Đại tá Lê Dung - nguyên Phó
Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Thông tin
Thông tin vô tuyến điện có 2
loại nhân viên chuyên ngành là báo vụ viên và cơ công.
Thời chống Pháp người ta bảo
“Báo vụ viên ta giỏi lắm" và "Cơ công của ta rất giỏi".
Mời các bạn ta cùng thử tìm
hiểu xem họ giỏi thế nào?
Tài thật, tài thật! Này anh
báo vụ viên! Làm sao mà nghe tiếng chim ríu rít như thế lại viết ra những dòng
chữ có ý nghĩa. Để làm được như thế, anh học mất bao lâu? Sáu tháng thôi ư? Sao
mà nhanh thế? Ở trường nhạc chỉ học có 7 nốt nhạc mà muốn thuần thục cũng phải
học suốt 7 năm ròng, còn anh thì phải học ít nhất là 34 nốt nhạc1.
Chim ríu rít lanh lảnh, nghe
ra ý ra lời đã tài. Nhưng chập tối chọn ra được "tiếng chim quen"
thì "thánh thật" ấy chứ. Một nhạc trưởng nhận ra một âm giáng
(bémol) không đúng chỗ trong âm thanh cả một dàn giao hưởng hàng trăm tiếng
đàn, đã được phong làm giáo sư rồi. Người ta có gọi anh là giáo sư không? Chao
ôi! Nửa đêm về sáng, các âm thanh suy yếu, hết hơi chẳng còn ríu rít được nữa -
nghe cứ lào thào như tiếng vọng từ âm ty ấy mà các anh vẫn còn thì thào nghe và
hót cho nhau nghe đủ ý, đủ lời được, thế thì tài ngang với quỷ thần ấy chứ lỵ!
Nhưng này, tôi nghe đài cứ vặn
đúng số là ung dung ngồi nghe, và mơ màng theo tiếng hát, còn anh tại sao khi nghe
đài lại cứ luôn tay vê cái núm tìm đài - Thế thì "mất đài" còn
nghe sao được?
Chẳng là hồi đó máy của ta
thô thiển như thứ đồ chơi trẻ con ấy. Vặn núm thấy đài là giữ im tay trên máy không
được buông ra. Buông tay ra là "buông mất cả đài mà ta vừa nghe thấy".
Thế mà cũng chịu khó nghe cả
tiếng đồng hồ, có lẽ người cứng đờ ra như tượng đá mất thôi.
Người ta có biết đâu "cái
khổ ấy của nghề" chúng tôi hay đùa cợt nhau gọi là "làm cái
nghề bẹp tai chai đít" ai xui đâu mà lại mô tả nghề mình "xấu
xí" thế, để người ta "xem thường"!
Cái oan này chắc còn hơn cả
"cái oan Thị Kính".
Từ nãy đến giờ có thể anh
cho chúng tôi là khen anh quá lời? Không đâu! Sĩ quan Thông tin Ấn Độ (trong Ủy
ban Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam) và sĩ quan Thông
tin Pháp (đối thủ của ta lúc đó) cũng chịu không làm liên lạc Bắc - Nam được bằng
máy 15W của Mỹ, trong khi anh vẫn làm ngon, mà còn làm liên lạc Bắc - Nam bằng
cả máy 10W nữa cơ.
Vậy là tôi có so đo anh với
Quốc tế để kiểm chứng ý kiến của tôi; anh giỏi hơn báo vụ viên thế giới đấy!
Xin hỏi anh, anh bạn cơ
công, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể viết về chiến tranh chống Nhật - Pháp,
nói cả nước ta "một mình chiến đấu giữa vòng vây của kẻ địch".
Hồi ấy súng gươm có ít thì cuốc, thuổng, đòn sóc, đòn càng một cái gậy tầm vông
cũng thành vũ khí. Các anh kiếm đâu ra máy vô tuyến điện cho bộ đội liên lạc
lúc đó.
Thì bòn trong đống đồng nát
mà xã hội vứt bỏ, nhặt cái gì có thể lắp ráp thành máy vô tuyến điện được thì
làm. Con mắt, bàn tay đặt vào cái gì, nấy thành vũ khí. Thế phải học bao lâu?
Cũng chỉ có sáu tháng thôi à? Sao nhanh thế? Nhưng việc này là "chế tạo",
là "sản xuất" ra máy nghĩa là phải dùng công cụ, phải dùng máy
đo lường, kiểm định lại, cần dùng cả điện năng nữa, chứ có giống việc chỉ dùng
tay mà nặn đất thành "con lợn để dành tiền" của trẻ con đâu?
Đúng vậy, nhưng chúng tôi chỉ
có "cái đầu có chút hiểu biết về điện và vô tuyến điện" và có
"cái trái tim quyết làm bằng được những gì mà kháng chiến cần"
thôi. Cả nước nghèo, chúng tôi cũng nghèo quá mức mà! Còn kẻ địch thì nhằm vào
cái nghèo để đánh ta.
Thế rồi thiếu dụng cụ làm
tay thì phải nhặt nhạnh đồ cũ hỏng sửa lại thô thiển, thiếu công cụ đo lường
thì chắp vá, lắp lấy máy đo, cũng thô thiển, nhưng dùng được việc.
Còn thiếu điện thì phải tìm
cách làm không cần điện. Điện phải dành cho việc liên lạc thôi, mà cũng phải lắp
ra cái máy “ăn ít điện" thì mới "hợp cảnh đói điện"
của cả dân tộc mình, chứ đâu chỉ riêng chúng tôi "đói điện".
Cái máy vô tuyến điện chúng
tôi phải làm ra lúc đó cũng thô thiển như một thứ đồ chơi con trẻ vừa chơi vừa học
đấy thôi. Thật ra cũng được anh em báo vụ ta hết lòng vì cuộc kháng chiến, đã tận
dụng máy đó, làm nên việc hữu ích, chứ nếu không có "cái tài",
"cái chí" của anh em báo vụ viên, thì cái máy vô tuyến điện
chúng tôi làm ra cũng thành đồ phế thải thôi! Một số anh em báo vụ viên có chút
học vấn về điện và vô tuyến điện, cũng tự lắp máy vô tuyến điện để làm liên lạc
như thế. Tài thì thấp, sức thì mọn, làm việc như vậy cũng là "làm việc
hết mình" rồi đó, ở hoàn cảnh lúc đó, điều này quý giá lắm, nhưng
không ai bán, để có chuyện tìm mua. Vì thế nhiều người không biết "giá
trị" của nó như thế nào? Cứ gọi là "vô giá" vậy.
Thế đến lúc bộ đội ta mạnh hẳn
lên, đánh địch lấy vũ khí của nó trang bị cho mình, thì các anh làm gì với mấy cái
máy cướp được của địch? Có lẽ lúc đó các anh nhàn rỗi lắm nhỉ?
Máy vô tuyến điện lấy được của
địch bộ đội đem theo đánh giặc chứ có đem về bày ở phòng khách như cái Radio của
các anh đâu! Nó cũng vất vả, gian nan cùng bộ đội chiến đấu, rồi cũng "ốm
đau" "bệnh tật" và "bị thương" cùng
bộ đội mình. Thế là chúng tôi phải làm "bác sĩ" chữa chạy hồi
phục cho nó có thể tiếp tục "hành quân, tác chiến" cùng bộ đội ta chứ.
Chẳng nhàn hơn, mà bận rộn,
tất bật hơn lên nhiều! Anh cứ nghĩ xem, trong khi bộ đội ta đối mặt với quân đội viễn chinh Pháp
(cho dù lính nó da trắng, da đen, da vàng, đủ loại da thì cũng là đội quân của
Pháp) thì chúng tôi lại đối mặt với máy thông tin của Pháp, Mỹ, Ca-na-đa của Anh
quốc, Nhật Bản và Tầu Tưởng. Cứ tạm gọi là với kỹ thuật của 4 hoặc 5 nước đầu sỏ
tư bản và đế quốc. Mỗi nước có công nghệ và kỹ thuật ứng dụng khoa học riêng của
nó. Phải xem xét tìm hiểu đủ mặt chúng nó, phần thì để giới thiệu vũ khí địch
cho bộ đội ta biết vận dụng, phần thì chính chúng tôi cần biết để sửa chữa,
khôi phục nó dùng cho bộ đội ta chứ.
Cuộc đối mặt đó, bề ngoài
thì thầm lặng, nhưng bề trong thì quyết liệt lắm, nhiều anh em quên ăn, quên ngủ,
dẹp hết lo toan cá nhân, để hết tâm trí vào. Rõ ràng là phải chiến đấu một chọi
với 4-5 rồi mà toàn là bọn sừng sỏ về kỹ thuật.
Vậy thì anh học ai, ở trường
nào, để có thể làm được như một kỹ sư trưởng, một công trình sư, như thế mà có
ai gọi anh là kỹ sư trưởng hay công trình sự không?
Đánh địch, lấy máy địch, ta
lấy được cả sách hướng dẫn dùng và giữ gìn. Mình xem các tài liệu phổ thông đó,
rồi xem vào kết cấu cụ thể của máy mà suy ra những điều cần thiết khác. Cũng cần
có một chút học vấn, văn hóa phổ thông thì có thể hiểu ra, biết được thôi.
Nhưng cái quan trọng hơn cả
là ở phần hồn của mình, đó là ý chí quyết thắng. Kẻ địch đã cậy vào sự phát triển
cao về khoa học, kỹ thuật và công nghệ của nó, đem cái đó ra đối trị mình, thì
mình phải biết dù mình chưa làm ra được thì cũng phải biết rõ vũ khí của nó.
Cho nên chúng tôi nhất định phải nắm cho được kết cấu, tính năng, đặc điểm của
máy địch, bắt máy địch phải khuất phục mình. Vậy là phải đưa mình nhỉnh cao hơn
4-5 thằng địch, thế rồi cũng vượt lên, bám sát những biến động trong việc địch cải
tiến vũ khí của nó dùng chính những cải tiến đó đánh trả lại địch. Chúng tôi buộc
phải "chấp cả bọn nó"!
Vậy là suốt 9 năm chống
Pháp, anh đã vừa làm vừa học, học ngay trong cuộc vật lộn với địch, một thằng địch
được 4-5 nước công nghiệp phát triển trang bị cho những tiến bộ khoa học kỹ thuật
đầu bảng của chúng.
Rõ ràng anh đã giữ vững vị
thế của một chủ nhà, phải tiếp một lũ "khách không mời mà đến"
buộc bọn nó phải ôm đầu mà rút lui nhục nhã.
Anh đã hành động thật sự “anh
hùng".
Cảm ơn anh đã động viên
khích lệ, tôi sẽ cố gắng học thêm, học nữa và học thì hành cho được việc thiết
thực. Phải nói với anh là: ra khỏi cuộc chiến, chúng tôi cũng đến cái tuổi mà
hơi sức không còn dồi dào được như xưa. Vì thế không dám hứa hẹn gì cao xa.
Mà có trường đại học nào có
thể có chương trình giảng dạy phong phú và cập nhật với thời đại như thế? Sao
người ta không tặng anh một chứng chỉ học vị công trình sư hay tổng công trình
sư? Những học trò chỉ được học một mà phải biết ra 4-5 như anh là hiếm đấy chứ!
Anh nói thế làm tôi nhớ đến
chuyện có một sĩ quan cao cấp Pháp hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Ngài
đã tốt nghiệp từ học viện quân sự nào?".
Đại tướng của ta trả lời rất
thâm thúy: "De la jungle, en combattant les japonais" (dịch ra
là: Từ trong rừng già, trong cuộc đánh trả quân Nhật).
Tháng 11-1998
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn
“Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
---------------------------
1 24 chữ cái + 10 chữ số = 34 ký hiệu có nhạc điệu khác nhau rành rọt như 34 nốt nhạc vậy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét