30/10/24

"Ngủ đứng" - Chuyện thật như ... đùa

 Phạm Ngọc Tú

Tôi kể câu chuyện khó quên xảy ra năm 1951, khi đại quân ta chuẩn bị mở chiến dịch Hà Nam Ninh (Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình). Tiểu đoàn 303 được lệnh xuất quân đi phục vụ chiến dịch. Cán bộ và chiến sĩ ai ai cũng hăng hái, phấn khởi hoàn thành những công việc chuẩn bị cuối cùng.

Thế rồi theo đúng kế hoạch, toàn đơn vị rời căn cứ địa cách mạng ở Thái Nguyên hướng về vùng đồng bằng Hà Nam Ninh. Nhưng trong kháng chiến ta và địch sống xen kẽ nhau như các nhà quân sự thường dùng cụm từ: "Cài răng lược". Để đảm bảo tuyệt đối giữ bí mật và bảo toàn được lực lượng, quân ta phải đi vòng vèo qua một số vùng đất của các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình để đến được Ninh Bình, vượt qua sông Lô, sông Thao, sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Hoàng Long và nhiều khe suối, đèo dốc, nhiều cánh rừng với biết bao gian nan vất vả.

Toàn hành quân ban đêm. Từ 17-18 giờ hôm trước đến 3-4 giờ sáng hôm sau. Kỷ luật hành quân rất nghiêm: Không được trò chuyện, gọi nhau hoặc cười nói to. Không để cho vũ khí và trang thiết bị thông tin va chạm nhau phát ra tiếng động. Không được dùng đèn lửa trên đường đi. Lúc phải chạy, lúc đi nhanh, lúc đi chậm. Khi vượt sông, vượt suối, khi dừng lại nhất thiết theo lệnh của người chỉ huy ở phía đầu hàng quân. Người phía trước truyền khẩu cho người ở sau mình theo kiểu nói thầm sao cho vừa đủ nghe để rồi lại truyền tiếp cho người sau, cứ thế cho đến người ở cuối hàng quân.

Việc bộ đội ta "lấy đêm làm ngày" cũng có nhiều ưu điểm, song cũng có những mặt hạn chế. Ví dụ như: con người ta thường mệt mỏi và thèm ngủ đêm, tầm nhìn hạn hẹp, nhận biết đường đi lối lại, đường ngang ngõ tắt không dễ, phân biệt địch ta cũng khó khăn. Nhiều khi trên đường đi hoặc những nơi dừng chân chúng tôi cũng không thể biết được chân mình đang đứng trên vùng đất của tỉnh nào. Có chăng chỉ khi đi qua những con sông lớn hoặc vượt qua đèo dốc lớn chúng tôi mới phán đoán được vùng đất mà mình đang đi qua hoặc dừng lại nghỉ ngày để rồi đêm tối lại ra đi.

Những khi vượt sông thì thuyền, đò, bè, mảng là hoàn toàn dựa vào nhân dân. Có gì dùng nấy. Khi thì dân cho mượn, tự chuyên chở nhau qua sông. Khi thì dân chuyên chở do lòng yêu nước và thương bộ đội - ủng hộ kháng chiến. Nhưng phương tiện thì có ít, người thì đông. Mỗi lần vượt sông mất nhiều giờ đồng hồ.

Câu chuyện "Ngủ đứng" xảy ra vào một đêm cuối tháng, trời không trăng sao, tối đen như mực. Sau khi có lệnh: "Tạm dừng tại chỗ. Chuẩn bị qua sông". Thế là theo hàng dọc của đội hình hành quân, khi một người nào đó ở phía trước, sau khi nghe lệnh đã dừng lại, rồi quay đầu phía sau truyền lệnh cho người khác. Còn những người ở phía sau thì vẫn dồn bước tiến lên (vì lệnh chưa đến tai mình). Khi lệnh đến tai người cuối hàng quân thì cũng là lúc người nọ đã dồn ken sát vào người kia thành một dãy dài... Đôi hàng mi thì như có một lớp keo đặc biệt dính chặt vào nhau. Còn hai chân thì không còn muốn cất bước nữa sau hơn mười đêm đi liền, đi liên miên không nghỉ với chặng đường hơn 300 km.

Thế là những giờ phút "Ngủ đứng” bắt đầu.

Thời gian vẫn không ngừng trôi.

Hơn hai đại đội của tiểu đoàn đã qua sông Đà tiến về phía trước. Còn gần một đại đội vẫn ngon giấc "Ngủ đứng". Chắc chắn là sẽ có một lệnh truyền khẩu khác: "Lần lượt xuống thuyền qua sông" vì còn bận... ngủ…

Trong hành quân, cán bộ tiểu đoàn và đại đội thường thay nhau đi ngược từ đầu hàng xuống cuối hàng để động viên, kiểm tra, đôn đốc hoặc mang vác hộ trang thiết bị, vĩ khí cho những chiến sĩ nào quá mệt mỏi hoặc ốm đau bất thường... Khi phát hiện thấy thiếu quân mới cử mấy người qua sông để tìm và đón... Thì, đây rồi một dãy dài "Từ Hải đang ngủ đứng"... May mà không có chuyện gì xảy ra.

Thật hú vía.

Chuyện thật 100% mà cứ như... đùa!

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét