8.12.24

Bà mẹ vùng Cùa

 Quang Chuyền

Vùng Cùa giải phóng! Chúng tôi kéo đường dây theo bộ binh truy kích giặc. Đường dây của chúng tôi mang theo mé núi về phía tây Cùa. Tôi và Minh được phân công đảm nhiệm đoạn đường dài hơn 10 cây số. Chúng tôi tìm một căn nhà cạnh đường dây gần nhất làm địa điểm đặt tổ bảo vệ đường dây.

Ngôi nhà chúng tôi đến nằm ngoài cùng ấp K, nhà lợp tôn. Chủ ngôi nhà là một bà cụ áng chừng gần sáu mươi tuổi. Thấy chúng tôi vào bà cụ lập cập thu dọn đồ đạc đang để bề bộn trong nhà ngoài sân. Vừa làm bà vừa ngước đôi mắt mờ đục nhìn chúng tôi sợ sệt:

- Chào các "ông", các "ông" đến nhà tôi có việc chi ạ?

Minh để cuộn dây ở góc sân rồi đi đến bên bà.

- Chúng cháu là bộ đội giải phóng. Chúng cháu đến ở nhờ gia đình ta ít ngày.

Bà cụ gật đầu đồng ý nhưng giọng nói vẫn không bình thường.

- Ra rứa! Nhà tui rộng mời các ông cứ vô mà ở.

Nói rồi bà thu dọn chỗ nghỉ cho chúng tôi. Chúng tôi sửa lại căn hầm lâu ngày đã sụt lở. Chúng tôi hỏi về tình hình gia đình. Hỏi câu nào bà cụ trả lời câu ấy. Giọng bà khàn đục, câu chuyện thường bị ngắt ngừng. Tuy vậy, chúng tôi cũng hiểu sơ lược hoàn cảnh gia đình. Bà được một con trai và hai con gái. Con trai bị bắt đi lính ngụy đã năm nay. Cô con gái lớn lấy chồng và theo chồng ở Huế. Bà ở với cô con gái út. Cách đây vài ngày, trước khi rút chạy bọn địch đã lùa con gái của bà đi đâu không rõ. Có một lần bà cụ hỏi "Rứa các ông là cộng sản hay giải phóng". Chúng tôi bảo chúng con là bộ đội giải phóng. Bà cụ bảo con bà đi lính theo ông Thiệu các ông có giết không?". Chúng tôi giải thích chính sách khoan hồng của mặt trận cho bà cụ hiểu, bà cụ chỉ gật đầu, đôi mắt mờ đục của bà cụ cứ nhìn đi những đâu đâu.

Chiều ấy, tôi và Minh đưa gạo cho bà cụ để nấu cơm ăn chung, bà cụ nhận gạo. Chúng tôi đi kiếm rau rừng. Nhưng khi chúng tôi về đã thấy hai nồi cơm vẫn trên bếp. Bà cụ không ăn cơm cùng chúng tôi. Chúng tôi cũng không rõ bà cụ ăn cơm lúc nào. Bởi vì, sau khi ăn cơm xong, đường dây của chúng tôi bị bom đánh đứt, chúng tôi đi sửa chữa đến khuya mới về.

Địch đánh bom ác liệt vùng mới giải phóng, bầu trời không mấy lúc vắng tiếng re ré, gầm gào của các loại máy bay phản lực, tiếng rít của bom B52. Đường dây của chúng tôi đứt rồi lại nối, tôi và Minh gầy rộc, hốc hác, da mặt sạm đen, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng.

Thấy vậy, bà cụ chủ nhà thương chúng tôi nên thường nấu giúp cơm, mỗi lần đi chữa dây về chúng tôi đã có cơm ăn nước uống.

Việc giữ gìn đường dây của chúng tôi ngày càng vất vả. Đường dây đứt vì bom đạn đã nhiều, thêm vào đó là những bàn tay phá hoại của bọn thám báo, bọn xấu giặc gài lại đường dây bị cắt luôn, có nơi hàng đoạn dây bị mất. Ngoài việc sửa chữa, hai chúng tôi còn luân phiên nhau tuần tra, canh gác... Công việc ngày đêm của chúng tôi không lọt qua mắt bà cụ. Có lần bà nhìn chúng tôi ái ngại:

- Các chú giải phóng vất vả quá hè.

Lần đầu tiên chúng tôi thấy bà cụ thay đổi cách xưng hô.

- Các chú ráng cẩn thận, giữa lúc nước sôi lửa bỏng mà...

Lời bà cụ như một ngụm nước mát giữa trưa hè. Mọi việc làm của chúng tôi, thái độ ân tình của chúng tôi, thế là bắt đầu chiếm được cảm tình bà cụ. Tuy vậy, giữa chúng tôi và bà cụ vẫn còn những khoảng cách. Đó là thái độ dè dặt, là những bữa ăn cơm chưa chung mâm, chung nồi.

Chiều ấy, chúng tôi đi chữa dây về muộn hơn mọi khi. Chúng tôi về đến sân nhà thì trời nhá nhem tối. Tôi định đi vào giúp cụ nấu cơm nhưng vừa bước qua cửa, tôi ngạc nhiên đứng sựng lại. Bà cụ đang lúi húi xới cơm ra chiếc giỏ, thấy tôi vào bà cụ vội vàng giấu đi, một câu hỏi vụt đến với tôi. Bà cụ xới cơm ra giỏ làm gì? Đưa cơm đi nuôi ai? Người đó ở đâu? Thảo nào bà cụ hay vắng nhà. Thấy bà cụ lúng túng mãi với chiếc giỏ, tôi ra ngoài sân trao đổi tình hình đó với Minh. Chúng tôi nhất trí đây là vấn đề cần tìm ra manh mối.

Tối ấy, đường dây của chúng tôi lại bị đứt nhiều. Chúng tôi thay nhau người ở nhà trực máy và nghỉ lấy sức, người đi chữa dây. Bà cụ không có nhà. Bà đi đâu từ lúc chúng tôi đang ăn cơm tối.

Tôi cầm đèn pin che nhỏ, băng ra mé rừng, lần theo từng gốc cây, mô đất tìm nối dây. Quanh tôi xào xạc tiếng lá rơi và tiếng côn trùng. Lần mò một lúc lâu tôi đến gần một thung lũng. Đêm ở đây càng đen đặc. Chân tay tôi xây xát vì gai cào, cây quệt. Trán tôi mướt mồ hôi, đang hì hục rẽ lá cây tìm kiếm, bỗng có tiếng gọi vang lại:

- Thanh ơi dừng ngay lại!

Tiếng gọi gấp gấp rõ dần!

- Dừng ngay lại! Thanh ơi!

Đúng là tiếng của Minh rồi! Có việc gì vậy? Tôi đi quay ngược về phía Minh, Minh rẽ lá cây xô lại phía tôi, Minh vừa thở vừa nói:

- Có mìn, có mìn trên đường dây ở đoạn này, bà cụ bảo thế.

Chúng tôi soi hai ánh đèn pin, vòng vào thung lũng núi, một lát sau chúng tôi tìm được dây đứt, chúng tôi soi đèn và phát hiện được một sợi đồng rất nhỏ đấu vào một đầu dây điện. Đầu dưới của sợi dây chúng tôi phát hiện một quả mìn chôn dưới lớp đất mỏng phủ lá cây, chỉ cần nhắc một đầu dây lên là mìn nổ, tôi thận trọng làm động tác tháo mìn. Nếu Minh không báo kịp tôi đã gặp mìn nổ ở đoạn dây này.

Tháo mìn xong chúng tôi đấu lại đường dây bị đứt. Tiếng chuông điện thoại reo lên trong đêm rừng. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Lúc ra về chúng tôi thấy bà cụ lập cập rẽ lá cây vừa đi vừa nói:

- Chú Thanh, chú Minh ơi! Chú Thanh, chú Minh...

Thấy ánh đèn của chúng tôi, bà cụ chạy đến vừa thở vừa nói:

- Các chú tha lỗi cho tui, tui đã giấu các chú. Đứa con trai tui ấy! Các chú đừng giết hắn, hắn đang ở hang đá đằng tê. Bấy ni tôi vẫn đem cơm nuôi hắn.

Bà cụ dừng giây lát nuốt nước bọt lấy hơi và nén sự xúc động đang dồn ứa trong lòng, nói tiếp:

- Hắn không theo ông Thiệu nữa! Hắn định theo các chú nhưng e các chú không tha chết. Hắn có hai trái mìn, một trái hắn biểu đêm ni hắn sẽ cài vào đường dây hai chú. Khi nào trái mìn ở đây nổ thì hắn cũng nổ trái tê chết luôn trong hang. Hắn chưa biết lẽ phải. Các chú thương tui và cứu giúp tui với!

Nói rồi bà cụ khóc, tay bám vào một cành cây. Dưới ánh sáng đèn pin, đôi vai gầy của bà rung lên.

Bây giờ tôi mới hiểu tấm lòng của người mẹ vùng Cùa ấy. Chúng tôi theo bà cụ đi về phía hang đá, đưa anh con trai của bà về và giải thích rõ chính sách của mặt trận. Anh ta lắng nghe và lầm lũi bước theo chúng tôi. Hôm sau anh báo cho chúng tôi biết những tên thám báo giặc cài lại để phá đường dây. Từ ấy, chúng tôi sống trong ngôi nhà của bà mẹ rất đầm ấm, thân mật. Bà mẹ coi chúng tôi như những đứa con.

(Ghi theo lời kể của đồng chí Thanh, Đoàn Z thông tin)

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)

0 comments:

Đăng nhận xét