23/10/24

Thả "cáp" qua Sông Đà - giấu dây vượt đường số 6

Nguyễn Minh Tuyên (nguyên Đại đội phó C99), Nguyễn Huy Văn (nguyên Chính trị viên B2)

Chúng tôi gặp nhau, nhớ lại một sáng kiến của Tiểu đoàn 303: thả dây điện thoại thường thay cáp qua sông Đà, trong chiến dịch Hòa Bình, bí mật đặt dây điện thoại qua đường số 6, dưới sự kiểm soát gắt gao và áp lực mạnh của phi pháo địch. Chúng tôi viết chung bài này, để biểu dương công lao thực đáng khâm phục của các chiến sĩ thông tin 303.

Cuối tháng 6 năm 1951, mười anh em chúng tôi vừa tốt nghiệp Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về nước, trong đó có Huy Văn và một số được phân về Đại đội 99 thuộc Tiểu đoàn 303. Vừa đúng dịp được tham gia học chính trị: "Tình hình nhiệm vụ cách mạng Việt Nam" và "Phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật", là cơ sở rất tốt để chúng tôi lao vào học kỹ thuật chuyên môn đạt kết quả cao. Vốn là "tân binh" của Binh chủng Thông tin; lúc đầu, đầu óc tôi cứ rối mù lên vì các mạch điện phức tạp của máy điện thoại, tổng đài... Sau anh em chỉ dẫn giúp nhau, dò từng mạch điện, mạch tai nghe, mạch ống nói, mạch gọi chuông, rồi cùng nhau vẽ sơ đồ tổng hợp ngay trên sàn nhà dân, trên bãi đất bằng, đối chiếu với máy thật, miệt mài nghiên cứu, dần dần cũng nắm được L1, L2, đâu là "lin-nhơ", đâu là dây "te" (dây đất). Phần kỹ thuật dây cũng lằng nhằng lắm. Phải phân biệt được vỏ cách điện nào tốt, lõi dẫn điện nào chất lượng hơn? Mắc dây thế nào mới đạt yêu cầu ở chiến trường? Chúng tôi được theo một đoàn cán bộ do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Tân dẫn đầu, đi bình xét một tiểu đội thực hành mắc 15 km dây từ chỗ đóng quân bản Là lên xã Bao Biên (Định Hóa). Thật bổ ích, thiết thực cho anh em mới, ghi vào lòng điều hay, điều dở cụ thể của một đường dây để phục vụ chiến đấu tốt sau này.

Đại đội 99 được lệnh làm cáp điện thoại tự tạo có thể thả được qua sông. Thực ra, hồi đó chưa ai trong chúng tôi được trông thấy cáp chuyên dùng thả sông với cấu tạo kỹ thuật cao như ngày nay. Chúng tôi chỉ có dây "súp", dây mềm thông thường; chúng tôi đành chọn loại dây do Liên Xô viện trợ, cuốn trong từng rulô, dài khoảng 1 km, tương đối nặng, ruột nhiều lõi đồng, cách điện bằng cao su, có lớp vải ngoài cùng, phết thêm một lượt sơn tổng hợp. Xem ra dây này có thể chống được thấm nước mưa, còn đem ngâm nước lâu ngày không biết khả năng rò rỉ điện thế nào.

Chúng tôi mở hội nghị quân sự dân chủ, lấy ý kiến tập thể, sau tìm ra một giải pháp: dùng săm cao su xe đạp, bọc kín các mối nối và những chỗ nghi ngờ có thể thẩm lậu nước vào, cuốn lại thật chặt, cho ngâm cả cuộn dây vào chậu nước lớn, để mấy ngày liền. Khi đặt máy hai đầu, quay điện vẫn đổ chuông, nói chuyện nghe rõ. Thử đi, thử lại nhiều lần, kết quả bảo đảm, chúng tôi yên trí đã có "cáp" thả sông theo chỉ thị cấp trên. Chỉ chưa rõ dùng vào chiến trường nào; dùng bao lâu thì sẽ hỏng; cách thả sông thế nào để dòng nước chảy mạnh không phá đứt dây (02).

Đầu tháng 11 năm 1951, giặc Pháp chủ động tiến công ta, đánh chiếm Ngã Ba Thá, Miếu Môn, Chợ Bến, rồi đánh chiếm thị xã Hòa Bình, thành lập ba khu quân sự hỗ trợ cho nhau: Chợ Bến - Sông Đà - Hòa Bình đường số 6. Ngày 24 tháng 11, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định mở chiến dịch Hòa Bình. Thư Bác Hồ gửi cho bộ đội viết: "Trước kia ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội tốt cho ta".

Ngày 25 tháng 11, tiền trạm của Tiểu đoàn 303 lên đường trong đó có Đại đội 99 và hai chúng tôi, một số cán bộ trung đội và một tổ dây. Đặc biệt lần này, cán bộ trong đoàn được đi bằng xe đạp của Đại đội 103 chuyển đạt. Mọi người đạp xe vèo vèo, tiếng moay-ơ mới kêu lách cách thật khoái. Riêng đối với Huy Văn thì khổ sở quá! Lên xuống pê-đan còn chưa thạo, xe đi chệch choạng trên những đoạn đường bị phá hoại từ những năm đầu kháng chiến, vẫn chưa được sửa lại. Thôi đã trót thì phải trét, các anh trên kéo mình đi tiền trạm vì phát hiện ra mình, trước đã làm quân báo Chiến khu 10, quen thuộc địa hình, nay chẳng nhẽ vì cái xe đạp mà bỏ nhiệm vụ.

Dọc đường chúng tôi vào các trạm bưu điện Tuyên Quang, Đoan Hùng, Phú Thọ kiểm tra chất lượng liên lạc điện thoại trên đường số 2 về Thái Nguyên để dùng cho cơ quan chiến dịch làm việc với căn cứ hậu phương của Bộ.

Sở chỉ huy chiến dịch, lúc đầu ở Đồng Lương (huyện Cẩm Khê), sau chuyển xuống Lũng Chắn (Cự Thắng), gần mặt trận và kín đáo hơn. Đại đội 99 khẩn trương chuẩn bị trực tiếp cho trận mở màn chiến dịch: đánh Tu Vũ, cứ điểm duy nhất ở bên tả ngạn sông Đà mà địch dùng làm bàn đạp sau này tiến công vào hậu phương ta. Trung đội 1 của đồng chí Hiệp mắc dây xuống Đại đoàn 308 để chỉ huy Trung đoàn 88, đơn vị chủ công đánh chiếm cứ điểm then chốt đó. Trung đội 3 của đồng chí Nguyễn Thuyên liên lạc với Đại đoàn 312, chuẩn bị vượt sang hữu ngạn sông Đà, đánh vị trí Chẹ và khống chế tuyến phòng thủ có thể chi viện pháo cho Tu Vũ.

Trung đội 2 của Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Huy Văn mắc dây xuống Trung đoàn pháo 675 và nối giữa pháo với Trung đoàn bộ binh 36, có nhiệm vụ chặn viện trên sông Đà, từ đoạn Lạc Song, Đồng Viện tới Đoan Hạ (Nam - Bắc Tu Vũ).

Đêm 10 tháng 12 năm 1951, từ 0 giờ 15 phút mãi tới 3 giờ 50 phút sáng 11 tháng 12 ta mới hoàn toàn tiêu diệt, làm chủ được Tu Vũ, mở toang cánh cửa thép trên tuyến sông Đà, với một giá phải trả hơi đắt vì pháo binh và bộ binh ta chưa khống chế được hệ thống pháo địch bên kia sông, chúng đã bắn chi viện sang cho Tu Vũ tới 5.000 quả đạn.

Trên trận địa đánh viện binh, mặc dù thông tin 303 thông suốt đã kịp báo cho Trung đoàn trưởng pháo binh Doãn Tuế có 8 tàu địch sắp lọt vào trận địa ở Đoan Hạ, nhưng 2 đại đội pháo ta đánh kém hiệu quả, chỉ có 1 tàu địch bị thương, cả đoàn tàu địch đã quay đầu chạy thoát. Ta bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt địch cơ động trên sông.

Chuẩn bị đợt 2 chiến dịch, Đại đội 99 chúng tôi được giao nhiệm vụ thả dây qua sông Đà, để tướng Nam Long ở Sở chỉ huy chiến dịch mới chuyển tới xóm Giớn (Tân Minh) có thể trực tiếp theo dõi chỉ đạo Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141, tiêu diệt vị trí 400 và 600, cứ điểm chủ yếu của địch án ngữ phòng tuyến bên hữu ngạn sông Đà.

Khí tài dây "cáp" tự tạo, chuẩn bị từ ở Việt Bắc, được lễ mễ khiêng theo hành quân, nay mới có điều kiện đem dùng ở chiến trường này. Trung đội 2 được sử dụng làm việc. Tiểu đoàn phó Phúc Thảo trực tiếp xuống tận hiện trường giúp đỡ chúng tôi.

Hai cán bộ trung đội Cầu và Văn trực tiếp đi trinh sát hai bên, lội cả xuống sông xem tốc độ và sức mạnh nước chảy, mò cả xuống đáy sông xem dưới đáy có đá hay bùn cát; tránh chỗ có đá, để dây khỏi bị cứa đứt khi bị nước chảy xiết kéo qua. Tính toán độ chếch xuôi dòng sao cho thuyền cập đúng bến, bảo đảm độ võng của dây vừa đủ nằm xuống đáy sông an toàn, lại vừa đủ cự ly gọn trong một cuộn dây đã chuẩn bị, tránh phải nối thêm dây ở dưới lòng sông.

Cả tiểu đội đồng chí Mão được họp bàn tỉ mỉ, phối hợp với nhau sao cho nhịp nhàng, với độ chính xác cao: giữa ba người, người chèo thuyền, người ra dây và người buộc rọ đá không để thuyền chao đảo làm rối hoặc đứt dây, ngược lại không vì ra dây, buộc rọ đá mà thuyền mất hướng. Phân công đồng chí Thuận chèo thuyền, đồng chí Hoạt buộc rọ, Tiểu đội trưởng Mão rải dây.

Bàn bạc chuẩn bị chu đáo như vậy, tới khi thực hành, đêm đầu tiên, chúng tôi đã không thành công. Nửa chừng, thuyền đã tới giữa sông, bị rối dây, thuyền quá chao đảo, đành phải dừng lại, hì hục cuốn lại dây. Cả đêm không ai chịu ngủ, lại cùng rút kinh nghiệm, bàn kỹ hơn nữa, động viên nhau đêm mai phải thật bình tĩnh, cẩn thận, chính xác trong thao tác, không sợ hy sinh trước sự câu pháo lung tung của địch.

Lần thứ 2, chúng tôi đã thành công. Dây nằm an toàn dưới lòng sông, với cự ly ngắn nhất. Đầu dây bên tả ngạn từ Sở chỉ huy chiến dịch mắc ra đã chờ sẵn và được nối ngay vào nhau. Bên hữu ngạn dây từ Đại đoàn 312 cũng đã kéo tới. Tiếng chuông quay gọi kêu giòn tan. Ôi, chúng tôi mừng rơn! Đêm 30 tháng 12 năm 1951, Trung đoàn 141 nhanh chóng tiêu diệt 2 cứ điểm 400 và 600, bắt sống 150 tên, thu toàn bộ vũ khí, buộc địch phải bỏ hẳn đường tiếp tế từ sông Đà lên Hòa Bình. Sở chỉ huy của Đại tướng theo dõi được sát trận này bằng đường liên lạc qua sông. Ai nấy đều rất hài lòng, nghe nói Tổng tư lệnh có lời trực tiếp khen Ban 3 và anh em thông tin 303 ngay tại chỗ.

Kinh nghiệm thả dây bọc qua sông được phổ biến cho nhiều đơn vị thông tin toàn quân. Ngay trong đợt 3 chiến dịch, Đại đội 110 cũng thả dây qua sông để chỉ đạo công tác hậu cần bên hữu ngạn. Còn Đại đội 99 lại thả thành công đường cáp thứ hai qua sông ở phía nam bờ Lạc Song, bảo đảm chỉ huy Đại đoàn 304 trên đường số 6.

Song song với nhiệm vụ thả cáp qua sông Đà, chúng tôi còn phải tìm cách giấu dây vượt qua đường số 6. Đó là một quốc lộ lớn, đường rải nhựa. Một năm trước đó, khi ta giải phóng thị xã Hòa Bình, ta đã xẻ đường để ngăn chặn địch. Mặt đường lâu năm không được tu sửa, nên chỗ còn nhựa, chỗ trơ sỏi đá, nhưng mặt đường vẫn rất cứng rắn. Muốn chôn dây qua đường, chúng tôi không thể dùng xẻng bộ binh được, mà phải đi mượn cuốc chim của công binh, có đầu nhọn, bổ từng nhát, rạch đường ra từng ít một. Đá dăm bỏ đi phải lập tức gói gọn lại. Sau khi có được một rãnh nhỏ ngang qua đường, chúng tôi phải dùng cát lát xuống dưới, đặt dây lên, rồi lại phủ cát lên trên, rải lớp sỏi đá nhỏ lên trên cùng, xoa đi xoa lại cho hết mọi dấu vết đào. Tất cả tiến hành về đêm, dưới ánh trăng mờ, làm nhanh, làm gọn, nhưng vẫn rất cẩn thận. Thành công của đường dây này là do chính Trung đội trưởng Cầu cùng tổ trưởng dây đã tốn bao công sức nghiên cứu thực địa và quy luật đi lại, bắn phá của địch.

Trong quá trình chôn dây qua đường, chúng tôi lại phát hiện gần đấy có một cái cống nhỏ, có thể luồn dây qua được. May sao đầu cống phía nhìn ra sông Đà lại sát kề với những bụi dứa dại cao ngót đầu người, lá xòa kín cả miệng cống. Để giữ nguyên hiện trạng, phải kéo dây đến miệng cống một cách kín đáo. Chiến sĩ rải dây phải nằm, rồi trườn, chui, lách dưới các khóm dứa dại, rách, xước hết quần áo, chân tay. Tới nơi phải dùng sào đưa dây luồn qua cống sang đầu bên kia. Phía đó là một cánh đồng ruộng lúa. Còn nhiều mảnh ruộng, lúa chín rũ không người gặt, bỏ phí từ khi giặc tới. Anh em lợi dụng ngay những khóm lúa đó để giấu dây.

Muốn bảo đảm liên lạc an toàn vững chắc hơn, chúng tôi đấu kép hai đoạn dây chôn qua mặt đường và luồn cống lại với nhau, ở chỗ cách xa đường gần 100 m, phòng khi bị lộ, địch đánh phá đường này vẫn còn đường kia.

Xin nhớ là anh em thả dây qua sông và giấu dây qua đường số 6, tất cả đều làm trong điều kiện rất căng thẳng, dưới sự uy hiếp ác liệt của hỏa lực địch. Để hỗ trợ cho đồng bọn rút lui toàn bộ khỏi Hòa Bình, chúng đã thả nhiều bom napan, bắn đến trên 8.000 đạn pháo, hòng đẩy ta ra xa đường số 6, xa Bến Ngọc và các cao điểm chúng tạm giữ dọc đường chúng bỏ chạy.

Anh em thông tin 303 chúng ta rất tự hào đã chiến đấu hơn 100 ngày đêm, qua 4 đợt tác chiến trên phòng tuyến sông Đà, quanh thị xã Hòa Bình và trên đường số 6. Trong điều kiện chiến trường bị chia cắt bởi dòng sông Đà rộng lớn, nước chảy xiết, mà người chỉ huy chiến dịch ở một bên sông, còn toàn bộ lực lượng bộ đội chiến đấu ở phía bên kia, lại luôn cơ động trong một địa hình phức tạp khi đánh điểm, khi diệt viện, khi đuổi đánh quân địch rút chạy dưới mật độ phi pháo lớn, thế nhưng liên lạc vẫn thông suốt với nhiều sáng tạo vượt sông, qua được mọi khó khăn.

Thật tự hào về những thành tích đáng ghi nhận của các chiến sĩ thông tin 303. Sáng kiến này xứng đáng được biểu dương khen thưởng.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét