22/10/24

Đài vô tuyến điện LĐ1

Nguyễn Tấn (nguyên Trưởng đài LĐ1)

Vào khoảng cuối tháng 10 năm 1946, trong khi đang công tác ở Bộ Tư lệnh tiếp phòng quân, tôi được lệnh của Bộ Tổng Tham mưu nhận nhiệm vụ mới. Tôi được cử phụ trách một đài lưu động đặc biệt của Bộ, lấy phiên hiệu là LĐ1...

Tôi và anh Minh, sau có anh Hồng phụ trách máy nổ được đưa đến ở một thôn thuộc vùng Mai Lĩnh, chúng tôi được trang bị một bộ máy MK2 (do Canada sản xuất) có máy nổ và ắc quy khá tốt.

Nhiệm vụ của đài tuy không được công bố chính thức, nhưng chúng tôi ngầm hiểu rằng đài sẽ phải thay thế đài trung tâm khi chiến tranh nổ ra.

Chúng tôi được lệnh bắt liên lạc và đặt giờ liên lạc với tất cả các đối tượng mà đài trung tâm của Bộ ở ấp Thái Hà đang liên lạc. Chúng tôi thực hiện đầy đủ, duy chỉ có một đài ở Nam Bộ là liên lạc rất khó, phải chờ quá nửa đêm mới liên lạc được và chỉ làm được đến 2 giờ sáng là không thể nào tìm được nhau nữa. Các giờ liên lạc hàng ngày vẫn đảm bảo đều đặn nghiêm túc, nhưng chẳng có việc gì cả, chỉ gọi nhau, tiếp xúc được là báo không có việc gì, thế là xong. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu cũng gửi một bức điện cho nơi này hoặc nơi khác. Có lẽ chỉ để thử, để kiểm tra. Ở các thôn, các xóm xung quanh chúng tôi, cũng có các bộ phận của Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tổng tư lệnh đóng, nhưng mỗi bộ phận chỉ có vài người. Một hôm tôi đang ngồi buồn thì đồng chí liên lạc đến báo có thượng cấp đến thăm. Ngay sau đó có ba người đi vào, tôi nhận ngay ra một người là đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vì đồng chí đã là thầy giáo của tôi khi tôi học ở trường Thăng Long. Tôi rất xúc động và bối rối, chưa biết chào hỏi ra sao, vừa đứng dậy thì đồng chí đã đi rất nhanh đến bắt tay tôi và với ánh mắt tươi cười sáng như sao hỏi tôi bằng một giọng ôn tồn, ấm áp: “Đồng chí phụ trách đài phải không?”. Tôi thưa vâng. Đồng chí hỏi: “Máy móc tốt không?”. Sau khi tôi trả lời, đồng chí khen tốt và đi xem các máy. Khi xem máy nổ, đồng chí hỏi: “Có đủ xăng chạy không? Phải dự trữ nhiều xăng đấy nhé”. Sau vài câu hỏi chuyện vui của đồng chí, tôi đánh bạo nói: “Thưa thầy, em là học sinh của thầy khi thầy dạy ở trường Thăng Long, không biết thầy có nhớ không?”.

Đồng chí Tổng tư lệnh cười tươi và trả lời: “Làm sao thầy nhớ được hết trò. Nhưng là học trò ở trường Thăng Long thì phải làm việc cho thật tốt đấy nhé! Chúng ta sẽ có nhiều việc làm đấy!”. Cuộc gặp gỡ với đồng chí Tổng tư lệnh, với thầy giáo cũ của mình, mà sau này trở thành danh tướng trong lịch sử dân tộc, làm sao tôi có thể quên được.

Đêm 19 tháng 12 năm 1946, vừa làm xong phiên liên lạc cuối cùng, chúng tôi đang chuẩn bị đi nghỉ, chờ tới không giờ ba mươi (0h30) làm với đài Nam Bộ thì những tiếng đại bác nổ từ bầu trời Hà Nội vọng lại. Chúng tôi chạy ra sân thấy vầng sáng điện trên bầu trời Hà Nội đã tắt ngấm và những chớp lửa nhịp nhàng lóe lên từ một phía. Chúng tôi biết ngay giờ phút lịch sử của dân tộc đã điểm. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ. Chúng tôi ngây ngất trong một cảm xúc khó tả: lo lắng vì chiến tranh đã đến, nhưng mừng vì thời cuộc đã rõ ràng, không còn nhập nhằng, chỉ có một con đường sống chết với quân thù để giữ được nền độc lập của Tổ quốc, mà chúng tôi bao giờ cũng tin rằng nếu phải chiến đấu nhất định chúng ta sẽ thắng. Bên sân mấy nhà hàng xóm lao xao, chắc họ cũng có tâm trạng bồi hồi như chúng tôi. Bỗng có mấy người tiến nhanh vào. Tôi nhận ra người đi giữa là một đồng chí lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu. Anh hỏi nhanh: “Các đồng chí vẫn thức cả à?”. Tôi trả lời: “Vâng thưa anh! Chúng tôi ngủ sao được!”. Anh cười: “Đúng, các đồng chí rõ cả rồi chứ?”. Tôi nói: “Vâng, chiến tranh đã nổ ra”.

Anh hỏi: “Máy móc vẫn tốt cả chứ? Đảm bảo liên lạc với các nơi được không?”.

Tôi trả lời: “Vâng, thưa anh chúng tôi sắp làm với Nam Bộ”. Một đồng chí đưa cho tôi một bức điện tối khẩn hỏa tốc. Anh bảo: “Chuyển ngay nhé, càng sớm càng tốt. Thế là Nam Bộ lại là nơi nhận được trước tiên phải không?...”.

Anh cười và mấy anh vội vàng đi ngay. Thế là từ đó, điện báo tới tấp đưa đến. Chúng tôi cực kỳ mệt nhọc. Đài Trung tâm ở Hà Nội đã ngừng hoạt động. Trong tuần đầu, chỉ có đài chúng tôi, đài LĐ1 là đài duy nhất hoạt động được, hoàn toàn thay thế Trung tâm của Bộ. Trong khi đó chúng tôi chỉ có 2 báo vụ: tôi và anh Minh, còn anh Hồng phụ trách máy nổ. Anh Minh lúc đó làm việc chưa thạo, nên mình tôi phải cáng đáng nhiều, nhất là giờ làm đêm với Nam Bộ, chỉ có tôi mới đảm bảo được. Còn đài cứ khoảng 2 ngày phải di chuyển một lần.

Tuần đầu, tôi làm việc quên ăn, quên ngủ. Hơn một tuần tập trung cực kỳ căng thẳng đã làm tôi bị đau mắt đến gần như toét nhèm. Có một chuyện kỳ lạ mà đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao?

Đêm ấy, đài chuyển sang một làng khác. Tôi phải làm việc với Nam Bộ đến gần 2 giờ sáng. Trong khi đó thì anh em đã chuyển dần đi. Đến phút cuối cùng, khi tôi vừa tắt máy thì anh em tháo ăngten, khiêng máy và ắc quy đi. Tôi mệt quá nên nằm ngả ra tranh thủ chợp mắt. Anh em chuyển đi hết mà quên không gọi tôi. Khoảng 4 giờ sáng, tôi sực tỉnh, bàng hoàng thấy mình nằm trơ ra một mình, chẳng còn ai cả. Gia đình chủ nhà nằm ở nhà dưới đều đang ngủ say sưa, tôi lại chưa biết đường đi đến địa điểm mới. Nhưng tôi cứ loạng choạng mò đi trong đêm tối, tôi cứ đi, cứ đi trong đường làng ngoắt nghéo, ra khỏi làng đi qua một cánh đồng, sang làng khác, rồi lại cứ đi sâu vào trong làng như một người mộng du... Bỗng đến một căn nhà có ánh đèn, có tiếng người nói. Tôi đập cửa. Người ra mở cửa ồ lên: “Ồ! Anh Tấn đây rồi! Làm sao anh đi được đến đây? Chúng tôi định cứ để anh ngủ rồi 5 giờ sáng sang đón anh”. Tôi ngơ ngác, mệt quá lại nằm lăn ra ngủ thiếp đi.

Đến khi có thêm anh em bổ sung, có thêm đài LĐ2 hoạt động, công việc không còn quá căng thẳng nữa, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đến hiện tượng kỳ lạ đó, mà tôi không bao giờ hiểu nổi.

Phải chăng đó chỉ là sự tình cờ kỳ diệu?... hay một sức mạnh tâm linh như những nguồn sóng vô tuyến truyền cảm huyền bí?... Hay tinh thần trách nhiệm và tình yêu gắn bó sâu đậm của tôi với điện đài mà tôi phụ trách, phương tiện duy nhất vào thời điểm đó nối liền Bộ Tổng tư lệnh với các đơn vị trong toàn quân?... đã tạo ra một lực lượng vô hình dắt tôi trong đêm tối đến nơi cần đến với khoảng cách đến 2 cây số mà trước đó tôi chưa hề biết.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét