30/10/24

Tiểu đoàn Thông tin 303 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

Đại tá Đào Ngoạn - nguyên Trợ lý Hữu tuyến điện Ban 3 chiến dịch

Lúc bấy giờ tôi là trợ lý Ban 3 chiến dịch Điện Biên Phủ, nên tôi xin kể về việc tổ chức thông tin phục vụ Bộ chỉ huy chiến dịch đến khi toàn thắng.

Khác với các chiến dịch trước đây, chiến dịch Điện Biên Phủ có quy mô rất lớn. Bộ Tổng tư lệnh sử dụng lực lượng tới bốn Đại đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị pháo binh, cao xạ pháo, tên lửa; lực lượng dân công rất đông; hệ thống kho tàng, quân y rải rác dọc theo tuyến hành quân... Việc kết hợp giữa quân sự và dân sự với các địa phương cũng chặt chẽ hơn các chiến dịch khác.

Về cách đánh của ta cũng rất linh hoạt. Từ phương châm đánh nhanh, tiêu diệt nhanh chuyển sang phương châm đánh chắc, thắng chắc. Do vậy, thông tin phải tích cực chuẩn bị về mọi mặt thật chu đáo, có nhiều phương án từ cách tổ chức triển khai và sử dụng các phương tiện.

Tôi và đồng chí Phúc Thảo thường được hành quân trước. Còn bác Thúy đi cùng Bộ chỉ huy chiến dịch. Qua Tuần Giáo chừng 15 km về phía Điện Biên Phủ thì chúng tôi trú quân tại khu vực cạnh con suối lớn, sau này mới biết đó là Thẩm Púa. Bộ chỉ huy chiến dịch đã tạm dừng tại đây để kiểm tra lại kế hoạch. Sau khi dự cuộc họp tại Bộ chỉ huy chiến dịch về, bác Thúy cho tập trung số cán bộ chúng tôi lại để phổ biến rõ hơn về yêu cầu của chiến dịch, rồi lại tiếp tục hành quân đến vị trí tổ chức Sở chỉ huy chiến dịch. Tại Mường Phăng, chúng tôi được phổ biến chính thức về yêu cầu liên lạc từ Bộ chỉ huy xuống các đơn vị tham gia chiến dịch và tổ chức bảo đảm liên lạc trong nội bộ Sở chỉ huy và các đơn vị khác như cơ quan địa phương, dân công, hậu cần,... yêu cầu bảo đảm an toàn, bí mật trong việc sử dụng các phương tiện thông tin trong quá trình chuẩn bị cũng như khi triển khai chiến đấu. Sau đó giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 303 quán triệt, động viên cán bộ và chiến sĩ bắt tay vào làm nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương, phấn khởi và quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo đúng tinh thần chỉ thị của đồng chí Trưởng ban 3, chúng tôi - những trợ lý của Ban 3 chiến dịch cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn 303 lúc đó do anh Trần Sơn làm Tiểu đoàn trưởng bắt tay vào triển khai nhiệm vụ. Tôi được phân công thường trực bên cạnh bác Thúy để theo dõi việc triển khai của Tiểu đoàn 303, tập trung theo dõi việc liên lạc bằng đường dây điện thoại và chuyển đạt. Anh Nguyễn Diệp theo dõi hệ thống vô tuyến điện. Anh Phúc Thảo được tăng cường xuống các đại đoàn làm phái viên để giúp các đại đoàn triển khai bảo đảm liên lạc... Ban đầu giữa ta và địch còn ở xa nhau. Trong quá trình chiến đấu và đến khi tiêu diệt địch ở toàn cứ điểm thì cự ly giữa ta và địch ngày càng khép chặt lại, hàng nghìn cây số giao thông hào chằng chịt, bao vây từng cứ điểm, làm cho địch co cụm dần vào trung tâm.

Từ tình hình trên đòi hỏi tổ chức thông tin liên lạc làm sao phải bảo đảm từ Bộ chỉ huy chiến dịch xuống các đại đoàn, các đơn vị trợ chiến (pháo binh, công binh, cao xạ...), các đài quan sát chủ yếu do Bộ trực tiếp theo dõi, đồng thời phải bảo đảm hệ thống thông tin với hậu phương để chi viện kịp thời.

Chiến dịch này thì bác Hoàng Đạo Thúy là Cục trưởng trực tiếp tham gia, làm Trưởng ban 3 chiến dịch. Vì đặc điểm chiến dịch này như đã nói ở trên có tầm quan trọng đặc biệt, nếu ta thắng lợi sẽ có tác động rất lớn đến toàn bộ cục diện chiến trường, đồng thời hỗ trợ cho phái đoàn ta đàm phán trong Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp được tiến hành. Bác Thúy lúc đó đã có tuổi, người cũng không được khỏe nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, bác đi tham gia chiến dịch, biết rằng sẽ vất vả nhưng bác rất phấn khởi, vui vẻ và tích cực chuẩn bị tinh thần và tập trung động viên, giao nhiệm vụ cho các anh em cùng đi. Bác đã tìm hiểu kỹ việc tổ chức và đảm bảo thông tin ở các chiến dịch trước đồng thời đề ra những yêu cầu bảo đảm thông tin cho chiến dịch này. Tuy vậy lúc đầu mới chỉ được phổ biến sơ bộ về quy mô và phương thức hoạt động của hệ thống thông tin chiến đấu để tiện nắm tình hình báo cáo về Ban 3 chiến dịch kịp thời.

Các đường dây của Tiểu đoàn 303 triển khai từ Sở chỉ huy chiến dịch xuống tổng đài trung gian của chiến dịch, rồi từ đó đặt máy đầu cuối tại Sở chỉ huy Đại đoàn do Tiểu đoàn 303 phụ trách. Ngoài ra có đường dây vào tổng đài chính của Đại đoàn, từ Đại đoàn trên hướng chủ yếu – 312 còn có đường dây sang Đại đoàn Pháo binh tạo thành đường hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh và vu hồi khi cần thiết.

Tại Sở chỉ huy chiến dịch cũng tổ chức một mạng cho nhiều cơ quan và về hậu phương (ATK Thái Nguyên). Vì vậy mạng nội bộ Sở chỉ huy đường dây điện thoại cũng chằng chịt. Lúc đầu đường dây rải nhanh, lợi dụng địa hình và cây cối để gác dây lên cao, nhưng chiến dịch thay đổi phương châm "Đánh chắc, tiến chắc", hơn nữa phi pháo địch ngày càng nhiều, nên đường dây lại phải hạ thấp xuống, rồi lợi dụng địa hình chỗ nào có thể dùng xẻng vạch thành rãnh rồi dùng găm tre găm dây vững chắc lại. Các trạm chuyển đạt cũng được tổ chức song song với tuyến đường dây, hầu hết các trạm chuyển đạt đều bố trí gần trạm điện thoại, chuyển đạt cũng được đặt tới Sở chỉ huy Đại đoàn, ở hướng chủ yếu còn xuống tận Trung đoàn.

Sau khi mạng lưới thông tin đã được triển khai trong một tuần, chúng tôi phải thử nghiệm đi tất cả các hướng bằng các phương tiện; về chuyển đạt chúng tôi cho chạy đưa công văn và mệnh lệnh thử xuống các đơn vị để tính toán thời gian cho từng đơn vị. Đó là giai đoạn chuẩn bị mọi việc đâu vào đấy cả rồi, chúng tôi yên trí chỉ còn chờ lệnh nổ súng mở màn chiến dịch mà mọi người đã từng mong đợi bấy lâu nay. Nhưng dùng một cái, bác Thúy gọi chúng tôi tới phổ biến tạm hoãn! Có nhiều đơn vị sẽ phải lui về tuyến sau để bảo đảm an toàn, cho nên mạng thông tin đã được triển khai nay phải chỉnh lại, nhất là đối với Pháo binh, cả Sở chỉ huy cũng phải lùi xa về phía sau. Sau khi các đơn vị lùi về tuyến sau, chúng tôi lại phải kiểm tra toàn bộ mạng lưới thông tin bằng các phương tiện. Lúc này đối với thông tin liên lạc cũng rất nhiều khó khăn. Vô tuyến điện sóng cực ngắn, sóng ngắn chưa được mở máy. Để phổ biến cho các chủ nhiệm thông tin chỉ được sử dụng hai phương tiện điện thoại và chuyển đạt. Với hai Đại đoàn 308 và 312 là hai đơn vị chủ công, đồng chí Phúc Thảo phải trực tiếp xuống phổ biến. Và Ban 3 luôn luôn nhắc nhở chúng tôi và các cán bộ phải theo dõi thật sát các biến động, phải trực và thử thông tin, ví dụ anh Diệp thì phải kiểm tra hệ thống mạng vô tuyến điện, chúng tôi chỉ kiểm tra mạng điện thoại, chuyển đạt và thường xuyên báo cáo với Bộ chỉ huy chiến dịch. Cơ quan tham mưu, tác chiến cũng được lệnh của đồng chí Hoàng Văn Thái, lúc nào cũng phải sẵn sàng chiến đấu chứ không phải hoãn mà lơ là. Hoãn giờ nổ súng, một bộ phận lùi ra phía sau, ngược lại thông tin liên lạc thì không hề có hoãn chút nào, mà chính lúc này lại bận rộn khẩn trương hơn lúc nào ở trong giai đoạn chuẩn bị này. Chuyển đạt thì phải giữ liên lạc ở vị trí mới hoặc cơ động theo các đơn vị rút quân, điện thoại phải bảo đảm thông tin cho việc điều chỉnh đội hình, nên chỗ thì phải thu dây, chỗ thì lại phải kéo dây đặt trạm, đặt máy ở vị trí mới mà bộ đội lui về. Tết đó, nhất là đối với thông tin theo chỉ thị của trên lại càng phải bảo đảm sẵn sàng chiến dấu, không được coi mình là được tạm hoãn thông tin không có tạm hoãn. Nhưng riêng 30 Tết, sau khi đã kiểm tra đi các đại đoàn, các trạm thông tin trung gian của Tiểu đoàn 303 xong, những cán bộ tác chiến và thông tin không phải trực mới được vui Tết một lúc buổi tối. Và đêm nay là đêm độc nhất chúng tôi có thời gian ngồi với nhau chơi túlơkhơ (anh Vượng, Hưng, Diệp, Ngoạn) đến gần sáng. Tuy bác Thúy có cho người nhắc không nên chơi khuya quá, còn để sức mà trực theo dõi chiến dịch, nhưng bác vẫn cho thuốc lá để hút. Mà có lẽ chỉ độc nhất có đêm 30 Tết chúng tôi được tương đối rảnh rỗi ngồi chơi với nhau, còn suốt quá trình chiến dịch không lúc nào ngơi việc, không lúc nào được nghỉ ngơi.

Bây giờ nói sang giai đoạn chiến dịch mở màn, bộ đội được lệnh trở lại chiếm lĩnh trận địa tấn công. Bác Thúy triệu tập chúng tôi lại nói: "Lệnh của trên các đơn vị lại nhanh chóng trở lại chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công, giờ G sắp bắt đầu. Thông tin chúng ta phải kiểm tra lại, phải điều chỉnh giữ vững thông tin liên lạc với tất cả các đơn vị, nhất là thời gian họ đang vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công này". Tất cả chúng tôi đều phấn khởi, vì anh em điện thoại ở các trạm, các đài vô tuyến điện đến, anh em chuyển đạt đều tỏ ra nóng ruột hỏi: "Anh ơi, bao giờ bắt đầu nổ súng? Chúng em ngồi nóng ruột quá!". Trước lệnh nổ súng một ngày, tôi còn nhớ được lệnh nắm chắc thông tin và kiểm tra trước để đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp), đồng chí Hoàng Văn Thái nói chuyện trực tiếp với cán bộ Đại đoàn 308, 312 và pháo binh, những đơn vị sẽ đánh vào Him Lam và cứ điểm Độc Lập. Lệnh này được chúng tôi thi hành ngay. Trao đổi trực tiếp bằng điện thoại với các đồng chí Chủ nhiệm thông tin Đại đoàn, nơi nào cũng báo cáo thông tin liên lạc bằng điện thoại đã thông xuống tới các trung đoàn, các mũi chủ công và các tiểu đoàn trợ chiến. Tất cả đã sẵn sàng bảo đảm cho lệnh nổ súng. Chúng tôi lên báo cáo với bác Thúy, bác Thúy bảo chúng tôi sang báo cáo trực tiếp với tác chiến. Lúc này, cũng có chỉ thị được phép mở máy vô tuyến điện sóng cực ngắn từ Sở chỉ huy Trung đoàn liên lạc với đại đoàn. Tuy nhiên vẫn phải tuyệt đối dùng mật ngữ, không được nói rõ, không được chủ quan cho rằng sóng cực ngắn ở xa địch không nghe được.

Bây giờ tôi nói về thông tin liên lạc trong chiến đấu. 24 giờ sau kể từ khi chúng tôi được bác Thúy phổ biến phải kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc để phục vụ giờ nổ súng, lệnh nổ súng đã phát đi! Trong suốt quá trình tiến công, mở đầu là trận Him Lam, tất cả cán bộ Ban 3 thông tin người nào việc nấy ở ngay vị trí của mình. Chúng tôi phải trực tối đa. Cán bộ Tiểu đoàn 303 từ thủ trưởng tiểu đoàn đến cán bộ đại đội, trung đội đều có mặt trực ở vị trí quan trọng nhất để bảo đảm giải quyết mọi tình huống về thông tin cũng như động viên bộ đội làm nhiệm vụ.

Từ Him Lam, từ khi có lệnh nổ súng cho tới hết đêm hôm ấy, các mũi chủ công của Đại đoàn 312 luôn báo cáo về Đại đoàn và Đại đoàn báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch qua cơ quan tham mưu và cơ quan tác chiến báo cáo lên đồng chí Văn rất kịp thời, từng đợt, từng đợt tấn công. Bộ binh xin bao nhiêu quả đạn pháo, bắn vào mục tiêu nào, kết quả và cần phải chỉnh pháo thế nào cũng được báo cáo về rõ ràng. Tôi nhớ giữa chừng cũng có gặp khó khăn tại cửa đột phá khẩu, địch tập trung hỏa lực bắn tối đa vào đoạn cửa mở, pháo từ trung tâm Mường Thanh bắn ra, từ cứ điểm Độc Lập bắn sang và ở ngay trung tâm cứ điểm Him Lam bắn ra, tình thế cực kỳ khó khăn, cực kỳ khẩn trương. Nghe được báo cáo từ dưới lên, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Văn Thái đã có chỉ thị kịp thời xuống pháo binh phải tổ chức chế áp pháo địch ngay, chi viện cho bộ binh mà không để sơ suất bắn vào đội hình quân ta ở trước cửa mở. Pháo binh đã thi hành mệnh lệnh đó một cách xuất sắc. Bộ binh đã dồn dập băng qua cửa mở, lao nhanh vào trung tâm. Giữa lúc ấy đường điện thoại qua cửa mở bị đứt, không biết do địch bắn hay quân ta tràn vào vướng dây mà đứt. Liên lạc điện thoại bị gián đoạn chừng 10-15 phút. Tuy đã có vô tuyến sóng cực ngắn bám theo chỉ huy vào trung tâm, nhưng 10-15 phút ấy đối với chúng tôi nóng lòng như lửa đốt. Đường điện thoại được khôi phục, tiếng nói của chỉ huy trung đoàn báo cáo về những diễn biến bên trong trung tâm cụm cứ điểm Him Lam đang dần thuận lợi làm tất cả Sở chỉ huy đều phấn khởi chứ không riêng chúng tôi, những người cán bộ thông tin. Sau khi diệt xong cụm cứ điểm Him Lam, đêm sau quân ta tiến công cụm cứ điểm Độc Lập. Thông tin bảo đảm thông suốt với sự kết hợp cả ba phương tiện chuyển đạt, điện thoại và vô tuyến điện (cả sóng cực ngắn và sóng ngắn).

Thắng lợi đợt 1 tiêu diệt xong 2 cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ, các mũi tiến công sâu vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng các đường giao thông hào chính do bàn tay của các cán bộ, chiến sĩ cứ khoán thước mà đào. Khó khăn mới lại đến! Với thông tin, đường dây càng dài, chất lượng càng khó bảo đảm, đường dây nào bên ngoài giao thông hào thì bị pháo làm đứt, đưa vào lòng chiến hào thì tránh được phi pháo nhưng mật độ dây đi trong giao thông hào của các cấp chiến dịch, đại đoàn, trung đoàn... chằng chịt trên thành hào. Khó nhất là khi phải ghim qua các hàm ếch của bộ binh làm để tránh phi pháo, hàng trăm hàng nghìn người đi lại, khiêng vác, dưới giao thông hào làm cho các đường dây có ghim chắc thế nào cũng phải bật ra, bị đứt, mà đã đứt thì không phải chỉ có đứt ở một đoạn, có khi một đôi dây bị đứt làm nhiều đoạn, việc kiểm tra và thử dây thật khó khăn dây nọ nối vào máy kia, đơn vị này nối vào đơn vị khác, như vậy có khi dây thông suốt mà vẫn không làm việc được. Song "cái khó lại làm ló cái khôn", đường dây đi trong giao thông hào lúc đầu được đánh dấu bằng vải màu buộc vào dây ở từng đoạn. Song màu thì bị đất bùn và mưa ướt làm bết chẳng còn phân biệt nữa – hơn nữa sửa dây vào ban đêm thì làm sao có thể phân rõ màu. Chiến sĩ lại có sáng kiến lấy vỏ hộp cắt ra rồi đục số cũng không ổn, cuối cùng phải phân biệt bằng các miếng to, nhỏ, hình thể vuông, tròn, hình chữ nhật.

Mùa mưa ập đến, các mối nối không đủ vải cách điện để mà bọc, cả đoạn dây hở chạm xuống đất thì thôi đấy! Chiến sĩ điện thoại, tổng đài có mà sái tay quay máy cũng chẳng gọi được ai và liên lạc bị gián đoạn. Thế rồi mỗi khi có khó khăn thì cán bộ, chiến sĩ ta lại nảy ra sáng kiến mới. Do đường dây dài chất lượng thông tin kém, gọi được nhau mà nói chẳng rõ. Một lần đồng chí Văn cần nói trực tiếp với đồng chí Vương Thừa Vũ, đồng chí Lê Trọng Tấn. Đường dây không đứt mà nói nghe chẳng được. Đồng chí Văn nói với bác Thúy có thông tin mà người chỉ huy nói nghe không rõ thì làm thế nào mà chỉ huy được? Bác Thúy họp chúng tôi lại nói tình hình chất lượng thông tin như thế thì có cách gì giải quyết không? Bác bảo chúng tôi: "Các ông nên đi bàn với Tiểu đoàn 303 tìm cách khắc phục thế nào, ông Trần Sơn có nhiều kinh nghiệm đấy". Thế rồi anh Sơn, anh Vượng đưa ra ý kiến trước nhất để nhanh chóng khắc phục ta nên tổ chức trạm trung gian chuyển tiếp, nếu thiếu cán bộ thì tôi trực tiếp đi làm trạm trung gian. Ở Điện Biên ta có Tổng đài Chiến Thắng vừa làm trung gian vừa để tổ chức các đường nhánh chiến dịch - từ Bộ chỉ huy đi các đại đoàn, cán bộ ở đây làm nhiệm vụ trung gian chuyển tiếp cho cấp trên xuống cấp dưới và cho cấp dưới báo cáo lên cấp trên. Trên các trục dây của Tiểu đoàn 303 với các đơn vị tiến vào sâu trung tâm hoặc bố trí xa Sở chỉ huy chiến dịch đều đã tổ chức ra các trạm trung gian. Người làm nhiệm vụ chuyển tiếp phải là cán bộ, có giọng nói rõ, không ngọng, không lắp...

Sau mỗi đợt chiến đấu vòng vây của ta ngày càng khép chặt. Sở chỉ huy cấp Trung đoàn, Đại đoàn cứ dịch dần lên phía trước hoặc hình thành thêm các Sở chỉ huy phía trước. Do vậy đường dây điện thoại ngày càng dài thêm. Cơ số Tiểu đoàn 303 mang đi chiến dịch đã được bổ sung mấy đợt do bị phi pháo và sự phát triển của Sở chỉ huy nên dây không còn đủ nữa. Bác Thúy cho báo về hậu phương đưa thêm ra, nhưng hậu phương cũng không còn nữa. Anh em chúng tôi đề nghị cho người về cứ điểm cũ của địch ở Nà Sản để tìm kiếm các đường dây dịch rải và chôn trong chiến dịch Tây Bắc. Kiếm được ít nào hay ít đó, kịp thời tu bố lại để đáp ứng yêu cầu phát triển của chiến dịch. Nhưng rồi đường dây cáp của địch ta thu được gửi về để sử dụng cũng hết, mà đòi hỏi dây còn nhiều mới đáp ứng được. Suy nghĩ mãi, tôi mạnh dạn đề nghị sử dụng dây thép gai của địch gỡ ra để mắc cho các đoạn dây ngắn phục vụ cho các cơ quan hậu cần ở hậu phương Sở chỉ huy và của các đại đoàn, tháo lấy dây bọc dã chiến của đoạn đường dây đó đưa lên tiền tuyến. Ý kiến đó được đồng chí Thúy chấp nhận. Thế là anh em Tiểu đoàn 303 thử nghiệm trước. Việc gỡ dây thép gai rất vất vả, đôi khi chảy máu tay và rất chậm, nhưng rồi rút kinh nghiệm dần, lấy vỏ đạn làm dụng cụ tháo gỡ, kết quả năng suất ngày càng tăng và khi đưa ra sử dụng ở một số đường nhánh hậu phương thì cũng nghe được, tất nhiên là nghe khó. Nhưng có còn hơn không. Từ kinh nghiệm đó, Ban 3 chiến dịch chủ trương phổ biến xuống các đại đoàn áp dụng. Thế là việc lấy dây thép gai của địch để tận dụng làm đường dây cho một số cơ quan hậu phương tạm sử dụng cũng đã góp phần vào việc giải quyết những khó khăn cấp bách.

Công tác bảo vệ và sửa chữa đường dây còn vô cùng khó khăn, gian khổ. Trên đây, tôi đã nói về đặc điểm chiến dịch, hàng trăm cây số đường dây, hàng vài trăm đôi dây của cấp trung đoàn và đại đoàn của Bộ chỉ huy chiến dịch nằm rải rác khắp giao thông hào, các con suối, các quả đồi dưới làn phi pháo rất ác liệt không lúc nào ngớt, đường dây điện thoại cũng luôn luôn bị gián đoạn, anh em chiến sĩ thông tin đã dũng cảm hy sinh không sợ gian khổ, ngày đêm lao vào những chỗ nguy hiểm để khôi phục liên lạc không để bị gián đoạn. Đã có biết bao gương hy sinh dũng cảm, không tiếc mồ hôi xương máu để giữ vững đường dây thông suốt.

Tôi lại nói về bác Thúy, người chịu trách nhiệm cao nhất về bảo đảm thông tin cho chiến dịch thắng lợi. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn như đã nói trên, bác rất bình tĩnh và điềm đạm, bác dẫn dắt cán bộ khắc phục khó khăn phức tạp. Lúc nào bác cũng luôn động viên cán bộ cấp dưới và chiến sĩ kể cả giai đoạn chuẩn bị đi chiến dịch. Mỗi khi có chỉ thị mới, bác họp chúng tôi lại bàn và giao nhiệm vụ cho từng người. Đối với tôi chiến dịch này giúp tôi trưởng thành rất nhiều.

Tôi cũng hết sức kính trọng bác Thúy là trong các tình huống khó khăn nhất, chính bản thân bác lại gương mẫu để anh em chúng tôi làm theo, bác tự đeo lấy ba lô của mình mặc dù có công vụ giúp đỡ. Dù sức yếu, tuổi cao, bác chống gậy hành quân bộ với anh em, chúng tôi thấy như thế, chạy lại muốn mang đỡ cho bác cái túi nhưng bác nhất định không nghe. Bác lấy gương Bác Hồ ra để thuyết phục chúng tôi. Bác nói Bác Hồ cao tuổi như vậy mà còn đi chiến dịch chẳng lẽ tôi không tự đi được à? Các ông thương tôi hóa ra các ông coi thường tôi à? Trong những lúc chiến dịch gay go, bác luôn nghĩ tới anh em cấp dưới phải làm việc đêm ngày mà không được nghỉ. Bác quan tâm tới việc ăn, ở của cấp dưới, có chút quà gì, như có mấy cái kẹo ở mặt trận gửi về biếu gọi là quà chiến lợi phẩm, bác cũng mang chia cho anh em. Riêng với tôi, bác biết tôi nghiện thuốc lá, tuy bác hút píp nhưng bác cũng thường dành mấy bao thỉnh thoảng lại cho chúng tôi mỗi người 1 điếu để mà thức khuya trực công việc. Mấy cái kẹo, vài điếu thuốc lá lúc đó ở mặt trận thật là quý. Nhưng cái tôi muốn nói ở đây về bác Thúy là cái tâm, cái tình.

Sắp kết thúc chiến dịch, bác đi họp về rồi nói trong một cuộc liên hoan với anh em trong cơ quan và cán bộ, chiến sĩ đơn vị ở gần: để chuẩn bị kết thúc chiến dịch, hành quân về hậu cứ, Đảng ủy có hỏi để xét khen thưởng. Trong chiến dịch này, anh em có nhiều thành tích đấy, quân đội ta trưởng thành nhanh lắm đấy. Chiến dịch này là chiến dịch lịch sử đấy. Ở Hội nghị Giơ-ne-vơ có thành công hay không là nhờ thắng lợi này. Chiến dịch này ta thắng lợi hoàn toàn, bắt được nhiều tù binh, hàng binh. Rồi bác nói Bác Hồ điện lên, Bác sẽ khao cho chúng ta ăn mừng chiến thắng. Khao gì chưa biết, có thể là thịt bò. Bác lại quay sang phía các đồng chí phụ trách hậu cần của Ban 3, hỏi: Hậu cần của ta hôm nay ở đây có cái gì thì ta ăn trước đi. Hôm nay là ăn bữa cháo thịt nhé? Tất cả anh em có mặt trong buổi liên hoan tuy chưa được ăn mà thật là vui.

Bác Thúy còn nói: Đối với chúng ta đi chiến dịch này đến nay là kết thúc nhưng không hiểu nó có chịu thua không hay là chúng ta lại phải đi tiếp các chiến dịch nào khác nữa đây? Nếu sau này còn phải đi tiếp chiến dịch nào nữa thì mình lại đi cùng các ông - Đi chiến dịch rất là vui và sống với anh em trong chiến dịch mình càng hiểu biết các ông hơn - Bác nói rất thân tình.

Tôi cũng phải nói về mối quan hệ giữa Ban 3 với Quân báo và Tác chiến làm việc với nhau thân tình như anh em trong một nhà, trong công việc cái gì cũng trao đổi với nhau, từ tin tức đến những khó khăn của nhau. Vì vậy cho mãi tới sau này khi hòa bình lập lại, rồi lại kháng chiến chống Mỹ, hễ chúng tôi gặp lại nhau là tay bắt mặt mừng, trong công việc mới thì thông cảm với nhau giải quyết việc chung thật thuận lợi cho nhau.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là bước ngoặt lịch sử của Quân đội ta. Từ đó rút ra biết bao nhiêu bài học về mọi mặt: Quân sự, Chính trị, Hậu cần, Hậu phương và đặc biệt về công tác lãnh đạo và chỉ huy.

Riêng Tiểu đoàn 303, đơn vị thông tin dã chiến đầu tiên của Quân đội ta, chuyên phục vụ cho Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy các chiến dịch giành nhiều thắng lợi vang dội đi đến thắng lợi cuối cùng thì cũng đã trưởng thành nhanh chóng. Trên cơ sở đó, Tiểu đoàn 303 sau này đã phát triển thành Trung đoàn, Lữ đoàn Thông tin đáp ứng theo sự phát triển của lực lượng vũ trang chính quy, hiện đại.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

Quần nhau với địch trên làn sóng điện

 Ngô Thế Khoa - nguyên đài trưởng quân tình nguyện ở Lào

Có một trận đánh thời chống Pháp trên đất bạn Lào, địch là một GM lính đánh thuê nống ra, điểm nhô ra là một đại đội. Bên ta là một Tiểu đoàn Pa-thét Lào, vũ khí trang bị còn yếu, thông tin chỉ có một đài vô tuyến điện chung cho cả một vùng rừng núi rộng lớn, liên lạc với Bộ Tư lệnh cách hơn 100 km.

Lúc đó ta chưa đào tạo cán bộ vô tuyến điện giúp bạn nên điện đài do tôi đảm nhiệm. Nhận thấy trận đánh quy mô nhỏ, vô tuyến điện báo không cần thiết phải ra sát mặt trận, nhưng muốn để Bộ Tư lệnh nắm được diễn biến trận đánh từng giây phút và để Bộ Tư lệnh bạn Lào chỉ huy được trực tiếp Tiểu đoàn vì lúc đó quân đội bạn mới từ các đội du kích tập trung tới cấp tiểu đoàn chưa quen chiến đấu hiệp đồng.

Tôi chủ động đề nghị Ban chỉ huy cho điện đài đi theo bộ đội. Được sự đồng ý của đoàn cố vấn, tôi điện về Bộ Tư lệnh kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc. Tôi suy nghĩ như sau:

1. Về kỹ thuật, ta yếu hơn địch nhiều vì từ cấp đại đội chúng đã có BC1000, sau lưng yểm trợ cho chúng dứt khoát phải có ít nhất là GRC9 trở lên, sử dụng có thể có một chuyên gia Pháp hoặc bọn "Nai sải" quý tộc được đào tạo kỹ.

2. Về ta, chỉ có tôi và một Crosley 694, một cơ yếu và vài quay viên bạn. Về bí mật làn sóng, chúng chẳng lạ gì ta, ta lại ở sát địch (800 m) nên nếu lộ tín hiệu thu, chúng sẽ phá ta không thương tiếc và còn có nguy cơ mất liên lạc.

3. Sóng phát của ta không thể nào đấu được địch, hễ lên sóng sẽ đập vào ngay máy của địch, chỉ trong thời gian ngắn chúng sẽ phá ngay. Nhưng cự ly về Bộ Tư lệnh xa hơn 100 km nên chúng sẽ chỉ:

a) Gây nhiễu (QRM) với cường độ mạnh hơn, hoặc trà trộn, nếu ta nhanh chóng lên, xuống độ, vì ở gần nhau muốn thu chuẩn sóng phải tháo ăngten, sau đó phải lắp ăngten để chỉnh, sóng phát mạnh mới phá được, nhanh cũng mất một phút. Vậy ta phải nhanh, dùng BK và yêu cầu báo vụ giỏi vào việc (đành chịu mất lòng với các bạn ở nhà vậy).

b) Thời cơ sử dụng vô tuyến điện hồi đó chưa được học nhưng ngẫu nhiên may mắn, ta giữ được bí mật khi vào chiếm lĩnh địch không ngờ ta có vô tuyến điện báo, ta phát ít thu nhiều nên liên lạc an toàn.

4. Ta hơn địch ở phương pháp liên lạc 4 tên (bị gọi tự xưng), 2 sóng thu phát riêng biệt, địch không có bộ phận chuyên dò tin (mà cấp GM chưa thể có được) lần ra được sóng thu của tôi còn mệt, dù sao tôi cũng xin trên cho vài cặp tên sóng để dùng khi cần.

5. Về trình độ kỹ thuật, vì đã qua chỉnh huấn chính trị và kỹ thuật toàn quân 1953 ở Việt Bắc, nên tôi tin ở mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Quả nhiên mới nổ súng được ít phút, tôi đã nhận được điện của Bộ Tư lệnh cho biết địch mạo tín hiệu, trà trộn, đánh điện giả. Nhưng may mắn là Tây không được học chỉnh huấn như tôi, nên lộ mặt ngay và các bạn của tôi cũng chẳng kém cạnh gì, nên chúng tôi đảo sóng lên độ, xuống độ và tăng tốc truyền điện. Không lừa được thì chúng phá, tôi đột ngột ngừng phát, chuyển sang thu. Phá chán không kết quả, chúng dừng lại để dò, tôi đảo máy thu kiểm tra máy phát, hễ chúng dừng, thì tôi phát, ZNN, ZVP để chúng phá.

Nhờ có dự kiến trước và chủ động, nên tôi vẫn ung dung đối phó, bảo đảm được liên lạc suốt trận đánh. Sau 2 giờ chiến đấu, quân ta xung phong chiếm đồn, bọn vô tuyến điện của GM chẳng làm gì được tôi. Được lệnh về căn cứ, tôi ZVP một hồi nữa rồi đột ngột tắt máy thu đài.

Qua trận đó tôi rút ra kinh nghiệm là:

- Ta hơn địch ở quy tắc làm việc, nhờ công tác tham mưu thông tin vô tuyến điện của ta rất thông minh, nên dù ở tư thế nào địch vẫn không khống chế hoàn toàn ta, do đó ta vẫn có cách xoay chuyển tình thế bảo đảm được liên lạc.

- Với bất cứ phương tiện nào trong tay, nếu chịu khó nghiên cứu khai thác được mặt mạnh, hạn chế được mặt yếu, phối hợp với nhau chặt chẽ ta cũng có thể chiến thắng được địch (tất nhiên cũng đòi hỏi con người phải học tập, rèn luyện tinh thông).

- Nếu không chịu suy nghĩ, chỉ ỷ vào trang thiết bị và kỹ thuật thì dứt khoát ta thua.

Qua trận này, bọn vô tuyến điện của GM địch chắc căm tôi lắm vì trang bị đầy đủ như thế mà chẳng làm gì được tôi. Rõ ràng tôi hơn nó một cái đầu.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

Kể chuyện ở vùng địch hậu

Mai Thanh Liêm - nguyên Trưởng đài Sư đoàn 316

Năm 1951, Sư đoàn 316 vào chiến đấu trong vùng địch hậu, hoạt động ở huyện Quế Võ thuộc Bắc Ninh.

Đồng chí Chu Huy Mân vào địch hậu trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Chỉ huy Sở dùng hai điện đài để liên lạc với cấp trên, hậu phương và các đơn vị trực thuộc Sư đoàn.

Vị trí Chỉ huy Sở đóng tại ven sông Đuống, đứng ở bờ để nhìn rõ núi Thiên Thai bên kia sông.

Vào một đêm mùa đông, cơ yếu quây buồng nhỏ bằng nilon ở cửa hầm điện đài. Đồng chí Chu Huy Mân ngồi cạnh buồng đó. Tôi phán đoán chắc đêm nay ta công đồn phố Mới. Kiểm tra xong phương tiện thông tin, tôi chui ra khỏi hầm (cơ yếu và đồng chí Mân ngồi trên mặt đất vì không có hầm).

Đồng chí Mân tươi cười bảo tôi: kể từ giờ phút này trở đi đồng chí là người chỉ huy mặt trận. Gió mùa đông từ mặt sông Cầu phả lên lạnh buốt, nhưng người tôi nóng bừng vì lời động viên đó.

Các bạn ạ! Lúc này tôi cũng cảm nhận thấy thế nào là vị trí quan trọng của thông tin trong chỉ huy chiến đấu.

Sau đó, đồng chí Mân cho tôi và anh em điện đài thuốc lá Philíp, bánh đậu xanh Hải Dương liên hoan trước khi liên lạc.

Tên đài của các trung đoàn như 98, 174, 176 là ĐLĐ, VNM, MNM (hình như đồng chí Nguyễn Ái Hạc, trưởng ban thông tin đặt theo khẩu hiệu Đảng Lao động Việt Nam muôn năm).

Để theo dõi kết quả đêm công đồn đó, tôi luôn theo dõi thái độ của đồng chí Mân để tự biết.

Một hai tuần sau, Sở chỉ huy và điện đài vượt sông Đuống sang nam phần Bắc Ninh, đóng tại một làng cạnh núi Thiên Thai, theo đường thẳng khoảng 2 km dùng ống nhòm để có thể quan sát được đồn địch.

Mở máy liên lạc tôi thấy nhiễu (vì cự ly gần đài địch ở núi Thiên Thai). Tôi dò tìm thấy địch dùng thoại yêu cầu Hà Nội tiếp tế nước, lúc sau máy bay thả xuống đồn mấy thùng phuy chắc là đựng nước.

Đồn Thiên Thai lúc này ta bao vây, địch không xuống núi để lấy nước được.

Tôi nghĩ, nếu đã thế thì ông phá rối không cho mày liên lạc với Hà Nội. Máy chúng tôi dùng là máy Pilot, tín hiệu của máy rè và to.

Địch liên lạc với Hà Nội trên tần số thống nhất. Tôi dùng phonie quấy đảo không cho chúng làm việc với nhau.

Tôi nghe ngóng xem hiệu quả không!

Địch dùng Phonie chửi: Đ.m... Việt Minh. Thấy vậy, tôi càng phá dữ, trừ lúc bận liên lạc với các đài bạn.

Chỉ huy sở tiếp tục tiến sâu vào làng Nghi An (gần Hải Dương).

Đồng chí Mân thấy tôi dò được đài địch, nên chỉ thị điều một máy thu cho tôi chuyên trách dò tìm đài địch, còn việc liên lạc giao cho người khác.

Một buổi sáng khoảng 7-8 giờ, tôi đứng cạnh đồng chí Mân ở một hàng rào ven làng, thấy 1 chiếc xe tăng địch tiến vào đồn cách 1 km thì dừng lại, địch mở nắp xe xuống gặp em bé chăn trâu ở giữa đồng, sau đó xe tăng quay mũi lại, không vào chỗ chúng tôi.

Quan sát thái độ đồng chí Mân rất bình tĩnh, tôi chắc các làng đều có lực lượng của ta bố trí.

Vào khoảng 9 giờ, tôi thấy đài địch gọi Hà Nội:

- Demander si possible napan (đề nghị nếu có thể-napan).

- Hanoi d’accord, après 5 minutes (đồng ý, sau 5 phút nữa).

Tôi báo cáo anh Mân, địch yêu cầu Hà Nội ném bom napan. Hà Nội đồng ý chờ sau 5 phút.

Đúng 5 phút sau, 2 chiếc Hen-li-vơ mỗi chiếc đeo 2 quả bom napan như ong mang nhị hoa bay trên đầu chúng tôi.

Tiếp tục theo dõi, địch hỏi vị trí ném bom.

Mặt đất yêu cầu cách hàng rào tre 200 m (liên lạc của địch lúc nói tiếng Pháp lúc nói tiếng Việt).

Anh Mân dùng điện thoại báo đơn vị rút lui vào trung tâm làng, chuẩn bị chăn tẩm nước phòng địch thả bom napan.

Nhìn điểm bổ nhào, tôi biết chắc khu vực làng nào sẽ bị napan, nên cụm điện đài yên trí khỏi lo.

Kết quả 4 quả bom napan xuống một làng. Qua báo cáo bằng điện thoại chỉ có một người dân bị thương.

Lúc đó cũng chẳng biết là đơn vị nào, Trung đoàn 98 hay Trung đoàn 174. Mãi sau này hòa bình tôi tới gặp đồng chí Bùi (Tổng giám thị Hỏa Lò - Hà Nội), anh em tâm sự mới biết được đồng chí Bùi trước đó ở Sư đoàn 316.

Tôi hỏi: - Thế ở 316 ông ở trung đoàn nào.

- Tôi ở Trung đoàn 174.

- Hôm ở nam phần Bắc Ninh địch ném bom napan ông có ở đó không?

- Có, địch ném bom vào đơn vị tôi đóng ở làng ấy, anh Mân điện thoại báo trước nên không ai bị.

Tôi cười, quay lại phía cô con gái lớn của đồng chí Bùi:

- May quá, nếu không có bác thì chẳng có cháu ngày nay.

Cả nhà cười vui vẻ, như thầm cảm ơn tôi.

Sau này quan hệ giữa chúng tôi càng thân thiết và tình cảm.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

Thiêng liêng tình bạn

Nguyễn Tạo Khánh - nguyên cán bộ Ban liên lạc đặc biệt

Trên đường đi dạy học trở về, tôi thấy một bóng dáng quen quen đang từ phía ga Hàng Cỏ đi lại. Tới gần tôi mới nhận ra: đó là đồng chí Vũ Ngọc Thoa, bạn chiến đấu cùng Ban liên lạc đặc biệt (Tiểu đoàn 36) từ những năm 1949-1951 tại Bộ Tổng Tham mưu.

Vui được gặp lại bạn, tôi mời đồng chí về nhà nghỉ để có dịp hàn huyên sau 15 năm xa cách.

Nhập ngũ từ năm 1947, là người có nhiệt tình cách mạng, ý thức trách nhiệm cao, đồng chí đã được kết nạp Đảng năm 1948 và làm thủ quỹ của đơn vị. Năm 1951, đồng chí dẫn một số bệnh nhân về đoàn an dưỡng của Bộ rồi nhận công tác tại đây, đầu năm 1955, được chuyển ngành về Công ty Bách hóa tỉnh Hải Ninh và được phục viên vào năm 1958. Người gốc Hà Nội, nhưng vì chiến tranh, gia đình thất tán, không còn người thân thích, đồng chí trở về sống với đồng bào ở nơi xưa kia đơn vị đã trú quân: xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, để được vui cùng những tình cảm chất phác, thật thà của đồng bào các dẫn tộc và cũng là để phù hợp với cách sống bình dị, hợp với tâm trạng của mình.

Khi về nghỉ, đồng chí phải kiếm sống bằng tăng gia sản xuất, làm nghề "gõ đầu trẻ" ở địa phương để được thù lao bằng những bơ gạo của các cháu nhỏ góp lại.

Cuộc sống mang tính "tự cấp, tự túc" trong khi sức khỏe ngày càng giảm sút, đồng chí đã gặp nhiều khó khăn phải về Hà Nội để khám và chữa bệnh, đồng thời để gửi đơn xin trợ cấp.

Biết đồng chí vốn là người thẳng thắn, cương trực, luôn trọng tư cách đảng viên, nên chúng tôi lựa lời an ủi, gợi lại những khó khăn mà trước kia đồng chí đã cùng chi bộ lãnh đạo vượt qua, qua đó, động viên đồng chí tiếp tục vượt qua những khó khăn chung trong thực tế hiện nay. Điều đó "như nguyên tắc đơn giản" nhưng cũng làm đồng chí thấy lại hào khí thuở xưa, bình tâm cùng chúng tôi trao đổi tâm tình...

Không phải nằm điều trị, sau khi đi thăm một vài đồng chí anh em khác như các đồng chí Sinh Hùng, Huyến Già... đồng chí trở lại Định Hóa với tinh thần phấn khởi hơn vì đã "được cởi mở một phần những đau khổ của cuộc đời..., được an ủi, vì đó mà có thêm nghị lực của lẽ sống...".

Mấy tháng sau, đồng chí báo tin vui: "Huyện ủy Định Hóa đã gặp, an ủi, hứa sẽ giúp đỡ và địa phương đã cho mua gạo theo phiếu cung cấp" nhưng đồng chí cũng không quên động viên chúng tôi: "Kết quả đó là do sự chịu đựng, giải quyết đúng và tốt của chúng ta, trong đó có nhiều tư tưởng giải quyết kịp thời của Tạo và Khánh".

Chúng tôi rất vui, vui vì từ nay đồng chí Thoa không còn phải lo vấn đề "no cái bụng" mà cả tư tưởng cũng được động viên thỏa đáng: sự đóng góp của đồng chí cho cách mạng đã được ghi nhận!

Được ăn gạo cung cấp - chỉ phải chi 2 hào một ngày so với 1 đồng tiền gạo trước kia, đồng chí có tiền để mua thuốc chữa bệnh, nên sức khỏe đã khá hơn, tinh thần được thoải mái hơn.

Với những báo "Khoa học thường thức" và "Họa báo Liên Xô" mà chúng tôi đã gửi lên, đồng chí như vẫn bắt được nhịp sống bình thường, không chỉ ở trong nước mà cả thế giới xã hội chủ nghĩa, có lúc hứng khởi, đồng chí đã bảo chúng tôi gửi lên cả quyển "Ấu trĩ tả khuynh" để nghiên cứu!

Dù đã có đàn gà ríu rít bên tai, con mèo để vuốt ve tình cảm, đã có bụi chuối, luống rau để cải thiện sinh hoạt, nhưng qua các thư nhận được, chúng tôi cảm thấy đồng chí vẫn thiếu... Đó là một gia đình để được quan tâm săn sóc!

Đồng chí nhắc tôi phải chữa bệnh thấp khớp, cho cháu bé đi sơ tán mỗi khi thấy địch đánh phá ác liệt, lâu không có tin lại biên thư hỏi để: "Xem có làm sao không?".

Nhiều lần đồng chí nhắc chúng tôi lên chơi, để "vừa nghỉ hè vừa sơ tán".

Trong kháng chiến chống Mỹ, việc đi lại thật khó khăn, làm sao mà lên được, chúng tôi đã phải biên thư hứa là sẽ lên chơi để đồng chí vui lòng. Không ngờ, đồng chí đã tưởng thật và đã chuẩn bị đón tiếp một cách thực sự: "Nơi ngồi chơi trồng mấy cây hoa mào gà vừa để vui mắt vừa để chữa bệnh", "Sửa sang lại giếng nước trong ở chân đồi để cùng nhau tắm mát như thuở xưa...", "Khi có việc đi vắng lâu phải vội về ngay" vì sợ chúng tôi lên chơi phải ngồi chờ!

Chỉ "mong đợi, đợi với chờ" và đồng chí đã được đón cả gia đình chúng tôi lên chơi... trong những giấc mộng!, "đã cùng nhau đi chơi, xem hoa, hái quả"..., "cùng nhau rẫy cỏ quanh nhà"..., "cùng nhau trao đổi luận bàn"..., "tỉnh giấc mơ lại tiếc, tiếc vì nó chưa phải là thực, nhưng nó cũng an ủi được phần nào lòng mong đợi!...".

Nhận được thư đồng chí kể lại, chúng tôi không thể đành lòng...

Xuống ga Thái Nguyên, với chiếc xe đạp cà tàng, tôi đã vượt qua Giang Tiên, Đồn Đu để tới Quán Vuông - nơi xưa kia đã là "điểm hẹn" của bao nhiêu người - nay vẫn chưa nhiều đổi thay vì chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Tới xã Trung Lương, mỗi khi tôi hỏi nhà anh Thoa, ai cũng thân tình vồn vã: "Bác là em ông Thoa đấy à?", "Bác là người nhà ông Thoa ở quê lên chơi đấy à?...". Té ra anh Thoa cũng khá nổi tiếng: không chỉ vì nhiều người đã được anh dạy chữ mà còn ở anh, một Anh bộ đội Cụ Hồ người dưới xuôi - không người thân thích - đã lên đây sống cùng dân bản, vẫn đôi khi gánh chuối ra chợ bán.

Qua những bụi nứa, qua những khóm mua, tôi đã tới nơi: một túp lều nhỏ cạnh cây cau già trên một mỏm đồi, đó là nơi anh Thoa đang sống ẩn dật!

Theo bờ ruộng cỏ mọc không vết chân người, tôi đã lên đến nơi, nhưng sao mà im ắng? Qua cánh liếp hé mở, tôi thấy anh nằm trên giường rên hừ hừ vì đang lên cơn sốt! Bất ngờ vì thấy tôi xuất hiện, anh vùng dậy và coi như khỏi bệnh!

Vui mừng và tự hào, anh đưa tôi đi thăm một số gia đình, không quên mang theo ít bánh kẹo để làm quà cho các cháu nhỏ! Đến đâu, anh cũng được chia vui vì có bạn ở Hà Nội lên thăm, và tôi tuy chưa quen biết, cũng lại được hưởng những tình cảm mộc mạc, chân thành của đồng bào như thuở xưa...

Tối đó, anh nằm trên giường, tôi treo mình trên võng, cạnh bếp lửa hồng, cùng nhau ôn lại kỷ niệm của những năm tháng trước kia, điểm lại xem ai còn ai mất...

Tiễn tôi ra đầu đường, anh dừng lại. Bốn mắt nhìn nhau, chẳng nhiều lời nhưng ánh mắt đã nói lên tất cả: bao giờ được gặp lại nhau? Đi được một quãng, quay lại, tôi vẫn thấy anh đứng đấy, dõi theo.

Đầu năm 1979 thầy Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Định Hóa, trong dịp đi xuống xã đã phát hiện ra Anh bộ đội Cụ Hồ, người miền xuôi đã nghỉ hưu, lại là đảng viên, có chữ viết đẹp, phong cách chững chạc, có cả phiếu gạo cung cấp... Thế là anh Thoa được mời về làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ nhịp trống cho mọi hoạt động của toàn trường!

Được sống dưới ánh sáng điện, trong tiếng loa đài, giữa sinh hoạt vui nhộn của các cháu học sinh, anh như thấy trẻ lại và được mọi người khen là "đẹp lão". Nhưng tiếng trống khoan thai, đĩnh đạc của anh chẳng được lâu: tháng 9 năm 1980, anh cho chúng tôi biết: dạ dày lại hoành hành dữ, sức khỏe sút kém, anh định xin sang làm chân giữ nghĩa trang liệt sĩ để tiện cho việc "chuyển hộ khẩu” sang “Tổng cục địa chất".

Cuối tháng 12 năm 1980, tìm vào Trường phổ thông trung học Định Hóa, tôi đang khấp khởi mừng vui vì sắp được gặp lại bạn thì được đồng chí hiệu phó cho biết: anh Thoa đã qua đời trước đây một tháng và bức thư tôi gửi cho anh vừa tới nơi đã được chuyển theo anh vào trong linh cữu! Bất ngờ quá, anh Thoa ơi! Anh ra đi mà chẳng có người ruột thịt, bạn bè thân thiết ở bên! Mong anh coi bức thư đó như sự có mặt của chúng tôi, những người bạn chiến đấu liên lạc đặc biệt đến tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng!

Cuối năm 1983, có dịp lên thăm, lòng tôi se lại khi thấy cỏ mọc um tùm, lấp kín mộ anh trên một mỏm đồi hiu quạnh: ngôi mộ không được ai trông nom! Cây cỏ đã được phát quang, khói hương lan tỏa, thấm qua mộ để đến với anh, tình đồng chí, đồng đội của những ngày xa xưa...

Anh Thoa ơi! Rồi đây với thời gian, dưới mưa gió, mộ anh có còn được là ngôi mộ của người chiến sĩ vô danh hay sẽ bị san bằng, lẫn trong đất đá cỏ cây của núi rừng Việt Bắc? Rồi đây, về sau, mãi về sau, biết đâu, họ hàng thân thích của anh chẳng lần ra được tin tức để đến với anh? Cũng từ ý nghĩ khắc khoải đó, tôi đã nhờ đồng chí giáo viên dẫn đường đúc cho một tấm bia bằng xi măng cốt thép - dù không biết quê quán - cũng chỉ khắc thật sâu dòng chữ Vũ Ngọc Thoa, đặt lên mộ, để dù sau này nấm mộ không còn, nhưng tấm bia vẫn còn đó, lưu mãi với thời gian, để có ai đó tới thăm, cũng tìm được đến nơi mà thắp những nén nhang tưởng nhớ...

Cuối năm 1991, nhân dự kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Ban liên lạc đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khêu gợi mọi người viết lại những điều đáng ghi nhớ... và chúng tôi nhiều người cũng đã viết.

Với chuyện "Trích thư của người đã khuất", chúng tôi đã kể lại những mối liên hệ với anh Thoa, những lời anh Thoa nhờ chuyển đến anh chị em liên lạc đặc biệt trước kia, để mọi người cảm nhận được tình đồng chí, tình bạn bè của một con người cô đơn và cũng là để giãi bày tình cảm của chúng tôi đối với anh Thoa.

Tưởng là câu chuyện đến đây đã kết thúc nhưng không ngờ, thật không ngờ!

Sau khi tập sách được xuất bản, nhiều anh chị em đã đọc và câu chuyện về anh Thoa đã được biết đến. Anh Công một cán bộ cũ của Ban liên lạc đặc biệt đã có cơ sở để trả lời anh bạn đã nhiều năm hỏi tin tức về ông cậu của mình: đồng chí Vũ Ngọc Thoa. Đầu tháng 10 năm 1996, anh Côn đã dẫn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đức, cháu của anh Thoa tới gặp chúng tôi. Câu chuyện được kể lại... và anh Đức thực sự xúc động khi chúng tôi đưa cho xem một số bức thư mà anh Thoa đã gửi: đúng là bút tích, nét chữ đặc trưng của gia đình mà cụ thân sinh ra anh Thoa đã rèn luyện cho con cháu, và anh xin một số thư. Khoảng 10 ngày sau chúng tôi nhận được thư của cụ Vũ Minh Kính, anh ruột của anh Thoa từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra, với lời lẽ hết sức xúc động, trân trọng theo lối cổ xưa: "...Tất cả các tin tức về em Thoa do quý ông bà đưa lại là cả một sự xúc động mãnh liệt cho gia đình chúng tôi sau bao nhiêu năm trời cố gắng tìm kiếm nhưng không có kết quả gì. Tôi nghĩ có lẽ em Thoa cũng đã đồng ý về với gia đình nên đã run rủi cho gia đình chúng tôi được gặp gỡ liên lạc với quý ông bà... Dù đường sá xa xôi, sức khỏe kém sút, tôi cũng xin cố gắng ra Bắc và xin được nhìn nhận phần mộ của em Vũ Ngọc Thoa...".

Giữa tháng 10 năm 1996, gia đình chúng tôi tại Hồ Đầm - phường Ngọc Hà đã được đón tiếp cụ Kính cùng cụ bà và mấy ông cháu trong không khí thân tình xúc động. Cụ Kính đưa cho chúng tôi tấm ảnh anh Thoa chụp hồi còn ít tuổi rồi cụ cho biết: Anh Thoa là con út của gia đình, mồ côi mẹ từ khi mới ra đời, sống và lớn lên trong hoàn cảnh không được thuận lợi, thiếu tình cảm mẹ con và từ khi còn ít tuổi đã phải xa gia đình tự kiếm sống. Anh đã vào Sài Gòn, lên cả Đà Lạt làm nhiều nghề để sinh sống. Đến năm 1947, anh vào bộ đội, anh chị em mỗi người một phương, không mối liên hệ. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi vẫn bặt tin nhau, cứ tưởng anh đã hy sinh hoặc đã sang Trung Quốc lập nghiệp. Sau bao năm tìm kiếm tưởng đã vô vọng, nay lại được tin. Dù đường xa cách trở, tuổi già sức yếu, các cụ cũng xin được dẫn lên thăm mộ để thỏa nỗi nhớ mong...

Các cụ cũng vui cười khi nghe tôi kể lại chuyện anh Thoa đã vung dao độc diễn vở "Tự vệ giữ làng", trầm lắng khi anh gặp những khó khăn thời gian đầu mới xuất ngũ, bình tâm thoải mái khi anh đã có những năm tháng ở Trường phổ thông trung học Định Hóa...

Chiếc xe chở chúng tôi cũng đã vượt qua thành phố Thái Nguyên và bon theo hướng Bắc Kạn, các cụ đã được trực tiếp ngâm canh hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc, nơi mà người em thân yêu của các cụ đã từng lặn lội công tác, đã làm trọn nhiệm vụ với dân tộc. Xe đã dừng tại sân Trường phổ thông trung học Định Hóa, chúng tôi vừa xuống xe thì thầy Hiệu trưởng Vũ Ngọc Đỉnh đã vội vã bước tới, ôm chầm lấy cụ Vũ Minh Kính mà chẳng chờ phải giới thiệu - vì đó là hiện thân của đồng chí Vũ Ngọc Thoa!

Trong phòng họp của nhà trường, sau khi biết được ý định của chúng tôi, đáng lẽ phải về Thái Nguyên dự cuộc họp của Sở, đồng chí Đỉnh đã cử đồng chí khác đi thay để ở nhà cùng chúng tôi thực hiện kế hoạch, như chính việc của gia đình mình. Tôi không khỏi bất ngờ khi đứng trước mộ anh Thoa: ngôi mộ đã được dọn dẹp sạch sẽ không còn có mọc rậm rạp như lần trước tôi đi thăm. Có rãnh thoát nước, có hàng cây rợp bóng mát. Trên mộ còn có cả chân hương đỏ hồng, cả thuốc lá đầu lọc cắm trên. Ngôi mộ đã có người trông nom chu đáo!

Số là đồng chí Vũ Ngọc Đỉnh, người dẫn tôi vào thăm mộ hơn mười năm trước, khi biết anh Thoa cùng họ Vũ, vì động lòng trắc ẩn đối với ngôi mộ cô đơn và cũng có thể vì tình cảm thiêng liêng của dòng họ, đã quan tâm chăm sóc.

Lễ vật đã được bày lên với các loại hoa quả, bánh trái, vàng mã... Các cháu con anh Đỉnh đã chở cát, xi măng và nước từ nhà tới. Nền đã được san, bệ đã được đắp, bia đã được dựng. Những hàng chữ "Vũ Ngọc Thoa - sinh năm 1917 tại Hà Nội - mất năm 1980" đã óng ánh sắc vàng tươi trong nắng chiều của rừng núi Chợ Chu.

Tại nhà anh Vũ Ngọc Đỉnh, vấn đề quan trọng đã được bàn tới: đưa anh Thoa về Hà Nội hay để anh nghỉ tại đây? Sau nhiều ý kiến trao đổi từ nhiều phía khác nhau, mọi người đều nhất trí để anh Thoa lại đây và xây quây lại cho vững chắc vì:

Anh Thoa đã chọn nơi đây để sinh sống và làm nơi nghỉ cuối cùng. Anh Thoa không có gia đình riêng, không có con cháu, mà gia đình cụ Kính ở mãi trong Sài Gòn, tuổi đã cao sức yếu, dù đem về cụ cũng không thể ra để trông nom được.

Anh Thoa mang họ Vũ: Vũ Ngọc Thoa, anh Đỉnh cũng họ Vũ: Vũ Ngọc Đỉnh, âu cũng là một sự trùng hợp thiêng liêng. Anh Đỉnh xin được coi anh Thoa như cha chú để thờ phụng chăm sóc phần mộ; không chỉ trước mắt mà cả về lâu dài, con cháu anh Đỉnh sẽ làm tròn nhiệm vụ như đối với ông cha mình.

Nén hương đã được thắp trên bàn thờ. Sau lời khấn của anh Đỉnh và cụ Kính, tất cả chúng tôi kính cẩn, nghiêng mình trong những giây phút thiêng liêng này. Chân nhang hồng tươi từ bát hương nhà anh Đỉnh đã được gói lại để về cắm trong bát hương nhà thờ tổ của gia đình anh Thoa tại 122 phố Trần Nhật Duật - thành phố Hà Nội.

Trong đêm sương của mùa đông chớm lạnh, chúng tôi trở về, ai nấy đều thanh thản vì đã hoàn thành nhiệm vụ: "Trọn nghĩa gia đình, vẹn tình đồng đội".

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

Đi tiễu phỉ

 Nguyễn Dần - nguyên trưởng đài Đội 101

Là một thanh niên Hà Nội, tôi rất thích vô tuyến điện, đã được đọc quyển "Vô tuyến điện, nhưng rất đơn giản" (La Radio, mais c'est très simple). Năm 1948, sau khi học xong lớp báo vụ ở Thượng Đình (Thái Nguyên) tôi được về công tác ở đài Trung ương thu tin (kiêm cả Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam). Ở đây tôi được bác Nguyễn Cung, giám đốc đài dạy lý thuyết và bác Kỳ cơ công hướng dẫn thực hành, nhờ đó tôi đã hiểu được nguyên lý máy thu phát vô tuyến điện và lắp được những máy đơn giản dùng trong thời ấy.

Tháng 4 năm 1952, khi đang làm một đài trưởng của 101 lúc đó đóng ở Chợ Chu thì tôi được gọi lên gặp Đại đội trưởng Diệp nhận nhiệm vụ đi phối thuộc phục vụ Ban Chỉ huy chiến dịch tiễu phỉ ở Hà Giang. Đây là lần đầu công tác độc lập, rất xa đơn vị, tôi phải lo mọi thứ, nhưng lo nhất là máy móc không đảm bảo. Khi gặp đồng chí Hân (cơ công) nhận máy, tôi yên tâm vì đây là máy thu Sinen, máy phát một đèn dùng thạch anh. Tôi xin một tuốc vít, một mỏ hàn, thiếc, nhựa thông; đó là tất cả dụng cụ có được, rồi cùng với đồng chí Thi (đen) báo vụ, hai đồng chí quay viên, hai cơ yếu, chúng tôi đi qua ATK ra Tuyên Quang (nơi tôi rất thuộc địa hình), rồi ngược lên Hà Giang, Quản Bạ. Qua mấy trăm cây số, vượt mấy cổng trời đến Phố Bảng - Sở chỉ huy chiến dịch ở đây, đài được bố trí ở cửa hang đá, an toàn, liên lạc tốt. Anh em phấn khởi công tác đang chạy thì một hôm Ragonô có tiếng kêu bất thường, liên lạc chưa xong thì không quay được nữa, bánh răng bị vỡ, hỏng hóc ngoài dự kiến và vô phương cứu chữa. Cơ quan đang nhộn nhịp bỗng lặng hẳn đi. Anh em Thông tin và Cơ yếu thất nghiệp. Vô tuyến điện đứt liên lạc với Bộ Tổng tư lệnh, mặt trận mất sự chỉ đạo của trên.

Sự việc xảy ra đột ngột, không kịp báo cáo với đại đội để xin chi viện. Vả lại "nước xa không cứu được lửa gần". Tôi nghĩ là thử vận may ở bạn (Giải phóng quân Trung Quốc). Tôi đề đạt ý kiến đó lên đồng chí Tư lệnh. Chiều hôm sau, liên lạc đưa về một cái gì đó, bám đầy bụi đất, gỉ sắt tùm lum, tôi chưa thấy bao giờ. Đó là cái Ragonô (kiểu của máy 282 sau này), gay nhất là chỉ còn một tay quay, không có coóc-đông và không còn một dấu vết chỉ dẫn nào cả.

Tôi vừa lau chùi vừa nghĩ cách. Cần một cái Sonnơ, tôi tháo vôn kế (VK), cắt coóc-đông của cái Ragonô Simco cũ. Dò mạch cẩn thận, nối vào cái Ragonô (TQ) và quay thử thật chậm, thấy vôn kế lên nhanh, đây là đầu cao áp. Chuyển vốn kế sang lỗ bên, quay tốc độ làm việc, vôn kế chỉ 6V. Mừng quá, Ragonô phát điện bình thường. Công việc còn lại đơn giản, nối dây xong, cố định, đánh dấu rõ ràng. Rồi Ragonô quay-maníp gõ-đèn nêon đỏ rực, máy phát làm việc sẵn sàng chờ giờ liên lạc, máy thu bật sớm vài phút, nhưng đã thấy ở nhà đang gọi tha thiết (đứt liên lạc hơn một ngày rồi). Sau tín hiệu K, tôi lập tức trả lời và QSA?

QSA3 - tất cả mừng rỡ. Các điện đọng được giải quyết nhanh chóng. Sở chỉ huy lại rộn ràng, anh em vui không thể tả được. Và chính nhờ cái Ragonô "què" ấy và sáng kiến của các đồng chí quay viên, buộc dây vào tay quay, hai người quay theo kiểu "đẩy kéo" mà chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đến hết chiến dịch.

Việc nhỏ ấy ngày nay có ý nghĩa gì, nhưng thời đó có thể coi là một chiến công đấy và tôi đã được Cục Thông tin liên lạc khen thưởng.

Trên đường về, hàng trăm cây số trước mặt, tuy đã cuối thu nhưng nắng vẫn còn rám trái bưởi mà dòng sông Lô chảy sát bên cạnh như mời chào. Anh em đề nghị đóng bè xuôi sông, tôi do dự mãi mới giải quyết như sau: một người và máy đi nhờ bè nứa của dân (họ chỉ có thể giúp đỡ như vậy), còn thì lên bè tự tạo. Sông Lô hung dữ với bao ghềnh thác, bè trôi vùn vụt như tên, may mà đêm ấy tất cả an toàn cập bến Tuyên Quang, nghĩ lại tôi sởn cả tóc gáy.

Đi chiến dịch có nhiều kỷ niệm như vậy kể cũng thú vị đấy chứ!

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

"Ngủ đứng" - Chuyện thật như ... đùa

 Phạm Ngọc Tú

Tôi kể câu chuyện khó quên xảy ra năm 1951, khi đại quân ta chuẩn bị mở chiến dịch Hà Nam Ninh (Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình). Tiểu đoàn 303 được lệnh xuất quân đi phục vụ chiến dịch. Cán bộ và chiến sĩ ai ai cũng hăng hái, phấn khởi hoàn thành những công việc chuẩn bị cuối cùng.

Thế rồi theo đúng kế hoạch, toàn đơn vị rời căn cứ địa cách mạng ở Thái Nguyên hướng về vùng đồng bằng Hà Nam Ninh. Nhưng trong kháng chiến ta và địch sống xen kẽ nhau như các nhà quân sự thường dùng cụm từ: "Cài răng lược". Để đảm bảo tuyệt đối giữ bí mật và bảo toàn được lực lượng, quân ta phải đi vòng vèo qua một số vùng đất của các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình để đến được Ninh Bình, vượt qua sông Lô, sông Thao, sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Hoàng Long và nhiều khe suối, đèo dốc, nhiều cánh rừng với biết bao gian nan vất vả.

Toàn hành quân ban đêm. Từ 17-18 giờ hôm trước đến 3-4 giờ sáng hôm sau. Kỷ luật hành quân rất nghiêm: Không được trò chuyện, gọi nhau hoặc cười nói to. Không để cho vũ khí và trang thiết bị thông tin va chạm nhau phát ra tiếng động. Không được dùng đèn lửa trên đường đi. Lúc phải chạy, lúc đi nhanh, lúc đi chậm. Khi vượt sông, vượt suối, khi dừng lại nhất thiết theo lệnh của người chỉ huy ở phía đầu hàng quân. Người phía trước truyền khẩu cho người ở sau mình theo kiểu nói thầm sao cho vừa đủ nghe để rồi lại truyền tiếp cho người sau, cứ thế cho đến người ở cuối hàng quân.

Việc bộ đội ta "lấy đêm làm ngày" cũng có nhiều ưu điểm, song cũng có những mặt hạn chế. Ví dụ như: con người ta thường mệt mỏi và thèm ngủ đêm, tầm nhìn hạn hẹp, nhận biết đường đi lối lại, đường ngang ngõ tắt không dễ, phân biệt địch ta cũng khó khăn. Nhiều khi trên đường đi hoặc những nơi dừng chân chúng tôi cũng không thể biết được chân mình đang đứng trên vùng đất của tỉnh nào. Có chăng chỉ khi đi qua những con sông lớn hoặc vượt qua đèo dốc lớn chúng tôi mới phán đoán được vùng đất mà mình đang đi qua hoặc dừng lại nghỉ ngày để rồi đêm tối lại ra đi.

Những khi vượt sông thì thuyền, đò, bè, mảng là hoàn toàn dựa vào nhân dân. Có gì dùng nấy. Khi thì dân cho mượn, tự chuyên chở nhau qua sông. Khi thì dân chuyên chở do lòng yêu nước và thương bộ đội - ủng hộ kháng chiến. Nhưng phương tiện thì có ít, người thì đông. Mỗi lần vượt sông mất nhiều giờ đồng hồ.

Câu chuyện "Ngủ đứng" xảy ra vào một đêm cuối tháng, trời không trăng sao, tối đen như mực. Sau khi có lệnh: "Tạm dừng tại chỗ. Chuẩn bị qua sông". Thế là theo hàng dọc của đội hình hành quân, khi một người nào đó ở phía trước, sau khi nghe lệnh đã dừng lại, rồi quay đầu phía sau truyền lệnh cho người khác. Còn những người ở phía sau thì vẫn dồn bước tiến lên (vì lệnh chưa đến tai mình). Khi lệnh đến tai người cuối hàng quân thì cũng là lúc người nọ đã dồn ken sát vào người kia thành một dãy dài... Đôi hàng mi thì như có một lớp keo đặc biệt dính chặt vào nhau. Còn hai chân thì không còn muốn cất bước nữa sau hơn mười đêm đi liền, đi liên miên không nghỉ với chặng đường hơn 300 km.

Thế là những giờ phút "Ngủ đứng” bắt đầu.

Thời gian vẫn không ngừng trôi.

Hơn hai đại đội của tiểu đoàn đã qua sông Đà tiến về phía trước. Còn gần một đại đội vẫn ngon giấc "Ngủ đứng". Chắc chắn là sẽ có một lệnh truyền khẩu khác: "Lần lượt xuống thuyền qua sông" vì còn bận... ngủ…

Trong hành quân, cán bộ tiểu đoàn và đại đội thường thay nhau đi ngược từ đầu hàng xuống cuối hàng để động viên, kiểm tra, đôn đốc hoặc mang vác hộ trang thiết bị, vĩ khí cho những chiến sĩ nào quá mệt mỏi hoặc ốm đau bất thường... Khi phát hiện thấy thiếu quân mới cử mấy người qua sông để tìm và đón... Thì, đây rồi một dãy dài "Từ Hải đang ngủ đứng"... May mà không có chuyện gì xảy ra.

Thật hú vía.

Chuyện thật 100% mà cứ như... đùa!

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

Họ giỏi thế nào?

Đại tá Lê Dung - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Thông tin

Thông tin vô tuyến điện có 2 loại nhân viên chuyên ngành là báo vụ viên và cơ công.

Thời chống Pháp người ta bảo “Báo vụ viên ta giỏi lắm" và "Cơ công của ta rất giỏi".

Mời các bạn ta cùng thử tìm hiểu xem họ giỏi thế nào?

Tài thật, tài thật! Này anh báo vụ viên! Làm sao mà nghe tiếng chim ríu rít như thế lại viết ra những dòng chữ có ý nghĩa. Để làm được như thế, anh học mất bao lâu? Sáu tháng thôi ư? Sao mà nhanh thế? Ở trường nhạc chỉ học có 7 nốt nhạc mà muốn thuần thục cũng phải học suốt 7 năm ròng, còn anh thì phải học ít nhất là 34 nốt nhạc1.

Chim ríu rít lanh lảnh, nghe ra ý ra lời đã tài. Nhưng chập tối chọn ra được "tiếng chim quen" thì "thánh thật" ấy chứ. Một nhạc trưởng nhận ra một âm giáng (bémol) không đúng chỗ trong âm thanh cả một dàn giao hưởng hàng trăm tiếng đàn, đã được phong làm giáo sư rồi. Người ta có gọi anh là giáo sư không? Chao ôi! Nửa đêm về sáng, các âm thanh suy yếu, hết hơi chẳng còn ríu rít được nữa - nghe cứ lào thào như tiếng vọng từ âm ty ấy mà các anh vẫn còn thì thào nghe và hót cho nhau nghe đủ ý, đủ lời được, thế thì tài ngang với quỷ thần ấy chứ lỵ!

Nhưng này, tôi nghe đài cứ vặn đúng số là ung dung ngồi nghe, và mơ màng theo tiếng hát, còn anh tại sao khi nghe đài lại cứ luôn tay vê cái núm tìm đài - Thế thì "mất đài" còn nghe sao được?

Chẳng là hồi đó máy của ta thô thiển như thứ đồ chơi trẻ con ấy. Vặn núm thấy đài là giữ im tay trên máy không được buông ra. Buông tay ra là "buông mất cả đài mà ta vừa nghe thấy".

Thế mà cũng chịu khó nghe cả tiếng đồng hồ, có lẽ người cứng đờ ra như tượng đá mất thôi.

Người ta có biết đâu "cái khổ ấy của nghề" chúng tôi hay đùa cợt nhau gọi là "làm cái nghề bẹp tai chai đít" ai xui đâu mà lại mô tả nghề mình "xấu xí" thế, để người ta "xem thường"!

Cái oan này chắc còn hơn cả "cái oan Thị Kính".

Từ nãy đến giờ có thể anh cho chúng tôi là khen anh quá lời? Không đâu! Sĩ quan Thông tin Ấn Độ (trong Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam) và sĩ quan Thông tin Pháp (đối thủ của ta lúc đó) cũng chịu không làm liên lạc Bắc - Nam được bằng máy 15W của Mỹ, trong khi anh vẫn làm ngon, mà còn làm liên lạc Bắc - Nam bằng cả máy 10W nữa cơ.

Vậy là tôi có so đo anh với Quốc tế để kiểm chứng ý kiến của tôi; anh giỏi hơn báo vụ viên thế giới đấy!

Xin hỏi anh, anh bạn cơ công, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể viết về chiến tranh chống Nhật - Pháp, nói cả nước ta "một mình chiến đấu giữa vòng vây của kẻ địch". Hồi ấy súng gươm có ít thì cuốc, thuổng, đòn sóc, đòn càng một cái gậy tầm vông cũng thành vũ khí. Các anh kiếm đâu ra máy vô tuyến điện cho bộ đội liên lạc lúc đó.

Thì bòn trong đống đồng nát mà xã hội vứt bỏ, nhặt cái gì có thể lắp ráp thành máy vô tuyến điện được thì làm. Con mắt, bàn tay đặt vào cái gì, nấy thành vũ khí. Thế phải học bao lâu? Cũng chỉ có sáu tháng thôi à? Sao nhanh thế? Nhưng việc này là "chế tạo", là "sản xuất" ra máy nghĩa là phải dùng công cụ, phải dùng máy đo lường, kiểm định lại, cần dùng cả điện năng nữa, chứ có giống việc chỉ dùng tay mà nặn đất thành "con lợn để dành tiền" của trẻ con đâu?

Đúng vậy, nhưng chúng tôi chỉ có "cái đầu có chút hiểu biết về điện và vô tuyến điện" và có "cái trái tim quyết làm bằng được những gì mà kháng chiến cần" thôi. Cả nước nghèo, chúng tôi cũng nghèo quá mức mà! Còn kẻ địch thì nhằm vào cái nghèo để đánh ta.

Thế rồi thiếu dụng cụ làm tay thì phải nhặt nhạnh đồ cũ hỏng sửa lại thô thiển, thiếu công cụ đo lường thì chắp vá, lắp lấy máy đo, cũng thô thiển, nhưng dùng được việc.

Còn thiếu điện thì phải tìm cách làm không cần điện. Điện phải dành cho việc liên lạc thôi, mà cũng phải lắp ra cái máy “ăn ít điện" thì mới "hợp cảnh đói điện" của cả dân tộc mình, chứ đâu chỉ riêng chúng tôi "đói điện".

Cái máy vô tuyến điện chúng tôi phải làm ra lúc đó cũng thô thiển như một thứ đồ chơi con trẻ vừa chơi vừa học đấy thôi. Thật ra cũng được anh em báo vụ ta hết lòng vì cuộc kháng chiến, đã tận dụng máy đó, làm nên việc hữu ích, chứ nếu không có "cái tài", "cái chí" của anh em báo vụ viên, thì cái máy vô tuyến điện chúng tôi làm ra cũng thành đồ phế thải thôi! Một số anh em báo vụ viên có chút học vấn về điện và vô tuyến điện, cũng tự lắp máy vô tuyến điện để làm liên lạc như thế. Tài thì thấp, sức thì mọn, làm việc như vậy cũng là "làm việc hết mình" rồi đó, ở hoàn cảnh lúc đó, điều này quý giá lắm, nhưng không ai bán, để có chuyện tìm mua. Vì thế nhiều người không biết "giá trị" của nó như thế nào? Cứ gọi là "vô giá" vậy.

Thế đến lúc bộ đội ta mạnh hẳn lên, đánh địch lấy vũ khí của nó trang bị cho mình, thì các anh làm gì với mấy cái máy cướp được của địch? Có lẽ lúc đó các anh nhàn rỗi lắm nhỉ?

Máy vô tuyến điện lấy được của địch bộ đội đem theo đánh giặc chứ có đem về bày ở phòng khách như cái Radio của các anh đâu! Nó cũng vất vả, gian nan cùng bộ đội chiến đấu, rồi cũng "ốm đau" "bệnh tật" và "bị thương" cùng bộ đội mình. Thế là chúng tôi phải làm "bác sĩ" chữa chạy hồi phục cho nó có thể tiếp tục "hành quân, tác chiến" cùng bộ đội ta chứ.

Chẳng nhàn hơn, mà bận rộn, tất bật hơn lên nhiều! Anh cứ nghĩ xem, trong khi  bộ đội ta đối mặt với quân đội viễn chinh Pháp (cho dù lính nó da trắng, da đen, da vàng, đủ loại da thì cũng là đội quân của Pháp) thì chúng tôi lại đối mặt với máy thông tin của Pháp, Mỹ, Ca-na-đa của Anh quốc, Nhật Bản và Tầu Tưởng. Cứ tạm gọi là với kỹ thuật của 4 hoặc 5 nước đầu sỏ tư bản và đế quốc. Mỗi nước có công nghệ và kỹ thuật ứng dụng khoa học riêng của nó. Phải xem xét tìm hiểu đủ mặt chúng nó, phần thì để giới thiệu vũ khí địch cho bộ đội ta biết vận dụng, phần thì chính chúng tôi cần biết để sửa chữa, khôi phục nó dùng cho bộ đội ta chứ.

Cuộc đối mặt đó, bề ngoài thì thầm lặng, nhưng bề trong thì quyết liệt lắm, nhiều anh em quên ăn, quên ngủ, dẹp hết lo toan cá nhân, để hết tâm trí vào. Rõ ràng là phải chiến đấu một chọi với 4-5 rồi mà toàn là bọn sừng sỏ về kỹ thuật.

Vậy thì anh học ai, ở trường nào, để có thể làm được như một kỹ sư trưởng, một công trình sư, như thế mà có ai gọi anh là kỹ sư trưởng hay công trình sự không?

Đánh địch, lấy máy địch, ta lấy được cả sách hướng dẫn dùng và giữ gìn. Mình xem các tài liệu phổ thông đó, rồi xem vào kết cấu cụ thể của máy mà suy ra những điều cần thiết khác. Cũng cần có một chút học vấn, văn hóa phổ thông thì có thể hiểu ra, biết được thôi.

Nhưng cái quan trọng hơn cả là ở phần hồn của mình, đó là ý chí quyết thắng. Kẻ địch đã cậy vào sự phát triển cao về khoa học, kỹ thuật và công nghệ của nó, đem cái đó ra đối trị mình, thì mình phải biết dù mình chưa làm ra được thì cũng phải biết rõ vũ khí của nó. Cho nên chúng tôi nhất định phải nắm cho được kết cấu, tính năng, đặc điểm của máy địch, bắt máy địch phải khuất phục mình. Vậy là phải đưa mình nhỉnh cao hơn 4-5 thằng địch, thế rồi cũng vượt lên, bám sát những biến động trong việc địch cải tiến vũ khí của nó dùng chính những cải tiến đó đánh trả lại địch. Chúng tôi buộc phải "chấp cả bọn nó"!

Vậy là suốt 9 năm chống Pháp, anh đã vừa làm vừa học, học ngay trong cuộc vật lộn với địch, một thằng địch được 4-5 nước công nghiệp phát triển trang bị cho những tiến bộ khoa học kỹ thuật đầu bảng của chúng.

Rõ ràng anh đã giữ vững vị thế của một chủ nhà, phải tiếp một lũ "khách không mời mà đến" buộc bọn nó phải ôm đầu mà rút lui nhục nhã.

Anh đã hành động thật sự “anh hùng".

Cảm ơn anh đã động viên khích lệ, tôi sẽ cố gắng học thêm, học nữa và học thì hành cho được việc thiết thực. Phải nói với anh là: ra khỏi cuộc chiến, chúng tôi cũng đến cái tuổi mà hơi sức không còn dồi dào được như xưa. Vì thế không dám hứa hẹn gì cao xa.

Mà có trường đại học nào có thể có chương trình giảng dạy phong phú và cập nhật với thời đại như thế? Sao người ta không tặng anh một chứng chỉ học vị công trình sư hay tổng công trình sư? Những học trò chỉ được học một mà phải biết ra 4-5 như anh là hiếm đấy chứ!

Anh nói thế làm tôi nhớ đến chuyện có một sĩ quan cao cấp Pháp hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Ngài đã tốt nghiệp từ học viện quân sự nào?".

Đại tướng của ta trả lời rất thâm thúy: "De la jungle, en combattant les japonais" (dịch ra là: Từ trong rừng già, trong cuộc đánh trả quân Nhật).

Tháng 11-1998

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

---------------------------

1 24 chữ cái + 10 chữ số = 34 ký hiệu có nhạc điệu khác nhau rành rọt như 34 nốt nhạc vậy. 

Trạm “Xì-Bê” – “Xóm Bưởi” năm xưa

Phạm Đức Chung

Sau Thu Đông 1947, giặc Pháp vừa rút khỏi Việt Bắc, tôi đi từ Bố Hạ qua Bắc Sơn giữa núi rừng âm u, suối sâu, núi cao thỉnh thoảng lại thấy những bản làng cháy trụi, thóc lúa bị đốt, khói còn âm ỉ xen lẫn mùi hôi tanh của những đàn trâu bị giặc bắn chết, nhiều nhất là cánh đồng Cù Vân nói lên tội ác và mưu đồ của chúng: làm cho các tỉnh miền núi không nuôi nổi bộ máy kháng chiến và bộ đội ta. Ngày đi, đêm nghỉ, chân đất, đầu đội chiếc mũ nồi, vai đeo bị theo các anh liên lạc đặc biệt lên Đại Từ. Đó là ngày tôi vào bộ đội.

Thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ trôi qua, mỗi khi nhớ lại thấy ta đã có những năm tháng đầy tự hào của thời trai trẻ. Đẹp làm sao tuổi 16! Khó khăn gian khổ vẫn vui vẻ nhẹ nhàng như không, càng yêu núi rừng khe suối có chim hót trong sớm ban mai, tiếng trâu gõ mõ khi sương chiều lan tỏa...

Mình về mình có nhớ ta,

... Trám bùi để rụng, măng mai để già.

Các mế, các chị, các em trong bản gọi chúng tôi là anh bộ đội - thân thiết, gần gũi. Nhưng chúng tôi chỉ mặc bộ bà ba nâu, mùa đông có áo trấn thủ, làm gì có quân phục, mũ sao. Nhân dân Việt Bắc nơi quê hương cách mạng, thủ đô của kháng chiến đã đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng với tình cảm mộc mạc coi bộ đội như con em mình. Trạm chúng tôi đóng trong nhà dân, có tên gọi "Xì-Bê" (xóm Bưởi) được "cả làng chuyển đạt "từ Khu 4, Khu 3 trở ra, Khu 10, Khu 12 biết tới. Vì là trạm đầu mối chuyển công văn, tài liệu từ Bộ Tổng chỉ huy tới các đơn vị và ngược lại, trạm theo sát cơ quan Bộ. Những con người của trạm với các biệt danh: Khoát "sứt", Huyền "già", Tấn "khoèo", Liên "con", Chung "bụ", Hiển "béo"... chưa đầy chục con người ngày đêm miệt mài làm việc, sống gắn bó tình cảm, thương yêu chăm sóc nhau như anh em một nhà, nhường nhau từng viên thuốc lúc ốm đau. Có bữa cả trạm ăn một quả trứng không hết vì quá mặn, đói gạo có măng rừng, mặc rét thì đốt lửa sưởi, đêm lạnh ta nằm úp thìa, cuộc sống vẫn tươi vui. Ngày qua ngày, công việc của trạm cứ chạy đều như con suối mải miết chảy mãi tới biển khơi. Trong lòng mỗi người đều ấp ủ sao cho chóng đến ngày "Độc lập" được trở lại Thủ đô.

Hôm nay, có những người đã ra đi (anh Huyến, anh Liên) nhưng còn lại quanh Hà Nội; người ít tuổi nhất cũng ngoài 60, cao tuổi như bác Khoát (Khâm Thiên) phải trên 80. Hàng năm vào ngày 12 tháng Chạp - ngày khai sinh ra liên lạc đặc biệt (12-12-1946) là ngày gặp mặt.

Năm mươi năm rồi! Khi xưa ai đâu nghĩ tới những buổi gặp mặt nghĩa tình ấy của những chiến sĩ liên lạc đặc biệt, các cụ, các bác, các bà đến với nhau với niềm vui hội ngộ của tuổi già. Cảm động hơn cả còn được đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự như năm nào đó giữa núi rừng Việt Bắc, những cánh chim liên lạc ngày đêm đến bản doanh của Bộ Tổng chỉ huy đảm đương nhiệm vụ thiêng liêng: bảo đảm thông tin liên lạc.

Hà Nội, ngày 7-10-1996

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

Áo Bác Hồ

Lê Bá Hồi - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thông tin Quân bưu 130

Trong chiến dịch Hòa Bình, cuối thu năm 1951, tôi cùng hai đồng chí công tác "chuyến liên lạc đặc biệt".

Đến ngang Tu Vũ dưới chân núi Chẹ, gần bờ sông, chúng tôi bị quân địch phát hiện.

Chúng đuổi bắt, cả hai đầu, bí quá... cả ba chúng tôi đành nhảy xuống sông. Không ngờ... hai đồng chí kia không biết bơi, tôi chỉ ôm được một anh, lặn xuống đáy sông và từ đó lần vào bờ, đúng nơi có địch.

Chúng xả súng máy bắn xuống lòng sông để tiêu diệt chúng tôi; một anh bị nước cuốn trôi đi, còn hai chúng tôi nấp trong bụi cây thấp ven bờ, chỉ để hở mũi thở. Hồi đó vào khoảng trung tuần tháng 8 ta, nước sông còn cao, cuồn cuộn chảy mạnh, cuốn phăng đi các thứ, củi, rác, cây đổ...

Quan sát một lúc lâu, không thấy gì, chúng cho là cả ba đã chết và rút khỏi bờ sông.

Chờ cho địch đi xa, chúng tôi ở dưới nước lần theo bờ sông mà đi, đến chỗ thật an toàn, lên bờ. Cả hai đều mệt lả... kiểm tra công văn, vũ khí vẫn đầy đủ an toàn; chỉ mất ba lô quần áo. Mấy hôm sau, may quá, đồng chí thứ ba cũng mò được về đơn vị do được nhân dân cứu vớt.

Chuyến đó, về đơn vị tôi được tuyên dương về thành tích:

- Dũng cảm cứu đồng đội.

- Bảo vệ công văn an toàn.

- Về đúng thời gian quy định.

Được đơn vị tặng thưởng: một áo nâu mới. Chiếc áo này của phụ nữ tỉnh Hải Dương biếu Bác Hồ, để tặng thưởng chiến sĩ có công, với bốn câu thơ thêu trên ngực áo:

Công chúa Ngọc Hân mơ Nguyễn Huệ

Bởi say sự nghiệp khách anh hùng

Em cũng mơ người trai đất Việt

Sẽ là ngàn vạn Nguyễn Quang Trung.

Chiếc áo Bác cho đã động viên tôi trong những tháng năm dài chiến tranh ác liệt và gian khổ.

Tôi đã dũng cảm vượt qua, luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, là người lính thông tin liên lạc, cho đến ngày Tổ quốc ta sạch bóng quân thù.

Chiếc áo đó, gia đình tôi vẫn lưu giữ, như một báu vật, cho đến bây giờ, áo vẫn trang trọng nằm trong khung kính.

Nguyễn Thị Mão ghi

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

29/10/24

Tình đồng đội

 Đại tá Vũ Khuê - nguyên cán bộ Tiểu đoàn 303

Có những chuyện lâu ngày đã quên.

Nhưng cũng có những chuyện không thể nào quên được. Đó là tình đồng đội, tình đồng chí, tình cán binh trong những năm tháng chiến đấu gian khổ. Càng gian khổ thiếu thốn càng thương yêu nhau, nhường cơm, sẻ áo cho nhau, sống chết có nhau, coi nhau như ruột thịt. Ngoài giờ làm việc ra thường trò chuyện và gọi nhau bằng những cái tên thân mật như: Anh Sơn "sì", anh Thọ "lùn", anh Đạm "đen", anh Đức "điếc", Minh "máy", Cát "lác", Bình "vịt",...

Tình cảm đó vẫn còn đằm thắm cho đến ngày nay và thể hiện rõ trong những lần gặp mặt truyền thống của đơn vị. Không vui sao được mỗi lần gặp gỡ tay bắt mặt mừng... Biết được tình hình gia đình, vợ con của nhau, biết được sức khỏe và đời sống của nhau. Như một cuộc điểm danh xem ai còn? Ai mất? Và cũng không khỏi chạnh lòng nhớ tới những người bạn đã hy sinh trong chiến đấu năm xưa và những bạn chiến đấu đã nghỉ hưu nay không còn nữa do tuổi tác, do bệnh tật đã vĩnh viễn ra đi... Nhưng gia đình, vợ con, cháu chắt các anh vẫn được đồng đội 303 luôn quan tâm thăm hỏi và nghĩa tình của gia đình các anh vẫn còn mãi với 303.

Nhớ lại trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Ban chỉ huy Đại đội 99 do anh Phạm Văn Minh làm Đại đội trưởng, anh Đoàn Đình Đạm - Chính trị viên. Tôi là Đại đội phó, được phân công đi làm nhiệm vụ trực tiếp với một trung đội đường dây trực tuyến hợp đồng giữa bộ binh và pháo binh.

Khi quân ta chiếm giữ hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập thì địch ở Bản Kéo rút chạy để co cụm lại với nhau ở trung tâm. Lúc ấy đường dây thông tin của ta cứ theo giao thông hào bám sát các đơn vị đánh lấn. Tùy theo địa hình mà phân công các tổ bảo vệ đường dây đào máng ghim dây. Người thì trú trong các hầm hàm ếch để tránh đạn của phi pháo địch. Trang bị dây máy đủ cho các chiến sĩ trực. Khi thiếu máy thì có "cát con cóc" có quy định cứ sau mấy phút lại đấu vào đường dây để giữ liên lạc. Nhất là sau các đợt phi pháo địch đánh phá.

Tôi còn nhớ một đêm cùng một tổ có chiến sĩ Tăng Bá Kha A7 cùng chiến sĩ Nguyễn Văn Thà tân binh mới bổ sung. Tổ này ở chân đồi Độc Lập bị địch bắn pháo nhiều lần, đường dây bị đứt nối nhiều lần. Sau mỗi lần pháo kích mỗi chiến sĩ lại đi kiểm soát dây một hướng để khôi phục thông tin. Lần ấy đồng chí Kha đã về vị trí của tổ mà không thấy đồng chí Thà về... Tôi và đồng chí Kha bổ đi tìm và thật xúc động khi nhìn thấy đồng chí Thà đã hy sinh trong tư thế đang nối dây. Chúng tôi chuyển thi hài đồng chí Thà về vị trí của tổ và báo cáo về Sở chỉ huy xin điều thêm hai ba chiến sĩ ở tổ bạn đến chôn cất đồng chí.

Không có gỗ ván, ni lông và chiếu, đành phải gói xác đồng chí ấy vào chăn trấn thủ của tôi và miếng vải dù ngụy trang của đồng chí Kha. Mọi người xúm lại khiêng thi hài đồng chí Thà đến chân đồi Bản Kéo. Vì đất rắn lại gặp nhiều đá to nên phải đào hai ba vị trí khác nhau mới chôn cất đồng chí ấy được. Đơn vị ai cũng thương tiếc đồng chí Thà còn rất trẻ đã vì nhiệm vụ mà anh dũng hy sinh. Chúng tôi ai cũng nhòe nước mắt vĩnh biệt người bạn chiến đấu.

Giờ đây tôi vẫn suy nghĩ day dứt là không biết hài cốt đồng chí Thà đã được quy tập về nghĩa trang Đồi A1 chưa hay vẫn còn lưu lạc nơi đâu? Ôi các chiến sĩ vô danh!

Tôi có xem cuốn "Việt Nam và Đông Nam Á” số 9 tháng 5 năm 1999 có bài viết của Tổng Giám đốc Công ty Trường Sơn (trang 17), nói về nghĩa trang Trường Sơn như sau: Tổng số hài cốt các liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang là 19.797 bộ thì có 10.243 bộ hài cốt có tên tuổi đầy đủ, số còn lại chưa xác định được tên tuổi. Đúng là con số các chiến sĩ vô danh rất lớn, đó chưa kể đến các bộ hài cốt chưa tìm được ở khắp các chiến trường A-B-C-K. Sự nghiệp giải phóng dân tộc thật vĩ đại và sự hy sinh của quân dân ta cũng vô cùng vĩ đại và bi hùng!...

Cứ mỗi lần gặp mặt nhau, nhìn thấy nhau tay bắt mặt mừng tôi thấy không gì quý hơn. Ôn lại chuyện cũ kể sao cho hết. Tôi thì ở Thông tin Sư đoàn 308 nhiều hơn. Còn ở Tiểu đoàn Thông tin 303 chỉ có mặt từ chiến dịch Điện Biên Phủ, nên chỉ góp một phần công sức rất nhỏ bé vào thành tích to lớn của Tiểu đoàn 303 thân yêu của chúng ta.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)