8.12.24

Những cô gái tổng đài

Quang Chuyền

- Thế nhé, cậu nhớ giúp, tên cô ấy là Lan.

Sợ tôi quên, anh nhà báo vỗ vỗ vào vai tôi vừa cười vừa nhắc lại.

Lan, hoa phong lan ấy mà. Cậu cứ "chịu khó" ngắm hoa phong lan là không quên đâu.

Mắt anh nhà báo anh ánh, dí dỏm. Tính anh thật vui và cởi mở. Tôi chợt nhớ bây giờ đang là mùa hoa phong lan. Tôi hứa để anh yên tâm:

- Được, được tôi sẽ truyền đạt nguyên xi lời cảm ơn của anh.

Thực tình thì tôi cũng chưa lên hầm tổng đài mặt trận lần nào. Tôi cũng chưa biết Lan là ai trong số gần 20 cô gái mà tôi loáng thoáng gặp. Cơ quan chúng tôi ở cách hầm tổng đài mặt trận không xa. Ngày cũng như đêm, chúng tôi vẫn nghe vọng lại tiếng gọi thưa đều đều không dứt: "20 đây! Đồng chí xin đâu ạ! 15 ạ! Đồng chí cầm máy có 15 đấy"... trong rất nhiều âm hưởng giọng nói khác nhau: có tiếng nói ngân dài, có tiếng nói ngân nga, có tiếng nói thanh thanh pha chút nũng nịu; lại có tiếng nói the thé như là chanh chua... tôi chưa biết đâu là tiếng nói của Lan - cô gái mà anh nhà báo thiết tha gửi lời cảm ơn. Theo anh nhà báo nhận xét thì Lan nhất định phải là cô gái đẹp. Anh cho biết đặc điểm của cô là khi gọi máy thường có tiếng "ạ". "Thủ trưởng xin đâu ạ"; "Thủ trưởng làm việc xong chưa ạ". Tiếng "ạ", Lan thường kéo dài thêm một chút. Anh nhà báo đã để lại ấn tượng về Lan trong một đêm chuyển bài viết từ mặt trận về hậu phương. Anh kể lại đêm ấy như sau:

"... Giữa lúc quân ta đang tiến công các cứ điểm D - H, AT, LV..., tôi có "chớp" được một số tài liệu và viết một bài tường thuật chừng hơn nghìn chữ. Bài viết phải chuyển về tòa soạn, rất gấp để kịp thời tuyên truyền. Ở sâu trong mặt trận thì chỉ có phương tiện gần như duy nhất là dựa vào đường dây thông tin. Cậu còn lạ gì nữa, đường dây dã chiến những ngày ấy bận vô cùng. 3 đêm liền mất ngủ 3 giờ sáng của đêm thứ tư, tôi mới giành được đường dây để làm việc. Thật là mướt mồ hôi mới gọi được máy lẻ. Gọi được rồi nhưng đường dây quá xa, lại nhiễu xạ nhiều, hai người nghe nhau tiếng được, tiếng mất. Tôi đã phải gào đến khàn cổ mà vẫn không có kết quả. Đang định thôi không gọi nữa thì tôi nghe tiếng một cô gái nói chen vào:

- Đồng chí làm việc xong chưa ạ!

Vì bực mình tôi nói gằn giọng:

- Có nghe gì đâu mà xong.

Tiếng cô gái vẫn nhẹ nhàng:

- Anh cứ nói đi ạ, em chuyển tiếp giúp ạ!

Cậu tưởng tượng tôi sung sướng biết chừng nào, tôi vội nói hấp tấp, rối rít:

- Hay quá, hay quá. Tôi có bài báo đọc về tòa soạn, đồng chí giúp tôi... - Và tôi bắt đầu đọc từng câu, từng dòng. Mỗi lần tôi đọc dứt, tiếng cô gái trong trẻo lại lặp lại lời tôi. Cô đọc không sai một dấu chấm, dấu phẩy. Thậm chí tôi đọc nhầm chính tả, cô còn phát hiện giúp tôi. Tôi đoán cô gái ấy ắt hẳn có trình độ văn hóa khá hoặc ít ra cũng là một cô gái thông minh, lanh lợi. 30 phút trôi qua, bài đang đọc dở lại phải ngừng vì mất liên lạc. Cô gái lại gọi máy chuyển đường cho tôi làm việc tiếp. Cứ như thế, sau ba giờ đồng hồ kiên nhẫn, bài báo tường thuật các trận đánh của tôi được chuyển về tòa soạn trọn vẹn. Tôi sung sướng khi đọc dấu chấm cuối cùng. Tôi đang nghĩ xem nên nói một câu gì đó với cô gái để cảm ơn thì nghe máy khác gọi làm việc, tôi chỉ kịp hỏi:

- Tên đồng chí là gì nhỉ? Cảm ơn nhé!

Giọng nói cô gái trên đường dây trở nên ngập ngừng:

- Em ấy à. Em là Lan ạ!

Tôi còn muốn nói thêm một vài điều nữa nhưng tổng đài đã chuyển phích trong óc tôi chỉ còn lại dư âm tiếng nói... "em là Lan ạ"... Công việc bộn bề nên tôi chưa làm trọn lời hứa với anh nhà báo.

Chưa gặp được trực tiếp, tôi có ý định gặp gián tiếp. Tôi biết tổng đài thường bớt bận rộn sau giờ ăn cơm chiều và giao ban buổi sáng. Tôi quay máy và xin gặp đồng chí Lan, một giọng nói quen quen vang lên:

- Đồng chí gặp Lan nào? Lan Thái Bình hay Nam Hà, hay...

Tôi ớ ra. Thì ra tổng đài có nhiều Lan. Tôi lúng túng:

- Ở đấy có mấy Lan hả đồng chí?

- Ít lắm, chừng gần nửa tiểu đội thôi. Ai thăm Lan thì lên tổng đài Thanh Lan, Hương Lan, Bích Lan... có đủ...

Tôi đành chịu thua cô gái nào đó. Trước khi buông ống nghe tôi còn nhận loáng thoáng tiếng nói "Cái anh chàng hôm nay bạo dạn gớm... chắc lại..." mặt tôi nóng bừng bừng trước sự hiểu lầm của các cô gái.

Những lần gọi máy sau này, tôi để ý xem cô gái nào hay dùng tiếng "ạ" ở cuối câu. Thế là tôi hỏi: "Đồng chí Lan đấy phải không?". Đáp lại tôi là những tiếng cười ý nhị:

- Anh Nguyên có gửi lời thăm Lan thì em chuyển giúp...

Mặt trận ngày càng khẩn trương, cái khẩn trương tôi nhận biết qua nhịp độ gọi thưa của các chiến sĩ tổng đài. Giữa những ngày ấy, tôi biết Tiểu đoàn X được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Hai. Là người trong ban tuyên huấn, cấp trên chỉ định tôi tìm hiểu thêm thành tích của Tiểu đoàn X và phát hiện điển hình cá nhân.

Tôi lên tổng đài vào một buổi sáng. Người đầu tiên tôi gặp là một cô gái. Cô đang đứng bên cạnh một thân cây trước căn nhà chìm chải tóc. Phía trên đầu cô là một chùm hoa phong lan cột vào thân cây bằng những vòng dây điện xanh, cành và lá phong lan khô cứng, những chùm hoa nở buông xuống trông như một đàn bướm sà xuống.

Những cành hoa màu trắng xoè ra, màu trắng được chuyển dần sang màu tím để rồi lại bùng nở giữa đài hoa một sắc vàng tinh khiết.

Nghe có tiếng chân người cô gái hất té ra phía sau, mái tóc buông xõa xuống chiếc áo quân phục xanh bạc che khuất một bên vai tròn. Cô gái quay lại nhìn tôi như ngạc nhiên.

-Anh Nguyên!

Cô gái gọi với vào căn nhà chìm, giọng trong veo đỏng đảnh:

- Chị Thân ơi, rồng đến nhà tôm này!

Thân - Chính trị viên trạm, vứt chiếc áo đang gấp dở bước lên bậc nhà chìm. Thân có dáng người đậm đà, khuôn mặt đầy đặn. Có lẽ tuổi Thân đến hai bảy hoặc hai tám. Theo như nhiều người nói thì người chính trị viên này có cuộc sống sôi nổi. Xung quanh chị là những đồng đội trẻ trung, hay nói cách khác chị có một đàn em thân thiết. Thân đưa tôi vào nhà, căn nhà sạch và gọn, mỗi thứ vật dùng đều được cất trong những chiếc tủ dã chiến mà cửa tủ bằng áo mưa xung quanh vách đất. Giường nằm ở đây là những mảnh ván kiện hòm ghép lại. Có mấy chiếc giường còn mắc màn. Có lẽ các chiến sĩ đang ngủ bù, vì trực ca đêm trước. Chúng tôi nói nhỏ để giữ yên giấc ngủ cho đồng đội. Tôi trình bày lý do của mình. Vừa nói xong thì cô gái khi nãy đứng chải tóc bước vào nhà. Vẫn cái miệng cười chúm chím, tinh nghịch, cô bảo:

- Tiếc quá chị Thân nhỉ! Anh Nguyên lên thăm tổng đài đúng lúc cả ba cái Lan vừa lên đường vào tổng đài mới.

Cô này lại trêu mình đây. Tôi vừa nghĩ vậy thì đồng chí Thân chỉ vào cô gái giới thiệu:

- Đây là đồng chí Thanh, chiến sĩ thi đua ba năm liền của trạm.

Cô gái bỗng đỏ mặt bẽn lẽn. Cô vơ chiếc áo vắt trên sợi dây điện đi ra phía cửa sau, nơi có đường hào thông ra hầm tổng đài. Từ hầm tổng đài vọng vào tiếng cười rúc rích và tiếng gọi thưa máy: "50 đâu? Mời thủ trưởng làm việc, có 50 rồi ạ"!

Chính trị viên Thân mở sổ công tác. Theo yêu cầu của tôi chỉ kể về thành tích của các chiến sĩ. Giọng nói Khu Ba có xen tiếng Khu Bốn đều đều êm và nhẹ. Chị kể ngay về Thanh, gần 3 năm trong quân ngũ là gần 3 năm ở Trường Sơn. Đã có những cơn sốt rét rừng vặt trụi tóc nhưng sức sống bên trong lại tạo cho Thanh mái tóc dài và đẹp hơn xưa. Chị kể về Thái, cô gái có tiếng nói trong nhất tổng đài, lá cờ đầu trong việc khắc phục nhầm lẫn... Chị kể về Bốn, người con gái dân tộc Mường, ngày nào mới về trạm còn khóc thút thít và còn nhớ nhà, nay là đảng viên, vững vàng mọi mặt... chị Thân tiếp:

- Trạm của chúng tôi có 3 Lan. Chúng tôi thường gọi kèm tên đệm để phân biệt.

Chị nói:

- Thanh Lan thì nổi bật về tính kiên nhẫn. Đồng chí biết đấy, làm tổng đài mà không kiên nhẫn thì khó làm lắm. Gặp người cắn răng chịu đựng. Nhiều lần ở hầm đài bước ra, tôi thấy Thanh Lan nước mắt vòng quanh mà không dám khóc. Còn Bích Lan thì tài nhớ. Đồng chí xem hàng trăm số mật danh của máy mà chỉ học trong một hai ngày là nhớ hết. Cô ta được bổ sung về đây trước ngày nổ súng, vậy mà đến nay đã phân biệt được hầu hết giọng nói các đối tượng. Cô còn biết ai là người nóng tính, dịu tính để xử trí các trường hợp bận rộn. Riêng Hương Lan thì yêu thương đồng đội hết lòng. Đồng chí cứ gặp cô ta thì rõ: hiếm có lúc nào cô ta nghỉ ngơi chân tay. Thôi thì hết khâu vá quần áo cho bạn, lại kiếm rau xanh để cải thiện. Lan hiền và ít nói lắm...

- Tôi nói riêng với đồng chí điều này đồng chí đừng cười tôi là thiên vị, thật tình tôi thương cái Thanh Lan nhiều nhất. Chả là Thanh Lan có người yêu đi chiến trường xa. Đã ba năm hai người biệt tin nhau, nỗi mong nhớ Lan ghi đầy ba cuốn sổ. Đến cách đây mấy tháng thì Lan nhận được tin, khổ quá, lại là tin buồn, người yêu của Lan không còn nữa... Vẻ mặt chính trị viên Thân trầm lặng. Giọng nói chị nhỏ dần và sâu lắng. Chị sẽ sàng nói thêm:

- Ấy vậy mà hằng ngày đố ai thấy Lan buồn, nỗi buồn Lan giấu kín trong tim. Đồng chí biết không những lúc trong trạm có chị em bị mệt, cô xung phong trực ca thay. Chỉ cần ngồi trước máy một ca đã đủ hoa mắt và choáng váng đầu, vậy mà nhiều lần Thanh Lan trực hai ca liền. Có lần bước ra khỏi hầm đài, mệt lả không bước nổi nữa. Chị em dìu Lan về hầm. Nghỉ một lát lại sức, Lan lại tham gia công việc cùng chị em.

Dừng một lát, chính trị viên Thân lại kể:

- Giá mà đồng chí đến đây những ngày chuyển lệnh nổ súng. Những ca việc hệ trọng ấy, Thanh Lan được vinh dự tiếp chuyển liên lạc. Lan cứ ngồi trước máy là chúng tôi yên tâm. Miệng thưa, tay cắm phích thoăn thoắt, trông hẳn chẳng khác một nghệ sĩ đánh đàn.

- Thanh Lan hay dùng tiếng "ạ" khi thưa máy phải không? - Tôi hỏi:

- Đúng đấy, đồng chí chưa biết Thanh Lan à?

- Tôi chưa biết, chả là có một đồng chí nhà báo gửi lời cảm ơn đồng chí Lan đã chuyển tiếp bài giúp đồng chí từ mặt trận về hậu phương.

- Đúng rồi, cái Thanh Lan... bao nhiêu người gửi lời thăm Lan... đồng chí chờ tôi một lát, tôi lấy cái này để đồng chí coi.

Chính trị viên Thân đứng dậy, với tay lấy một tập báo gài trên mái nhà đưa cho tôi:

- Đồng chí giở xem đi, những bài báo nào có dấu gạch chéo mực đỏ là bài của Thanh Lan và chị em trong trạm đã chuyển tiếp giúp. Cô ấy bảo lưu làm kỷ niệm. Trước khi vào công tác phía trong, Thanh Lan gửi lại cho tôi giữ giúp.

Tôi không kịp giở hết mọi bài báo từ mặt trận gửi ra, cũng như không nghe được mệnh lệnh đi qua tổng đài này đã được cô Thanh Lan và đồng đội làm nhịp cầu nối tiếp. Tôi biết chắc chắn rằng tất cả mọi bài báo đều nói lên chiến công của bạn bè xa gần. Chưa có bài báo nào nêu tên cô Thanh Lan và các cô gái với những chiến công thầm lặng ở tổng đài này...

Tôi tạm biệt chính trị viên Thân ra về. Vừa bước ra khỏi bậc căn nhà chìm, tôi lại bắt gặp chùm hoa phong lan nở, một cơn gió nhẹ làm rung rung những cánh hoa trắng tím. Mùi hương phong lan thoang thoảng ngọt ngào. Tôi đi trong hương phong lan ấy và suy nghĩ về các cô gái sống ở Trường Sơn. Tôi bỗng nhận ra hết vẻ đẹp trẻ trung của hoa phong lan lung linh hương sắc giữa rừng già...

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét