7.12.24

Một kỷ niệm không thể nào quên

Đại tá Nguyễn Viết Sửu - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh Thông tin

Một buổi chiều xuân năm 1971, trời không mưa nhưng hơi lạnh. Vừa hết giờ làm việc, số anh em trong đơn vị đang chuẩn bị đi thay ca tối, một số ra sân chơi thể thao. Tôi nghe có tiếng ô tô, trong linh tính báo thế nào cũng có thủ trưởng cấp trên đến, nhưng tại sao không thấy trung đoàn báo trước. Thời kỳ đó đơn vị chúng tôi đang đóng quân cố định trong rừng sâu ở chân dãy núi An Bờ thuộc xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tôi nhìn ra cổng thấy thượng tá Phạm Niên, Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin và một đồng chí trợ lý đang đi vào đơn vị; tôi ra chào và mời thủ trưởng vào.

Đồng chí Phó Tư lệnh Binh chủng hỏi thăm tình hình đơn vị, hỏi thăm sức khỏe anh em ở trạm A72 và ban chỉ huy đại đội. Ngồi nói chuyện được một lúc, chúng tôi mời thủ trưởng và đoàn ăn cơm, ăn xong đang uống nước, đồng chí Phan Niên cho tôi biết "Đơn vị đồng chí có nhiệm vụ quan trọng, phải động viên anh em làm thật tốt. Được làm nhiệm vụ lần này là một vinh dự lớn cho đơn vị các đồng chí". Vừa rồi đồng chí Cao Văn Khánh Phó Tổng Tham mưu trưởng và đồng chí Hiền Trang Cục phó Cục Tác chiến đi vào Bản Đông, tôi rẽ vào đây để chuẩn bị.

Tối nay các Thủ trưởng Bộ sẽ vào để chỉ huy chiến dịch Đường 9 - Nam Lào: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí Lương Nhân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và một số đồng chí trong các cơ quan của Bộ.

Đồng chí Phạm Niên giao nhiệm vụ cho đơn vị đêm nay phải chuẩn bị nơi ăn ở cho các Thủ trưởng của Bộ; triển khai mạng thông tin liên lạc gấp cho sở chỉ huy chiến dịch.

Hôm đó, ban chỉ huy đại đội có tôi - chính trị viên và đồng chí Thạo - chính trị viên phó mới được bổ sung về; còn đồng chí đại đội trưởng đi phép, đồng chí đại đội phó đang đi kiểm tra trên tuyến.

Sau khi nghe thủ trưởng Niên giao nhiệm vụ xong. Tôi gọi đồng chí Long trạm trưởng, các bộ phận tải ba tổng đài, nguồn điện, đường dây, trợ lý khí tài, quản lý, y tá... nói rõ nhiệm vụ được phục vụ chiến dịch. Trừ số đang trực ra, còn lại người thì chuyển đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa để đón thủ trưởng cấp trên và làm lán trại để anh em ở; số còn lại chưa đến 10 người, mang dây máy đi triển khai đường dây từ trạm A72 đến máy các thủ trưởng, các cơ quan của Bộ và các tư lệnh binh chủng. Tổng cộng mắc 12 máy, kéo gần 30 km đường dây xuyên qua rừng, nhiều chỗ phải leo lên đá tai mèo cao hơn 10 m.

Sở chỉ huy của Bộ lúc đó được đặt sâu vào phía trong trạm A72 hơn 2 cây số; nằm ở trong hang đá cao gần 20m.

Tuy phải làm việc suốt đêm, mệt nhoài, ngày hôm sau anh em vẫn công tác bình thường, nhưng ai nấy đều vui vẻ phấn khởi.

Những ngày sau đó, tình hình đơn vị rộn rịp hẳn lên, cơ quan các tổng cục, các quân binh chủng, cán bộ các đơn vị ra vào như ngày hội. Tuy vậy, công tác bảo vệ hết sức chặt chẽ và chu đáo, được canh gác cẩn mật, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trong những ngày phục vụ chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ trên các tuyến đường dây, ở các trạm cơ vụ của đơn vị cho đến các đồng chí quản lý, y tá, nuôi quân... đều làm việc không quản ngại khó khăn, mệt mỏi; đặc biệt tin chiến thắng dồn dập, liên tục ở chiến trường chuyển về càng thôi thúc động viên anh em hăng say làm việc ngày một tốt hơn. Chỉ tính riêng A72 trong những ngày phục vụ chiến dịch dung lượng tăng gấp 9 lần so với những ngày thường trước đó. Có một lần tôi nghe chuông điện thoại reo, tôi cầm máy, bên kia đầu dây nói mời anh Trọng gặp anh Cao; tôi ra sân gọi đồng chí bảo vệ, khi đó tôi mới biết đồng chí Cao Văn Khánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng đang ở Bản Đông cần gặp đồng chí Lê Trọng Tấn.

Được mấy ngày sau Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng vào trực tiếp chỉ huy; những ngày đầu đồng chí Dũng ở và làm việc ngay trong nhà ban chỉ huy đại đội. Đồng chí Lê Trọng Tấn, đồng chí Lê Quang Đạo và đồng chí Lương Nhân thì vào sở chỉ huy. Buổi tối trước lúc đi ngủ, đồng chí Bí thư của đồng chí Dũng tổng hợp tình hình trong ngày báo cáo với đồng chí Dũng, sáng ngủ dậy báo cáo tình hình trong đêm. Có một lần đồng chí Dũng hỏi tôi: đồng chí có biết tại sao kẻ địch nó gọi cuộc hành quân Lam Sơn 719 không? Tôi thưa dạ không. Đồng chí nói: "Cuộc hành quân đường 9 năm 1971".

Ở trạm A72 được ba ngày thì đồng chí Tổng Tham mưu trưởng vào sở chỉ huy của Bộ.

Gần cuối chiến dịch Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam vào dự tổng kết chiến dịch. Đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng đi bộ từ sở chỉ huy ra đơn vị để đón Đại tướng ở nhà ban chỉ huy đại đội. Các thủ trưởng vừa ngồi uống nước vừa nói chuyện rôm rả hết sức vui vẻ và phấn chấn.

Trước lúc đi vào sở chỉ huy, Đại tướng hỏi tôi: "Rừng ở đây có nhiều thú không?". Tôi thưa dạ nhiều, hôm trước có một con sơn dương đứng trên đỉnh núi, anh em vào lấy súng định bắn, lấy được súng ra thì nó đi mất. Đại tướng nói đồng chí không được cho anh em bắn. Sơn dương là một loài thú quý hiếm, cần phải được bảo vệ. Nói xong Đại tướng cho anh em toàn đơn vị được chụp ảnh chung với Đại tướng và Thượng tướng Văn Tiến Dũng. Anh em vô cùng phấn khởi ai cũng muốn được đứng gần các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy tối cao của quân đội.

Chiến dịch sắp kết thúc, đồng chí Dũng cho gọi đồng chí Phạm Niên và tôi vào sở chỉ huy chiến dịch để chụp ảnh chung với đồng chí Dũng.

Khi đồng chí Phạm Niên và tôi đến, đồng chí Dũng nói: "Vừa rồi thông tin làm tốt, đồng chí Niên và đồng chí Sửu ở đơn vị ra vườn hoa chụp ảnh chung với tôi làm kỷ niệm. Chụp ảnh xong tôi xin phép ra về; đồng chí Dũng nói tối mai tôi sẽ ra thăm và nói chuyện với anh em trong đơn vị.

Tôi nhìn vườn hoa xinh đẹp rộng chừng 15 - 16m, có các loại hoa rừng và một số giò phong lan treo lơ lửng. Trong vườn hoa có cái biển gỗ khắc chữ Chiến thắng Đường 9. Đồng chí Dũng lấy cái biển gỗ đó giao cho tôi và dặn: "Đơn vị giữ lấy làm kỷ niệm và cố gắng chăm sóc vườn hoa này". Trong thời gian chiến dịch các đồng chí trong sở chỉ huy lấy các loại cây hoa rừng về trồng; đồng chí bảo vệ nói nhỏ với tôi "chữ Chiến thắng Đường 9 do đồng chí Tổng Tham mưu trưởng khắc đấy". Biển gỗ ấy hiện nay còn lưu giữ ở nhà truyền thống Trung đoàn 134.

Tối hôm sau, tôi tập hợp đơn vị xong, Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng tới thăm và nói chuyện với đơn vị. Đồng chí biểu dương trạm A72, khen ngợi bộ đội thông tin đã bảo đảm tốt thông tin liên lạc, phục vụ tốt chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đánh thắng cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy. Đồng chí nói: "Trong lịch sử thông tin liên lạc chưa có lúc nào thông tin liên lạc tốt như chiến dịch này. Tôi nói chuyện từ chiến trường về Hà Nội mà nghe rõ hơn từ nhà trên nói xuống nhà dưới". Đồng chí chúc sức khỏe anh em trong đơn vị và nói "Vừa rồi các đồng chí đã có nhiều cố gắng trong công tác và đảm bảo thông tin liên lạc. Thời gian tới cần phải cố gắng và làm tốt hơn nữa để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau chiến dịch Đường 9 – Nam Lào trạm A72 được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Đại đội 7 được thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, Trung đoàn 134 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đến nay đã 34 năm. Tôi công tác 35 năm trong Binh chủng Thông tin, tôi có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ; nhưng kỷ niệm trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là một kỷ niệm sâu sắc nhất, đáng nhớ nhất tôi không thể nào quên.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét