16/10/24

Đồng chí Hoàng Đạo Thúy với chiến sĩ thông tin vô tuyến điện

Phạm Duy Tín – P.D.T sưu tầm

Chúng ta là những chiến sĩ thông tin vô tuyến C19 gắn bó với nhau trong quá trình học tập và công tác ở một hoàn cảnh khá đặc biệt. Đến nay, mỗi người đã đi gần hết cuộc đời của mình, mỗi người một số phận nhưng chúng ta vẫn nhớ nhau với tình cảm đặc biệt của người chiến sĩ thông tin vô tuyến.

Tôi xin trích ra đây những lời tâm huyết của cố Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy được ghi trong hồi ký “Lên đường hạnh phúc” - Bộ Tư lệnh Thông tin xuất bản năm 1985. Đồng chí Hoàng Đạo Thúy đã viết về tình cảm đặc biệt của mình với chiến sĩ thông tin vô tuyến điện để chúng ta cùng nhớ lại và suy ngẫm.

“... Mạng vô tuyến điện là một mạng liên lạc vô hình nên tình cảm giữa các báo vụ viên là một tình cảm lý tưởng. Làm hàng ngày, hàng giờ với những người bạn không quen biết, bằng những bộ máy thô sơ, phải căng tai, căng óc ra mới nghe được một tiếng thoi thóp. Làm không kể giờ, không kể phiên nào. Anh chị em báo vụ đã tiêu rộng rãi cái vốn sức khỏe của mình. Khó mà hiểu được với các đồng chí; lắng nghe rồi lại gọi, gọi rồi lại lắng nghe. Thâu ngày, thâu đêm, đầu óc căng thẳng, tính khí hóa ra bẳn gắt hay lầm lì. Có khi bao nhiêu ngày một đài bạn ở phía sâu bên kia mặt trận bỗng im bặt. Mệnh hệ đồng chí ta thế nào? Nhưng lại cũng dễ thông cảm với đồng chí ở trong vòng nguy hiểm. Chỉ liên lạc với Trung ương bằng máy vô tuyến điện mà máy bị hỏng, bị phá hay bị mất, phải lăn lộn, mày mò, tìm kiếm, chắp nối thành một cái máy cổ sơ. Mà không có đồng hồ. Điều chỉnh lên một tí, xuống một tí, lắng tai, khổ tâm. Không gì khổ tâm bằng mất liên lạc. Đói chịu được. Không có vũ khí thì còn cái khác chứ không có liên lạc với trên, không nhận được chỉ thị, tin tức thì khác nào dòng máu ngừng lại, dây thần kinh cứng đờ. Đã cô đơn, lại cô đơn một cách xót xa hơn nữa. Nay máy làm được rồi nhưng bạn có còn nghe mình không? Ai oán thay tiếng gọi của đài đi tìm liên lạc. Sung sướng thay khi chắp được liên lạc. Không những chỉ vì nối lại đường dây, dù nó vô hình, không những nhận được chỉ thị, mệnh lệnh mà còn cảm thấy nỗi yêu thương của đồng chí mình.

Có những phiên ruột quặn lại... Người ngoài chỉ thấy, nghe thấy những tiếng tịch tè, tè tịch đánh đều đến lạ lùng. Nhưng đối với những người làm vô tuyến điện là những người đọc bằng tai thì những tín hiệu ấy như xoáy vào óc, vào tai. Ôi tiếng gọi của người mẹ hiền, gọi con trong cơn nguy kịch. Bẵng đi một phiên... hai phiên... gọi suốt canh giờ không thấy trả lời. Cái gì xảy ra với bà con, với đồng chí vô tuyến điện trong ấy. Đến hết phiên, đồng chí báo vụ buông thõng tay, lặng đi không nói năng gì. Mà những người xung quanh không ai dám hỏi một câu. Khoảng giữa hai phiên sao mà lâu thế. Rồi giờ đến, lại ngồi vào đài, lại gọi, gọi không mệt mỏi để rồi cuối phiên lại buông thõng tay, từ từ đứng dậy, người mà như chỉ còn cái bóng.

Nhưng đến giờ sau vẫn không chần chừ vẫn gõ vào giây thứ nhất. Không cần hỏi nhưng nhìn mặt anh ta bừng lên. Dòng máu ngừng đã lại chảy rồi. Chắc anh em trong kia gặp việc gì đây phải bỏ phiên nhiều ngày nhưng vẫn tin là ngoài này chờ đợi, nên mới qua tín hiệu thứ nhất, liên lạc đã nối lại ngay. Thật là đồng bào, thật là cùng máu mủ. Dòng máu từ tay đến tim như ngập ngừng rồi qua tiếng thét, tiếng súng vẫn cứ vọt về, vọt đi, toàn thân vẫn rung động.

Tình cảm của những người làm vô tuyến điện, của những chiến sĩ thông tin.

“Anh chị em báo vụ của chúng ta trung kiên vô cùng, ít khi phải cầm súng bắn, nhưng cứ làm việc và làm được là rất dũng cảm”.

Liên lạc Nam Bắc, người ta thường dùng máy 1000W, chí ít cũng phải 200W. Thế mà mình chỉ có máy 15W lại còn liền liền đổi chỗ. Chỉ cứ dán tai vào mà nghe, gọi bạn đã đủ vã mồ hôi. Những tín hiệu nó có đến được cũng như từ thế giới nào đến ấy. Mà anh chị em không chịu để điện đọng lại. Vì biết rằng có khi vì tin chậm mà các đồng chí mình tốn xương máu thêm. Đánh hết thì thường phải mười giờ, nhiều khi hơn không có giới hạn nào cho công việc, cũng như không có giới hạn nào cho tấm lòng của đồng chí báo vụ.

Đánh được bức điện là thở phào, ấy thế mà có khi không chỉ là một bức điện mà là cả một cuốn sách, tài liệu học tập mà đưa chuyển đạt chân thì thường mất sáu tháng.

Một lần đến thăm đài, cụ Chủ tịch hỏi anh em làm ngày mấy giờ. Anh em thưa: ít là mười giờ còn thì hết điện mới ra. Cụ thương lắm, cụ bảo: Trước kia tôi cũng có độ làm việc nghe vô tuyến điện đến bốn giờ thì mệt rồi.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn "Hồi ức Cưu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1")

0 nhận xét:

Đăng nhận xét