tháng 8 năm 1975, tôi và một số anh em trong đoàn tiếp quản của Bộ tư lệnh Thông
tin liên lạc được giao nhiệm vụ xuống ngay Vũng Tàu để tiến hành sửa chữa đài
viễn thông Núi Lớn chuẩn bị cho việc đưa toàn bộ hệ thống các đài viễn thông
quân sự được sau giải phóng đi vào hoạt động. Với tôi, thành phố Vũng Tàu không
có gì là xa lạ, bởi vì từ sau 30 tháng 4 năm 1975, tôi đã nhiều lần đi xuống
thành phố này để triển khai công việc tiếp quản kỹ thuật hệ thống giúp cho các
đồng chí lãnh đạo của tổng trạm ở đây.
Đài viễn thông Núi Lớn ở
Vũng Tàu là một đầu mối thông tin rất quan trọng trong hệ thống thông tin viễn thông
vì nó là nơi kết toàn bộ sự liên lạc qua hệ thống của tất cả các đài viễn thông
của các tỉnh miền Tây Nam Bộ về đầu não chỉ huy tại Sài Gòn. Nó còn là nơi chuyển
tải liên lạc ra nước ngoài thông qua đài cáp ngầm đại dương (nằm ở làng Công Chức,
bãi Thuỳ Vân) để nối với Ô-ki-na-oa (Nhật Bản) và Sa-taip (Thái Lan).
Việc khôi phục lại đài viễn
thông Núi Lớn là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với chúng tôi, vì trong những
ngày tiến công giải phóng Vũng Tàu, một quả đạn pháo hạng nặng của Quân giải
phóng đã bắn trúng vào phòng máy tải ba của đài, gây hư hỏng nặng. Là những cán
bộ kỹ thuật của Binh chủng Thông tin liên lạc, chúng tôi đã có thời gian công
tác để đảm bảo mạch máu thông tin trong những năm chiến tranh giải phóng đất nước,
nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc với những thiết bị công nghệ
thông tin hiện đại mà từ trước đến nay ta chưa hề có. Khi tiến hành kiểm tra phòng
máy tải ba của đài, nhìn những chùm dây tải ba trắng muốt bị đạn pháo bắn đứt tỏa
xuống nằm lẫn lộn trong đám khung sắt, giá đỡ dây cong queo, ướt đẫm và dàn kiểm
liên bị pháo phá nát, chúng tôi không khỏi lo lắng nhiệm vụ của mình.
Công việc khôi phục đài trước
hết được thể hiện qua quyết tâm của tập thể cán bộ và chiến sĩ của tổng trạm Vũng
Tàu, trong điều kiện thiếu thốn vật tư, thiết bị và tài liệu nghiên cứu; nhưng
với tất cả ý chí và quyết tâm của người lính thông tin liên lạc, luôn chịu khó
học hỏi, nghiên cứu và biết tận dụng khả năng chuyên môn của các kỹ thuật viên
truyền tin chế độ cũ, chúng tôi đã dần dần khôi phục được các dàn kiểm liên, đấu
nối hơn năm trăm đầu dây tải ba vào lại các vị trí của dàn máy với độ chính xác
tuyệt đối, khôi phục lại phòng máy đúng như nguyên trạng của nó. Khi tất cả các
bóng đèn tín hiệu của dàn kiểm liên bật sáng, báo hiệu chế độ làm việc đã sẵn
sàng, tất cả chúng tôi ôm chầm lấy nhau, mừng vui, xúc động.
Ngày 22 tháng 12 năm 1975,
là một ngày đáng nhớ của những người lính thông tin viễn thông. Vào ngày đó,
toàn bộ tuyến thông tin từ Phú Bài (Huế) đến Phú Quốc (Kiên Giang) và Cà Mau được
nối thông. Hệ thống thông tin viễn thông mà một thời đã được sử dụng để phục vụ
cho mục đích chiến tranh của Mỹ, nay đã được khôi phục và đi vào hoạt động phục
vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa.
Hôm nay, do nhu cầu phát triển
của đất nước, chúng ta đã tự trang bị được cho mình những hệ thống thông tin hiện
đại hơn hệ thống viễn thông cũ rất nhiều. Có thể coi năm cuối cùng của thế kỷ
thứ 20 cũng là năm chấm dứt sự hoạt động của hệ thống viễn thông quân sự mà ta
thu được của Mỹ - ngụy từ sau giải phóng.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)
0 comments:
Đăng nhận xét