Đại tá Vũ Khuê - nguyên cán bộ Tiểu đoàn 303
Có những chuyện lâu ngày đã
quên.
Nhưng cũng có những chuyện
không thể nào quên được. Đó là tình đồng đội, tình đồng chí, tình cán binh trong
những năm tháng chiến đấu gian khổ. Càng gian khổ thiếu thốn càng thương yêu
nhau, nhường cơm, sẻ áo cho nhau, sống chết có nhau, coi nhau như ruột thịt.
Ngoài giờ làm việc ra thường trò chuyện và gọi nhau bằng những cái tên thân mật
như: Anh Sơn "sì", anh Thọ "lùn", anh Đạm "đen",
anh Đức "điếc", Minh "máy", Cát "lác", Bình
"vịt",...
Tình cảm đó vẫn còn đằm thắm
cho đến ngày nay và thể hiện rõ trong những lần gặp mặt truyền thống của đơn vị.
Không vui sao được mỗi lần gặp gỡ tay bắt mặt mừng... Biết được tình hình gia
đình, vợ con của nhau, biết được sức khỏe và đời sống của nhau. Như một cuộc điểm
danh xem ai còn? Ai mất? Và cũng không khỏi chạnh lòng nhớ tới những người bạn
đã hy sinh trong chiến đấu năm xưa và những bạn chiến đấu đã nghỉ hưu nay không
còn nữa do tuổi tác, do bệnh tật đã vĩnh viễn ra đi... Nhưng gia đình, vợ con,
cháu chắt các anh vẫn được đồng đội 303 luôn quan tâm thăm hỏi và nghĩa tình của
gia đình các anh vẫn còn mãi với 303.
Nhớ lại trong chiến dịch Điện
Biên Phủ, Ban chỉ huy Đại đội 99 do anh Phạm Văn Minh làm Đại đội trưởng, anh
Đoàn Đình Đạm - Chính trị viên. Tôi là Đại đội phó, được phân công đi làm nhiệm
vụ trực tiếp với một trung đội đường dây trực tuyến hợp đồng giữa bộ binh và
pháo binh.
Khi quân ta chiếm giữ hai cứ
điểm Him Lam và Độc Lập thì địch ở Bản Kéo rút chạy để co cụm lại với nhau ở trung
tâm. Lúc ấy đường dây thông tin của ta cứ theo giao thông hào bám sát các đơn vị
đánh lấn. Tùy theo địa hình mà phân công các tổ bảo vệ đường dây đào máng ghim dây.
Người thì trú trong các hầm hàm ếch để tránh đạn của phi pháo địch. Trang bị
dây máy đủ cho các chiến sĩ trực. Khi thiếu máy thì có "cát con cóc"
có quy định cứ sau mấy phút lại đấu vào đường dây để giữ liên lạc. Nhất là sau
các đợt phi pháo địch đánh phá.
Tôi còn nhớ một đêm cùng một
tổ có chiến sĩ Tăng Bá Kha A7 cùng chiến sĩ Nguyễn Văn Thà tân binh mới bổ sung.
Tổ này ở chân đồi Độc Lập bị địch bắn pháo nhiều lần, đường dây bị đứt nối nhiều
lần. Sau mỗi lần pháo kích mỗi chiến sĩ lại đi kiểm soát dây một hướng để khôi
phục thông tin. Lần ấy đồng chí Kha đã về vị trí của tổ mà không thấy đồng chí
Thà về... Tôi và đồng chí Kha bổ đi tìm và thật xúc động khi nhìn thấy đồng chí
Thà đã hy sinh trong tư thế đang nối dây. Chúng tôi chuyển thi hài đồng chí Thà
về vị trí của tổ và báo cáo về Sở chỉ huy xin điều thêm hai ba chiến sĩ ở tổ bạn
đến chôn cất đồng chí.
Không có gỗ ván, ni lông và
chiếu, đành phải gói xác đồng chí ấy vào chăn trấn thủ của tôi và miếng vải dù ngụy
trang của đồng chí Kha. Mọi người xúm lại khiêng thi hài đồng chí Thà đến chân
đồi Bản Kéo. Vì đất rắn lại gặp nhiều đá to nên phải đào hai ba vị trí khác
nhau mới chôn cất đồng chí ấy được. Đơn vị ai cũng thương tiếc đồng chí Thà còn
rất trẻ đã vì nhiệm vụ mà anh dũng hy sinh. Chúng tôi ai cũng nhòe nước mắt
vĩnh biệt người bạn chiến đấu.
Giờ đây tôi vẫn suy nghĩ day
dứt là không biết hài cốt đồng chí Thà đã được quy tập về nghĩa trang Đồi A1
chưa hay vẫn còn lưu lạc nơi đâu? Ôi các chiến sĩ vô danh!
Tôi có xem cuốn "Việt
Nam và Đông Nam Á” số 9 tháng 5 năm 1999 có bài viết của Tổng Giám đốc Công
ty Trường Sơn (trang 17), nói về nghĩa trang Trường Sơn như sau: Tổng số hài cốt
các liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang là 19.797 bộ thì có 10.243 bộ hài cốt
có tên tuổi đầy đủ, số còn lại chưa xác định được tên tuổi. Đúng là con số các
chiến sĩ vô danh rất lớn, đó chưa kể đến các bộ hài cốt chưa tìm được ở khắp
các chiến trường A-B-C-K. Sự nghiệp giải phóng dân tộc thật vĩ đại và sự hy
sinh của quân dân ta cũng vô cùng vĩ đại và bi hùng!...
Cứ mỗi lần gặp mặt nhau,
nhìn thấy nhau tay bắt mặt mừng tôi thấy không gì quý hơn. Ôn lại chuyện cũ kể
sao cho hết. Tôi thì ở Thông tin Sư đoàn 308 nhiều hơn. Còn ở Tiểu đoàn Thông
tin 303 chỉ có mặt từ chiến dịch Điện Biên Phủ, nên chỉ góp một phần công sức rất
nhỏ bé vào thành tích to lớn của Tiểu đoàn 303 thân yêu của chúng ta.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét