26/10/24

Bảo vệ tài liệu thoát khỏi tay giặc

Bùi Tiến Đông - nguyên chiến sĩ liên lạc đặc biệt

Một số anh em hỏi tôi: khi bị địch bắt, làm thế nào giấu được công văn, trốn được về đơn vị (lúc này tôi mới 17 tuổi).

Tôi ở liên lạc đặc biệt chỉ vẻn vẹn có 19 tháng (12-1946 đến 7-1948), so với cuộc đời 45 năm quân ngũ của tôi thực là ngắn ngủi, nhưng những ngày tháng ấy đã để lại nhiều kỷ niệm tươi đẹp nhất trong tôi.

Tôi muốn ghi lại những dòng tâm sự này nhằm ôn lại những ngày sơ khai nhưng rất đỗi tự hào của Ban liên lạc đặc biệt - Bộ Tổng chỉ huy mà thành viên của nó lúc ấy phần đông ở độ tuổi thiếu niên. Mặt khác cũng là để trả lời điều thắc mắc của anh em.

Sau khi Pháp gây chiến ở Hải Phòng (11-1946), toàn dân ta sống trong không khí sục sôi, khẩn trương chuẩn bị vào cuộc kháng chiến. Là đội viên thiếu niên Tiền phong, tôi mong muốn được tham gia công tác. Tôi tìm anh Hứa Phong ở Đoàn thanh niên Cứu quốc Hà Nội xin anh giúp đỡ. Đầu tháng 12 năm 1946, tôi được anh giới thiệu vào một đội liên lạc tuyên truyền thuộc Bộ Quốc phòng. Đội đóng ở Dịch Vọng Hậu - Từ Liêm. Sau ngày 19 tháng 12 chuyển về Hậu Ái, Hoài Đức. Cùng ở đội này với tôi nay còn các anh Nguyễn Quang Huy, Doãn Nho, Nguyễn Quốc Thịnh.

Từ ngày 22 tháng 1 năm 1947, chúng tôi được biên chế về Ban liên lạc đặc biệt.

Khi địch chọc thủng mặt trận, tiến quân bằng xe rất nhanh từ Chèm đến Mai Lĩnh. Trạm tôi mất liên lạc với các trạm bạn. Tôi tìm về Mai Lĩnh, Trúc Sơn được biết cơ quan đã di chuyển theo hướng Sơn Tây. Tôi lần theo, đến Quảng Oai mới kịp, cùng đơn vị lên Hưng Hóa - Phú Thọ (làng Trù Mật). Có một chuyến công văn hỏa tốc đi Vụ Bản - Nho Quan. Chỉ huy hỏi tôi có đi được không? Tôi trả lời nếu được xem bản đồ thì tôi đi được, dù tôi chưa biết những nơi ấy. Tôi được giao nhiệm vụ, nhận một xe đạp tốt, dò theo bản đồ ghi những nơi phải qua và đích phải đến, rồi lên đường ngay. Từ Phú Thọ qua Hưng Hóa, Thanh Thủy, Tu Vũ, thị xã Hòa Bình, vượt dốc Cun, Đồng Lai, Quy Hậu đến Vụ Bản giao công văn thứ nhất, đi tiếp đến Nho Quan giao nốt công văn thứ hai, rồi quay về Vụ Bản. Khác với những ngày hôm trước, dân công đang phá những nhà cao tầng và phá cầu. Ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến cho tôi biết chính công văn tôi đã đem đến hôm trước đã mang lệnh đó đến.

Về Trù Mật, tôi được cử sang Thái Nguyên lập trạm giữ liên lạc với Khu 1, Khu 12. Rồi Đại Từ, Sơn Dương (thị xã Tuyên Quang), Tam Đảo, mỗi nơi tôi ở một thời gian ngắn. Mấy tháng cuối năm 1947, tôi ở trạm Khoan Lư (ngã ba Thiện Kế - cầu Bâm - Phan Lương). Trạm này liên lạc với Bộ qua trạm Kháng Nhật, với Khu 10 qua trạm Phan Lương và đi Khu 2, 3, 4 qua trạm Đạo Trì (dưới chợ Me, trên Thanh Vân - Vĩnh Yên).

Suốt thời gian trên, ở trạm nào tôi cũng tìm thêm đường tắt, đường vòng đến các trạm bạn, hỏi địa chỉ các trạm vượt, quy ước địa điểm dự bị để tìm nhau khi phải di chuyển bất thường. Ở Tam Đảo chỉ vài tuần, tôi đã theo dân buôn xuống Quân Chu để biết đường về Đại Từ, qua mốc 400 xuống ấp Nhân Lý làng Bùa ra chợ Me.

Địch tấn công Việt Bắc, một cánh quân từ Việt Trì sang Vĩnh Yên rồi lên Liễn Sơn, Hậu Phúc... Trạm tôi chuyển từ Đạo Trì (Long Trì) về làng Chanh. Tôi có nhiệm vụ đem 2 công văn hỏa tốc về Khoan Lư. Trạm trưởng của tôi liên lạc với công an Vĩnh Yên và trạm liên lạc Cục Tình báo, được biết đến 17 giờ địch vẫn còn ở Hậu Phúc (vì ở đó đang còn khói và thỉnh thoảng có tiếng nổ). Nhưng thực ra, địch đã đến Thiện Kế ngay chiều hôm ấy.

Tôi dự tính sáng sớm dịch từ Hậu Phúc hành quân thì sớm nhất cũng phải quá 12 giờ mới đến Thiện Kế. Tôi sẽ đi bộ theo đường sát chân Tam Đảo, từ làng Chanh qua Đạo Trù, Vĩnh Ninh đến Thiện Kế. Tôi sẽ vòng qua phía sau làng sát chân núi, lên Sinh Dò, đồn điền Lê Thăng đến trạm Kháng Nhật (vượt qua Khoan Lư).

Khởi hành trước 3 giờ, khoảng 7 giờ đến Vĩnh Ninh, hỏi dân quân gác đường, chưa có tin địch ở Thiện Kế. Tôi đi ngay, khi còn cách Thiện Kế chưa đầy 2 km, đang vượt qua một cánh đồng (dọc đường có nhiều cây chó đẻ cao ngang người) thì phát hiện một toán địch cách tôi khoảng 150 m. Địch cũng phát hiện được tôi, tôi rút công văn (đã cuộn tròn từ trước) buông cho rơi theo chân xuống mép đường, dẫm đẩy sâu vào cỏ rồi quay đầu chạy, chỉ chạy chậm cốt cho xa chỗ vứt công văn. Địch đuổi theo tôi chừng 50-100 m thì bắt được. Toán này có 6 tên, toàn là da đen. Trong bị cói của tôi có một số xà phòng, gíp đánh răng, bàn chải (mua cho anh em trạm trên) và tôi có giấy chứng nhận tản cư do trạm chuẩn bị cho từng người, không có giấy tờ tài liệu gì. Quần áo vẫn là quần áo từ nhà đem theo. Địch đưa tôi về Thiện Kế hỏi cung. Dựa vào tang vật, tôi khai: "Tôi là dân Hà Nội tản cư lên Vĩnh Yên. Khi các ông tiến đến, chúng tôi chạy lên Tam Dương, Liễn Sơn (nghĩa là đúng con đường địch tiến quân), đến Hậu Phúc tôi lạc gia đình, chạy đi tìm chẳng biết đây là đâu do vậy bị bắt".

Có lẽ địch nghi tôi là bộ đội, dù tôi còn nhỏ, vì nơi tôi bị bắt toàn dân thiểu số; nên địch hỏi cung vặn vẹo nhiều, có đánh để uy hiếp chứ không phải tra tấn, hỏi cung 3 lần trong 2 ngày. Các lần hỏi cung đều ăn khớp nên địch cho tôi xuống cùng anh em phu khuân vác.

Một thuận lợi cho tôi là người phiên dịch nghe và nói tiếng Pháp rất kém, tôi hiểu được nội dung trước, có thời gian suy nghĩ chuẩn bị, nên khi bị hỏi cung, phiên dịch hỏi, tôi trả lời ngay.

Địch ở lại đây 4 ngày, gặp cánh ở Phan Lương lên và nhận dù tiếp tế. Cuối ngày thứ 2, tên Pháp là y tá lấy tôi về nơi ở của hắn, ngủ cùng nhà với nó, đảm nhiệm việc dọn bàn ăn cho ngót chục tên da trắng ở đơn vị này. Tôi dọn bàn ăn rất gọn gàng, sạch sẽ. Tôi còn lấy bưởi, cắt phía trên và dưới tạo mặt bằng, chồng 2 quả đóng que xiên vào cho chặt, dùng làm đế đèn, rồi lấy mỡ lợn đổ ra đĩa thắp sáng. Tên chỉ huy đơn vị thấy tôi sạch sẽ, nhanh nhẹn nên đưa tôi về hầm của hắn, đêm về ngủ với phu. Ngay ngày đầu tiếp xúc với những người bị bắt trước, một bác khuyên tôi tránh dự điểm danh để khi trốn chậm bị phát hiện. Tôi dựa vào công việc hầu bàn, tránh được điểm danh cả sáng và chiều.

Địch hành quân từ Thiện Kế - Vĩnh Ninh đến Đạo Trù (nơi bộ đội tỉnh đóng trước đây) ngủ lại. Ngày thứ hai đến Km 8 trên đường Vĩnh Yên - Tam Đảo và ngày thứ ba lên Tam Đảo, đóng tại khách sạn Métropole. Tôi thuộc địa hình và biết được gia đình 3 anh: Long, Đài, Thước ở địa phương nên chuẩn bị trốn.

Đêm ấy, địch hỏi cung một người bị bắt, nhắc nhiều đến các địa danh Hướng Đạo, Me, Vàng. Sáng hôm sau, khi sắp hành quân, tôi chui vào một cái hầm rỗng, có lẽ là hầm chứa nước cũ ở tầng trệt, đợi vài giờ sau thật yên tĩnh mới chui ra, địch đi đã lâu. Tôi gặp một ông già quê ở Bạch Hạc bị bắt làm phu, bị đau chân không khuân vác được, địch bỏ lại. Tôi thu nhặt một số gạo, muối, mỡ đem theo cho ông già, xuống mốc 400 m, theo đường tắt xuống ấp Nhân Lý làng Bùa gửi ông già vào nhà dân rồi về ngay Thiện Kế để tìm tài liệu giấu mấy hôm trước, tất cả vẫn còn nguyên, tôi mừng vô kể, về ngay đơn vị.

Trạm đã di chuyển, tôi gặp công an tỉnh tại đây, báo cáo nội dung địch hỏi cung mà tôi nghe được (ngày hôm sau địch hành quân theo kế hoạch về Việt Trì). Do quen biết cũ, anh em cấp giấy đi đường cho tôi. Trở lại Thiện Kế, tìm được công văn, tôi về trạm Khoan Lư. Tại đây được biết đồng chí Nền cũng bị địch bắt trên đường từ Phan Lương về, đồng chí Kiệm về gần trạm bị phục kích đã hy sinh.

Sau vài tháng, tôi được gọi về ban, được anh Trần Tuấn Anh và vài đồng chí nữa nghe báo cáo, hỏi thêm chi tiết.

Ngày 30 tháng 1 năm 1948, tôi được đồng chí Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia Việt Nam Võ Nguyên Giáp (thời kỳ này vẫn là quân đội Quốc gia) gửi thư khen kèm theo 100 đồng tiền thưởng vì tôi đã "không để lọt tài liệu vào tay địch, thoát khỏi vòng vây kẻ thù về với cơ quan".

Đó là một kỷ niệm sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời quân ngũ của tôi.

Từ ngày bị địch bắt đến nay đã 45 năm, viết những dòng này, tôi hình dung lại bao đồng chí thân thương, như những người cha, anh mình (tuy có nhiều anh chỉ hơn tôi vài tuổi, lúc đó đã được coi là người lớn) đến nay ai còn, ai mất? Và tôi thật sung sướng tự hào đã được chiến đấu, công tác cùng các anh. Như các anh Trần Sơn, Nguyễn Duy Lạc - nguyên là Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc. Anh Lê Bá Hồi - nguyên là chỉ huy cao nhất của Ngành Quân bưu Binh chủng. Rồi anh Sinh Hùng, anh Ngoạn, anh Bình, anh Luận... Một số anh đã chuyển đơn vị, chuyển ngành, có nhiều thành đạt như anh Côn, Giao, Hà, Ung, Học, Tín, Long, Hải, Lê Phương, Hanh, Đậu... Đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật có nhạc sĩ Doãn Nho, An Chung là người cùng lứa tuổi và từng hoạt động cách mạng cùng tôi ngày đó.

Hà Nội, ngày 3-12-1992

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét