Hoàng Xuân Giáp - Nguyên Trưởng
đài vô tuyến điện
Về 101 tôi được phục vụ liên
lạc mạng Nam Bộ và Khu 5, được bác Thanh "già" và chị Nga giúp đỡ về chuyên
môn, nên nhanh chóng đảm nhiệm mọi ca vững vàng, càng làm càng hăng không biết
mệt. Có hôm cháu Bình, con chị Nga quấy, tôi xung phong trực thay ca để nâng
cao tay nghề, mong sớm được đi chiến dịch.
Vừa ấm chỗ quen việc, thì
tôi nhận lệnh bổ sung cho Đại đoàn Bình Trị Thiên. Vì là nhiệm vụ bí mật quân sự
nên lẳng lặng ra đi không liên hoan tạm biệt, chắc lúc đó 101 cũng không mấy ai
quan tâm lắm bởi chiến dịch Tổng tấn công, Bộ đang tung cán bộ ra tiền phương,
kẻ trước người sau lần lượt ra đi.
Tổ về Nam, vừa đi được năm
cây số thì ngựa đuổi theo gọi tôi và các anh: Phù, Sáng, Tuân dừng lại trao quyết
định không đi Bình Trị Thiên nữa mà chuyển về Khu 3 vào Thái Bình, Kiến An, Hải
Hưng.
Bốn chúng tôi đều là dân Nghệ
Tĩnh, đã bàn với nhau về thăm nhà trước lúc vào chiến trường. Lệnh mới đổi hướng
từ lên rừng nay lại xuống biển, việc đó có xá chi, "đâu có giặc là ta cứ
đi", chỉ xao xuyến là xa nhà lâu ngày ra trận mà chưa được về thăm quê
và người thân, đã hơn ba năm không tin, không thư, anh nào cũng nao nao bần thần.
Lúc vào trạm nhận quyết định
mới, đồng chí quân lực quan sát chúng tôi và hỏi: "Vào địch hậu các đồng
chí có thắc mắc băn khoăn gì chăng?".
Một chốc suy tư rồi bình
tĩnh, tôi trả lời:
- Có ạ, bốn anh em là dân
Nghệ Tĩnh nay vào địch hậu, khó mà giữ được bí mật vì cái giọng xứ Nghệ dễ gì học
được giọng Khu 3. Địch hậu thì bí mật là yếu tố quan trọng nhất ạ!
Đồng chí cán bộ quân lực (là
ai chúng tôi đâu có biết) trả lời ngay:
- Trên đã cân nhắc và chọn lọc,
rất tin các đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ, còn các đồng chí lo thì không ảnh hưởng
gì đến công việc cả, vì yêu cầu các đồng chí nói bằng tay tối đa và nói bằng miệng
tối thiểu.
Câu trả lời rắn chắc và nhắc
chúng tôi giữ mồm giữ miệng vì hoạt động địch hậu.
Tới Chi Nê chúng tôi tìm đến
trạm giao liên, chờ đoàn vào khu, lo lắng tìm hiểu tình hình và chuẩn bị trang
bị.
Bốn chúng tôi vừa ở Trung Quốc
về, anh nào cũng vác một ba lô gói to và nặng toàn quần áo kaki Trung Quốc mới
toanh, sổ sách, bút giấy tất cả là đồ Tầu, từ chân tới đầu, thế là phải đổi bớt
cho mấy anh ở vùng địch hậu ra đi học. Tôi chỉ giữ lại chiếc đồng hồ "Vile"
của Thiếu tướng Trần Tử Bình, Hiệu trưởng Trường Lục quân tặng lúc về nước.
Hai bộ bà ba, một mặc, một
cho vào tay nải cùng cái màn con đeo lủng lẳng bên vai, đầu đội nón và bắt đầu
tập đi chân đất, lội bùn. Nhẹ cái vai lại nặng cái đầu từ đây.
Đoàn vào Khu 3 khoảng hai chục
cán bộ, do một o du kích khoảng 17 tuổi dẫn đường. Chúng tôi ra đi vào khoảng
20 giờ, không đèn đuốc, không tạm biệt om sòm, tất cả đều im lặng và suy tư bởi
sắp bước vào con đường chiến đấu không ranh giới, không giới tuyến; trời tối
đen như mực, tất cả chỉ mặc áo lót và quần đùi, tay nải gói chặt trong một tấm
nilông, lúc này rất hiếm và quý vì nó còn là phao để vượt sông và cũng là chiếu
chăn lúc mưa rét; vũ khí và trang bị nay chỉ còn đơn giản là tinh thần chiến đấu.
Lội đồng Hà Nam nước ngập gần
cổ, phải cố bám sát nhau mà đi, vì quá tối mà không có đường, tất cả là một cánh
đồng nước, mà đích là các bốt địch, đèn sáng trưng, lâu lâu bắn lên một phát
pháo dù chiếu sáng để quan sát, cứ lơ lửng mươi phút mới tắt, lúc có đèn là phải
đứng yên tất cả, mặt nước phản chiếu càng sáng thêm rõ mồn một. Lúc ra đi chỉ
vài chục cán bộ, sao bây giờ có tới bảy tám chục người, hỏi cô giao liên mới biết
đó là số các ông các bà ra kháng chiến thăm con, vợ ra thăm chồng, họ phục kích
rất bí mật, cứ thấy đoàn bộ đội vào Khu là họ theo, phần lớn là dân Thái Bình
và Nam Định. Đi được vài giờ, chú ý quan sát mới biết đường đi là tuyến giữa
hai bốt Tây có đèn sáng sẽ an toàn. Nguy hiểm nhất là vượt đường cái quan, các
vùng tề công giáo, nhưng đáng sợ nhất là vượt đường số 1 Bắc Nam, xe địch tuần
tra liên tục và lính nằm sẵn phục kích, có lần cất vó cả đoàn.
Lo và hồi hộp, ngày ngủ, đêm
đi, rồi cũng tới Khu bộ. Anh Thân trưởng Ban 3 ra tiếp đón, bố trí cho chúng
tôi nghỉ ngơi để ổn định tinh thần nhận công tác.
Qua tìm hiểu, chúng tôi mới
biết đang ở trên đất Quỳnh Côi - Thái Bình, còn làng xóm đường sá ra sao chưa rõ,
chỉ biết ăn ở tại nhà cơ sở và "chờ ở đó".
Mới ngủ được một đêm yên giấc
trong nhà, trên tấm cánh cửa gỗ nhà chủ, thì nửa đêm hôm sau vừa chợp mắt, có
liên lạc gọi bốn anh em dậy đi tập trung ngay. Chúng tôi xách tay nải chạy ra
sân đình thì thấy hàng ngũ đã chỉnh tề. Vừa đứng vào hàng Ban 3, thấy một ông
to khỏe, vai đeo tay nải, tay cầm gậy ra đứng trước sân đình (đồng chí Đỗ Mười)
tuyên bố to: "Địch lại tổ chức càn lớn, nhằm bắt cơ quan Bộ chỉ huy,
nay hai mặt sông canô tuần tiễu, bộ binh rải vây đồn ta từ đây ra Biển Đông".
Vậy tối nay ta phải mở đường máu vượt sông sang Nam Định, một ngả đồng chí Tham
mưu dẫn vượt sông sang Kiến An.
Tôi được biên chế xuống Kiến
An, đi sâu ra tận mép biển, Quân khu bộ đã vượt vây an toàn. Nhớ cuộc hành quân
không thể quên trong đời, từ Vân Nam về Việt Bắc, Đội 101, rồi vào Kiến An - Hải
Phòng chỉ với một "đôi chân vạn dặm". Tôi về phụ trách đài trưởng Hải
Kiến, vì lúc đó Ban chỉ huy Hải Phòng và Kiến An là một.
Đã có đơn vị sinh hoạt, đã
có công việc làm, cuộc sống thật là bình thản và yên lặng vì kín đáo, xa chợ
búa, xa đường cái, hạn chế giao tiếp, liên tục chuyển địa điểm, cứ ba ngày một
lần. Hai đêm ngủ và làm việc liên lạc, lại một đêm hành quân và đào hầm bí mật
phòng địch càn. Căng thẳng và gian khổ ngày qua ngày. Sinh hoạt lâu đã quen và
vào nền nếp, chỉ có một nỗi khổ âm ỉ là muốn nói mà không được nói, hạn chế
nói, hạn chế giao tiếp.
Đài ở trong tổ chỉ huy chiến
đấu của tỉnh gồm: đồng chí Bí thư tỉnh, Tỉnh đội trưởng (đồng chí Đặng Kinh sau
này là Tổng tham mưu phó Quân đội), cơ yếu, tôi và hai quay viên - gọn nhẹ, việc
ai người ấy làm ít khi hội họp.
Bề ngoài thấy bình lặng,
ngày lại qua ngày. Một hôm vừa làm xong đồng chí cơ yếu rỉ tai tôi hỏi máy móc
thế nào, pin còn đủ không? Tôi ngạc nhiên sao ông ấy lại lo cho mình, tôi còn
chần chừ thì ông ấy nói luôn: "Tối mai đài phải đi phục vụ đó".
Tôi hỏi đi đâu để chuẩn bị, ông không nói mà bảo phải chọn một máy tốt và gọn
nhẹ, thế là tôi chọn bộ SCR-694 máy mới thu được ở bốt Hệ đưa đi, còn cái Sinen
hộp gỗ thì gói nilông giấu ở hầm.
Sáng hôm sau, đồng chí Đảng
- cơ yếu, tôi và anh Thơm - quay viên hành quân cấp tốc ban ngày, vượt qua mấy
bốt Tây xuống tận xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng bên sông Văn Úc nhìn sang Đồ
Sơn. Vào một nhà cơ sở ở địa phương chuẩn bị, tôi vào buồng kín để lắp máy,
căng ăngten lên ngọn cau và bắt liên lạc với đài Bộ (101) và Liên khu bộ. Suốt
ngày có điện liên tục báo cáo việc chuẩn bị vào đánh chiếm điểm X. Chiều tối mọi
việc đã xong thì anh Đặng Kinh - Tỉnh đội trưởng xuống và ngồi cạnh đài. Ăn cơm
xong, anh đứng ngồi không yên, cứ đi ra, đi vào lo âu, anh lệnh cho tôi xin đài
Bộ trực chiến Kiến An đêm nay. Rồi cứ lâu lâu, tôi lại gọi thử liên lạc, vẫn tốt.
Bỗng thấy góc trời phía Hải
Phòng bừng cháy khói nghi ngút, tiếng nổ vang trời. Anh Kinh vào đưa tôi bức điện
báo chuyển ngay cho Bộ. Bây giờ tôi mới rõ là ta tập kích sân bay Cát Bi.
Bao vui mừng phấn khởi được
đi phục vụ một trận tập kích lịch sử, nhìn về Cát Bi như một biển lửa, lòng trần
ngập sung sướng.
Đêm đã khuya, trời mưa mù nặng
hạt, tôi gọi hai ba lần vẫn không thấy trả lời bắt đầu lo, cứ nóng mặt lên mà gọi
nhưng vẫn không bắt được liên lạc. Anh Kinh đứng cạnh mong chờ, đồng chí Thơm
quay mướt mồ hôi mà vẫn ZAN. Tỏ thái độ thông cảm, anh nhẹ nhàng chỉ thị:
"Ta đã đánh đúng, đánh lớn, địch sẽ trả đũa. Chúng ta phải rút về Vĩnh
Bảo ngay đêm nay, ở địa điểm cũ, sáng ra là không vượt sông được nữa. Các đồng
chí gọi một lần nữa không được thì cho đóng máy rút về ngay, nếu bị vây thì có thể
bỏ máy mà vượt về. Báo cáo sau cũng được, mai các đài thế giới sẽ báo trước
chúng ta". Rồi đồng chí đi ngay.
Gọi lần nữa vẫn ZAN, đúng là
thử kêu đốt xịt. Chỉ còn lại hai anh em đài làm đã mệt, cái mệt nhất lại bị
ZAN; cấp tốc rút về cơ sở với quyết tâm phải giữ lấy đài để trưa mai về bắt
liên lạc tốt báo cáo Bộ. Vai nặng, chân đau vì đường trơn, vừa đi vừa chạy, cái
máy nặng cứ đập vào xương sống kêu lục cục, hai anh em cắm đầu chạy qua làng
xóm vẫn yên ngủ, bốt địch vẫn sáng đèn, nó giúp chúng tôi xác định đúng hướng
vượt sông an toàn về tới Địch Lương - Vĩnh Bảo, cơ sở tỉnh. Mặt trời đã lên
cao, hai anh em lại lắp máy liên lạc, mình đau ê ẩm, xương sống sưng u lên, lúc
đó tôi giơ tay xem mấy giờ thì ôi thôi chiếc đồng hồ "Vile", tặng
phẩm của Thiếu tướng Hiệu trưởng tặng tôi, với lời dặn dò: “Vô tuyến điện là
cần đúng giờ, vậy phải có đồng hồ tốt"; tôi có vẻ e ngại, đồng chí nói
tiếp "Cứ lấy để làm việc chứ ở nhà hiếm lắm". Trong lúc chạy
vượt vây, một kỷ niệm cũ đã rơi mất!
Công việc gấp, tôi hỏi khắp
nơi để mượn đồng hồ, nhưng ở các xóm nghèo ai cần gì đồng hồ mà mua. Thế là chiếc
đồng hồ đeo tay của Tỉnh đội trưởng lại về tay tôi, lúc này tất cả vì công việc
chung. Chuyển xong bức điện, hai anh em thở phào như trút được gánh nặng; đi suốt
đêm, mãi tới trưa vẫn chưa có gì ăn, rủ nhau tìm cái gì lót dạ đã. Ra cửa gặp
các anh Ban chính trị cho biết đài các nước đã đưa tin tập kích sân bay Cát Bi,
đốt cháy nhiều máy bay.
Làm xong ca chiều, lệnh đóng
máy sớm, ăn sớm, hành quân sớm, tôi lại thấy lòng phấn chấn. Tuy nhiên, tôi vẫn
ấm ức về chuyện tối hôm trước. Đài bạn là ai? Cớ sao lại ZAN; một đợt phục vụ
không trọn vẹn! Cái "ZAN" cay đắng, ngậm ngùi cho mãi tới bây
giờ.
Thế mới biết nỗ lực của
riêng bản thân chưa đủ, vô tuyến điện là phải hợp đồng đồng bộ chớ bỏ những cuộc
hẹn như vậy. Có lẽ bạn tôi ở xa kia đâu có biết hẹn vì một biển lửa đang bốc
cháy ở Cát Bi.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét