23/10/24

Lớp chuyên môn thông tin ở an toàn khu1

 Đại tá Trần Ngọc Duyện - nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin

Tiếng súng kháng chiến chống Pháp bùng nổ, lời kêu gọi vang vọng núi sông của Bác Hồ như có sức mạnh thần kỳ thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân đứng lên giết giặc, cứu nước.

Là một thanh niên thế hệ Cách mạng tháng Tám, quê hương lại gần Thủ đô Hà Nội, ngày đêm nghe tiếng súng đại bác vọng về, được biết những tin tức về những vụ bắn giết, cướp phá của giặc khi chúng lấn ra vùng tự do của ta, phải chứng kiến cảnh đồng bào tản cư lếch thếch bồng bế nhau đi qua, từng lúc, từng lúc lại phải lao xuống các hầm hố dọc đường để tránh máy bay địch đuổi theo khủng bố... lòng tôi se lại, mong sao được vào bộ đội trực tiếp cầm súng lên đường chống giặc2.

Thế rồi dịp may đã đến với tôi trong dịp “Đoàn thể” điều động một số cán bộ địa phương vào phục vụ quân đội. Riêng tỉnh Sơn Tây có 3 người được cử đi, đó là các anh Lê Văn Hỷ, Hoàng Ngọc Uông và tôi.

Khăn gói lên đường, chúng tôi qua các trạm Hạ Bằng, Hưng Hóa rồi Phú Thọ. Tại đây chúng tôi còn được gặp khoảng 40 anh chị em từ Hà Nội, Hà Đông cùng tới, một số đã từng tham gia chiến đấu trong Nội Đô rút ra. Nghỉ ngơi được ít ngày, thể theo nguyện vọng, chúng tôi được chia làm 3 bộ phận cho 3 ngành là Tình báo, Cơ yếu và Thông tin Vô tuyến điện. Riêng Thông tin có 18 người, trong đó có 5 là nữ, tuổi đời từ 17 đến 20, tính tình tuy mỗi người một khác, nhưng nói chung rất hoạt bát, sôi nổi. Chúng tôi được chuyển ngay về Đoan Hùng và làm thủ tục chính thức nhập ngũ về Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu vào ngày 27 tháng 3 năm 1947. Cũng trong dịp này, chúng tôi còn vinh dự được gặp đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, nhân chuyến đi công tác qua, đã ghé thăm một cách chân tình, nói cho chúng tôi biết tình hình thời sự nóng bỏng, tầm quan trọng của công tác Thông tin liên lạc, nhất là Thông tin vô tuyến điện, nhắc nhở chúng tôi phấn đấu rèn luyện để sớm "thành tài" ra phục vụ. Tổ chức rất quan tâm và đặt nhiều hy vọng ở chúng tôi... Sau ngày đồng chí Lê Đức Thọ đến thăm, chúng tôi được đồng chí Xứng - phái viên của cấp trên đưa về Tân An, huyện Sơn Dương (cửa ngõ vào Tân Trào) giao cho đồng chí Nguyễn Chấp Kinh tổ chức lớp học ngay gần đàiCTA cũng do đồng chí Kinh phụ trách, giáo viên có thêm đồng chí Nguyễn Văn Thiệu (em ruột đồng chí Kinh).

Trong điều kiện khó khăn lúc này, lớp được tổ chức rất gọn trong nhà dân, trang thiết bị không có gì đáng giá ngoài cái buýtde và cái maníp gỗ, bàn ghế do học sinh tự làm bằng tre nứa, trong giờ học, ngoài giờ tập thu tín hiệu do thầy Kinh hoặc thầy Thiệu phát, nghe qua buýtde, còn giờ phát báo, học viên thay nhau phát trên maníp thật, còn chủ yếu tập gõ qua bàn. Không những vậy, điều kiện sinh hoạt vật chất rất thiếu thốn, cơm hàng ngày vừa thiếu chất vừa không đủ no, quần áo ai mang theo gì dùng nấy, chăn màn thiếu thốn nhất là màn, nhiều anh chị em

học viên bị sốt rét, thuốc men cũng không đủ3, ánh sáng buổi tối dựa vào bếp lửa. Tuy nhiên chúng tôi rất lạc quan, vô tư, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau khắc phục khó khăn, hăng say học tập, rèn luyện với tinh thần ngày không kể giờ, tuần không kể thứ. Ai lúc nào ốm mệt quá thì nghỉ, hơi nhúc nhắc được là dậy, lao vào học tập, vui chơi coi như không có chuyện gì xảy ra. Thời gian này báo đài hầu như không có chúng tôi ra báo tường để động viên, tâm tình với nhau, trao đổi kinh nghiệm học tập rèn luyện4. Để giữ gìn sức khỏe, sáng sáng chúng tôi tổ chức tập thể dục. Để nâng cao sinh hoạt tinh thần, tối tối chúng tôi tổ chức ca hát, vui chơi lửa trại

Ở Tân An độ một tháng thì lớp chúng tôi cùng đài CTA di chuyển về huyện Định Hóa - Thái Nguyên, một an toàn khu rất cơ mật được coi là Thủ đô kháng chiến chống Pháp, nơi có Đại bản doanh của quân đội và một số cơ quan đầu não quan trọng của Đảng, Nhà nước đóng. Tại đây lớp học được tổ chức tại các bản Luông và Pháng, đồng chí Lê Dung thay đồng chí Nguyễn Chấp Kinh phụ trách, giáo viên có thêm đồng chí Nguyễn Diệp, Nguyễn Tấn, Đỗ Minh. Về môn học ngoài thu phát còn toán, lý, hóa, điện và vô tuyến điện học. Trang thiết bị của lớp có khá hơn, chúng tôi có thêm máy âm hưởng và loa, một số maníp tự tạo bằng tôn uốn cong, có lò xo bằng cao su để cho học viên tập phát báo, đủ cho mỗi người một cái. Về tổ chức giảng dạy và học tập đã chính quy hơn, đã có nội dung chương trình hàng tuần, hàng tháng kiểm tra nhận xét theo chế độ quy định. Về đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cũng từng bước được cải thiện. Cấp trên nhất là các đồng chí Chánh, Phó Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu thường lui tới kiểm tra, nắm tình hình trực tiếp giải quyết các khó khăn cho lớp, động viên chúng tôi học tập, đã củng cố thêm quyết tâm cho chúng tôi, giúp cho mọi người thấy rõ trách nhiệm, tập trung cố gắng vào học tập, rèn luyện, chuẩn bị tốt cho mình về mọi mặt để sau này ra công tác được vững tâm hơn. Đến lúc này lớp học mới được gọi chính thức là CMTT2 (chuyên môn thông tin 2).

Giữa lúc chúng tôi đang hăng hái thi đua học tập tốt, chuẩn bị nước rút cho cuối khóa thì cuộc tấn công Thu Đông năm 1947 của giặc Pháp lên Chiến khu Việt Bắc nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến của ta lai nổ ra, lớp học phải sơ tán cùng nhân dân vào rừng sâu, rồi sau đó kết thúc trước thời gian quy định. Học viên một phần được đưa về thực tập tại khu Trung tâm Thông tin (Bãi Gió) của Bộ, một số anh em có trình độ tương đối khá, sức khỏe tốt được điều đi các đài lẻ "kẹp nách" của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Thế là những con chim non chưa thật đủ lông, đủ cánh đã phải đứng trước phong ba, chúng tôi đã phải thực sự bước vào cuộc chiến đấu thầm lặng trên các làn sóng với bao nhiêu khó khăn, thử thách mới. Phải nhanh chóng trở thành người báo vụ giỏi, người trưởng đài vững vàng, đó là ao ước cháy bỏng trong lúc này. Với sự quan tâm của tổ chức, sự tận tình kèm cặp giúp đỡ của những anh em báo vụ, trưởng đài cũ, ao ước đó của chúng tôi đã được thực hiện. Nhiều người trong chúng tôi tiến bộ, trưởng thành nhanh chóng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở thành cán bộ, đảng viên và đã có những đóng góp xứng đáng của mình giữ vững thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo, chỉ huy trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Kể từ ngày ấy tới nay, gần một nửa thế kỷ đã trôi qua, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta đã giành được thắng lợi huy hoàng, Tổ quốc ta đã được độc lập, tự do và đang đi lên xây dựng theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điểm lại số anh chị em lớp chuyên môn thông tin 2 hồi ấy, nay đều đã trên dưới 70 tuổi cả rồi, 4 đồng chí đã qua đời, một số do yêu cầu điều động của tổ chức đã chuyển sang các ngành kinh tế - xã hội khác, bám trụ lại trong ngành thông tin không còn nhiều. Tuy nhiên khi gặp lại nhau, ai nấy đều phấn khởi, xúc động, nhớ lại thời quá khứ trai trẻ cùng chung sống học tập, rèn luyện trong lớp chuyên môn thông tin 2 ngày ấy.

Ngày nay, sau nhiều năm phục vụ Đảng và Nhà nước, Quân đội chúng tôi lần lượt đã nghỉ hưu “hạ cánh an toàn” về sống với gia đình, với bà con chòm xóm. Nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày Toàn quốc kháng chiến, tôi ghi lại ít dòng trên đây để nhắc lại một kỷ niệm khó quên đối với lớp chuyên môn thông tin 2.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

---------------------------------------

1 Viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 - 19.12.1996).

2 Thời gian này tôi đang là cán bộ Việt Minh thoát ly của huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây phụ trách khu Hát Môn.

3 Cô Quế là y tá của Bộ, hàng tuần tới thăm lớp một lần, ai ốm cũng chỉ có vài viên ký ninh may lắm mới được tiêm mũi kinôfoóc.

4 Đồng chí Nguyễn Đắc Hải còn gọi là "Hải ke" là người chịu trách nhiệm lên khuôn tờ “Bình dân báo”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét