1.12.24

Sự trưởng thành của Lữ đoàn 596 qua 30 năm

Đại tá, Tiến sĩ Trần Ngọc Cứ - nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 596

Để đáp ứng nhu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam, năm 1973, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn 596 trực thuộc Đoàn 559. Trung đoàn có nhiệm vụ bảo đảm thông tin phục vụ cho chỉ huy vận chuyển chiến lược trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử. Mạng thông tin do trung đoàn phụ trách gồm 1.625 km đôi dây trần, 1.580 km dây bọc, 780 km cáp dã chiến và 27 trạm cơ vụ. Trung đoàn đã xây dựng tuyến thông tin Tây Trường Sơn và phát triển tuyến Đông Trường Sơn.

Biên chế của trung đoàn gồm 4 tiểu đoàn, Tiểu đoàn 36 và Tiểu đoàn 133 ở Trung - Hạ Lào, Tiểu đoàn 26 và Tiểu đoàn 326 ở Đông Trường Sơn. Trang thiết bị gồm các máy tải ba TCT 1-2, VBO3-VBO12, tăng âm tải ba FBO12 và các tổng đài HG262 (Trung Quốc) và P128M (Liên Xô).

Chỉ huy trung đoàn gồm các đồng chí Nguyễn Thái Sơn chính ủy, Nguyễn Đình Chùy trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Loan phó chính ủy, đồng chí Trần Đức trung đoàn phó. Đảng ủy Trung đoàn được trên chỉ định gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thái Sơn làm bí thư.

Là đơn vị thông tin hữu tuyến điện, kết hợp dây trần và cáp dã chiến, triển khai mạng thông tin trong điều kiện bị địch đánh phá rất ác liệt, việc bảo đảm an toàn cho mạng lưới rất khó khăn. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, quyết tâm của đơn vị cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện tốt quyết tâm trên, trung đoàn đã tập trung giải quyết hai khâu then chốt sau đây:

1. Về tổ chức mạng, căn cứ thực lực hiện có của đơn vị mà tổ chức cho phù hợp với khả năng, điều căn bản là phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững và làm chủ được các trang thiết bị, dùng phương tiện nào phải thành thạo sử dụng phương tiện đó, nhằm phát huy hết tính năng, tác dụng của máy móc và đạt hiệu suất kỹ thuật cao nhất, đáp ứng nhu cầu thông tin trong mọi tình huống.

2. Về khâu kỹ thuật, đơn vị đã giải quyết hết sức cụ thể và sáng tạo, như xây dựng đường dây đặt trạm cơ vụ, trạm chuyển tiếp đến đạt các chỉ tiêu cho phép để bảo đảm được yêu cầu thông tin kịp thời, chính xác, bí mật an toàn. Trên thực tế mỗi yêu cầu là một đề tài nghiên cứu khoa học chứng minh từng con số kỹ thuật cụ thể. Để đánh giá mức độ đạt được từng yêu cầu. Căn cứ vào sơ đồ tổ chức bảo đảm thông tin đường trục, đường nhánh, mạng thông tin nội hạt, mạng thông tin vu hồi và mạng thông tin dự bị đều đạt 4 yêu cầu nói trên.

Nhờ giải quyết có hiệu quả 2 yếu tố trên đây và qua nhiều năm bảo đảm thông tin ở chiến trường, Trung đoàn 596 đã thực hiện tốt quyết tâm, bảo đảm hiệu suất thông tin đạt từ 85 - 96%, phục vụ đắc lực cho chỉ huy Đoàn 559 tiến hành công tác vận chuyển, chi viện kịp thời cho miền Nam đánh Mỹ.

Thành tích đó nói lên sự trưởng thành vượt bậc của đơn vị và xương máu cả trăm cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho tuyến đường dây thông tin quyết thắng.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc năm 1975, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển giao Trung đoàn 596 về trực thuộc Bộ tư lệnh Thông tin. Đảng ủy và Tư lệnh Binh chủng giao cho đơn vị nhiệm vụ tiếp quản, khai thác hệ thống thông tin viễn thông liên kết thu được của Mỹ - ngụy, giai đoạn đầu từ khu vực miền Đông Nam Bộ và tuyến đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó hợp nhất tuyến viễn thông Trung đoàn 138 về Trung đoàn 596 thành một đầu mối, chạy dài theo đất nước từ Phú Bài - Huế tới Cà Mau và đoạn cuối là đảo Phú Quốc.

Đây là hệ thống thông tin có thiết bị khí tài và phương thức truyền thông hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ do Mỹ xây dựng với tổng kinh phí 112.142.542 USD tương đương 51.071.271.000 đồng tiền Sài Gòn hồi đó.

Từ một đơn vị thông tin hữu tuyến điện dã chiến, nay phải đảm đương công việc vượt khả năng của mình. Hiểu rõ điều đó, Bộ tư lệnh Thông tin đã huy động hơn 200 cán bộ kỹ thuật, gồm đội ngũ kỹ sư và trung cấp kỹ thuật giỏi bổ sung kịp thời cho trung đoàn và hình thành bộ khung mới, Bộ điều đồng chí Trịnh Đình Chung hiệu trưởng trường kỹ thuật về làm trung đoàn trưởng, đồng chí Đỗ Minh Đính, chính ủy Trung đoàn 134 về làm chính uỷ, đồng chí Nguyễn Duy Tín trung đoàn phó phụ trách kỹ thuật khai thác, đồng chí Võ Tấn Đường phó trung đoàn trưởng phụ trách công tác hậu cần và cấp trên chỉ định đảng ủy gồm 11 đồng chí, lúc đầu đồng chí Trịnh Đình Chung làm bí thư, cuối năm 1975 đồng chí Đỗ Minh Đính thay làm bí thư.

Phải nói, nhiệm vụ rất nặng nề nhưng chúng ta có chính sách đúng đắn, biết sử dụng và phát huy tốt, hơn một trăm nhân viên chế độ cũ, họ là những người rất giỏi và am hiểu kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống kỹ thuật các mạng lưới, nhờ vậy đã tạo thành sức mạnh tổng hợp trong quản lý khai thác.

Ngay sau tiếp quản, ngày 5 tháng 5 năm 1975, đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm Trung tâm viễn thông Đà Nẵng và Sơn Trà. Đồng chí đã khen ngợi Binh chủng Thông tin đã góp phần làm nên chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và căn dặn bộ đội thông tin liên lạc tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp quản và khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin viễn thông hiện đại, ta thu được của Mỹ - ngụy. Đây là tài sản quý giá của Nhà nước, của quân đội, cần quản lý nhanh chóng khôi phục, sớm đưa vào sử dụng.

Từ lời khen ngợi, dặn dò của vị lãnh tụ tối cao của Đảng, chỉ sau 2 tháng, đã khôi phục, dồn dịch, sửa chữa các thiết bị hư hỏng và khai thông tuyến thông tin liên lạc từ Đà Nẵng vào Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó khai thông toàn tuyến từ Huế đến Cà Mau, Phú Quốc. Một kết quả đáng trân trọng và tự hào, đó là sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị, cũng từ đây, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc giao nhiệm vụ phải bảo đảm thông tin thông suốt đi các hướng đạt hiệu suất 95 - 98%.

Mô tả thực trạng hệ thống ICS khi tiếp quản, hệ thống gồm 32 trạm ICS và 5 trạm đầu cáp viễn dương, có 5 trạm ICS hỏng hoàn toàn, không có khả năng khôi phục như Plây Cu, Buôn Ma Thuột, Huế, Chu Lai, Cam Ranh, còn 27 trạm ICS cũng bị hư hỏng một phần, nên không đồng bộ, nhưng chỉ chưa đầy 2 tháng đơn vị đã khôi phục được 18 trạm ICS và 3 trạm cáp viễn dương, đưa vào khai thác theo chế độ 24/24 là các trạm Phú Bài, Đà Nẵng, Sơn Trà, Vũng Chùa, Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Phú Lâm, Tân Sơn Nhất, Vũng Tàu, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, An Thới, Long Bình, Biên Hòa, Cà Mau, 3 trạm cáp Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh, 14 trạm ICS và đưa vào bảo quản. Có 5 trạm ICS hỏng nặng là Đồng Tâm, Gia Định, Phù Cát, Cam Ranh, Bình Thủy và 2 trạm đầu cáp hỏng nhưng khôi phục được là Vũng Tàu, Nha Trang. Đồng thời khôi phục sửa chữa và đưa vào sử dụng 103/152 cụm phát điện; 124/176 máy lạnh; 31/39 máy AN/FRC 109, 41/47 REL 2600; 89/91 AN/FCC; 21/25 TF1900; 51/67 AN/FCC-25; 21/25 FCC-19.

Bảo toàn hệ thống có 185 nhóm mạch hoạt động theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc trong đó dùng cho đường trục 11 nhóm, dùng liên lạc giữa các khu vực 174 nhóm. Số liệu đã thiết kế đang khai thác dùng cho Bộ và các cơ quan Trung ương là 420 kênh, các quân khu 81 kênh, các quân đoàn 12 kênh, nghiệp vụ 84 kênh. Đơn vị lần đầu tiên sử dụng mạng liên lạc chỉ huy bằng hệ thống điện thoại hội nghị làm nhiệm vụ giao ban hàng ngày vào các buổi sáng đầu giờ với tất cả các đơn vị trên toàn mạng ICS. Đây cũng là đơn vị đầu tiên sử dụng hệ thống này của Binh chủng Thông tin liên lạc.

Để đạt được những thành tích trên đây, trung đoàn rất coi trọng công tác huấn luyện bộ đội. Tổ chức huấn luyện các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng cán bộ và nhân viên kỹ thuật, mở các cuộc hội thảo giải quyết từng vấn đề về quản lý, điều hành, khai thác mạng lưới. Nhờ vậy, đơn vị luôn luôn đạt hiệu suất thông tin đến 98% và nhiều năm được công nhận Đơn vị Quyết thắng, Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Khi chiến tranh ở biên giới Tây Nam nổ ra, đơn vị đã tập trung mọi nỗ lực, dồn mọi công sức, phát động phong trào thi đua lập công, động viên cán bộ chiến sĩ bảo đảm hiệu suất chất lượng thông tin tốt nhất phục vụ cho lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu thắng lợi. Đặc biệt trong thời điểm chiến dịch dung lượng liên lạc tăng gấp đôi, nhưng đơn vị luôn luôn phấn đấu đạt tỷ lệ 99% trở lên. Cùng với hệ thống đang khai thác, chấp hành lệnh của Tư lệnh Binh chủng đơn vị đã triển khai một trạm thông tin tiếp sức ở Núi Ông để liên lạc với hướng Tây Nam và tổ chức thêm 4 trạm thông tin AN/TRC-24 đi theo Bộ tư lệnh tiền phương tiến sang đất bạn Cam-pu-chia, phục vụ chiến dịch, sau đó ở lại làm nhiệm vụ quốc tế cho đến khi quân đội ta rút về nước.

Do sự phát triển của tình hình nhiệm vụ mới, ngày 19 tháng 4 năm 1985 Bộ Quốc phòng quyết định chuyển trung đoàn thành Lữ đoàn 596. Về tổ chức gồm có 4 phòng tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và hai ban tài chính, cán bộ. Các đơn vị gồm 6 tiểu đoàn và 4 đại đội trực thuộc chỉ huy lữ đoàn: đồng chí Phạm Duy Tín lữ đoàn trưởng, đồng chí Phạm Đình Phong phó lữ đoàn trưởng chính trị, đồng chí Trần Ngọc Cứ phó lữ đoàn trưởng, tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tợi phó lữ đoàn trưởng hậu cần và hai đồng chí Nguyễn Văn Tưởng và Nguyễn Xuân Hòa giữ chức phó lữ đoàn trưởng chung. Nhiệm vụ của đơn vị trong giai đoạn này tiếp tục khai thác đã bảo đảm thông tin tuyến đường trục Bắc Nam và đầu mối ở các khu vực từ Đà Nẵng trở vào, đồng thời tổ chức lực lượng tham gia xây dựng phát triển tuyến thông tin đường trục quốc gia VC 300 Hà Nội - Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là công việc rất nặng nề và khó khăn, phải đầu tư kinh phí lớn và huy động một đội ngũ cán bộ kỹ thuật đông đảo, có cố vấn của Cu Ba giúp đỡ để thực hiện chỉ thị của Bộ tư lệnh Thông tin, lữ đoàn đã thành lập hai trung tâm viễn thông, Trung tâm 1 đảm nhiệm công tác quản lý khai thác khi lữ đoàn đã lắp đặt xong các trạm thông tin tuyến Hà Nội - Vinh. Trong thời gian này lữ đoàn đã tiến hành xây dựng lắp đặt tuyến vi ba băng rộng Hà Nội - Vinh. Trạm viễn thông cầu Giẽ là trạm trung gian chuyển tiếp được lắp đặt đầu tiên, tiếp đó là trạm viễn thông rẽ mạch Nam Định.

Trải qua sự nỗ lực vượt bậc gần 8 tháng (tháng 5 đến tháng 12 năm 1986), lữ đoàn đã hoàn thành vượt mức việc xây dựng lắp đặt thông tuyến kỹ thuật tuyến Hà Nội - Vinh qua 8 trạm, có 4 trạm rẽ mạch, có các kênh thoại báo và hình ở các trạm Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh. Sau khi thông tuyến Bộ tư lệnh ra lệnh đưa vào khai thác 24/24 giờ. Tuyến thông tin liên lạc Hà Nội - Vinh có khả năng truyền được 300 kênh, kênh thoại và kênh truyền hình đen trắng. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của lữ đoàn. Những ngày này nhân dân Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An được xem truyền hình trực tiếp diễn biến đại hội.

Sau khi hoàn thành đoạn của tuyến Hà Nội - Vinh, lữ đoàn tiếp tục xây dựng và lắp đặt tuyến Vinh – Đà Nẵng. Theo sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh, lữ đoàn đã lắp đặt VC 300, 3 trạm Đà Nẵng - Hải Vân - Huế (mạng VC 300 là mạng vi ba 300 kênh do Việt Nam và Cu Ba cải tiến). Sau khi lắp đặt xong 3 trạm, rút kinh nghiệm và lắp đặt trang thiết bị từ Vinh vào Huế gồm các trạm Vinh - Ngọc Sơn - Cẩm Xuyên - Đèo Ngang - Đồng Hới - Quảng Trị - Phong Điền. Sau khi hoàn thành, lữ đoàn đã giao cho Trung tâm 2 viễn thông quản lý khai thác 24/24 giờ. Cũng qua tám tháng phấn đấu tích cực đã thông tuyến Hà Nội - Vinh - Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy là tuyến thông tin đường trục quốc gia đã hình thành.

Sau khi hoàn thành công việc và khai thác ổn định, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn 596 đã bàn giao toàn bộ cho Tổng cục Bưu điện quản lý khai thác.

Lữ đoàn lại tiếp tục xây dựng và đổi mới các phương tiện thiết bị của hệ thống theo hướng công nghệ mới, hiện đại hơn, để không ngừng nâng cao hiệu suất và chất lượng mạng lưới phục vụ quân đội.

Trải qua trên 30 năm xây dựng và trưởng thành, Lữ đoàn 596 đã có hai đơn vị được Đảng và Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng là Tiểu đoàn 133 và Đại đội 1, lữ đoàn được tặng thưởng hai Huân chương Quân công hạng Ba, hai Huân chương Chiến công hạng Nhất, ba Huân chương Chiến công hạng Nhì và một Huân chương Lao động hạng Nhì, đồng chí Hồ Đức Tư được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét