25.12.24

Thông tin liên lạc Phòng Tình báo Bộ Tham mưu Miền (B2) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Đại tá Đinh Văn Huệ - nguyên Trưởng phòng KHQS Quân khu 7

Thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo, chỉ huy Phòng Tình báo Bộ Tham mưu Miền trong kháng chiến chống Mỹ có hai lực lượng: lực lượng công khai gồm các đơn vị thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, thông tin vận động; lực lượng mật gồm các nhân viên giao thông liên lạc, các hộp thư tạo được "bình phong sống" công khai hợp pháp trong vùng kiểm soát của địch.

1. Tổ chức và hoạt động của lực lượng thông tin liên lạc công khai.

- Về tổ chức, quán triệt tư tưởng chỉ đạo mạng lưới tình báo phát triển đến đâu thông tin liên lạc tổ chức phục vụ đến đó; bảo đảm thông suốt, kịp thời, chính xác, bí mật an toàn trong mọi tình huống địch đánh phá ác liệt.

- Từ năm 1961 đến năm 1975 thông tin liên lạc tình báo có 3 giai đoạn tổ chức theo sự phát triển về tổ chức cơ quan nắm địch.

- Từ năm 1961 đến năm 1963, cơ quan nắm địch gọi là Ban Quân báo thuộc Ban quân sự Miền. Thông tin liên lạc phục vụ nắm địch có một đài vô tuyến điện 15W và 1 tổ liên lạc 4 người.

- Từ năm 1964 đến năm 1968, sau khi thành lập Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền (10-1963) cơ quan nắm địch phát triển từ Ban lên Phòng Quân báo với các ban trực thuộc: Ban Trinh sát, Ban điệp báo và Ban nghiên cứu. Thông tin liên lạc phục vụ nắm địch gồm 2 đội vô tuyến điện: Đội 1, mật danh B50, bảo đảm thông tin liên lạc với Trung ương và Cụm Điệp báo; Đội 2, mật danh B40, bảo đảm thông tin liên lạc với các cụm, Đội trinh sát và Quân báo địa phương, một tiểu đội thông tin vận động và một trung đội hữu tuyến điện.

- Từ năm 1968 đến năm 1975, sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cơ quan nắm địch tách ra, tổ chức thành 2 phòng: Phòng Quân báo và Phòng Tình báo.

- Thông tin liên lạc tách ra, bộ phận phục vụ Phòng Tình báo gồm 1 đội vô tuyến điện (B50) và 8 cán bộ nòng cốt. Tổng quân số là 53 đồng chí.

- Từ tháng 5 năm 1968 đến năm 1972, lực lượng thông tin liên lạc Phòng Tình báo nhanh chóng phát triển về tổ chức, hình thành Ban Thông tin liên lạc Phòng Tình báo (mật danh "A99-j22"), gồm có các bộ phận: 3 đội vô tuyến điện (2 đội công tác, 1 đội dự bị); 2 đội thông tin vận động (thường gọi đường dây vũ trang: Đội 4, Đội 5); 1 đội đào tạo báo vụ (Đội 6).

- Cơ quan chỉ huy thông tin gồm có: Ban chỉ huy 2 đồng chí và 4 trợ lý; Đội thông tin liên lạc nội cần gồm: đội môtô hoả tốc, tiểu đội hữu tuyến điện, tổ liên lạc; tổ nhận phát công điện giữa Trung tâm chỉ huy thông tin với các đơn vị thông tin trực thuộc và Ban cơ yếu Phòng Tình báo; Tổ lắp ráp, sửa chữa máy thông tin; bộ phận hậu cần bảo đảm an toàn cho Ban Thông tin; một đài vô tuyến điện 15W dự bị để ứng phó với tình huống đặc biệt, đột xuất.

Quân số toàn Ban, gồm cả số báo vụ, cơ công tăng cường cho các cụm điệp báo và Lữ đoàn 367 là 927 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 427 đảng viên, 400 đoàn viên thanh niên.

Từ năm 1972 đến năm 1975, thông tin vận động phát triển thêm hai đội (Đội 7 năm 1972; Đội 8 năm 1973).

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy mạng lưới thông tin liên lạc đã phát triển lớn mạnh, Phòng Tình báo quyết định điều chỉnh tổ chức. Các đội thông tin vận động (đường dây vũ trang) và Đội thông tin liên lạc nội cần sáp nhập thành Tiểu đoàn thông tin liên lạc 89. Các đội thông tin vô tuyến điện, Đội đào tạo báo vụ và Tổ sửa chữa máy thông tin thành Tiểu đoàn 99. Giúp cho Thủ trưởng Phòng Tình báo chỉ đạo hoạt động của hai tiểu đoàn là hai cán bộ thông tin, sinh hoạt tại Phòng Tình báo.

2. Về công tác và chiến đấu của lực lượng thông tin liên lạc tình báo.

Liên lạc vô tuyến điện sóng ngắn: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mật độ phi pháo, biệt kích, càn quét của địch vào các vùng sâu, cả vùng căn cứ là dày đặc, khốc liệt. Để có thể phục vụ liên tục và an toàn trong mọi tình huống đòi hỏi toàn đơn vị phải dũng cảm, sáng tạo, linh hoạt, ý thức bí mật và kỹ thuật cao trong xây dựng căn cứ, bố trí đội hình, trong việc cơ động tránh phi pháo, biệt kích địch. Các đài vô tuyến điện phải ở xa cơ quan chỉ huy từ trên 15km vì địch liên tục ngày đêm trinh sát sóng vô tuyến điện để dùng B-52 hủy diệt. Ngoài việc chạy sóng thay giờ liên lạc thường xuyên, các đài trung tâm phải cơ động luân phiên để đánh lạc hướng địch. Nhưng biện pháp cơ bản và quan trọng là xây dựng tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, xây dựng công sự kiên cố, tổ chức lực lượng dự bị sẵn sàng thay thế để đảm bảo liên lạc thông tin trong mọi tình huống. Thực tế là trung tâm vô tuyến điện đã vượt qua các cuộc càn quét và đánh phá lớn của địch như cuộc tập kích hơn 400 lượt chiếc phi cơ dội hơn 1.800 tấn bom xuống căn cứ Trảng Chiên năm 1965. (Trung tâm vô tuyến điện kẹt lại trong vùng đánh bom liên tục 14 tiếng đồng hồ sau đó đơn vị thoát ra an toàn).

Năm 1967, Mỹ - ngụy tiến hành chiến dịch Gian-xơn Xi-ty, Trung tâm vô tuyến điện tổ chức đánh địch từ xa để bảo vệ Trung tâm, cơ động các đài vừa tránh phi pháo, bộ binh địch vừa làm việc vừa di chuyển theo hình thức sâu đo, có lúc chỉ cách địch 500m, có lúc vừa di chuyển 15 phút thì B-52 đến san bằng vùng đất vừa dừng chân đóng quân.

Năm 1970, trong cuộc càn "Đông Dương", địch đánh dài ngày và diện khá rộng. Đơn vị thông tin đều nằm trong vùng càn quét của địch, phần lớn lực lượng bị địch bao vây, bị B-52 và pháo địch đánh trúng vào đội hình trú quân nhiều lần nhưng cuối cùng đơn vị cũng vượt được vòng vây an toàn. Trong hơn một tháng bị địch càn quét, đánh phá ác liệt, cả đơn vị thiếu gạo, mỗi người chỉ được cấp 100g/ngày; nhiều đồng chí sốt rét nặng nhưng vẫn giữ vững liên lạc với Trung ương và các địa phương.

Nhược điểm của đơn vị là khối lượng công việc nhiều, sóng phát khó ngụy trang, địch dễ phát hiện nên trong 6 năm (1965-1970) đơn vị đã 63 lần bị B-52 địch đánh trúng vào căn cứ, gần 20 đồng chí hy sinh nhưng liên lạc vẫn giữ vững, liên tục thông suốt.

Trong điều kiện vô cùng ác liệt, gian khổ, hy sinh nhưng trong suốt 15 năm, thông tin vô tuyến điện không mất liên lạc ngày nào, đặc biệt với Trung ương.

Tính trung bình hàng ngày, các đài vô tuyến điện đã nhận và phát đi 250 bức điện. Chỉ tính thời gian thành lập Đội vô tuyến điện B50 năm 1964 trở đi, ước tính đơn vị đã nhận và phát hơn 1 triệu bức điện. Trong đó có sự kiện điển hình là: Đầu năm 1965, chấp hành lệnh của thủ trưởng phòng, đơn vị tổ chức 1 đài 15W với 1 đài trưởng và 3 báo vụ cùng 8 quay viên (quay máy phát điện liên tục suốt 9 ngày đêm với đài Trung ương để chuyển kịp thời 1 tài liệu đặc biệt quan trọng do cơ sở tình báo cung cấp). Một hình ảnh cảm động là do điều kiện làm việc liên tục ngày đêm, anh em sợ cháy máy phát điện nên số quay viên phải thay nhau quạt tay làm mát cho máy.

Năm 1968, theo yêu cầu của trên, đơn vị tổ chức và phái vào nội thành Sài Gòn hai đài vô tuyến điện (máy được nghiên cứu lắp ráp tại căn cứ, dùng pin, người phụ trách là hai cô gái 16, 18 tuổi được đào tạo cả báo vụ, cơ yếu và cơ công). Hai đài này đã phục vụ xuất sắc, nhất là sau đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân, địch phong toả vùng ven, giao thông đường bộ từ nội đô về căn cứ bị gián đoạn nhưng những tin tức quan trọng từ trong cơ quan đầu não của địch vẫn nhanh chóng được thu thập và chuyển về đến Phòng Tình báo Bộ Tham mưu B2 từ hai điện đài này.

Tóm lại, thông tin vô tuyến điện đã đi từ nhỏ đến lớn theo sự phát triển của Phòng Tình báo Miền đã phục vụ kịp thời tin tức, sự lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần đáng kể vào thắng lợi của Phòng Tình báo Miền trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Các đồng chí làm công tác vô tuyến điện đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, gian khổ, ác liệt không lùi bước, quên mình vì sự nghiệp chung. Địch đánh phá liên miên vào Trung tâm vô tuyến điện bằng mọi phương tiện chiến tranh hiện đại, nhiều đồng chí đã hy sinh, nhưng làn sóng điện không bao giờ tắt. Cũng như ở Trung tâm, các đài lẻ phục vụ các cụm, trạm Tình báo thường xuyên phải đối phó với sự đánh phá của địch, bằng những cuộc càn quét, phi pháo, biệt kích; ngoài việc duy trì liên lạc với trên các đồng chí phải bảo vệ khí tài an toàn, tham gia công tác và đánh địch, bảo vệ căn cứ; có đồng chí hy sinh, bị thương, bị bắt nhưng thông tin vô tuyến điện luôn giữ vững liên lạc, phục vụ hiệu quả tin tức của Cụm, Trạm Tình báo.

Đường dây vũ trang

Nguyên tắc tổ chức của phương thức này là Cụm, Trạm Tình báo đến đâu đường dây tổ chức đến đó để đảm bảo thông suốt từ Phòng Tình báo đến các Cụm, Trạm Tình báo. Nhiều tài liệu, phương tiện và đặc biệt cán bộ từ nội đô, từ Cụm, Trạm Tình báo về Đoàn và ngược lại đều do lực lượng này đảm trách. Trong kháng chiến, Tình báo Miền có 2 địa bàn triển khai hoạt động tình báo là miền Nam Việt Nam và Cam-pu-chia. Lực lượng thông tin vận động cũng theo 2 hướng trên mà tổ chức. Trên thực tế, quá trình vừa phục vụ vừa xây dựng lực lượng, mỗi hướng là một đội rải dài từ Phòng Tình báo (căn cứ Bộ Tham mưu Miền) về ven sông Sài Gòn và dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia với gần 300 đồng chí. Trong suốt chiều dài hành lang hoạt động không lúc nào là không có hoạt động đánh phá của địch mà đơn vị phải chiến đấu bảo vệ lực lượng, bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ, tài liệu và phương tiện. Có đến vài trăm lần đơn vị chạm địch hoặc mìn, biệt kích, phi pháo trên đường công tác; hàng chục cán bộ đại đội, hơn 100 đồng chí là cán bộ trung đội, tiểu đội và chiến sĩ đã hy sinh, nhưng đến hết chiến tranh mà cán bộ, tài liệu, tiền bạc... qua đường dây đều an toàn tuyệt đối. Có đồng chí bị địch bắt nhưng bí mật được bảo vệ. Trên đường dây từng chuyển khối lượng tiền lớn, nhiều tài liệu nguyên bản tuyệt mật được bảo vệ chu đáo, nhiều đồng chí lãnh đạo Quân khu khi bị kẹt trong vòng vây của địch cũng qua đường dây Tình báo để được thoát ra an toàn. Nhiều gương hy sinh dũng cảm để cứu cán bộ, anh em thà hy sinh chứ không để cán bộ bị thương vong. Điển hình như tháng 7 năm 1968, đồng chí Minh đưa đoàn gồm 23 đồng chí cán bộ đến đoạn giao thông hào Dầu Tiếng, thì bị trực thăng địch truy lùng. Khi đoàn người gần bị lộ, đồng chí Minh thoát ra vừa chạy vừa bắn trực thăng địch để thu hút địch tập trung về hướng đồng chí. Đồng chí Minh đã bắn rơi 1 trực thăng và hy sinh, 23 cán bộ được cứu thoát.

Có những trường hợp buộc phải chiến đấu để bảo vệ người, phương tiện như: tháng 10 năm 1969, đồng chí Cảnh - đội trưởng Đội 4 cùng 5 chiến sĩ trong đội trên đường chuyển 6 triệu đồng cho Cụm Tình báo phía trước, bị lọt vào trận địa phục kích của một đại đội Mỹ. Đồng chí Cảnh ra lệnh 3 đồng chí ở lại cùng đồng chí chiến đấu chặn địch để 2 đồng chí mang tiền rời khỏi trận địa. Đồng chí Cảnh cùng 3 đồng chí đó đã chiến đấu ngoan cường, diệt nhiều tên địch. Cả 4 đồng chí đã anh dũng hy sinh để bảo vệ được khối tiền lớn của cách mạng.

Một trường hợp khác, vào cuối năm 1970, 1 tiểu đoàn bộ binh địch có xe cơ giới yểm trợ, càn quét vào Xóm Trúc biên giới tỉnh Đồng Tháp và Prây-veng (Cam-pu-chia), nơi đứng chân của Trạm đường dây (H11 - Đội 5) do đồng chí Nguyễn Văn Mây chỉ huy cùng 4 chiến sĩ. Các đồng chí đã chiến dấu ngoan cường, bắn cháy 12 xe bọc thép, diệt 60 tên địch. Hết đạn, cả tổ đã anh dũng hy sinh.

Để cơ động nhanh chóng trong điều kiện cho phép, Ban Thông tin liên lạc tổ chức Đội xe gắn máy để phục vụ trên những tuyến đường đi lại an toàn. Trong 6 năm (1969 - 1975) đội xe gắn máy phục vụ khối lượng công việc khá lớn, đưa đón cán bộ, tin tức nhanh và an toàn. Do được tín nhiệm, đội còn làm nhiệm vụ đưa đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục, Quân ủy Miền, các đồng chí lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ giải phóng. Đặc biệt, có lần đón Bí thư Khu ủy Khu Đông - Cam-pu-chia đến làm việc với Quân ủy - Bộ chỉ huy Miền và trong lần di chuyển chỉ huy sở của Bộ chỉ huy Miền anh em phục vụ tốt. Việc di chuyển của các đồng chí lãnh đạo nhanh chóng, an toàn, được các đồng chí biểu dương, khen ngợi.

Tóm lại, các đơn vị thông tin vận động, đường dây vũ trang từ ngày thành lập có 4 đồng chí cho đến kết thúc chiến tranh đã phát triển tới quy mô tiểu đoàn. Các đơn vị đã phục vụ vô điều kiện mọi yêu cầu của lãnh đạo, Phòng và các Cụm, Trạm Tình báo. Đơn vị đã đưa đón hàng ngàn lượt cán bộ; phương tiện, tài liệu quan trọng đều được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Anh em hy sinh nhiều, nhưng đơn vị đảm bảo mạch máu của ngành tình báo được thông suốt.

Công tác đào tạo

Do điều kiện chi viện của Cơ quan Tình báo Trung ương khó khăn vì xa cách và  chiến tranh ác liệt, Ban Thông tin liên lạc Phòng Tình báo chủ động đề nghị cấp trên cho phép tự tổ chức đào tạo báo vụ và cơ công để phục vụ tại đơn vị và cung cấp người cho các cụm tình báo.

Trong suốt thời gian từ 1968 đến 1975, đội huấn luyện đã đào tạo được gần 200 người. Tuy điều kiện đào tạo không chính quy nhưng khi thực hành trong thực tế hầu hết anh em đều hoàn thành tốt công việc.

Trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, lực lượng thông tin liên lạc Phòng Tình báo Miền đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, liên tục phát triển nhanh chóng. Từ 1 điện đài 15W và 1 tổ liên lạc ban đầu (năm 1961), 8 năm sau (1969) đã hình thành một Ban thông tin liên lạc hoàn chỉnh với quân số trên 900 người. Suốt 15 năm công tác, chiến đấu và xây dựng (1961-1975) đã có 164 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh và 300 đồng chí bị thương để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc liên tục thông suốt, góp phần đáng kể vào thành tích vẻ vang của Phòng Tình báo Miền - Đoàn 22 anh hùng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), ngoài số chuyển ngành, phục viên, tích cực tham gia xây dựng đất nước, vẫn còn hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Ban Thông tin liên lạc Phòng Tình báo Miền tiếp tục công tác trong ngành nắm địch (Đoàn 1752 rồi Cục 12, Đoàn 22B rồi Phòng Quân báo Quân khu 7, Phòng Quân báo Mặt trận 479 và 779, các ban quân báo tỉnh, thành phố). Hầu hết số đồng chí này đã tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia. Đến khi nghỉ hưu có trên 40 đồng chí được phong quân hàm từ Thiếu tá đến Đại tá.

Từ năm 1995 đến nay, số cán bộ, chiến sĩ thông tin liên lạc Phòng Tình báo Miền năm xưa tập họp sinh hoạt trong tổ chức "Ban liên lạc Tình nghĩa A99 - Đoàn 22". Hàng năm tổ chức họp mặt để thăm hỏi, động viên nhau làm những việc tình nghĩa như:

1. Đã vận động ủng hộ nhà tình nghĩa cho 12 cán bộ, chiến sĩ của A99 năm xưa, nay chưa có nhà hoặc nhà rách nát với tổng số tiền 216 triệu đồng (chưa kể số nhà tình nghĩa do Ban liên lạc A99 vận động cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị khác trong Phòng Tình báo).

2. Tổ chức thăm viếng đồng đội khi qua đời hoặc ốm đau nặng (với những đồng chí ở Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương lân cận).

3. Quan hệ với cơ quan chính sách địa phương giải quyết quyền lợi cho anh chị em. Đã giải quyết kết quả trên 10 trường hợp: xác nhận thương binh, gia đình liệt sĩ, nhập hộ khẩu.

4. Đặc biệt, tự tổ chức tìm hài cốt đồng đội ở chiến trường nước bạn Cam-pu-chia được 8 đồng chí, đưa về tổ chức trọng thể, cải táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (có hai đồng chí gia đình đưa hài cốt về mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long).

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét