26/10/24

Đội Vô tuyến điện 101 ra đời và lập chiến công đầu

Trích hồi ký của Thiếu tướng Nguyễn Diệp - nguyên Đội trưởng Đội 101

Đầu tháng 7 năm 1950, tôi đang công tác ở xưởng CRL và làm giáo viên lớp cơ công sơ cấp đầu tiên của Cục Thông tin liên lạc thì được lệnh "Tập trung đi nhận nhiệm vụ mới". Tâm trạng tôi lúc đó vừa mừng, vừa lo, vừa vui, vừa buồn. "Vui mừng" vì được đi tham gia "Chiến dịch" dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Cục trưởng, người anh cả, người thầy kính yêu đã giáo dục, động viên tôi tham gia bộ đội thông tin từ sau Cách mạng tháng Tám, "Lo" vì đã chuyển sang công tác đảm bảo kỹ thuật ở xưởng 3 năm nay, trở lại làm nhiệm vụ chỉ huy, quản lý một đội vô tuyến điện, chắc không khỏi bỡ ngỡ; còn "Buồn" vì từ nay phải xa anh em ở xưởng, phải "Tạm biệt" người yêu đang theo học lớp cơ công. Tuy nhiên, nhiệt tình của một đảng viên trẻ và ý thức chấp hành mệnh lệnh vẫn là động lực chính thôi thúc tôi lên đường không vấn vương trước sự bịn rịn của người yêu lúc chia tay.

Bộ phận Vô tuyến điện chúng tôi tham gia chiến dịch lúc lên đường chỉ mang theo 2 bộ đài chiến lợi phẩm (1 bộ SCR 284 và 1 bộ MKIII đã được Xưởng CRL sửa chữa, cải tiến). Trưởng đài, báo vụ viên do Cục Thông tin lựa chọn, điều động được gần 20 đồng chí, hầu hết là các báo vụ viên giỏi đã có ít nhất 3 năm tuổi nghề, người ở Đội vô tuyến điện 59 của Bộ, người ở Sở Vô tuyến điện Việt Nam biệt phái sang. Trên đường hành quân chúng tôi được bổ sung thêm 30 tân binh quê ở Khu 4 để làm nhiệm vụ quay máy phát điện và phục vụ. Khi đến Đà Tàu, vị trí tập kết của cơ quan chỉ huy chiến dịch, tôi được giao nhiệm vụ đưa một trung đội tân binh đến cơ quan tiền phương của Tổng cục Cung cấp nhận khí tài mới. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp trực tiếp phụ trách cơ quan cung cấp chiến dịch cử người dẫn đường và đưa giấy giới thiệu chúng tôi sang Thủy Khấu - một thị trấn của Trung Quốc ở sát biên giới, nhận một số điện đài do Trung Quốc viện trợ. Lần đầu tiên được "Xuất ngoại" tôi dặn anh em tân binh chọn bộ quần áo lành lặn nhất, giữ kỷ luật chặt chẽ, mọi hành động phải làm theo lệnh của chỉ huy, không được tự do đi lại kẻo lạc. Nhận khí tài ở kho xong, chúng tôi đưa về cơ quan cung cấp chiến dịch mới mở ra kiểm kê và ký nhận trước khi chuyển về đơn vị. Thật không sao tả xiết nỗi vui mừng của tôi khi nhận được những khí tài đồng bộ, từ máy thu phát đến các phụ tùng đều có túi vải quai đeo mới nguyên, thơm phức mùi sơn. Ngoài 7 bộ máy kiểu 15PM do Trung Quốc sản xuất còn có 3 bộ máy kiểu Pilot-V101 do Mỹ sản xuất và trang bị cho quân đội Tưởng Giới Thạch.

Đối với tôi, chiến sĩ thông tin đã làm trưởng đài rồi làm thợ sửa chữa, lắp ráp điện đài, thường sử dụng các máy kiểu đơn giản, chắp vá, không đồng bộ, đây quả là một tài sản quý báu làm tôi tin chắc là đơn vị sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến dịch này.

Sau khi nhận khí tài về Đà Tàu để làm tiếp công tác chuẩn bị, ngày 15 tháng 8 năm 1950 chúng tôi được chính thức biên chế thành đội vô tuyến điện trực thuộc Ban Thông tin chiến dịch với phiên hiệu là 101 vì được trang bị 3 bộ máy Pilot-V101 là loại điện đài cơ động, hiện đại nhất của bộ đội thông tin thời kỳ đó, có khả năng đảm bảo cả liên lạc báo và thoại. Cùng thời gian đó, Đội điện thoại 99 và Đội truyền đạt 103 cũng được thành lập, đều là đơn vị trực thuộc Ban Thông tin chiến dịch.

Đội vô tuyến điện 101 lúc này đã được trang bị 12 máy (gồm 2 bộ đem từ hậu phương và 10 bộ mới nhận) nhưng vì quân số thiếu nên chỉ tổ chức thành 10 đài trực thuộc Ban chỉ huy đội, mỗi đài có một trưởng đài, một báo vụ, ba đến bốn chiến sĩ quay máy phát điện và mang vác máy khi hành quân. Cán bộ đội có 3 người, tôi là đội trưởng phụ trách chung đồng thời trực tiếp làm 1 ca khi công việc nhiều, đồng chí Trương Đức Tiến - đội phó kiêm phụ trách một đài, đồng chí Đỗ Mạnh Đức - chính trị viên phụ trách công tác chính trị và hậu cần, ngoài ra còn có một cơ công, một thợ phụ, một y tá và hai chiến sĩ nuôi quân.

Sau khi ổn định về biên chế trang bị, chúng tôi huấn luyện trong 15 ngày nhằm làm cho các báo vụ viên sử dụng máy thành thạo, biết cách triển khai điện đài trong điều kiện dã chiến, nhất là sử dụng quy ước liên lạc PAGT do bác Nguyễn Cung soạn thảo, bác Cung là cán bộ của Sở Vô tuyến điện Việt Nam biệt phái sang làm trợ lý vô tuyến điện cho Ban Thông tin chiến dịch - PAGT là gọi tắt của phương án giờ và tần số, còn gọi là PAC.

Đối với chúng tôi, đây là lần đầu thực hiện một quy ước liên lạc phức tạp, có khả năng giữ bí mật cao nhằm chống địch trinh sát điện tử. Theo quy ước này, mỗi đài có một "Lịch liên lạc" quy định cụ thể việc thay đổi tên gọi, tần số và giờ liên lạc hàng ngày, hoặc hai ngày một lần. Riêng về tên, đây cũng là lần đầu mỗi đài có 3 tên: "Tên công khai" ghi trên sổ sách, trên bức điện là tên gọi cố định không thay đổi, "Tên bị gọi" là tên dùng cho đài bạn gọi mình khi bắt liên lạc và "Tên tự xưng" là tên mình xưng khi trả lời đài bạn. Tên tự gọi và tên tự xưng được thay đổi theo giờ liên lạc cùng với việc thay đổi tần số. Đối với các báo vụ viên ngày nay, việc thực hiện quy ước liên lạc tương tự trên đây không có gì khó khăn vì trong quá trình đào tạo đã quen dùng, mặt khác các máy thu phát hiện nay có độ ổn định tần số, độ chính xác tần số cao nên việc thay đổi tần số cũng thuận lợi còn đối với chúng tôi, từ khi vào nghề chỉ quen dùng một tên, một tần số, hàng ngày thay đổi thì thật là phức tạp. Mặt khác điện đài 15PM do Trung Quốc lắp ráp tuy đồng bộ và mới nhưng kiểu lại cũ, máy phát dùng đèn chủ sóng kiểu tự dao động, nguồn điện lại dùng máy phát điện quay tay nên tần số không ổn định, máy thu kiểu khuếch đại trực tiếp, mặt độ số của máy thu không thật chính xác so với tần số thực của máy nên việc thay đổi tần số rất dễ dẫn đến mất liên lạc hoặc phải tìm gọi nhau lâu mới bắt được liên lạc. Cũng may là anh em báo vụ đều là những người có kinh nghiệm nên sau 15 ngày huấn luyện mọi người đều tin rằng có thể thực hiện theo quy ước PAGT để giữ bí mật mạng thông tin vô tuyến điện của chiến dịch.

Gần đến ngày nổ súng, Trưởng ban Thông tin chiến dịch mới lệnh cho Đội 101 cử hai đài kiểu 15PM xuống Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 là hai đơn vị đánh trận Đông Khê mở màn chiến dịch, đồng thời cử 1 đài xuống Đại đoàn 308 là lực lượng sẵn sàng đánh quân tiếp viện. Ngoài ra đội còn cử 2 đài cơ động và 1 cơ công đi theo Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch.

Sở chỉ huy cơ bản triển khai 4 điện đài và 1 máy thu trong đó 1 đài liên lạc với hậu phương (Trung ương và Bộ Quốc phòng), với Liên khu 1, Liên khu 10 và 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Một đài liên lạc với Sở chỉ huy tiền phương và hai trung đoàn 174, 209. Một đài liên lạc với Đại đoàn 308 và sẵn sàng liên lạc vượt cấp tới các trung đoàn 36, 88, 102; một đài dự bị để liên lạc tay đối với một trong các đối tượng trên khi công việc bận rộn, còn máy thu để thu tin địch hỗ trợ cho bộ phận thu tin của Ngành Quân báo.

Trong đợt 1 chiến dịch, Ban Thông tin chưa sử dụng các đài Pilot-V101 vì cho rằng các đài làm nhiệm vụ công đồn có Sở chỉ huy ổn định, có thể dùng hữu tuyến là phương tiện chủ yếu, mặt khác cũng chưa dùng thoại trên vô tuyến để giữ bí mật. Tuy nhiên đường dây giữa Sở chỉ huy cơ bản ở Nà Lạn với Sở chỉ huy tiền phương ở gần Đông Khê không triển khai được đúng kế hoạch do thiếu dây nên đêm 15 tháng 9 trước khi nổ súng cũng như từ khi nổ súng (6 giờ 20 phút ngày 16-9 đến 11 giờ 20 phút), vô tuyến điện lại trở thành phương tiện liên lạc chính giữa đồng chí Tổng tư lệnh ở Sở chỉ huy cơ bản với đồng chí Tổng Tham mưu trưởng ở Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch. Trong đợt này, các đài kiểu 15PM tuy mới nhưng do thời tiết ẩm nên hay hỏng vặt nhất là hay đứt biến áp nối tầng ở máy thu. Điện đài biệt phái xuống Trung đoàn 209 cũng bị hỏng đột xuất khi đơn vị đang tiến công Đông Khê nhưng Sở chỉ huy tiền phương đã kịp thời cử đồng chí Nguyễn Văn Thúy cơ công xuống sửa nên vẫn bảo đảm liên lạc. Ở Sở chỉ huy cơ bản, tôi cũng phải kiêm cơ công, ngày làm ca, đêm sửa chữa máy còn đồng chí Chi thợ phụ chuyên cuốn lại biến áp.

Rút kinh nghiệm đợt này, khi chuẩn bị đợt 2 đánh địch vận động, Ban Thông tin chiến dịch cử 1 đài Pilot-V101 xuống Trung đoàn 174 có nhiệm vụ đánh địch trên đường Thất Khê - Na Sầm và một máy Pilot-V101 xuống Đại đoàn 308 đánh địch rút lui từ Cao Bằng về, còn 1 máy Pilot-V101 đặt ở Sở chỉ huy cơ bản để liên lạc với 2 đài trên cả bằng báo và thoại.

Trong đợt 2 này, các đài đi theo Trung đoàn 174 và Đại đoàn 308 đều bảo đảm liên lạc vững chắc với Sở chỉ huy cơ bản chiến dịch, cả khi đơn vị hành quân truy kích địch vì việc triển khai hoặc thu hồi máy chỉ cần 3 đến 5 phút.

Đặc biệt, ngày 6 tháng 10 năm 1950 khi Đại đoàn 308 đang vây binh đoàn do quan năm Sác-tông chỉ huy rút từ Cao Bằng về tới khu vực Cốc Xá, đài Pilot-V101 ở Sở chỉ nuy cơ bản đã vinh dự được Bác Hồ đến theo dõi cuộc đàm hoại giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh chiến dịch với đồng chí Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng. Đây là một kỷ niệm sâu sắc đối với toàn Đội 101 và cũng là nguồn cổ vũ lớn lao, động viên đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong suốt chiến dịch1.

Kết thúc chiến dịch, đồng chí Tổng tư lệnh nhận xét: "Thông tin đi tay không, lại bất chợt, mới mẻ mà bảo đảm được tốt...". Còn Bộ chỉ huy quân đội Pháp khi thú nhận thất bại cũng nêu: “Chúng ta đứng trước một kẻ địch có số quân đông hơn, hỏa lực mạnh hơn, lại có một hệ thống thông tin vô tuyến điện phối hợp tốt... Mạng vô tuyến điện quân viễn chinh đã thua mạng vô tuyến điện Việt Minh"2.

Với chiến công đầu này, Đội vô tuyến điện 101 vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì3, Đội điện thoại 99 được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba, còn tập thể lực lượng thông tin trực thuộc Ban Thông tin chiến dịch được tặng Huân chương Quân công hạng Ba với phiên hiệu Tiểu đoàn 303 (là tổng cộng ba phiên hiệu: 99+101+103), tuy đến đầu năm 1951 Tiểu đoàn này mới chính thức được thành lập.

Cá nhân tôi cùng bác Nguyễn Cung, trợ lý vô tuyến - tác giả của quy ước PAGT và bác Nguyễn Văn Thúy - một cơ công quê ở Nam Bộ đã vượt qua lửa đạn đến sửa máy ở Trung đoàn 209 cùng vinh dự được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba. Ngoài ra còn hơn mười cán bộ, chiến sĩ trong đội được tặng Bằng khen, Giấy khen.

Phát huy truyền thống "Lập công trong chiến đấu" đơn vị chúng tôi tiếp tục được phục vụ các chiến dịch do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp tổ chức và chỉ huy, từ chiến dịch Cao - Bắc - Lạng đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trải qua 8 chiến dịch Đội vô tuyến điện 101 đều có mặt, đều thực hiện khẩu hiệu "Đã ra quân là hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

--------------------------

1 Xem bài “Một kỷ niệm sâu sắc” kể tỉ mỉ cuộc thăm điện đài của Bác Hồ.

2 Trích Lịch sử Bộ đội Thông tin, tập 1, tr. 237-238.

3 Sau này Huân chương Chiến sĩ được đổi là Huân chương Chiến công. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét