30/10/24

Thiêng liêng tình bạn

Nguyễn Tạo Khánh - nguyên cán bộ Ban liên lạc đặc biệt

Trên đường đi dạy học trở về, tôi thấy một bóng dáng quen quen đang từ phía ga Hàng Cỏ đi lại. Tới gần tôi mới nhận ra: đó là đồng chí Vũ Ngọc Thoa, bạn chiến đấu cùng Ban liên lạc đặc biệt (Tiểu đoàn 36) từ những năm 1949-1951 tại Bộ Tổng Tham mưu.

Vui được gặp lại bạn, tôi mời đồng chí về nhà nghỉ để có dịp hàn huyên sau 15 năm xa cách.

Nhập ngũ từ năm 1947, là người có nhiệt tình cách mạng, ý thức trách nhiệm cao, đồng chí đã được kết nạp Đảng năm 1948 và làm thủ quỹ của đơn vị. Năm 1951, đồng chí dẫn một số bệnh nhân về đoàn an dưỡng của Bộ rồi nhận công tác tại đây, đầu năm 1955, được chuyển ngành về Công ty Bách hóa tỉnh Hải Ninh và được phục viên vào năm 1958. Người gốc Hà Nội, nhưng vì chiến tranh, gia đình thất tán, không còn người thân thích, đồng chí trở về sống với đồng bào ở nơi xưa kia đơn vị đã trú quân: xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, để được vui cùng những tình cảm chất phác, thật thà của đồng bào các dẫn tộc và cũng là để phù hợp với cách sống bình dị, hợp với tâm trạng của mình.

Khi về nghỉ, đồng chí phải kiếm sống bằng tăng gia sản xuất, làm nghề "gõ đầu trẻ" ở địa phương để được thù lao bằng những bơ gạo của các cháu nhỏ góp lại.

Cuộc sống mang tính "tự cấp, tự túc" trong khi sức khỏe ngày càng giảm sút, đồng chí đã gặp nhiều khó khăn phải về Hà Nội để khám và chữa bệnh, đồng thời để gửi đơn xin trợ cấp.

Biết đồng chí vốn là người thẳng thắn, cương trực, luôn trọng tư cách đảng viên, nên chúng tôi lựa lời an ủi, gợi lại những khó khăn mà trước kia đồng chí đã cùng chi bộ lãnh đạo vượt qua, qua đó, động viên đồng chí tiếp tục vượt qua những khó khăn chung trong thực tế hiện nay. Điều đó "như nguyên tắc đơn giản" nhưng cũng làm đồng chí thấy lại hào khí thuở xưa, bình tâm cùng chúng tôi trao đổi tâm tình...

Không phải nằm điều trị, sau khi đi thăm một vài đồng chí anh em khác như các đồng chí Sinh Hùng, Huyến Già... đồng chí trở lại Định Hóa với tinh thần phấn khởi hơn vì đã "được cởi mở một phần những đau khổ của cuộc đời..., được an ủi, vì đó mà có thêm nghị lực của lẽ sống...".

Mấy tháng sau, đồng chí báo tin vui: "Huyện ủy Định Hóa đã gặp, an ủi, hứa sẽ giúp đỡ và địa phương đã cho mua gạo theo phiếu cung cấp" nhưng đồng chí cũng không quên động viên chúng tôi: "Kết quả đó là do sự chịu đựng, giải quyết đúng và tốt của chúng ta, trong đó có nhiều tư tưởng giải quyết kịp thời của Tạo và Khánh".

Chúng tôi rất vui, vui vì từ nay đồng chí Thoa không còn phải lo vấn đề "no cái bụng" mà cả tư tưởng cũng được động viên thỏa đáng: sự đóng góp của đồng chí cho cách mạng đã được ghi nhận!

Được ăn gạo cung cấp - chỉ phải chi 2 hào một ngày so với 1 đồng tiền gạo trước kia, đồng chí có tiền để mua thuốc chữa bệnh, nên sức khỏe đã khá hơn, tinh thần được thoải mái hơn.

Với những báo "Khoa học thường thức" và "Họa báo Liên Xô" mà chúng tôi đã gửi lên, đồng chí như vẫn bắt được nhịp sống bình thường, không chỉ ở trong nước mà cả thế giới xã hội chủ nghĩa, có lúc hứng khởi, đồng chí đã bảo chúng tôi gửi lên cả quyển "Ấu trĩ tả khuynh" để nghiên cứu!

Dù đã có đàn gà ríu rít bên tai, con mèo để vuốt ve tình cảm, đã có bụi chuối, luống rau để cải thiện sinh hoạt, nhưng qua các thư nhận được, chúng tôi cảm thấy đồng chí vẫn thiếu... Đó là một gia đình để được quan tâm săn sóc!

Đồng chí nhắc tôi phải chữa bệnh thấp khớp, cho cháu bé đi sơ tán mỗi khi thấy địch đánh phá ác liệt, lâu không có tin lại biên thư hỏi để: "Xem có làm sao không?".

Nhiều lần đồng chí nhắc chúng tôi lên chơi, để "vừa nghỉ hè vừa sơ tán".

Trong kháng chiến chống Mỹ, việc đi lại thật khó khăn, làm sao mà lên được, chúng tôi đã phải biên thư hứa là sẽ lên chơi để đồng chí vui lòng. Không ngờ, đồng chí đã tưởng thật và đã chuẩn bị đón tiếp một cách thực sự: "Nơi ngồi chơi trồng mấy cây hoa mào gà vừa để vui mắt vừa để chữa bệnh", "Sửa sang lại giếng nước trong ở chân đồi để cùng nhau tắm mát như thuở xưa...", "Khi có việc đi vắng lâu phải vội về ngay" vì sợ chúng tôi lên chơi phải ngồi chờ!

Chỉ "mong đợi, đợi với chờ" và đồng chí đã được đón cả gia đình chúng tôi lên chơi... trong những giấc mộng!, "đã cùng nhau đi chơi, xem hoa, hái quả"..., "cùng nhau rẫy cỏ quanh nhà"..., "cùng nhau trao đổi luận bàn"..., "tỉnh giấc mơ lại tiếc, tiếc vì nó chưa phải là thực, nhưng nó cũng an ủi được phần nào lòng mong đợi!...".

Nhận được thư đồng chí kể lại, chúng tôi không thể đành lòng...

Xuống ga Thái Nguyên, với chiếc xe đạp cà tàng, tôi đã vượt qua Giang Tiên, Đồn Đu để tới Quán Vuông - nơi xưa kia đã là "điểm hẹn" của bao nhiêu người - nay vẫn chưa nhiều đổi thay vì chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Tới xã Trung Lương, mỗi khi tôi hỏi nhà anh Thoa, ai cũng thân tình vồn vã: "Bác là em ông Thoa đấy à?", "Bác là người nhà ông Thoa ở quê lên chơi đấy à?...". Té ra anh Thoa cũng khá nổi tiếng: không chỉ vì nhiều người đã được anh dạy chữ mà còn ở anh, một Anh bộ đội Cụ Hồ người dưới xuôi - không người thân thích - đã lên đây sống cùng dân bản, vẫn đôi khi gánh chuối ra chợ bán.

Qua những bụi nứa, qua những khóm mua, tôi đã tới nơi: một túp lều nhỏ cạnh cây cau già trên một mỏm đồi, đó là nơi anh Thoa đang sống ẩn dật!

Theo bờ ruộng cỏ mọc không vết chân người, tôi đã lên đến nơi, nhưng sao mà im ắng? Qua cánh liếp hé mở, tôi thấy anh nằm trên giường rên hừ hừ vì đang lên cơn sốt! Bất ngờ vì thấy tôi xuất hiện, anh vùng dậy và coi như khỏi bệnh!

Vui mừng và tự hào, anh đưa tôi đi thăm một số gia đình, không quên mang theo ít bánh kẹo để làm quà cho các cháu nhỏ! Đến đâu, anh cũng được chia vui vì có bạn ở Hà Nội lên thăm, và tôi tuy chưa quen biết, cũng lại được hưởng những tình cảm mộc mạc, chân thành của đồng bào như thuở xưa...

Tối đó, anh nằm trên giường, tôi treo mình trên võng, cạnh bếp lửa hồng, cùng nhau ôn lại kỷ niệm của những năm tháng trước kia, điểm lại xem ai còn ai mất...

Tiễn tôi ra đầu đường, anh dừng lại. Bốn mắt nhìn nhau, chẳng nhiều lời nhưng ánh mắt đã nói lên tất cả: bao giờ được gặp lại nhau? Đi được một quãng, quay lại, tôi vẫn thấy anh đứng đấy, dõi theo.

Đầu năm 1979 thầy Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Định Hóa, trong dịp đi xuống xã đã phát hiện ra Anh bộ đội Cụ Hồ, người miền xuôi đã nghỉ hưu, lại là đảng viên, có chữ viết đẹp, phong cách chững chạc, có cả phiếu gạo cung cấp... Thế là anh Thoa được mời về làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ nhịp trống cho mọi hoạt động của toàn trường!

Được sống dưới ánh sáng điện, trong tiếng loa đài, giữa sinh hoạt vui nhộn của các cháu học sinh, anh như thấy trẻ lại và được mọi người khen là "đẹp lão". Nhưng tiếng trống khoan thai, đĩnh đạc của anh chẳng được lâu: tháng 9 năm 1980, anh cho chúng tôi biết: dạ dày lại hoành hành dữ, sức khỏe sút kém, anh định xin sang làm chân giữ nghĩa trang liệt sĩ để tiện cho việc "chuyển hộ khẩu” sang “Tổng cục địa chất".

Cuối tháng 12 năm 1980, tìm vào Trường phổ thông trung học Định Hóa, tôi đang khấp khởi mừng vui vì sắp được gặp lại bạn thì được đồng chí hiệu phó cho biết: anh Thoa đã qua đời trước đây một tháng và bức thư tôi gửi cho anh vừa tới nơi đã được chuyển theo anh vào trong linh cữu! Bất ngờ quá, anh Thoa ơi! Anh ra đi mà chẳng có người ruột thịt, bạn bè thân thiết ở bên! Mong anh coi bức thư đó như sự có mặt của chúng tôi, những người bạn chiến đấu liên lạc đặc biệt đến tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng!

Cuối năm 1983, có dịp lên thăm, lòng tôi se lại khi thấy cỏ mọc um tùm, lấp kín mộ anh trên một mỏm đồi hiu quạnh: ngôi mộ không được ai trông nom! Cây cỏ đã được phát quang, khói hương lan tỏa, thấm qua mộ để đến với anh, tình đồng chí, đồng đội của những ngày xa xưa...

Anh Thoa ơi! Rồi đây với thời gian, dưới mưa gió, mộ anh có còn được là ngôi mộ của người chiến sĩ vô danh hay sẽ bị san bằng, lẫn trong đất đá cỏ cây của núi rừng Việt Bắc? Rồi đây, về sau, mãi về sau, biết đâu, họ hàng thân thích của anh chẳng lần ra được tin tức để đến với anh? Cũng từ ý nghĩ khắc khoải đó, tôi đã nhờ đồng chí giáo viên dẫn đường đúc cho một tấm bia bằng xi măng cốt thép - dù không biết quê quán - cũng chỉ khắc thật sâu dòng chữ Vũ Ngọc Thoa, đặt lên mộ, để dù sau này nấm mộ không còn, nhưng tấm bia vẫn còn đó, lưu mãi với thời gian, để có ai đó tới thăm, cũng tìm được đến nơi mà thắp những nén nhang tưởng nhớ...

Cuối năm 1991, nhân dự kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Ban liên lạc đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khêu gợi mọi người viết lại những điều đáng ghi nhớ... và chúng tôi nhiều người cũng đã viết.

Với chuyện "Trích thư của người đã khuất", chúng tôi đã kể lại những mối liên hệ với anh Thoa, những lời anh Thoa nhờ chuyển đến anh chị em liên lạc đặc biệt trước kia, để mọi người cảm nhận được tình đồng chí, tình bạn bè của một con người cô đơn và cũng là để giãi bày tình cảm của chúng tôi đối với anh Thoa.

Tưởng là câu chuyện đến đây đã kết thúc nhưng không ngờ, thật không ngờ!

Sau khi tập sách được xuất bản, nhiều anh chị em đã đọc và câu chuyện về anh Thoa đã được biết đến. Anh Công một cán bộ cũ của Ban liên lạc đặc biệt đã có cơ sở để trả lời anh bạn đã nhiều năm hỏi tin tức về ông cậu của mình: đồng chí Vũ Ngọc Thoa. Đầu tháng 10 năm 1996, anh Côn đã dẫn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đức, cháu của anh Thoa tới gặp chúng tôi. Câu chuyện được kể lại... và anh Đức thực sự xúc động khi chúng tôi đưa cho xem một số bức thư mà anh Thoa đã gửi: đúng là bút tích, nét chữ đặc trưng của gia đình mà cụ thân sinh ra anh Thoa đã rèn luyện cho con cháu, và anh xin một số thư. Khoảng 10 ngày sau chúng tôi nhận được thư của cụ Vũ Minh Kính, anh ruột của anh Thoa từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra, với lời lẽ hết sức xúc động, trân trọng theo lối cổ xưa: "...Tất cả các tin tức về em Thoa do quý ông bà đưa lại là cả một sự xúc động mãnh liệt cho gia đình chúng tôi sau bao nhiêu năm trời cố gắng tìm kiếm nhưng không có kết quả gì. Tôi nghĩ có lẽ em Thoa cũng đã đồng ý về với gia đình nên đã run rủi cho gia đình chúng tôi được gặp gỡ liên lạc với quý ông bà... Dù đường sá xa xôi, sức khỏe kém sút, tôi cũng xin cố gắng ra Bắc và xin được nhìn nhận phần mộ của em Vũ Ngọc Thoa...".

Giữa tháng 10 năm 1996, gia đình chúng tôi tại Hồ Đầm - phường Ngọc Hà đã được đón tiếp cụ Kính cùng cụ bà và mấy ông cháu trong không khí thân tình xúc động. Cụ Kính đưa cho chúng tôi tấm ảnh anh Thoa chụp hồi còn ít tuổi rồi cụ cho biết: Anh Thoa là con út của gia đình, mồ côi mẹ từ khi mới ra đời, sống và lớn lên trong hoàn cảnh không được thuận lợi, thiếu tình cảm mẹ con và từ khi còn ít tuổi đã phải xa gia đình tự kiếm sống. Anh đã vào Sài Gòn, lên cả Đà Lạt làm nhiều nghề để sinh sống. Đến năm 1947, anh vào bộ đội, anh chị em mỗi người một phương, không mối liên hệ. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi vẫn bặt tin nhau, cứ tưởng anh đã hy sinh hoặc đã sang Trung Quốc lập nghiệp. Sau bao năm tìm kiếm tưởng đã vô vọng, nay lại được tin. Dù đường xa cách trở, tuổi già sức yếu, các cụ cũng xin được dẫn lên thăm mộ để thỏa nỗi nhớ mong...

Các cụ cũng vui cười khi nghe tôi kể lại chuyện anh Thoa đã vung dao độc diễn vở "Tự vệ giữ làng", trầm lắng khi anh gặp những khó khăn thời gian đầu mới xuất ngũ, bình tâm thoải mái khi anh đã có những năm tháng ở Trường phổ thông trung học Định Hóa...

Chiếc xe chở chúng tôi cũng đã vượt qua thành phố Thái Nguyên và bon theo hướng Bắc Kạn, các cụ đã được trực tiếp ngâm canh hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc, nơi mà người em thân yêu của các cụ đã từng lặn lội công tác, đã làm trọn nhiệm vụ với dân tộc. Xe đã dừng tại sân Trường phổ thông trung học Định Hóa, chúng tôi vừa xuống xe thì thầy Hiệu trưởng Vũ Ngọc Đỉnh đã vội vã bước tới, ôm chầm lấy cụ Vũ Minh Kính mà chẳng chờ phải giới thiệu - vì đó là hiện thân của đồng chí Vũ Ngọc Thoa!

Trong phòng họp của nhà trường, sau khi biết được ý định của chúng tôi, đáng lẽ phải về Thái Nguyên dự cuộc họp của Sở, đồng chí Đỉnh đã cử đồng chí khác đi thay để ở nhà cùng chúng tôi thực hiện kế hoạch, như chính việc của gia đình mình. Tôi không khỏi bất ngờ khi đứng trước mộ anh Thoa: ngôi mộ đã được dọn dẹp sạch sẽ không còn có mọc rậm rạp như lần trước tôi đi thăm. Có rãnh thoát nước, có hàng cây rợp bóng mát. Trên mộ còn có cả chân hương đỏ hồng, cả thuốc lá đầu lọc cắm trên. Ngôi mộ đã có người trông nom chu đáo!

Số là đồng chí Vũ Ngọc Đỉnh, người dẫn tôi vào thăm mộ hơn mười năm trước, khi biết anh Thoa cùng họ Vũ, vì động lòng trắc ẩn đối với ngôi mộ cô đơn và cũng có thể vì tình cảm thiêng liêng của dòng họ, đã quan tâm chăm sóc.

Lễ vật đã được bày lên với các loại hoa quả, bánh trái, vàng mã... Các cháu con anh Đỉnh đã chở cát, xi măng và nước từ nhà tới. Nền đã được san, bệ đã được đắp, bia đã được dựng. Những hàng chữ "Vũ Ngọc Thoa - sinh năm 1917 tại Hà Nội - mất năm 1980" đã óng ánh sắc vàng tươi trong nắng chiều của rừng núi Chợ Chu.

Tại nhà anh Vũ Ngọc Đỉnh, vấn đề quan trọng đã được bàn tới: đưa anh Thoa về Hà Nội hay để anh nghỉ tại đây? Sau nhiều ý kiến trao đổi từ nhiều phía khác nhau, mọi người đều nhất trí để anh Thoa lại đây và xây quây lại cho vững chắc vì:

Anh Thoa đã chọn nơi đây để sinh sống và làm nơi nghỉ cuối cùng. Anh Thoa không có gia đình riêng, không có con cháu, mà gia đình cụ Kính ở mãi trong Sài Gòn, tuổi đã cao sức yếu, dù đem về cụ cũng không thể ra để trông nom được.

Anh Thoa mang họ Vũ: Vũ Ngọc Thoa, anh Đỉnh cũng họ Vũ: Vũ Ngọc Đỉnh, âu cũng là một sự trùng hợp thiêng liêng. Anh Đỉnh xin được coi anh Thoa như cha chú để thờ phụng chăm sóc phần mộ; không chỉ trước mắt mà cả về lâu dài, con cháu anh Đỉnh sẽ làm tròn nhiệm vụ như đối với ông cha mình.

Nén hương đã được thắp trên bàn thờ. Sau lời khấn của anh Đỉnh và cụ Kính, tất cả chúng tôi kính cẩn, nghiêng mình trong những giây phút thiêng liêng này. Chân nhang hồng tươi từ bát hương nhà anh Đỉnh đã được gói lại để về cắm trong bát hương nhà thờ tổ của gia đình anh Thoa tại 122 phố Trần Nhật Duật - thành phố Hà Nội.

Trong đêm sương của mùa đông chớm lạnh, chúng tôi trở về, ai nấy đều thanh thản vì đã hoàn thành nhiệm vụ: "Trọn nghĩa gia đình, vẹn tình đồng đội".

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét