Nguyễn Đình - nguyên cán bộ
Tiểu đoàn 303
Thu đông 1952, bộ đội ta được
lệnh: Tiến vào Tây Bắc. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng, có diện tích khá rộng,
nhưng mật độ dân số thấp.
Giải phóng Tây Bắc là yêu cầu
cấp bách của cách mạng nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng
nhân dân các dân tộc anh em Thái, Mường, Mán, Dao... đang rên xiết dưới sự kìm
kẹp của quân xâm lược và phong kiến phìa, tạo.
Muốn tiến vào Tây Bắc, phải
vượt Sông Hồng. Chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 303 phải đảm bảo
thông tin chỉ huy vượt sông thông suốt và kịp thời bằng hữu tuyến điện.
Cách đây đã 48 năm rồi, song
tôi không bao giờ quên được sự kiện vượt sông và thực thi nhiệm vụ thông tin
lúc đó.
* Tôi đi làm ngoại giao.
Ban chỉ huy Tiểu đoàn phân
tích: nhiệm vụ rất nặng nề, nhiều khó khăn, phương tiện dây máy đơn vị ít, quân
số hạn chế, yêu cầu mạng thông tin chỉ huy chiến đấu phía trước rất lớn, nếu tỏa
mạng chỉ huy vượt sông bằng dây máy, quân số của đơn vị sẽ không đủ thời gian
thu hồi và đưa lên phía trước. Do đó phải phối hợp với thông tin bưu điện, tận
dụng phương tiện, nhân viên của họ trong mạng vượt sông.
Hồi đó tôi là cán bộ doanh
tác Tiểu đoàn - cái tên nghe là lạ, thực chất là trợ lý tham mưu. Tôi được giao
nhiệm đi liên hệ với lãnh đạo Ty Bưu điện Yên Bái với tấm giấy giới thiệu của Bộ
yêu cầu dành ưu tiên cho quân sự.
Quán triệt yêu cầu nhiệm vụ
trên giao, hiểu rõ khó khăn về quân số của Tiểu đoàn, tôi tự xác định: "đi
ngoại giao này quan trọng lắm đấy". Do đó tôi tự chuẩn bị cho mình từ ăn mặc
đến thái độ giao tiếp, ứng xử, phương pháp trình bày nhiệm vụ và yêu cầu thông
tin sao cho ngắn gọn mà rõ ràng. Kể cả lý lẽ về chiến tranh nhân dân tôi cũng
chuẩn bị. Khi cần thuyết phục họ thông cảm thì "tuôn ra" ngay. Tôi đến
gặp ông Trưởng ty Bưu điện Yên Bái với "bộ cánh" mốt của cán bộ thời
đó. Thực ra cũng chỉ là bộ quân phục bằng vải phin màu lông ngựa phát cho cán bộ
từ trung đội trở lên. Có khác chăng là ở chỗ sạch sẽ, được vuốt thẳng thắn và
bên ngoài được khoác thêm chiếc “bờludông canađiêng”. Ông tiếp tôi tại một căn
nhà tạm lợp lá cọ ở ngoại vi thị xã hoang tàn. Ông mời tôi uống trà búp, đặc sản
của địa phương. Tôi mời ông hút thuốc lá Côtáp, loại thuốc thơm gọi là
"sang" hồi ấy, từ trong địch hậu lọt ra vùng tự do. Tôi đưa giấy giới
thiệu và xin đi vào việc. Tôi trình bày mạch lạc, ngắn gọn nhiệm vụ vượt sông,
yêu cầu thông tin vượt sông, thông tin quân dân phối hợp phục vụ. Không biết với
dáng vẻ một sĩ quan trẻ, lại có phần đẹp trai, lịch sự từ ăn mặc đến giao tiếp
có gây được cảm tình hay ấn tượng gì không mà ông Trưởng ty đã nhanh chóng vui
vẻ chấp nhận các yêu cầu đặt ra. Ông nói vui một câu: Thông tin dân sự cũng như
thông tin quân sự đều cùng chung đánh giặc cả mà. Vậy là hợp đồng được ký kết.
Tôi phấn khởi trở về báo cáo Tiểu đoàn đồng thời cũng nhận luôn nhiệm vụ phụ
trách mạng.
* Sự ra đời và hiệu quả của
mạng thông tin quân dân phối hợp.
Theo thỏa thuận, kể từ ngày
N trong 6 ngày đêm liền tính từ 16 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, Bưu
điện Yên Bái dành toàn bộ tổng đài Cổ Phúc, toàn tuyến đường trục Yên Bái - Cổ
Phúc, Cổ Phúc - Trái Hút dài khoảng 60 km cho quân đội sử dụng. Một nhân viên ở
tổng đài phối hợp phục vụ, hai tổ bảo vệ tuyến đường trục sẵn sàng khắc phục
khi có sự cố. Ngoài thời gian khống chế trên Bưu điện hoạt động bình thường.
Hai bên lưu ý phải giữ bí mật tuyệt đối.
Về phía đơn vị, tôi có trong
tay 8 km dây bọc, 6 máy lẻ, 8 chiến sĩ điện thoại và 6 chiến sĩ chuyển đạt.
Trước ngày N một ngày, tôi đến
tiếp thu tổng đài Cổ Phúc và triển khai mạng thông tin vượt sông.
Tôi cho mắc từ tổng đài Cổ
Phúc đi Xóm Bưởi (cơ quan tiền phương Bộ) khoảng 2,5 km, đặt một máy lẻ, 2 chiến
sĩ điện thoại và tổ chuyển đạt 2 người trực ở đó. Mắc đường đấu đinh từ đường
trục bưu điện đi bến Âu Lâu 1 và 2, khoảng 2 km, đặt 2 máy lẻ, 3 chiến sĩ điện
thoại và tổ chuyển đạt 2 người trực ở đó. Mắc đường dây đấu đinh thứ hai ở đường
trục bưu điện đi bến Mậu A1 và 2 khoảng 2,5 km, đặt 2 máy lẻ, 3 chiến sĩ điện
thoại và tổ chuyến đạt 2 người trực ở đó.
16 giờ ngày N tôi kiểm tra lần
cuối và đưa mạng vượt sông vào cấp 3, nghĩa là sẵn sàng phục vụ. Từ tổng đài Cổ
Phúc gọi đi Xóm Bưởi, Âu Lâu 1, 2, Mậu A1, 2 tất cả thông suốt, âm thanh rõ. Ôi
chúng tôi thật sung sướng. Tuy được phép theo dõi các cuộc điện đàm nhằm biết
được chất lượng âm thanh, khả năng liên lạc để kịp thời can thiệp khi có sự cố,
song suốt 4 đêm liền mạng chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ. Từ các bến
sông, các cấp trung đoàn, đại đoàn, các phái viên của Bộ đã báo cáo đều đặn về Xóm
Bưởi tiến độ vượt sông, đại đội nào đã sang hết, tiểu đoàn nào mới bắt đầu,...
Xúc động nhất là khi theo dõi các
cuộc nói chuyện của các đại
đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn với Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái,
các anh xin chỉ thị trước khi lên thuyền, họ chúc nhau chiến thắng, hẹn gặp lại.
Lúc này tôi càng cảm nhận vinh dự của đơn vị, của chính mình đã đóng góp phần
nhỏ bé nhưng rất cần thiết cho việc chỉ huy đại quân vượt sông thắng lợi.
* Những đêm hội kháng chiến.
Trên một khúc Sông Hồng, bến
Âu Lâu và bến Mậu A cách nhau khoảng 50 km, ở hai bến sông này đã diễn ra 4, 5
đêm liền một sự kiện hết sức kỳ vĩ, đó là:
- Hơn 3 vạn người, trang bị
từ đầu đến chân đủ súng to, súng nhỏ, đạn dược, gạo muối, lừa ngựa, phương tiện
chiến tranh đã hội tụ về đây.
- Khoảng 500 chiếc thuyền gồm
phần lớn là thuyền gỗ, thuyền nan, một số thuyền độc mộc, phà loại nhỏ cùng nhiều
bè, mảng nhỏ cũng tụ hội về đây. Ban ngày số người cũng như số thuyền bè nói
trên "tàng hình" ở đâu không biết, nhưng khi màn đêm buông xuống thì
những bóng người ấy cứ nườm nượp, lặng lẽ trèo lên những thuyền, bè mảng, phà
đã đợi sẵn, để rồi lại lặng lẽ sang sông. Chuyến tiếp chuyến hối hả đi về lặng
lẽ. Không một ánh lửa, không một tiếng nói to, chỉ có tiếng thì thầm, tiếng
lách cách va nhẹ của vũ khí cùng tiếng mái chèo khua nước, tiếng rì rào sóng vỗ
vào 500 mạn thuyền di động trên sông dưới ánh trăng bàng bạc hạ tuần. Ba vạn
bóng người đó là các đại đoàn chủ lực, các tiểu đoàn bộ đội địa phương, các đơn
vị dân công hỏa tuyến lặng lẽ sang sông, khẩn trương, náo nức, sôi sục căm thù,
khát khao chiến thắng.
Ai được chứng kiến cái không
khí ở hai bến sông này trong thời kỳ đó mới cảm nhận sâu sắc không khí những
đêm hội kháng chiến. Người người đi chiến dịch như đi hội vậy!
Cuộc vượt sông bí mật, an
toàn, thành công tuyệt vời đã làm cho địch có mắt như mù, có tai như điếc. Chỉ
đến khi quân ta tiêu diệt đồn Sài Lương, Ca Vịnh (13-10-1952), bao vây chặt
Nghĩa Lộ - Pác Chăng (16-10-1952) mới thấy xuất hiện máy bay "Đầm
già" và "Hencát" của địch xoi mói, lùng sục, bắn phá trên khúc
sông mà quân ta đã vượt qua mấy hôm trước đó.
* Tình yêu sơn cước.
Kim Oanh là người thị xã Yên
Bái, gốc Thái Mường La. Em có khuôn mặt trái xoan, thanh tú, tóc dài buông xõa
tự nhiên, mắt đen huyền, làn da trắng mịn, thân hình mảnh mai nhưng cân đối với
những đường cong đẹp trong bộ quần áo hơi chẽn màu hạt dẻ. Đặc biệt em có nụ cười
mê hồn: một lúm đồng tiền với hàm răng đều trắng muốt, tự nhiên, hoang dã như
bông hoa rừng ven suối. Hơn thế nữa, giọng nói của em vô tư, ngọt ngào, lôi cuốn
như tiếng chim rừng. Em tốt nghiệp trung cấp bưu điện.
Đó là cô gái trẻ tiếp tôi
khi tôi đến tiếp nhận tổng đài Cổ Phúc. Thật bất ngờ khi em tự giới thiệu là
nhân viên bưu điện được giao nhiệm vụ phối hợp phục vụ quân đội. Qua giây phút
ngỡ ngàng, tôi lấy lại bình tĩnh. Bằng một động tác mạnh mẽ của người lính, tôi
dập hai gót giày săng đá vào nhau và giơ tay chào: Báo cáo em, anh Nguyễn Đình,
sĩ quan thông tin có mặt... Em cười khúc khích mãi, khi tôi bỏ tay xuống vẫn
chưa thôi.
Tự nhiên, tôi linh cảm thấy
những gì có thể xảy ra, nếu không tự xác định được mình ngay từ đầu. Tôi định
thần rất nhanh và tự xác định: là một sĩ quan, lại đang chịu trách nhiệm về một
mạng thông tin liên quan đến hàng vạn con người, chỉ có thể là người anh tin cậy,
xứng đáng của em và coi Kim Oanh như là em gái của mình. Thế rồi qua giao tiếp,
trao đổi công việc, qua ăn cơm, uống nước, tôi dùng thái độ chân thành, cởi mở,
tự nhiên nhưng không suồng sã để xác định ranh giới.
Qua 3 đêm trực, tôi đâu biết
em nghĩ gì về tôi. Chỉ biết em thường chăm lo cho tôi ở những bữa ăn. Bữa ăn thời
chiến tuy đơn sơ nhưng rất chu đáo, nên bữa nào tôi ăn cũng cảm thấy ngon và rất
vui. Em còn lo cho tôi những điều rất nhỏ khác như giấy trắng, bút mực và đèn
bão đã thắp sẵn, vặn nhỏ hạt đỗ khi đêm vừa buông xuống trên bàn trực của tôi.
Đúng ra là em chỉ trông nom tổng đài vào ban ngày, chứ không phải trực máy.
Nhưng em cứ năn nỉ xin trực cả về đêm. Tôi không chịu thì em vẫn ngồi đó, nấn ná
không chịu đi nghỉ. Làm sao tôi lại có thể nặng lời với em được. Tôi đành chấp
nhận, nhưng trong đầu lại nảy ra ý đồ "phải buộc em có điều kiện".
Tôi đột nhiên hỏi một câu "vô tiền khoáng hậu": Kim Oanh còn nhớ khái
niệm về "lim" trong toán học không? Em ngỡ ngàng, nhớ chứ
"lim" nghĩa là phạm vi giới hạn, mà anh hỏi để làm gì? Tôi đáp: để kiểm
tra trí nhớ của em. Anh đồng ý cho em trực máy, trực cả về đêm, nhưng phải có
"lim" để còn bảo đảm sức khỏe và làm hậu cần nữa chứ. Chỉ đến khi đó
tôi mới buộc em đi nghỉ được. Chúng tôi đều hoàn thành các phiên trực.
Việc gì phải đến thì sẽ đến.
Một lần vào đêm trực thứ 4 khi ngồi bên cạnh tôi, em rụt rè đặt bàn tay em lên
tay tôi rồi bóp mạnh. Tự nhiên hai bàn tay chúng tôi hút chặt vào nhau như nam
châm hút sắt. Tôi cảm thấy hơi ấm nồng nàn từ người con gái hình như có cả mùi
thơm hoa bưởi từ mái tóc dài của em. Không biết cái giờ khắc ấy kéo dài bao lâu.
Không, chắc chỉ trong khoảnh khắc thôi, em nói với tôi qua hơi thở gấp gáp: Em
thương anh nhiều lắm. Tôi hiểu cái thời chúng tôi, người ta nói thương nghĩa là
yêu rồi đấy. Khoảng cách giữa tôi và em vẫn được giữ vững mặc dù nó mong manh
nhưng vẫn trong sáng.
Đến gần sáng, tôi nhận điện
gọi và biểu dương tất cả anh em tham gia mạng phục vụ vượt sông. Cho thu hồi mạng.
Bàn giao trang bị và lực lượng phối hợp Bưu điện, đến tối sang sông đuổi theo
đơn vị, tập trung ở Ba Khe.
Chờ trời sáng, tôi lệnh cho
các tổ thu dây, hẹn địa điểm tập trung để sang sông. Tôi gọi điện trực tiếp cảm
ơn ông Trưởng ty Bưu điện về sự phối hợp và giúp đỡ Thông tin quân đội hoàn
thành nhiệm vụ.
Kim Oanh cùng vài người bạn
đồng nghiệp tiễn tôi ra phía bến sông. Ở một khúc ngoặt con đường, bất ngờ em níu
tôi lại nói nhỏ "Anh đi rồi... em sẽ buồn nhớ anh lắm. Không biết rồi anh
có còn nhớ tới em không?". Giọng em hơi ngắt quãng và trên má em nhòe nước
mắt. Tôi đã ôm chặt em, hôn lên trán lên mái tóc em và nói vội: Anh hẹn gặp lại
em sau chiến dịch.
Chiến dịch kết thúc thắng lợi,
tôi xin phép đơn vị về thăm em. Nhưng lòng tôi quặn đau khi được tin: Oanh đã bị
máy bay giặc Pháp ném bom giết hại khi những ngón tay thon mềm đang tiếp dây
trên "phích" tổng đài.
Vậy là: "Không chết người anh nơi khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu
phương”
(Màu tím hoa sim - Thơ Hữu
Loan)
Tôi ít khi khóc, nhưng khi đến
viếng mộ em hôm ấy hai bờ mi tôi nhòe nước mắt... Tôi đặt mấy cành hoa mua hái
vội lên mộ em. Thôi, vĩnh biệt em - Đóa hoa rừng - Tình yêu sơn cước.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1")
0 nhận xét:
Đăng nhận xét