Phạm Đức Chung
Sau Thu Đông 1947, giặc Pháp
vừa rút khỏi Việt Bắc, tôi đi từ Bố Hạ qua Bắc Sơn giữa núi rừng âm u, suối sâu,
núi cao thỉnh thoảng lại thấy những bản làng cháy trụi, thóc lúa bị đốt, khói
còn âm ỉ xen lẫn mùi hôi tanh của những đàn trâu bị giặc bắn chết, nhiều nhất
là cánh đồng Cù Vân nói lên tội ác và mưu đồ của chúng: làm cho các tỉnh miền
núi không nuôi nổi bộ máy kháng chiến và bộ đội ta. Ngày đi, đêm nghỉ, chân đất,
đầu đội chiếc mũ nồi, vai đeo bị theo các anh liên lạc đặc biệt lên Đại Từ. Đó là
ngày tôi vào bộ đội.
Thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ
trôi qua, mỗi khi nhớ lại thấy ta đã có những năm tháng đầy tự hào của thời
trai trẻ. Đẹp làm sao tuổi 16! Khó khăn gian khổ vẫn vui vẻ nhẹ nhàng như
không, càng yêu núi rừng khe suối có chim hót trong sớm ban mai, tiếng trâu gõ
mõ khi sương chiều lan tỏa...
Mình về mình có nhớ ta,
... Trám bùi để rụng, măng
mai để già.
Các mế, các chị, các em
trong bản gọi chúng tôi là anh bộ đội - thân thiết, gần gũi. Nhưng chúng tôi chỉ
mặc bộ bà ba nâu, mùa đông có áo trấn thủ, làm gì có quân phục, mũ sao. Nhân
dân Việt Bắc nơi quê hương cách mạng, thủ đô của kháng chiến đã đùm bọc, che chở,
nuôi dưỡng với tình cảm mộc mạc coi bộ đội như con em mình. Trạm chúng tôi đóng
trong nhà dân, có tên gọi "Xì-Bê" (xóm Bưởi) được "cả làng chuyển
đạt "từ Khu 4, Khu 3 trở ra, Khu 10, Khu 12 biết tới. Vì là trạm đầu mối
chuyển công văn, tài liệu từ Bộ Tổng chỉ huy tới các đơn vị và ngược lại, trạm
theo sát cơ quan Bộ. Những con người của trạm với các biệt danh: Khoát "sứt",
Huyền "già", Tấn "khoèo", Liên "con", Chung
"bụ", Hiển "béo"... chưa đầy chục con người ngày đêm miệt
mài làm việc, sống gắn bó tình cảm, thương yêu chăm sóc nhau như anh em một
nhà, nhường nhau từng viên thuốc lúc ốm đau. Có bữa cả trạm ăn một quả trứng
không hết vì quá mặn, đói gạo có măng rừng, mặc rét thì đốt lửa sưởi, đêm lạnh
ta nằm úp thìa, cuộc sống vẫn tươi vui. Ngày qua ngày, công việc của trạm cứ chạy
đều như con suối mải miết chảy mãi tới biển khơi. Trong lòng mỗi người đều ấp ủ
sao cho chóng đến ngày "Độc lập" được trở lại Thủ đô.
Hôm nay, có những người đã
ra đi (anh Huyến, anh Liên) nhưng còn lại quanh Hà Nội; người ít tuổi nhất cũng
ngoài 60, cao tuổi như bác Khoát (Khâm Thiên) phải trên 80. Hàng năm vào ngày
12 tháng Chạp - ngày khai sinh ra liên lạc đặc biệt (12-12-1946) là ngày gặp mặt.
Năm mươi năm rồi! Khi xưa ai
đâu nghĩ tới những buổi gặp mặt nghĩa tình ấy của những chiến sĩ liên lạc đặc
biệt, các cụ, các bác, các bà đến với nhau với niềm vui hội ngộ của tuổi già. Cảm
động hơn cả còn được đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự như năm nào đó giữa
núi rừng Việt Bắc, những cánh chim liên lạc ngày đêm đến bản doanh của Bộ Tổng
chỉ huy đảm đương nhiệm vụ thiêng liêng: bảo đảm thông tin liên lạc.
Hà Nội, ngày 7-10-1996
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét