27/10/24

Trinh sát kỹ thuật trong Chiến dịch Biên giới

Đại tá Phạm Duy Tín - nguyên Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin

Tôi làm công tác thu tin trinh sát kỹ thuật của Cục Tình báo và Cục Quân báo Bộ Tổng Tham mưu từ tháng 1 năm 1949. Tôi đã phục vụ những chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp: Chiến dịch Biên giới (Lê Hồng Phong II), Chiến dịch Trung du (Trần Hưng Đạo), Chiến dịch Đường 18 (Hoàng Hoa Thám), Chiến dịch Hà Nam Ninh (Quang Trung). Chiến dịch Biên giới (Lê Hồng Phong II) là chiến dịch lớn đầu tiên của quân dân ta do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch, Bác Hồ cũng ra trận động viên quân dân chiến đấu. Bộ phận thu tin trinh sát kỹ thuật của chúng tôi đã phục vụ đắc lực cho công tác chỉ huy chiến dịch và để lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên.

Đầu năm 1949 tôi được chuyển từ đài vô tuyến điện Bộ Quốc phòng về Cục Tình báo làm công tác thu tin trinh sát kỹ thuật. Bộ phận thu tin do đồng chí Trần Hoàng phụ trách, trực thuộc Văn phòng Cục. Cuối năm 1949, phần lớn bộ phận này chuyển về trực thuộc Phòng Quân báo sau này là Cục Quân báo - Bộ Tổng Tham mưu. Toàn đài thu tin lúc ấy có vài máy thu do các xưởng vô tuyến điện (xưởng CRL) của ta lắp theo kiểu siêu phản ứng chỉ để thu tín hiệu "moóc". Vỏ máy và bệ máy bằng tôn gò lại. Đèn vô tuyến điện là các loại đèn máy thu thanh dân dụng vỏ sắt, đấu tắt các cực lưới thành đèn 3 cực. Điện áp sợi đốt 6V dùng ắc quy. Điện áp cực phiến dùng các bộ ắc quy sắt - kền dung lượng nhỏ mắc nối tiếp thành điện áp 45V hoặc 90V. Đài có một máy nổ chạy xăng hiệu Bernard W-O kéo máy phát điện để nạp điện. Sau này đài mới có các máy thu dùng đèn "chân tăm" điện áp sợi đốt 1,5V dùng pin.

Máy móc thô sơ như vậy nên tín hiệu rất nhỏ, hay bị nhiễu và không ổn định. Thu tín hiệu của một đài hôm nay ở độ sóng này, ngày mai vị trí vạch độ số lại thay đổi. Tay nắm vào núm điều chỉnh thì có tín hiệu, bỏ tay ra là mất tín hiệu; có lúc phải ngồi im ở một tư thế không được động đậy để thu điện. Chiến sĩ trinh sát chúng tôi phải làm chủ được những "cố tật" ấy của máy. Sau một ca làm việc chúng tôi thấm mệt vì phải liên tục chuyển đổi tần số, tìm đúng các đối tượng cần lấy tin một cách nhanh chóng. Phải tập trung cao độ để xử lý tín hiệu thu của các đối tượng đang làm việc trên sóng. Thu tin liên tục và điều quan trọng là phải thu điện được hoàn chỉnh không thiếu sót. Sau một phiên làm việc, các ngón tay của chúng tôi mỏi rã rời vì phải viết bằng bút chì ấn nét qua giấy than (carbon) thành ba bản để gửi cho các phòng ban cùng một lúc.

Tôi còn nhớ đài vô tuyến điện của quân Pháp mà tôi thu đầu tiên là đài vô tuyến điện của đồn Na Sầm trên quốc lộ số 4, có hiệu gọi 2BO. Tôi thu tốt, mặc dù với cách làm việc khác biệt của nhân viên vô tuyến điện đài địch. Nghe thế nào tôi ghi lại như thế ấy, đầy đủ các nội dung liên lạc, nội dung đàm thoại, đúng giãn cách các nhóm chữ cả từ các dấu gạch chéo, dấu phân dòng, dấu chấm hết. Tôi được chính thức phân công nhận phiên ban sau lần thử thách ấy.

Khoảng tháng 7 năm 1950, chúng tôi được lệnh tập trung theo dõi mạng lưới thông tin vô tuyến điện "vùng biên thùy" - Zone Frontière (ZF) - theo dọc đường số 4, và sau đó chuẩn bị đi chiến dịch. Chúng tôi được phổ biến không phải mang máy thu, lên biên giới sẽ có máy chi viện. Nghe tin có máy mới chúng tôi rất phấn khởi, nhưng vẫn chủ động mang theo hai máy thu tốt và bộ ắc quy đã nạp đầy. Chúng tôi không mang theo máy nạp điện, nghĩ rằng nếu có máy mới tất nhiên có đủ bộ nguồn cấp điện. Chúng tôi hành quân đêm theo quốc lộ số 3 qua Chợ Mới, Bắc Cạn đến Nà Phạc rẽ sang đường số 3B qua đèo Le, Nguyên Bình, Tà Sa... Chúng tôi được lệnh dừng chân ở Quảng Uyên, một vùng nhiều núi đá nhỏ lô nhô như vịnh Hạ Long trên cạn, ở một xã gần đường cái. Mở máy làm việc, máy vẫn chạy tốt nhưng toàn bộ mạng lưới vô tuyến điện của địch ở vùng biên thùy đã thay đổi tần số. Thêm một tin không vui: Không có máy chi viện của Ban 3, chiến dịch chỉ tăng cường máy được chi viện cho mạng lưới thông tin vô tuyến điện của chiến dịch (máy Pilot và MP15). Trinh sát kỹ thuật ở vào tình huống khó khăn: Phải nhanh chóng tìm lại hệ thống thông tin vô tuyến điện của địch vùng biên thùy và tìm nguồn nạp ắc quy.

Chúng tôi chỉ có một máy thu làm việc. Tôi và anh Mậu là những người làm việc có nhiều kinh nghiệm nhất được giao nhiệm vụ tìm lại hệ thống vô tuyến điện của địch. Đồng chí Kỳ, phụ trách đài, lo việc chung và lo tìm nguồn ắc quy. Đài thu tin trinh sát kỹ thuật được anh Cao Pha, Trưởng ban 2 chiến dịch tích cực chi viện. Anh được anh Đặng Văn Việt - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 cho một máy nổ phát điện, loại động cơ hiệu Frazar và thợ máy. Ít lâu sau thì được thay bằng máy Bernard W.1. Phần nguồn điện giải quyết được thì chúng tôi cũng tìm lại được hệ thống liên lạc vô tuyến điện các đồn biên thùy, cả hệ thống liên lạc của Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ với vùng biên thùy và hệ thống chi viện hàng không. Trong quá trình dò tìm, chúng tôi đã thu được một số tin tức về cuộc hành binh của địch lên Phú Thọ (hành binh Chrysalide) nhưng không đủ người và máy theo dõi những đài này vì đây là hướng nghi binh, và nhiệm vụ chính là phải tìm lại được hệ thống liên lạc vùng biên thùy. Chúng tôi đã phát hiện và nhận được tin quan trọng báo cáo lên Sở chỉ huy: "Pháp tập trung quân ở Lạng Sơn".

Đầu tháng 9 chúng tôi hành quân từ Quảng Uyên đi Nà Lạn qua Phục Hòa. Nà Lạn, Sở chỉ huy của chiến dịch là một bản vùng núi đá gần biên giới Việt - Trung, cách Đông Khê chừng 10 km đường chim bay. Chúng tôi ở một khu núi đá, gần bộ phận tổng hợp của ban 2 chiến dịch do đồng chí Trần Bách phụ trách. Chúng tôi tìm được một cái hang có mái đá chìa ra phía trước làm nơi đặt máy để có ánh sáng làm việc và mắc ăngten thu được thuận lợi. Chiến dịch sắp bắt đầu, chúng tôi không biết giờ nổ súng, chỉ được lệnh theo sát đài Đông Khê (có tên Ojm).

6 giờ ngày 16 tháng 9 chúng tôi thu được từ đài Đông Khê: "Ici attaqué" (ở đây bị tấn công) và mất tín hiệu, chỉ còn tiếng rào, nhiễu trong tai nghe. Không còn Đông Khê, chúng tôi tập trung vào Thất Khê, Cao Bằng, chỉ huy vùng biên thùy và đài chi viện hàng không.

Sáng ngày 17 tháng 9, đài Đông Khê vẫn im tiếng. Tôi đang tập trung tìm tín hiệu thì đồng chí Cao Pha - Trưởng Ban 2 chiến dịch dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào đài. Tôi chỉ biết đứng dậy chào Đại tướng, tai vẫn đeo ống nghe. Đồng chí ra lệnh cho tôi ngồi xuống làm việc rồi cầm xem tập điện trên bàn, vừa nhìn quanh nơi làm việc.

Một bàn để máy, mấy cành cây làm ghế ngồi đặt trên các chạc cây chôn xuống đất. Tôi lúng túng quá, không có gì có thể làm ghế mời Đại tướng ngồi. Trước khi ra về, đồng chí dặn: "Ta sắp tổng công kích, chú ý theo dõi!". Chiếm Đông Khê ta bắt được tên báo vụ vô tuyến điện. Hắn khai: ngay từ những loạt pháo đầu tiên của ta, đài vô tuyến điện của hắn đã bị trúng đạn, cột ăngten bị phá hủy.

Chúng tôi thu được trên hệ thống chi viện hàng không tọa độ chúng oanh tạc (Bombing et Straffing), chính là khu vực đóng quân của Sở chỉ huy chiến dịch Nà Lạn. Tin được nhanh chóng báo cáo lên Sở chỉ huy. Chúng tôi được lệnh triệt để sơ tán và sẵn sàng đối phó. Mọi người lo lắng chờ đợi. Xế chiều, có tiếng động cơ máy bay và hai chiếc Hencát xuất hiện. Chúng lượn một vòng rộng và bổ nhào bắn mấy loạt súng máy trên đường cái gần khu đài chúng tôi rồi cút thẳng. Có tin "con ngựa của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng bị trúng đạn chết". Sở chỉ huy tăng cường công tác bảo mật khu vực đóng quân.

Chúng tôi bám sát tìm mọi dấu hiệu địch điều động lực lượng chiếm lại Đông Khê. Chúng tôi phát hiện một đài mới xuất hiện, tên 1RB, liên lạc với Lạng Sơn, Thất Khê. Với các báo cáo liên tiếp của trinh sát kỹ thuật về các nội dung liên lạc của 1RB, Ban 2 chiến dịch đã báo cáo lên Sở chỉ huy: Binh đoàn Bay-a (Bayard) do Lơ-pa-giơ chỉ huy có nhiệm vụ thực thi kế hoạch Tê-re-do (Therèse) tiến đánh từ Lạng Sơn đã gần đến Thất Khê. Binh đoàn này đã bị quân ta chặn đánh và bị bao vây ở Cốc Xá. Sác-tông rút khỏi Cao Bằng. Lơ-pa-giơ và Sác-tông (Charton) hẹn gặp nhau ở cao điểm 477. Trinh sát kỹ thuật thu được điện của Lơ-pa-giơ gửi cho Sác-tông: "Chờ tôi ở 477 và 533". Binh đoàn Sác-tông đã bị chặn đánh ở tây bắc cao điểm 477 và quân ta tiến công Lơ-pa-giơ ở Cốc Xá. Hai binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông bị hoàn toàn tan rã. Sác tông và bộ phận tham mưu bị bắt hôm trước thì hôm sau ta bắt Lơ-pa-giơ.

Trong quá trình chiến đấu, bộ phận trinh sát kỹ thuật chúng tôi bám sát từng giây từng phút các đài địch. Mọi nội dung chúng phát đi đều không qua được đôi tại trinh sát kỹ thuật. Chúng tôi báo cáo Sở chỉ huy sự xuất hiện một đài với tên 1RT. Đây là cánh quân do Đờ-la Bôm chỉ huy lên hỗ trợ cho Lơ-pa-giơ và Sác-tông. Hai binh đoàn bị tiêu diệt, Đờ-la Bôm phải quay về Thất Khê. Chúng tôi theo dõi và báo cáo Sở chỉ huy, địch rút khỏi Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng và Lạng Sơn. Tiếp sau chúng rút Lộc Bình, Đình Lập, An Châu. Toàn bộ vùng biên thùy của quân Pháp bị sụp đổ hoàn toàn.

Bộ phận trinh sát kỹ thuật phục vụ chiến dịch chỉ vẻn vẹn gần một tiểu đội, người làm được việc rất mỏng, có tôi và anh Mậu, hai người thay nhau làm việc. Đồng chí Kỳ phụ trách đài đã vào làm việc trong Sở chỉ huy. Anh Mậu sức khỏe yếu, tôi khỏe hơn nên bám máy nhiều hơn. Trong thời gian từ khi xuất hiện binh đoàn Lơ-pa-giơ đến khi ta tiêu diệt được cả hai binh đoàn, ngày nào tôi cũng làm việc từ 14 đến 18 giờ một ngày (chừng gần 15 ngày). Rời máy thu là ngủ, nằm ngay cạnh máy nổ đang chạy mà ngủ ngon lành.

Kết thúc chiến dịch, chúng tôi hành quân về tập kết ở khu vực xưởng quân giới Lê Tổ ở Lam Sơn, Nước Hai huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Từ Nà Lạn, chúng tôi hành quân theo đường số 4 qua thị xã Cao Bằng. Nhìn hệ thống đồn bốt, lô cốt phòng ngự ngoài và trong thị xã Cao Bằng dày đặc, tôi càng thấy sự sáng suốt của Bộ chỉ huy mặt trận khi quyết định trận mở màn chiến dịch là đánh chiếm cứ điểm Đông Khê. Đêm đó ở thị xã Cao Bằng có tổ chức lễ mừng chiến thắng, tập họp đông đảo nhân dân và bộ đội, chúng tôi dự định ở lại Cao Bằng dự lễ mừng chiến thắng. Chúng tôi ra khỏi thị xã khoảng 1 km thì nghỉ lại, chờ trời tối mới vào thị xã. Cơm chiều xong, chúng tôi kéo nhau vào thị xã. Gần đến nơi thì có tiếng máy bay. Ban đầu là hai tốp máy bay, mỗi tốp 4 chiếc lần lượt bổ nhào ném bom vào thị xã. Tiếng bom nổ lẫn tiếng súng bắn máy bay của ta nổ rầm trời. Tiếp sau là từng đợt, từng đợt máy bay đến ném bom. Khói bụi từ trong thị xã bay lên mù mịt. Cuộc chiến kéo dài 30 phút. Dứt tiếng máy bay thì trong thị xã vang lên bài ca "Chiến sĩ Việt Nam": "Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường... quân xung phong...". Tiếng hát vang lên, hùng tráng mạnh mẽ biểu thị tư thế hiên ngang, anh dũng tự hào của người chiến thắng. Tiếng hát vang lên, xua tan mọi sự lo lắng về những tổn thất sau đợt oanh tạc. Tôi thật biết ơn đơn vị nào đã cất tiếng hát hào hùng đó.

Làm công tác tổng kết chiến dịch ở Nước Hai, chúng tôi may mắn được gặp Bác Hồ nhân một buổi chiếu phim trong hội trường của Công binh xưởng Lê Tổ. Bác mạnh khỏe, vui vẻ với chiến thắng lớn của quân dân ta trong chiến dịch vừa qua. Hành quân từ Nước Hai về An toàn khu Thái Nguyên chúng tôi có nhiều dân công xung phong phục vụ khiêng, gánh máy. Người dân Nước Hai mong về Thái Nguyên để mua muối. Đi dân công được cấp gạo ăn khi đi đường, không phải mang gạo của nhà mà lại mang được muối về.

Về An toàn khu chúng tôi lại gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch tiếp sau: Chiến dịch Trần Hưng Đạo – Chiến dịch Trung Du...

Tháng 10-2006

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét