30/10/24

Kể chuyện ở vùng địch hậu

Mai Thanh Liêm - nguyên Trưởng đài Sư đoàn 316

Năm 1951, Sư đoàn 316 vào chiến đấu trong vùng địch hậu, hoạt động ở huyện Quế Võ thuộc Bắc Ninh.

Đồng chí Chu Huy Mân vào địch hậu trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Chỉ huy Sở dùng hai điện đài để liên lạc với cấp trên, hậu phương và các đơn vị trực thuộc Sư đoàn.

Vị trí Chỉ huy Sở đóng tại ven sông Đuống, đứng ở bờ để nhìn rõ núi Thiên Thai bên kia sông.

Vào một đêm mùa đông, cơ yếu quây buồng nhỏ bằng nilon ở cửa hầm điện đài. Đồng chí Chu Huy Mân ngồi cạnh buồng đó. Tôi phán đoán chắc đêm nay ta công đồn phố Mới. Kiểm tra xong phương tiện thông tin, tôi chui ra khỏi hầm (cơ yếu và đồng chí Mân ngồi trên mặt đất vì không có hầm).

Đồng chí Mân tươi cười bảo tôi: kể từ giờ phút này trở đi đồng chí là người chỉ huy mặt trận. Gió mùa đông từ mặt sông Cầu phả lên lạnh buốt, nhưng người tôi nóng bừng vì lời động viên đó.

Các bạn ạ! Lúc này tôi cũng cảm nhận thấy thế nào là vị trí quan trọng của thông tin trong chỉ huy chiến đấu.

Sau đó, đồng chí Mân cho tôi và anh em điện đài thuốc lá Philíp, bánh đậu xanh Hải Dương liên hoan trước khi liên lạc.

Tên đài của các trung đoàn như 98, 174, 176 là ĐLĐ, VNM, MNM (hình như đồng chí Nguyễn Ái Hạc, trưởng ban thông tin đặt theo khẩu hiệu Đảng Lao động Việt Nam muôn năm).

Để theo dõi kết quả đêm công đồn đó, tôi luôn theo dõi thái độ của đồng chí Mân để tự biết.

Một hai tuần sau, Sở chỉ huy và điện đài vượt sông Đuống sang nam phần Bắc Ninh, đóng tại một làng cạnh núi Thiên Thai, theo đường thẳng khoảng 2 km dùng ống nhòm để có thể quan sát được đồn địch.

Mở máy liên lạc tôi thấy nhiễu (vì cự ly gần đài địch ở núi Thiên Thai). Tôi dò tìm thấy địch dùng thoại yêu cầu Hà Nội tiếp tế nước, lúc sau máy bay thả xuống đồn mấy thùng phuy chắc là đựng nước.

Đồn Thiên Thai lúc này ta bao vây, địch không xuống núi để lấy nước được.

Tôi nghĩ, nếu đã thế thì ông phá rối không cho mày liên lạc với Hà Nội. Máy chúng tôi dùng là máy Pilot, tín hiệu của máy rè và to.

Địch liên lạc với Hà Nội trên tần số thống nhất. Tôi dùng phonie quấy đảo không cho chúng làm việc với nhau.

Tôi nghe ngóng xem hiệu quả không!

Địch dùng Phonie chửi: Đ.m... Việt Minh. Thấy vậy, tôi càng phá dữ, trừ lúc bận liên lạc với các đài bạn.

Chỉ huy sở tiếp tục tiến sâu vào làng Nghi An (gần Hải Dương).

Đồng chí Mân thấy tôi dò được đài địch, nên chỉ thị điều một máy thu cho tôi chuyên trách dò tìm đài địch, còn việc liên lạc giao cho người khác.

Một buổi sáng khoảng 7-8 giờ, tôi đứng cạnh đồng chí Mân ở một hàng rào ven làng, thấy 1 chiếc xe tăng địch tiến vào đồn cách 1 km thì dừng lại, địch mở nắp xe xuống gặp em bé chăn trâu ở giữa đồng, sau đó xe tăng quay mũi lại, không vào chỗ chúng tôi.

Quan sát thái độ đồng chí Mân rất bình tĩnh, tôi chắc các làng đều có lực lượng của ta bố trí.

Vào khoảng 9 giờ, tôi thấy đài địch gọi Hà Nội:

- Demander si possible napan (đề nghị nếu có thể-napan).

- Hanoi d’accord, après 5 minutes (đồng ý, sau 5 phút nữa).

Tôi báo cáo anh Mân, địch yêu cầu Hà Nội ném bom napan. Hà Nội đồng ý chờ sau 5 phút.

Đúng 5 phút sau, 2 chiếc Hen-li-vơ mỗi chiếc đeo 2 quả bom napan như ong mang nhị hoa bay trên đầu chúng tôi.

Tiếp tục theo dõi, địch hỏi vị trí ném bom.

Mặt đất yêu cầu cách hàng rào tre 200 m (liên lạc của địch lúc nói tiếng Pháp lúc nói tiếng Việt).

Anh Mân dùng điện thoại báo đơn vị rút lui vào trung tâm làng, chuẩn bị chăn tẩm nước phòng địch thả bom napan.

Nhìn điểm bổ nhào, tôi biết chắc khu vực làng nào sẽ bị napan, nên cụm điện đài yên trí khỏi lo.

Kết quả 4 quả bom napan xuống một làng. Qua báo cáo bằng điện thoại chỉ có một người dân bị thương.

Lúc đó cũng chẳng biết là đơn vị nào, Trung đoàn 98 hay Trung đoàn 174. Mãi sau này hòa bình tôi tới gặp đồng chí Bùi (Tổng giám thị Hỏa Lò - Hà Nội), anh em tâm sự mới biết được đồng chí Bùi trước đó ở Sư đoàn 316.

Tôi hỏi: - Thế ở 316 ông ở trung đoàn nào.

- Tôi ở Trung đoàn 174.

- Hôm ở nam phần Bắc Ninh địch ném bom napan ông có ở đó không?

- Có, địch ném bom vào đơn vị tôi đóng ở làng ấy, anh Mân điện thoại báo trước nên không ai bị.

Tôi cười, quay lại phía cô con gái lớn của đồng chí Bùi:

- May quá, nếu không có bác thì chẳng có cháu ngày nay.

Cả nhà cười vui vẻ, như thầm cảm ơn tôi.

Sau này quan hệ giữa chúng tôi càng thân thiết và tình cảm.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét