19/10/24

Nhớ lại một thời làm lính thông tin Đoàn quân Tây tiến

Đại tá Phạm Ngọc Chuẩn

Sau ngày Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội, chúng tôi được lệnh chuẩn bị một tổ đài vô tuyến điện theo phục vụ Đoàn quân Tây tiến đánh bọn tàn quân Pháp ở Vân Nam - Trung Quốc đang lăm le quay lại vùng Tây Bắc nước ta, đồng thời cũng để dè chừng bọn “Tầu Tưởng” mà chúng tôi quen gọi là bọn “Tầu phù” với danh nghĩa quân Đồng minh vào Việt Nam giải giáp quân Nhật.

Lúc này Sở Vô tuyến điện Việt Nam, nơi chúng tôi công tác vừa giành lại được từ tay bọn Nhật, đang bộn bề trăm việc. Sở phải tổ chức lại toàn mạng vô tuyến điện để Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy toàn quân, toàn quốc; lại còn phải đảm trách phần kỹ thuật phát sóng cho Đài Tiếng nói Việt Nam, với yêu cầu phát sóng đúng vào ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình.

Tuy vậy, Giám đốc Sở đã cử tôi và anh Trần Viêm, là hai kỹ thuật viên tách ra khỏi tổ phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam sang làm việc này. Chỉ trong vài ngày, hàng tạ thiết bị thu phát vô tuyến điện, vật tư, máy phát điện, pin nước, xăng dầu... đã được kiểm tra, bao gói sẵn sàng.

Sáng ngày 3 tháng 9 năm 1945, đoàn chúng tôi lên đường. Đồng chí Nguyễn Công Môn, một đài trưởng kỳ cựu được cử làm trưởng đoàn. Tôi và anh Trần Viêm là hai kỹ thuật viên trẻ, vốn là học sinh trường kỹ nghệ Hà Nội, tốt nghiệp loại ưu, phụ trách kỹ thuật. Đài còn có 3 hiệu thính viên có tay nghề giỏi.

Vào thời kỳ này, đường từ Hà Nội lên Tây Bắc rất khó đi, không có đường ô tô. Do vậy, chúng tôi đành phải hành quân bộ. Khi đến thị trấn Phương Lâm, Hòa Bình, được sự giúp đỡ của chính quyền và các đoàn thể Việt Minh, chúng tôi chuyển xuống thuyền, ngược sông Đà lên Suối Rút, rồi Vạn Yên. Tới Vạn Yên, khi thuyền vừa cập bến, chúng tôi được một phân đội Tây tiến đã túc trực chờ sẵn, bốc hết số thiết bị, vật tư lên bờ rồi chuyển về bản Vật, cách huyện lỵ Mộc Châu chừng 5 cây số. Chúng tôi đóng quân tại tư dinh ông La Văn Minh, Chủ tịch lâm thời Ủy ban hành chính tỉnh Sơn La. Nơi đây bấy giờ cũng là bản doanh của Chi đội Tây tiến và nhiệm sở Cơ quan đại diện Tổng bộ Việt Minh tại Sơn La.

Đến bản Vật, chúng tôi triển khai ngay công việc đặt đài và rất may mắn, ngay buổi lên máy đầu tiên đã bắt được liên lạc với Hà Nội, với tín hiệu khá tốt QSA4, khiến chúng tôi vui mừng khôn xiết.

Đài làm việc luôn từ buổi đó. Tuần đầu 4 phiên/ngày với Hà Nội. Từ tuần thứ hai trở đi, do yêu cầu nhiệm vụ đài duy trì phiên liên lạc tăng từ 2 đến 3 lần. Đồng chí Lê Hiến Mai và Hoàng Sâm còn yêu cầu chúng tôi chuẩn bị gấp cho một đài đi phục vụ bộ đội đang làm nhiệm vụ ở Tuần Giáo, Sơn La và Bắc Lào.

Trước yêu cầu đó, chúng tôi điện về Hà Nội xin thêm thiết bị. Việc chở được thiết bị lên không dễ nên chúng tôi nghĩ cách tìm đến các cơ sở bưu điện cũ ở Mộc Châu, Vạn Yên tìm kiếm các điện đài cũ của Pháp bỏ lại trong các kho đồ nát. May thay, sau một vài ngày chúng tôi đã lượm được một số máy thu phát vô tuyến điện cũ nát mang về lau chùi, phơi sấy, sửa chữa, lắp ráp lại thành 3 bộ máy thu phát vô tuyến điện đồng bộ, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ.

Cùng lúc các thiết bị vừa chuẩn bị xong thì nhận được lệnh lên đường. Đồng chí Trần Viêm mang đài lên Tuần Giáo. Tôi mang một đài theo đại đội Lê Tuấn Sơn vượt đèo Pa Háng sang Bắc Lào đánh bọn tàn quân Pháp vừa từ Vân Nam - Trung Quốc sang cướp phá làng bản của đồng bào các dân tộc Lào anh em. Cuộc tiến quân khá khẩn trương, vất vả, nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhân dân Lào nên chỉ sau 2 ngày chúng tôi đã áp sát thị xã Sầm Nưa. Tuy nhiên, tại đây, chúng tôi được trinh sát cho biết tàn quân Pháp đánh hơi thấy quân Việt Minh sang, chúng đã rút chạy khỏi thị xã từ hơn một ngày trước. Ngay lập tức, hai phân đội được lệnh khẩn trương truy kích địch, hai phân đội còn lại chuẩn bị vào tiếp quản thị xã. Sáng sớm hôm sau, đội ngũ chỉnh tề, dẫn đầu là đại đội trưởng Lê Tuấn Sơn, quân ta tiến vào thị xã Sầm Nưa. Bà con Việt kiều đã từng sống ở đây nhiều đời cùng bà con các dân tộc Lào ở thị xã và các vùng xung quanh ra chào đón khá đông, tay cầm cờ đỏ sao vàng, tay tung hoa, hô vang những khẩu hiệu: “Hoan hô bộ đội Giải phóng Việt Nam!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào muôn năm!”.

Vào tiếp quản thị xã, trước mắt chúng tôi là ngổn ngang quân trang, quân dụng và một số vũ khí của tàn quân Pháp để lại không kịp mang theo rải rác khắp dọc đường tháo chạy. Chúng tôi đã vận động bà con trong thị xã làm tổng vệ sinh đường phố, nhà cửa, mở lại trường học, trạm xá; mở lại các cửa hàng, cửa hiệu. Nhân dân tự do buôn bán, tự do sản xuất, thành lập các đội dân quân, tự vệ luyện tập quân sự và bảo vệ thôn bản.

Lại nói về việc tổ chức liên lạc, chiếc điện đài mang theo đại đội khi vào tiếp quản thị xã Sầm Nưa được lắp đặt chính quy ngay tại Sở chỉ huy có ăngten định hướng nên dù chỉ là chiếc máy phát 20W Mesny cũng liên lạc với Hà Nội, Mộc Châu rất tốt. Đài còn làm nhiệm vụ thu tin thông tấn xã Việt Nam, thu tin Đài tiếng nói Việt Nam chỉ bằng chiếc máy thu Schnell đơn giản để cung cấp thông tin cho bộ đội và nhân dân. Mọi người rất phấn khởi.

Đã 57 năm trôi qua, những kỷ niệm về đoàn quân Tây tiến chiến đấu giúp bạn luôn khơi dậy trong tôi những kỷ niệm rất đẹp về tinh thần đoàn kết, dũng cảm của bộ đội, về hình ảnh những người bạn Lào chất phác, thật thà rất dễ gần gũi, về những bà mẹ Lào nhân hậu, về những cô gái Lào xinh xắn luôn có nụ cười tươi tắn trên môi, về một thị xã Sầm Nưa nhỏ bé nhưng rất thơ mộng, quyến rũ và đã được chúng tôi mệnh danh là "thị xã hoa hồng" của thảo nguyên xanh kỳ thú; một thị xã mà trên khắp các ngả đường, ngõ phố chỗ nào cũng rực đỏ hoa hồng tỏa hương thơm mát dịu, làm vợi đi những vất vả, nhọc nhằn và như còn làm thắm thêm tình bạn chiến đấu Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Hà Nội, ngày 14-1-2002

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn "Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1") 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét