Thanh Hùng - nguyên chiến sĩ
liên lạc đặc biệt
Vâng, chuyện kể là của tiểu
đội tôi, gọi là tiểu đội nhưng thực chất là một trạm của Ban liên lạc đặc biệt
Bộ Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vào chuyện kể một chút thôi,
các đồng chí hãy cùng tôi hình dung các gương mặt trong trạm.
Tôi - Thanh Hùng em út năm
nay đã vào tuổi lục thập lục (66), An Chung đàn đã ngọt hát lại hay, Vũ Việt
thơ, ca dao bích báo đã hay, giọng ca không xoàng, đàn chơi cũng không dở,
Trung "méo" bơi lội giỏi lại có duyên kể những chuyện đời dí dỏm, Ngọc
"trâu lăn" được đặt cái tên: "Anh Đệ" vì ca vọng cổ rất mê
ly, Hưng "răng vàng" có giọng ca không kém, Thọ "đen" tuy
không lém nhưng về vòi tiền mẹ rất tài, góp thêm phần cải thiện cho trạm (mẹ Thọ
tản cư gần trạm). Đăng "voi", to con, lầm lì, chất phác, dễ mến. Thanh
"sún", bơi lội giỏi, gan lì, thích tham gia văn nghệ.
Nhớ mãi, nghĩ mãi còn một
người nữa là ai? Là ai nhỉ ... không nhớ được.
Chốc là mấy chục năm trời.
Làm sao nhớ hết những người
thân thương.
Chỉ 10 con người mà biết bao
là vui biết bao là nhớ, gian khổ nhưng rất đỗi lạc quan, yêu đời, hoàn thành xuất
sắc mọi nhiệm vụ Ban giao.
Chuyện tôi kể bắt đầu từ Ban
Liên lạc đặc biệt miền Nam do anh Phan Định phụ trách sáp nhập với Ban Liên lạc
đặc biệt (Trung ương) Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh (không gọi là Bộ Tổng chỉ
huy nữa) anh Nguyễn Hải Hạc và sau là anh Trần Sơn (chúng tôi thường gọi là anh
Sơn "sì") phụ trách.
Trạm có nhiệm vụ chuyển đạt
mệnh lệnh và các công văn giấy tờ từ Bộ xuống Khu 3, 4 và nhận báo cáo của các Khu
trên về Bộ.
Là thanh niên Hà Nội đi tham
gia kháng chiến, người cao tuổi nhất không quá 20, tôi và An Chung mới ở tuổi trăng
tròn cộng một (16). Trạm đóng ở Phù Để chợ Dầu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Ban chúng tôi ở Định Hóa tỉnh Thái Nguyên. Cuốc bộ nhanh không gặp trắc trở
cũng mất bốn năm ngày.
Gian khổ, yêu đời, vui với
nhiệm vụ nhưng không khỏi có những phút nhớ nhà vì là mới năm đầu xa mẹ...
1. Tết năm 1947.
Gần một tháng chưa nhận được
kinh phí của Ban. Trạm chỉ còn khoảng 10 ký gạo, chừng 1 ký muối trắng. Gom góp
tiền cả trạm cũng chỉ mua nổi 1 quả trứng vịt, lạng mỡ và 1 chút hành khô. Thực
phẩm bữa tất niên có như vậy.
Hành khô phi thơm nức mùi cả
xóm, nước cơm một bát trộn cùng muối trắng trưng lên cả trạm ăn thừa thãi, còn lại
"cẩu" của chủ nhà cũng phải chê vì quá ư là mặn. Nhưng thật tức cười,
vào ngồi ăn thì Vũ Việt chê Đăng "voi" và Thanh "sún" gói
bánh chưng còn lỏng tay chưa chặt, bánh hơi nát, nhân thì ít hạt tiêu, thịt dọi
nhiều mỡ ít nạc. Trung "méo" ca thán bảo mua cá trắm lại mua cá trôi
nhiều xương, kho chưa được dừ, ăn cẩn thận kẻo hóc, Hùng thì khen vại dưa hành
vừa chua ăn lại giòn, nhưng các tướng ơi ăn ít thôi kẻo đêm nay mà... mùi khó
chịu, Ngọc chê lấy chê để việc gói giò, đã là giò thủ mà thiếu mất tai và lưỡi
còn đâu là ngon, nhai thiếu giòn sừn sựt.
Khen lắm, chê nhiều, chính
vì vậy mà không thiếu một món nào trong ngày tết. Bà con địa phương khen lấy
khen để "đơn vị ít người mà cũng khéo tổ chức ăn tết".
Đêm 30 mới vui làm sao? Xẩm
soan, vọng cổ, đồng ca, 2 vở kịch "Kén rể" và "Nguyễn
Trãi - Phi Khanh" được tập luyện mê say quá giao thừa mà thấy chưa thỏa
mãn.
Ngày mùng 1 Tết thấy bộ đội
bắc rạp, thử phông, sẩm tối bà con đã í ới rủ nhau đi xem, bãi đã đông vui nhộn
nhịp.
Đúng 20 giờ khai mạc. Sau lời
chúc mừng Xuân là vào ngay chương trình biểu diễn.
Tốp ca 3 người với 2 bài hát
mở màn. Tiếng vỗ tay như pháo nổ rền vừa dứt là vở ca kịch bắt đầu:
"Mỗ đây Ba Hòe
Có cô con cưng
Đến tuổi dậy thì
Nay thời kén duyên...".
Rất vui, Ba Hòe kén rể, Sơn
Tinh và Thủy Tinh đến tranh duyên. Khán giả hết chê, khi màn vừa hạ.
Tiếng ghi ta lõm phím dạo
bài vọng cổ, giọng ca ấm và truyền cảm... "Nghe qua mấy lời nương tử vừa
phân thì té ra tiểu thư đã bị chết oan...". Ngọc "trâu lăn" vừa
đàn vừa ca vở "Dưới mái tây hiên" réo rắt và ai oán đã làm mê
lòng khán giả.
Vở ca kịch "Nguyễn
Trãi - Phi Khanh" được tiếp nối "... Cha ơi chia ly núi khuất
trong sương mù...". Tiếng hát não nùng con tiễn cha đi đày. Trong bài
"Hận Sơn La" của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, An Chung đã làm bà con lặng
đi trong căm thù ai oán, màn đã hạ, không một tiếng vỗ tay, khán giả như đang
nhập vai cùng diễn viên trên sân khấu.
Ba tiếng biểu diễn, lưu luyến
bà con chưa muốn về, nhất là các em cứ ríu rít xoay quanh 10 anh em chúng tôi.
Sau đêm ca kịch, ngày mùng 2
và mùng 3, Trạm phân công và chia nhau đi chúc Tết bà con địa phương. Đến đâu cũng
được khen hết lời. Trong Tết ở đây đã được xem đoàn kịch Sao Vàng biểu diễn;
các đồng chí diễn cũng không kém.
Rượu, bánh chưng, cá kho, thịt
và dưa hành... thôi thì đủ món, các đồng chí phải mừng xuân với gia đình cho thêm
tài lộc, tình quân dân chan hòa thắm thiết, vui vẻ suốt hai ngày.
Vui xuân ở gia đình làm sao
có được. Thật:
Từ không đến có. Có lòng dân
là có tất cả.
2. Bao gạo Thạch Sanh.
Tết xong, lại rong ruổi trên
đường công vụ. Tôi cùng An Chung từ Khu 3 về Bộ, bì công văn, bao gạo khoác
vai, gọi là bao gạo trông tuy đầy nhưng chỉ có chừng 4 bát, nhồi thêm giấy và số
quần áo lót.
Đi và đi, ngày này qua ngày
khác, sẩm tối mới nghỉ, thường tìm được đến nhà các đồng chí địa phương. Đến đâu,
tuy bụng đói, chân mỏi song vẫn vui thăm hỏi, chuyện trò với chủ nhân, tôi lém
lỉnh hơn, vào chuyện là tình hình thời sự nóng hổi, gương chiến đấu anh dũng của
các địa phương. Đang vui chuyện xin phép đi nấu ăn.
"Không được! Không được!...".
Tôi đã nói bà nhà tôi nấu từ lúc các đồng chí mới đến. Ta cứ tiếp câu chuyện,
khi xong ta cùng ăn. An Chung phát huy sở trường hát đôi bài cho khách và chủ
thêm phần hứng thú. Bà, các chị và các em nghe thời sự thì còn lúc đứng lên, ngồi
xuống, nhưng khi nghe hát thì thôi, khỏi phải tả.
Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng
tình quân dân thật chan hòa, chủ không tiếc khách kể cả cút rượu đang trên ban
thờ.
Sớm dậy, chúng tôi xin phép
tạm biệt lên đường, bịn rịn và lưu luyến nhất là các em... Lần sau qua lại về với
em nhé... Cụ bà quyến luyến dúi vào bị chúng tôi nắm cơm kèm gói muối vừng
"Mẹ thương các con lắm, qua lại nhớ về với mẹ", thật ân tình và xúc động.
Đến nay được chút thảnh thơi ngồi nhớ lại, tuổi các con đã già không có điều kiện
để đi thăm các mẹ, các mẹ nếu còn thì cũng đã trên trăm tuổi. Cho con viết lại
để lưu truyền cho các thế hệ tiếp nối về những gương sáng của các bà mẹ vô danh
có những tấm lòng thật yêu thương trìu mến, thật Việt Nam mà ở bất cứ nơi đâu
trên dải đất này ta cũng gặp.
Vừa đi vừa về ngót chục ngày
bao gạo chẳng thấy vơi, có chuyến còn căng thêm, nên anh em trong trạm thường gọi:
Bao gạo Thạch Sanh
Bao gạo thần kỳ
Thật tự hào tuổi trẻ được là
lính Cụ Hồ
Đi đâu dân cũng nhớ
Ở lại thì dân thương
Ngủ dân nhường giường sẻ chiếu.
3. Chuyến đò nhớ mãi (đồng chí Toàn kể).
Tôi gặp Toàn thật bất ngờ,
ngót 48 năm không gặp. Toàn vừa ở nông trường Thành Tô lên thăm em là bà Duyên ở
thị trấn Tam Đảo. Tôi đi nghỉ cùng anh em cựu chiến binh Ban liên lạc đặc biệt.
Qua lời thăm hỏi gia đình nhau là rôm rả ôn lại chuyện của những năm đầu kháng
chiến.
Tôi gặp ông là nhớ ngay đến
An Chung mà lại càng không quên được chuyến đi công tác qua bến đò Bình Ca. Hai
thằng không có đến 1 xu trong túi. Tiền đâu để qua đò. Trời đã xẩm tối, chuyến
đò chỉ có 2 chúng tôi (phải đi đêm để tránh máy bay). Nhìn cô lái, chỉ mới
thoáng thôi cứ muốn nhìn mãi, ở tuổi trăng tròn có lẻ, tràn trề sức sống. Trăng
vừa nhú, mặt sông gợn sóng lăn tăn, bóng cô lái mờ trên mặt nước. An Chung bỗng
cất tiếng hát:
Nhưng người khách tình quân ấy
Đi mãi, không về với bến
sông
Đã mấy lần xuân trôi trôi
mãi
Đã mấy lần cô lái mòn mỏi
trông".
Tôi xin ngừng kể để các đồng
chí thầm ca tiếp cùng An Chung bài "Cô lái đò",
Cùng hát đi, các đồng chí!
Bài thơ của Nguyễn Bính được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc đấy, thầm ca một
chút để thông cảm nỗi lòng của cô lái đò. Già rồi, nay hát lại, còn thấy man
mác nỗi buồn của khách và cô lái.
Thuyền thấy như chèo chậm lại,
không muốn cập bến để được ngắm và nghe mãi giọng ca của 2 chàng lính trẻ tâm hồn
đang rung động. Nhưng rồi đò cũng phải cập bến. Dáng điệu lúng túng của bọn
mình khiến cô lái thông cảm mỉm cười.
"Em ủng hộ các anh đấy,
lần sau đừng ngại nhớ gọi em cô lái đò bến Bình Ca". Mới gặp xong như đã nặng
lòng. Rời bến, thở phào, Toàn bảo Chung: Trong túi không tiền. Dân mến như
tiên cứu.
Ghi lại chuyện này để kính
viếng linh hồn An Chung. Những người còn sống vẫn nhắc tới anh "Người chiến
sĩ chuyển đạt năm xưa".
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét