Đại tá Vũ Đình Hộ - nguyên Trưởng đài Đội 101
Khi còn là Tiểu đội trưởng ở
Đội 101, công việc của tôi chỉ là hàng ngày dẫn tiểu đội đi ca, lo chuyển nhận cho
hết các bức điện trong phiên việc. Đi hết ca thì lo học tập nâng cao nghiệp vụ.
Còn mọi công việc khác đã có đội lo. Lúc làm việc thì tiếp xúc với máy thu và
maníp, còn cả tháng cũng không nhìn thấy cái máy phát, mọi việc kỹ thuật cũng Đội
lo cho hết. Cho đến cuối năm 1952, tôi và hai bạn là Oánh và Đỗ Hải được lệnh
chuyển đi công tác ở Liên khu 3 và Đại đoàn 304. Thế là ba anh em khăn gói lên
đường, trèo đèo lội suối từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Hòa Bình, vào đến Nho Quan
thì chia tay nhau. Đỗ Hải tiếp tục vào Thanh Hóa, còn hai chúng tôi đi về Xích
Thổ. Về đến Liên khu, làm việc chưa đầy một tháng thì tôi được cử vào địch hậu,
làm việc cho Tỉnh đội Hà Nam, còn Oánh vẫn thường xuyên bị sốt rét hành hạ nên
được bố trí công tác ở Liên khu. Thế là ở tuổi 18 với hai năm tuổi quân, lần đầu
tiên tôi được phụ trách một đài vô tuyến điện độc lập.
Gọi là đài cho to, thực ra
chỉ có ba người: tôi là báo vụ phụ trách đài và hai nhân viên Ragonô (máy phát
điện quay tay). Máy thu đều do trạm kỹ thuật Liên khu lắp ráp: máy phát 1 đèn
chạy thạch anh, máy thu chạy pin, vỏ bằng thùng sắt tây. Vì vào vùng địch hậu
phải di chuyển thường xuyên nên mọi thứ đều phải suy tính mang theo ở mức độ tối
thiểu, mọi sách vở, giấy tờ đều phải để lại Liên khu. Tuy vậy mỗi người phải
mang vác gần 20 kg. Tôi trực tiếp mang máy thu phát và tài liệu, một nhân viên
mang máy phát điện, một nhân viên mang Ragonô, pin, ăngten... Ngoài ra ai cũng
phải mang súng, lựu đạn và tư trang. Lần đầu tiên đi với đoàn cán bộ vào địch hậu,
theo hướng dẫn của giao liên, có lẽ ba chúng tôi mang nặng và cồng kềnh nhất.
Cho nên trên đường đi, cứ mỗi đoạn gặp bờ ruộng trơn hoặc phải lội qua mương,
ngòi thì sau đó phải cố chạy theo kịp đoàn. Nhiều lúc đã tưởng bị lạc nên luôn luôn
lo thấp thỏm. Nếu bị lạc không ra khỏi vành đai đồn bốt địch trong đêm thì hậu
quả thật khó lường.
Đài công tác trong địch hậu
nên luôn phải lo giữ bí mật. Ăngten không bao giờ dám treo cao, mà chỉ dùng một
sợi ăngten thu nhỏ, đến nơi có cây cao thì dùng một sợi dây khác ném qua cành
cây rồi kéo ăngten lên. Thường ở các làng đồng bằng thì chỉ sẵn cây cau nên thường
dùng cách buộc vòng sợi dây quanh cây rồi dùng sào đẩy lên cao. Khi tháo xuống
chỉ cần cho chùng dây ăngten là tháo được ngay, vừa nhanh, vừa ít người để ý.
Có điều, máy phát là loại lắp đơn giản nên mỗi lần dịch chuyển ăngten là lại phải
mò mẫm điều chỉnh lại máy phát, nhiều lúc lo toát mồ hôi sợ lỡ phiên làm việc.
Chỗ làm việc đều phải nhờ trong nhà dân để giữ bí mật, mà trong địch hậu thì
lúc nào cũng có thể bị đại bác địch bắn tới, nên đến đâu cũng phải ngay vận động
nhân dân cho đào hầm ngay trong nhà, rồi đặt máy làm việc ngay cạnh hầm. Mỗi
khi nghe tiếng pháo đầu nòng là phải dè chừng, nếu thấy tiếng đạn bay "u,
u” là nó sẽ vọt qua, nếu thấy "xạch, xạch" là phải kéo
ngay máy xuống hầm. Chết nỗi lúc đang làm việc thì tai chụp ống nghe và tư tưởng
còn phải tập trung để lọc lấy tín hiệu trong nhiễu, nên có lúc anh em hét và đạn
pháo nổ quanh rồi mà cũng chẳng kịp xuống hầm. Cũng may là chưa gặp quả đạn nào
rót đúng ngay vào đài. Khi làm việc thì điều vất vả hơn còn ở cái máy thu tự lắp.
Tuy đã làm dây đất rồi đổ nước liên tục để tiếp đất cho tốt, nhưng khi đã điều chỉnh được tín hiệu rồi thì
vẫn cứ phải để nguyên tay ở núm điều chỉnh, vì nếu bỏ tay ra thì tín hiệu cũng
mất luôn. Pin A, Pin B để chạy máy thu cũng phải dùng mỏ hàn đốt than để tự hàn
lấy, nối pin vào máy đều là nối dây chứ không có đầu cắm gì cả. Vì vậy có lần
triển khai máy ban đêm, tôi sơ ý làm chập dây, cháy cả bộ đèn máy thu. Thế là lại
phải mang máy, luồn qua vành đai đồn địch, đem về Quân khu để chữa. Sau lần đó,
tôi tìm cách luôn có một bộ đèn dự trữ, cùng một số linh kiện khác, để khi máy hỏng
thì cố mày mò sửa chữa lấy, đỡ phải đem về Quân khu. Cũng vì thế mà tôi tự nhủ
sẽ phải tìm cách học kỹ thuật cho tốt.
Thường thì đến mỗi làng cũng
chỉ được dăm bảy ngày là chúng tôi phải di chuyển đi nơi khác, đến đâu cũng chỉ
ở trong nhà, thực phẩm hàng ngày cũng nhờ dân mua giúp. Đến nơi nào thì ngoài
việc đào hầm tránh pháo, có lúc còn phải đào hầm bí mật để phòng khi địch quây
càn, nếu căng quá thì phải rút xuống hầm, nếu đỡ hơn thì cho máy xuống hầm còn
người thì di tản lẫn với dân, cũng có trường hợp lại tham gia du kích chống
càn. Cuộc sống tuy vất vả nhưng anh em đài luôn gắn bó và quan hệ với dân rất mật
thiết. Qua thời gian thử thách này tôi đã có vinh dự được đứng trong hàng ngũ của
Đảng. Ở tuổi 20 tôi cảm thấy vững vàng hơn rất nhiều và nghĩ rằng khi lên máy nếu
có may mắn gặp được anh chị em trong Đội 101 cũ thì cũng không đến nỗi hổ thẹn.
Và cũng từ đây tôi tự thấy phải tận dụng mọi cơ hội để học tập nghiệp vụ cho thật
tốt. Sau này mỗi khi kết thúc một thời kỳ công tác, nghĩ lại tôi đều thấy những
công sức mình liên tục bỏ ra đều đã được hoàn trả xứng đáng. Cho nên tôi cũng
luôn mong muốn gây dựng được lòng say mê kỹ thuật cho lớp tiếp sau, mà càng
ngày thì điều kiện phấn đấu lại thuận lợi hơn trước kia rất nhiều. Ngày nay đã
là thời của kỹ thuật điện tử tin học, của cáp quang, vệ tinh, của siêu xa lộ
thông tin với hàng chục các dịch vụ khác nhau, đang đưa nhân loại bước sang kỷ
nguyên mới: kỷ nguyên thông tin, kỷ nguyên trí tuệ.
Ngày 27-10-1996
0 nhận xét:
Đăng nhận xét