Nguyễn Viết Sửu
Tháng 4 năm 1967 tôi học
xong khóa bổ túc cán bộ đại đội ở Trường Sĩ quan Thông tin,
tôi lại được phân công về làm đại đội phó Đại đội 5 thuộc Trung đoàn 134.
Ban chỉ huy đại đội lúc bấy giờ đóng ở trạm
A56, đi từ cầu Lường rẽ phải vào hơn ba cây số, giáp ranh với huyện Hữu Lũng, tỉnh
Lạng Sơn.
Đại đội có nhiệm vụ bảo vệ
tuyến đường dây từ A56 đi sân bay Kép: A56 đi A53 qua khu vực Bố Hạ, mỏ sắt Trại
Cau huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Tuyến trục chính chung cột, chung xà vô
tuyến thông tin đường sắt đi từ Lạng Sơn về Hà Nội, song song với quốc lộ 1 qua
các ga Gia Lâm, Yên Viên, Thị Cầu, Sen Hồ, Bắc Giang, v.v...
Tuyến đường này liên tục bị
máy bay Mỹ đánh phá, nhất là sau khi chúng thả thủy lôi phong tỏa khu vực cảng Hải
Phòng. Việc vận chuyển hàng viện trợ của các nước bạn bằng đường thủy vào miền
Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy chủ yếu phải đi theo tuyến đường sắt Lạng Sơn
về Hà Nội. Đế quốc Mỹ đánh hơi và phát hiện được, nên trên tuyến đường này thường
xuyên có bom rơi đạn nổ. Chúng tập trung đánh phá bất kể ngày đêm hết sức ác liệt;
đặc biệt là các cầu cống, các ga xe lửa đầu cuối như Gia Lâm, Yên Viên, Thị Cầu
và Sen Hồ. Tổ bảo vệ đường dây ở Gia Lâm, có tuần bốn năm đêm liền anh em không
được ngủ, phải liên tục đi khôi phục liên lạc. Đồng chí Sơn người ở Nho Quan,
Ninh Bình, trong một đêm đi chữa dây đã hy sinh ở ga Yên Viên. Mấy hôm sau, vào
một buổi chiều chúng lại đánh phá ga Yên Viên, Sen Hồ. Đồng chí Phan Đình Sửu,
chiến sĩ ở tổ dây Thị Cầu, người ở Quế Võ, Bắc Ninh, đi khôi phục liên lạc tối
không thấy về, anh em trong tổ tiếp tục đi sửa chữa, nối thông tin vẫn không thấy
đồng chí về. Được tin, ban chỉ huy đại đội dự đoán có thể đồng chí Sửu đã bị
thương hoặc hy sinh trên tuyến đường dây này. Đêm hôm đó, đồng chí Nguyễn Đăng
Kinh, đại đội trưởng phân công tôi ngày mai đi tìm đồng chí Sửu.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm
chuẩn bị xe đạp, vải dù ngụy trang và một số đồ dùng cần thiết. Tôi đạp xe ra cầu
Lường theo đường 1 đi về phía Hà Nội.
Trời mùa hè, buổi sáng đã nắng
nóng trưa chiều càng nóng nực hơn. Đường sá vắng vẻ, không người, không xe cộ qua
lại. Một mình một xe, tôi cứ lủi thủi đạp; phần thì phải để ý quan sát máy bay
địch, phần thì phải nhìn vào mặt đường để tránh những ổ voi, ổ gà. Đường số 1
lúc bấy giờ chỗ nào gần cầu cống, gần ga xe lửa thường bị bom đạn Mỹ cày đi xới
lại nhiều lần. Ta phải đổ đất đá, sửa chữa chắp vá, mặt đường gồ ghề rất khó
đi.
Khi đi qua cầu Bắc Giang,
nơi trọng điểm chúng thường xuyên đánh phá. Trưa hè nắng nóng, gỗ lát ngang
trên cầu tấm thấp tấm cao. Ngồi trên xe đạp mà cứ nhảy lộc cộc như phi ngựa.
Lúc đó tất cả sức lực tôi đều dồn vào chiếc xe cố đạp để nhanh chóng vượt qua
trọng điểm ác liệt này.
Vượt qua cầu được năm cây số
thì bánh trước bể săm, bơm mãi không lên, tôi đành dắt bộ. Lúc bấy giờ hai bên đường
vắng tanh, tìm mãi không có chỗ vá xe, cứ thế tôi dắt xe đi. Cái nắng trưa hè
gay gắt nó hành hạ tôi, người mệt nhừ, mồ hôi ra tầm tã. Đi được một đoạn, may
sao bên vệ đường có bóng cây, tôi dừng lại nghỉ cho đỡ mệt, sờ sau lưng tấm vải
dù ngụy trang bay đi lúc nào không biết. Vừa ngồi tôi cứ nghĩ miên man, trời nắng
như đổ lửa, dắt bộ như thế này biết bao giờ mới tìm được đồng chí mình.
Cũng may thời kỳ ở nhà chưa
đi bộ đội tôi đã từng đi dân công xe đạp thồ. Trong thực tế đã giúp tôi có nhiều
kinh nghiệm sửa chữa xe hư hỏng dọc đường. Tôi nghĩ, lúc này là lúc mình phải vận
dụng. Tôi bèn tháo săm ra, thấy rách một chỗ dài khoảng hơn 2cm. Tôi bèn rút
quai hậu của dép cao su ra, lấy dao con cắt thành 4 sợi nhỏ, lấy các sợi dây đó
buộc hai đầu chỗ săm rách lại như kiểu buộc thắt dồi chó. Rồi lấy khăn tay
nhúng vào ruộng nước, vắt xong buộc vào giữa chỗ thủng đã thắt 2 đầu cho vừa
cái săm lúc bơm căng. Làm xong tôi lắp săm vào và bơm. Xong việc cứ thế tôi đạp
đi tuy không bon và nhanh như trước, nhưng vẫn đi được bình thường.
Đi đến gần ga Sen Hồ, tôi thấy
đường dây phía bên phải đường số 1 cột bị đổ, cột thì xiêu vẹo, dây chỗ đứt chỗ
chùng, có cả dây đồng lẫn dây bọc nối với nhau. Và những hố bom lỗ chỗ, đất đá
tung tóe giữa ruộng.
Tôi đoán chắc chắn chiều hôm
qua chúng đánh phá ở đây. Tôi lần vào nhà ga hỏi xem tình hình như thế nào.
Sau khi nghe tôi hỏi, một
nhân viên nhà ga nói: chiều hôm qua, sau lúc máy bay Mỹ ném bom khoảng một tiếng
đồng hồ, thấy một đồng chí bộ đội leo lên cột điện, đang gọi thì máy bay Mỹ lại
ập đến đánh phá lần thứ hai.
Khi máy bay đi khỏi, chúng
tôi ở dưới hầm lên, tìm xung quanh thấy một đồng chí bộ đội bị thương nằm ở ruộng.
Dân quân và nhân viên nhà ga đã đưa đồng chí ấy vào Bệnh viện Việt Yên.
Tôi hỏi thăm đường về Bệnh
viện Việt Yên và cứ thế tôi đạp xe đi. Bụng đói, nắng chiều xói vào mặt, người
mệt mỏi nhưng tôi cứ cố đạp cho đến bệnh viện, xem tình hình cụ thể như thế
nào, để báo về cho đơn vị biết.
Đi mãi rồi cũng đến, bệnh viện
lúc bấy giờ sơ tán trong dân, ở sâu trong một cái làng ven đường. Khi tôi vào đến
bệnh viện, nhiều con mắt đổ dồn nhìn vào tôi như có điều gì họ mong mỏi và chờ
đợi. Trong linh tính, tôi thấy có việc chẳng lành. Tôi vào hỏi một đồng chí bác
sĩ trả lời: Tối hôm qua khu vực ga Sen Hồ có đưa một đồng chí bộ đội bị thương
vào đây. Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vì vết thương quá nặng, sau đó một
lúc thì đồng chí ấy hy sinh. Trong người đồng chí ấy không có một thứ giấy tờ
gì. Chúng tôi không biết ở đâu mà báo. Chúng tôi chờ và mong mãi từ sáng đến giờ.
May sao có đồng chí đến, nếu không tối hôm nay chúng tôi cũng làm các thủ tục cần
thiết rồi chôn cất cho đồng chí ấy.
Sau đó đồng chí mời tôi vào
nhận có đúng người của đơn vị không. Tôi đi theo đồng chí vào một phòng nhỏ, thấy
có cái giường, một người nằm đắp chăn kín mặt. Đồng chí bác sĩ lật chăn ở đầu
lên. Tôi cất mũ cúi đầu chào rồi đắp chăn lại. Tôi đoán chắc đúng đồng chí Phan
Đình Sửu của đơn vị rồi, bởi vì lúc đi tôi đã nghe đồng chí đại đội trưởng nói:
"Đồng chí ấy mới 21 tuổi, người nhỏ con và hơi gầy". Đồng chí bác sĩ
mời tôi vào phòng làm việc, hỏi tôi có đúng người của đơn vị đồng chí không?
Tôi trình bày với đồng chí bác sĩ: "Đơn vị tôi là đơn vị thông tin bảo vệ
tuyến đường dây từ Lạng Sơn về Hà Nội lâu nay địch đánh phá ác liệt quá, trong
tuần đã hy sinh hai đồng chí. Đơn vị ở phân tán, tôi mới về hơn một tháng chưa
biết hết được anh em, nhưng nghe qua cán bộ trong đơn vị kể lại thì chắc đúng rồi.
Bây giờ tôi xin phép về báo cho đơn vị đến để tổ chức mai táng cho đồng chí ấy.
Trăm sự nhờ các đồng chí bệnh viện chuẩn bị và giúp đỡ cho, xong việc chúng ta
sẽ nói chuyện và làm việc với nhau.
Ra khỏi bệnh viện, tôi đạp
xe về tổ dây Thị Cầu. Tôi gọi điện báo ngay cho đồng chí đại đội trưởng biết và
báo cáo về cơ quan chính trị trung đoàn ở Hà Nội. Đồng chí Vũ Khuê, đại úy Chủ
nhiệm chính trị trung đoàn bảo tôi chờ đồng chí ở tổ dây Thị Cầu. Cử thêm một đồng
chí ở tổ dây biết đồng chí Phan Đình Sửu cùng lên bệnh viện để nhận người và tổ
chức việc chôn cất.
Hai chúng tôi đã chuẩn bị sẵn
sàng, khoảng 10 giờ đêm hôm đó; đồng chí Minh lái xe mô tô 3 bánh, chở đồng chí
Vũ Khuê đến tổ dây Thị Cầu, vào nhà ngồi nghỉ uống nước khoảng 15 phút, đồng
chí Khuê bảo chúng tôi lên xe đi.
Xe chạy trong đêm tối mà
không dám bật đèn sáng, chỉ bật đèn gầm, vì sợ máy bay địch phát hiện. Xe chạy
đến bệnh viện khoảng 12 giờ đêm. Đồng chí Vũ Khuê và chúng tôi vào làm việc,
bàn bạc với bệnh viện. Họ đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ cần thiết như áo quan,
hương hoa, vải liệm... Đồng chí Khuê mang theo một bộ quần áo bộ đội còn mới tinh,
bảo tôi thay cho đồng chí ấy. Tôi cùng một chiến sĩ và đồng chí Minh lái xe cởi
bỏ quần áo cũ, thay quần áo mới cho đồng chí Sửu và làm các thủ tục cần thiết
xong. Chúng tôi cùng một số nhân viên ở bệnh viện khiêng quan tài ra nghĩa
trang. Trời tối đen nhưng không dám thắp đuốc, sợ máy bay địch phát hiện, một số
nữ nhân viên ở bệnh viện soi đèn pin và cầm đèn dầu hỏa soi đường cho chúng tôi
đi. Cũng may, nghĩa trang chỉ sau bệnh viện chưa đầy 200m. Chôn cất xong, chúng
tôi cúi đầu mặc niệm, chào vĩnh biệt đồng chí Phan Đình Sửu về nơi an nghỉ cuối
cùng.
Mọi việc xong xuôi, đồng chí
Vũ Khuê thay mặt đơn vị cảm ơn bệnh viện đã tận tình giúp đỡ. Chúng tôi chào
các đồng chí ở bệnh viện rồi ra về.
Về đến tổ dây Thị Cầu khoảng
hơn ba giờ sáng, đồng chí Chủ nhiệm chính trị trung đoàn gặp mặt ba chiến sĩ trong
tổ dây, động viên và làm công tác tư tưởng: chào anh em rồi lên xe về trung
đoàn.
Sau khi đồng chí Vũ Khuê ra
về, trong tôi hình ảnh người Chủ nhiệm chính trị trung đoàn hiền từ, trầm tĩnh
ít nói, chu đáo và tình nghĩa với chiến sĩ của mình. Tôi thầm nghĩ, cán bộ và
nhân viên ở Bệnh viện Việt Yên đã hết lòng hết sức giúp đỡ đơn vị, chuẩn bị mọi
việc chu đáo để người chiến sĩ được mồ yên mả đẹp. Đúng như người xưa có câu "Nghĩa
tử là nghĩa tận". Mọi người đã làm hết mình với khả năng hiện có, để trọn
tình trọn nghĩa với người chiến sĩ dũng cảm quên mình, hy sinh vì nhiệm vụ chống
Mỹ, cứu nước, đã để lại trong chúng tôi bao nỗi niềm thương tiếc.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)
0 comments:
Đăng nhận xét