Đại tá Phạm Ngọc Chuẩn - nguyên
Chủ nhiệm Cơ quan Kỹ thuật Binh chủng Thông tin liên lạc
Tiếng súng kháng chiến chống
Pháp bùng nổ. Tối 22 tháng 12 năm 1946, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam tại
Thủ đô Hà Nội ngừng hoạt động, sơ tán, di chuyển về An toàn khu Việt Bắc1.
Xưởng Vô tuyến điện của Sở Bưu điện Bạch Mai đồng thời cũng được lệnh di chuyển
theo. Để đảm bảo bí mật, phải tổ chức di chuyển về ban đêm theo con đường
riêng. Máy móc, trang thiết bị mang theo cồng kềnh, nặng nề, nên sau mấy tháng
trời mới về tới vùng Thị xã Bắc Cạn. Quá trình di chuyển theo kiểu cuốn chiếu,
xưởng tuy được ngừng sản xuất, nhưng vẫn phải đặt, tháo dỡ nhiều lần cho đài
phát thanh và các trung tâm thu phát tín của các cơ quan Nhà nước ở các địa điểm
mới để các cơ sở này hoạt động không bị gián đoạn. Anh em trong xưởng rất vui vẻ,
luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ2
Tới giữa tháng 5 năm 1947,
việc khôi phục lại hoạt động của xưởng để đáp ứng yêu cầu sản xuất, sửa chữa
các máy móc thông tin phục vụ cho xây dựng và chiến đấu của kháng chiến được đặt
ra thành một nhiệm vụ rất cấp bách. Sở Vô tuyến điện Việt Nam được Bộ Quốc
phòng chỉ đạo thực hiện, đồng thời Liên chi TQT3 cũng ra Quyết định thành
lập Chi bộ Đảng lãnh đạo tại Xưởng Vô tuyến điện. Chi bộ gồm 3 đồng chí: Đỗ Ái
Liên, Nguyễn Văn An và Phạm Ngọc Chuẩn; đồng chí Đỗ Ái Liên được chỉ định làm Bí
thư.
Sau khi Chi bộ Xưởng Vô tuyến
điện ra đời thì việc khôi phục lại xưởng được triển khai ngay một cách toàn diện.
Ngày 20 tháng 6 năm 1947, Công đoàn được củng số lại, mọi sinh hoạt dần đi vào
nền nếp, có tác dụng lớn trong việc giáo dục, ổn định tư tưởng anh em, động
viên mọi người hăng hái, phấn khởi, tự giác đóng góp trí tuệ, công sức vào việc
thực hiện nhiệm vụ của xưởng, góp phần thiết thực khắc phục những khó khăn chồng
chất trong những ngày, tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của
nhân dân ta. Tiếp đó, các anh Nguyễn Văn Quý và Ngô Văn Thiệu được Giám đốc Sở
Vô tuyến điện Việt Nam giao cho nhiệm vụ phụ trách xưởng.
Từ những điểm xuất phát ban
đầu thuận lợi về mặt tổ chức như trên, việc triển khai xây dựng cơ sở doanh trại,
nhà cửa, nơi ăn ở, sản xuất của xưởng cũng được tiến hành rất nhanh, rất bài bản.
Từ khi khởi công đến khi hoàn thành chỉ trong vòng 2 tháng, đây là thành tích rất
đáng ghi nhận thiết thực chào mừng kỷ niệm 2 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành
công (15.8.1945 - 15.8.1947). Nhà xưởng được xây dựng bằng gỗ, tre, nứa, lá
trên một khu đất rộng, nằm sâu trong khu rừng rậm, có nhiều cây cổ thụ, gần Km
8 đường Bắc Cạn - Chợ Đồn. Đường ra vào xưởng là một lối mòn dân sinh, phải qua
một số đoạn suối nhỏ, gần tới xưởng lại có con suối lớn có một cầu gỗ nhỏ bắc
qua, rất tiện cho sinh hoạt, nhưng lại bí mật, tiện cả cho việc canh gác, bảo vệ.
Nhà xưởng là một căn nhà 12 gian, 2 tầng. Tầng dưới làm nơi sản xuất, sửa chữa
máy móc, được bố trí một số trang thiết bị, máy cái nặng và cồng kềnh di chuyển
từ Hà Nội lên. Tầng 2 làm nơi ngủ, nghỉ, sinh hoạt cho cán bộ, công nhân. Các công
trình phụ cũng được bố trí rất hợp lý, khoa học ở gần đó.
Sau khi hoàn thành xây dựng,
xưởng bắt tay vào sản xuất ngay. Phải xem lại các máy thu phát vô tuyến điện mang
theo từ Hà Nội lên để cấp cho các nơi; phải sửa lại các máy vô tuyến điện hư hỏng
trong quá trình chiến đấu từ các đơn vị gửi về. Còn một số việc rất khó là phải
làm sao có thêm nhiều máy thu phát mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quân
đội. Trong giai đoạn đầu hết sức khó khăn, thiếu thốn của cuộc kháng chiến chống
Pháp lúc bấy giờ, không kể đến nhiệm vụ thường xuyên mà xưởng lúc nào cũng phải
lo là bảo đảm kỹ thuật phát sóng cho Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, các đài
thu phát tin của một số cơ quan, đơn vị.
Để giải quyết những yêu cầu
trên, Xưởng đã đề cập đến vấn đề phải tự nghiên cứu các loại máy đang dùng; thiết
kế lại, rồi lắp ráp, sản xuất ra một số máy thu phát mới. Việc này được tập thể
lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên của xưởng bàn bạc kỹ rồi giao cho anh Nguyễn
Văn Quý - quản đốc xưởng và anh Lê Bá Lộc, một công nhân có tay nghề giỏi tiến
hành. Thế là chỉ sau ít ngày miệt mài lao động, hai anh đã cho ra một mẫu máy
vô tuyến điện thu phát sóng ngắn mới, cho chạy thử, chất lượng bảo đảm, được cấp
trên thông qua và cho đưa vào sản xuất theo kế hoạch, lấy tên là SX-A1. Loạt
máy đầu tiên được ra lò là 10 bộ trong không khí hết sức phấn khởi của cả xưởng
và Sở Vô tuyến điện Việt Nam (Sở Bưu điện Bạch Mai cũ).
Công việc đang tiến hành thì
vào 6 giờ sáng ngày 7 tháng 10 năm 1947, giặc Pháp bất ngờ nhảy dù xuống thị xã
Bắc Cạn, mở đầu cuộc tấn công lên Chiến khu Việt Bắc của ta với ý đồ là chộp gọn,
tiêu diệt hết các cơ quan đầu não kháng chiến. Tuy nhiên, do phán đoán trước được
âm mưu thâm độc của địch, kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của quân và dân thị xã Bắc
Cạn đã được đề ra. Một mặt, quân và dân ta chặn đánh quân địch một cách quyết
liệt; một mặt sơ tán kịp thời nhân dân và các cơ quan trọng yếu về các căn cứ mới
đã có chuẩn bị trước (riêng với các cơ quan đơn vị thuộc Sở Vô tuyến điện Việt
Nam, thì cán bộ và nhân viên Đài phát thanh chuyển về Trung tâm phát tín sơ tán
đi chợ Dờ, Ba Bể để tiếp tục làm việc; trang thiết bị để lại cùng trang, thiết
bị của xưởng vô tuyến điện được cán bộ, công nhân viên của xưởng với sự hỗ trợ
của dân quân tháo dỡ, di chuyển, cất giấu vào sâu trong rừng, có bố trí kế hoạch tự vệ canh phòng và
chặn đánh địch từ xa).
Khoảng 9 giờ sáng ngày 7
tháng 10, địch từ thị xã Bắc Cạn đánh nống ra khu vực Km 3 đường đi chợ Đồn,
anh Chuẩn đã chỉ huy một bộ phận anh em phối hợp với 1 trung đội tự vệ xưởng
quân giới ở gần đó đánh trả quyết liệt, gây cho địch một số thương vong buộc
chúng phải rút chạy, quay về thị xã Bắc Cạn, bỏ lại một xác lính Pháp chết nằm
úp mặt vào một chiếc máy phát điện 24 kW của Đài phát thanh ta chưa kịp chuyển
đi. Có một câu chuyện rất vui: cũng tối ngày 7 tháng 10, Đài phát thanh của địch
tại Hà Nội vừa phát đi một bản tin khoe khoang là chúng đã tấn công phá tan được
Đài phát thanh tiếng nói của ta tại một địa điểm thuộc ngoại ô thị xã Bắc Cạn.
Tiếp ngay sau đó, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam (tại địa điểm mới) lên tiếng
phát đi bản tin cũng tại địa điểm trên, cuộc tấn công của quân Pháp đã bị ta
đánh trả tơi bời, một số tên bị chết và bị thương, có một xác lính Pháp bỏ lại.
Không cam tâm thất bại, sáng
ngày 8 tháng 10, địch lại từ thị xã Bắc Cạn nống quân ra, tiến về Km 8. Chúng rẽ
vào lối đường mòn dẫn tới xưởng vô tuyến điện của chúng ta thì gặp tổ 3 người của
anh Nguyễn Văn An từ phía trong đi ra. Lợi dụng địa hình che khuất, các anh đã
chủ động tấn công chúng bằng một loạt lựu đạn. Một số tên dịch ngã vật ra chết,
buộc chúng phải dừng lại. Giữa lúc đó, anh em ở trong xưởng vô tuyến điện cũng
được tổ anh An trở về báo tin, kịp thời đưa lực lượng ra tiếp ứng. Bị chết và bị
thương nặng nề, những tên sống sót la ó, chửi bởi nhau ầm ĩ, lại bị tiếp tục tấn
công mạnh. Tiếng súng các loại, tiếng lựu đạn nổ ầm ĩ. Lửa từ một số lán gần đó
cháy rừng rực. Quá hoảng hốt, bọn địch đã phải tháo chạy một cách hỗn loạn,
không một tên nào dám ngoái cổ lại.
Ngày 9 tháng 10, đề phòng địch
có thể ngoan cố quay lại, xưởng vô tuyến điện tổ chức rút sâu vào trong rừng, chỉ
để một tổ ở lại canh gác, bí mật nghe ngóng tình hình Tuy nhiên, cả ngày 9 và
các ngày sau đó tình hình trở lại yên tĩnh. Một tuần sau, trong khu vực sơ tán
lương thực, thực phẩm cạn dần, theo lệnh của đồng chí Nguyễn Văn Tình, Giám đốc
Sở Vô tuyến điện, xưởng đã cử anh Phạm Ngọc Chuẩn vượt ra khỏi nơi có địch, giả
là người Mán, chống gậy theo đường tắt về khu vực bản Mù, Định Hóa, Thái Nguyên
báo cáo, xin chỉ thị cấp trên. Qua đó, Sở Vô tuyến điện cùng với Xưởng Vô tuyến
điện đã được Bộ Quốc phòng đồng ý cho phép di chuyển ra khỏi vòng vây địch, về tạm
thời ở khu vực bản Lác, chợ Chu, Thái Nguyên. Qua mấy ngày hành quân xuyên rừng
rậm, đặc biệt phải qua dãy núi đá tai mèo, đèo Khuổi Piểu, đoàn mới về được tới
đích. Dọc đường, tại suối Mỏ, dân sợ địch chạy vào rừng sâu hết. Hết gạo, đoàn
phải liên hệ với dân xin gặt lúa ở ngoài đồng về xay giã lấy gạo ăn, nghỉ vài
buổi cho lại sức.
Về bản Lác được ít ngày thì
xưởng lại nhận được chỉ thị của Bộ Quốc phòng cho xây dựng gấp một đài phát
sóng mới với chất lượng tiếng nói khỏe hơn, rõ hơn ở Khuôn Cướm, xã Kim Quan,
huyện Yên Sơn, Tuyên Quang để cho Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam lên tiếng
vào đúng 0 giờ ngày 10 tháng 2 năm 1948, tức là phút Giao thừa năm Mậu Tý, thay
cho Đài phát thanh sơ tán tạm thời đã có sẵn ở khu vực Ba Bể, chợ Rã. Việc này
có ý nghĩa vô cùng quan trọng là để Bác Hồ, Đảng và Nhà nước chúc Tết nhân dân
vào thời điểm thiêng liêng nhất của năm mới, đồng thời cũng là để thông báo cho
nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và nhân dân thế giới biết sự thất bại
nhục nhã của bọn thực dân xâm lược Pháp trong cuộc tấn công điên rồ của chúng
lên chiến khu Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến thần thánh của nhân dân ta.
Biết rõ việc trên đây là hết
sức khó khăn. Tuy nhiên, đây là một việc có ý nghĩa chính trị đặc biệt, nên
toàn xưởng vô tuyến điện, dưới sự chỉ đạo của Sở Vô tuyến điện Việt Nam đã hạ
quyết tâm, động viên nhau dù có khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua, đoàn kết,
tận tâm, tận lực làm cho bằng được. Do được dân chủ bàn bạc kỹ, lên kế hoạch
chu đáo, phân công tỉ mỉ đến từng người, từng bộ phận; triển khai gấp không kể
ngày đêm, gặp khó khăn trở ngại gì là lại bàn bạc, trao đổi giải quyết ngay,
nên cuối cùng chỉ thị của trên cũng đã được thực hiện nghiêm chỉnh. Đài phát
thanh tiếng nói Việt Nam mới đã được xây dựng xong, hoàn thành trước ngày quy định.
Đúng vào phút Giao thừa năm Mậu Tý, đài đã lên tiếng với chất lượng âm thanh tốt
hơn hẳn mọi ngày trước, đặc biệt là với một nội dung thật hấp dẫn, phấn chấn,
đáp ứng lòng chờ mong của nhân dân ta ở khắp nơi và bạn bè toàn thế giới; động
viên đồng bào và chiến sĩ cả nước xông lên giết giặc lập công, tin tưởng vào thắng
lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Sau 2 tháng tấn công lên Việt
Bắc, quân Pháp đã bị thất bại thảm hại, phải rút chạy, bỏ lại trên chiến trường
nhiều xác chết và nhiều quân trang, vũ khí, quân dụng trong đó có cả những máy
móc, thiết bị thông tin, nhất là thiết bị thông tin vô tuyến điện.
Nghỉ ngơi trong dịp Tết
Nguyên đán mấy ngày, Xưởng thông tin vô tuyến điện theo kế hoạch chỉ đạo của Bộ
lại bắt tay vào việc khôi phục lại nhà cửa, nơi ăn, ở, nơi sản xuất, lắp đặt
trang thiết bị, máy móc ở một địa điểm mới kín đáo, an toàn hơn, nhưng cũng
khang trang, tiện nghi hơn, phù hợp với yêu cầu sinh hoạt, yêu cầu sản xuất và yêu
cầu quân sự. Trong việc này, Xưởng Vô tuyến điện đã tiến hành với khí thế chiến
thắng chung, đồng thời về vật chất kỹ thuật còn tận dụng được nhiều loại máy
móc, thiết bị thông tin chiến lợi phẩm thu lại được từ các mặt trận gửi về. Đồng
thời, vừa sửa chữa khôi phục, anh em công nhân vừa tranh thủ lắp ráp được một
loạt máy SX-A1, rồi SX-A2 kịp thời đáp ứng được một phần yêu cầu phát triển của
Quân đội ta lúc này.
Đến năm 1951, Xưởng vô tuyến
điện thuộc Sở Vô tuyến điện Việt Nam được hợp nhất với Xưởng thông tin CRL của
Bộ Tổng Tham mưu và Xưởng Vô tuyến điện Tây Bắc thành Xưởng 82 trực thuộc Cục
Thông tin liên lạc. Xưởng được chuyển về xây dựng tại Nà Guồng, Định Hóa, Thái Nguyên.
Sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, xưởng được chuyển về Hà Nội. Những
năm sau này, khi sáp nhập thêm một số xưởng khác vào, xưởng được đổi tên thành Nhà
máy Thông tin M1. Đến năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống, nhà máy
được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn
“Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
----------------------------
1 Đài đã được thay thế bằng các cơ sở dự bị đã được
chuẩn bị trước ở nơi an toàn.
2 Vì xưởng được giao nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho
các cơ sở trên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét